Hàng loạt quan chức chính quyền Mỹ đã tới Israel vài ngày qua. Ngoại trưởng Antony Blinken tuần trước thăm Israel, Jordan và nhiều nước Trung Đông trong chuyến công tác con thoi. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Israel để gặp các đối tác cũng như chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông. Hai nhóm tàu sân bay Mỹ đã được triển khai tới phía đông Địa Trung Hải để hỗ trợ thêm cho đồng minh.
Giờ đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị tới Israel trong nỗ lực kiềm chế cuộc xung đột đang leo thang nhanh chóng giữa nước này với nhóm Hamas, vốn có nguy cơ lan rộng ra khu vực. Chuyến đi mang theo nhiều kỳ vọng nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức.
Theo một nguồn tin của Nhà Trắng, ngay khi thông báo về chuyến đi, Tổng thống Biden đã khiến Israel trì hoãn chiến dịch tấn công hiệp đồng đã được lên kế hoạch nhằm vào Dải Gaza. Quân đội Israel khi đó thông báo hoãn tiến công vì "thời tiết xấu".
Quân đội Israel hôm nay cũng thông báo rằng giai đoạn tác chiến tiếp theo của họ có thể không phải là đợt tấn công tổng lực bằng bộ binh vào Dải Gaza như đồn đoán. Giới quan sát cho rằng chỉ riêng điều này đã cho thấy rằng ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn có thể hạ nhiệt một cuộc xung đột vốn đã bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Nhưng chuyến đi cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra nhận thức rằng Mỹ chính là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay tại Dải Gaza, trong bối cảnh một bệnh viện tại đây vừa bị tập kích, khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Hamas nói quân đội Israel đứng sau cuộc tấn công, nhưng Tel Aviv bác bỏ cáo buộc, cho rằng một quả rocket do nhóm vũ trang Gaza phóng lên đã gây ra thảm kịch.
Theo Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, tập trung vào chính sách đối ngoại Mỹ, trong chuyến thăm Israel, Tổng thống Biden "sẽ muốn thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mở một hành lang nhân đạo ổn định, đáng tin cậy nhằm cho phép chuyển hàng viện trợ vào khu vực phía nam Dải Gaza".
Đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, những nỗ lực chính quyền Mỹ đang theo đuổi bị cản trở bởi thời gian, không gian và các yếu tố chính trị. Israel đã ra thời hạn 24 giờ để người dân ở phía bắc Gaza, nơi có dân số ước tính khoảng 1,1 triệu người, sơ tán tới miền nam. Tuy nhiên, đích đến của họ hiện thiếu thốn nghiêm trọng dịch vụ xã hội cùng những nhu yếu phẩm cơ bản khác. Trong khi đó, Hamas đang ngăn cản người Palestine rời đi, Ai Cập từ chối tiếp nhận họ, các cuộc không kích và phong tỏa từ phía Israel khiến việc di chuyển trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Các quan chức Mỹ muốn những kế hoạch nhân đạo cho Gaza được thực hiện đầy đủ trước bất kỳ cuộc tấn công nào, mô tả nhiệm vụ đó là một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Biden trong chuyến thăm Tel Aviv.
Ông chủ Nhà Trắng đến nay đã đưa ra những cảnh báo đều đặn và ngày càng mạnh mẽ hơn về việc bảo vệ sinh mạng dân thường.Việc ông đến thăm Israel có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ cơ hội tốt hơn để truyền đạt những quan điểm đó tới Thủ tướng Netanyahu.
Theo một số chuyên gia, Tổng thống Biden lâu nay luôn cho thấy ông đứng về phía Israel và những bình luận ông đưa ra sau cuộc đột kích hôm 7/10 của Hamas đã được người Israel đón nhận với lòng cảm kích. Nhưng ông cũng là người cần thẳng thắn nói với Thủ tướng Netanyahu sự thật rằng việc không ngừng ném bom vào người Palestine hay một cuộc tấn công toàn diện trên bộ ở Dải Gaza sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với Israel, Mỹ và cả Trung Đông.
Những người nắm giữ chính sách đối ngoại chủ chốt của chính quyền Biden đã nhận ra xung đột giữa Israel và Hamas tồi tệ đến mức nào và có thể lan sang các nước khác trong khu vực và thậm chí xa hơn nữa. Nhưng nếu Israel không thể cam kết ngừng ngay lập tức hành động phong tỏa nguồn nước, thực phẩm, thuốc men và hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine đang gặp khó khăn ở Gaza, Tổng thống Biden có lẽ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận thông thường của mình và lên tiếng công khai.
Điều đó có thể bao gồm việc đối thoại trực tiếp với người dân Israel và cả người dân Palestine để truyền đạt rằng ông hiểu rõ thảm cảnh của họ và đang làm mọi thứ có thể nhằm ngăn chặn bạo lực, theo bình luận viên kỳ cựu Jonathan Guyer từ Vox.
Không quốc gia nào có nhiều đòn bẩy với Israel hơn Mỹ, nhờ hàng trăm tỷ USD viện trợ và mối quan hệ gắn bó trong nhiều thập kỷ. Guyer nhấn mạnh Tổng thống Biden lúc này phải biến mối quan hệ thân thiết đó thành động lực khiến Israel phải lắng nghe và chuyến thăm chuẩn bị diễn ra dường như là cơ hội tốt nhất.
Xung đột lan rộng ở Trung Đông là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của chính quyền Biden. Nó có thể dẫn đến tổn thất nhân mạng tồi tệ hơn, thu hút nguồn lực và mối quan tâm khỏi Ukraine, đồng thời đẩy giá dầu tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kịch bản dễ xảy ra nhất là giao tranh giữa Hezbollah, nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, và Israel tại khu vực dọc biên giới phía bắc nước này, và thậm chí có thể là giao tranh trực tiếp giữa Iran và Israel. Phần lớn chính sách ngoại giao gần đây của Mỹ đều hướng tới tránh kịch bản trên.
Giới phân tích nhận định chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cam kết của Mỹ đối với Israel, qua đó làm chùn bước những bên đang muốn lợi dụng tình hình để gây khó khăn cho Tel Aviv.
Một kỳ vọng khác từ chuyến thăm là Tổng thống Biden có thể giúp tháo gỡ phần nào cuộc khủng hoảng con tin đang gây đau đầu cho cả Tel Aviv lẫn Washington.
"Tôi không có ưu tiên nào cao hơn an toàn của những người Mỹ đang bị bắt làm con tin trên khắp thế giới", ông nói vào tuần trước. Trong khoảng 200 con tin trong tay Hamas, có ít nhất 5 người là công dân Mỹ.
Các quan chức Mỹ đang tiến hành nỗ lực ngoại giao để các con tin được tự do và sẽ ăn mừng bất kỳ thành công nào. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng Hamas khó có thể thả con tin bởi họ hiện tại là "quân bài mặc cả" giá trị nhất của nhóm vũ trang này. Trong trường hợp đó, Mỹ có khả năng sẽ tư vấn cho Israel về các chiến dịch giải cứu.
Dù vậy, cuộc tấn công bệnh viện ở miền trung Dải Gaza đang làm phức tạp thêm đáng kể những mục tiêu của Tổng thống Biden trong chuyến thăm Israel.
"Sự kiện này khiến hoạt động ngoại giao trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng", Richard Gowanm, giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Liên Hợp Quốc, nhận định. "Chuyến thăm của Tổng thống Biden nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ đang kiểm soát được tình hình. Một sự cố bi thảm như vậy cho thấy việc kiểm soát cuộc chiến khó khăn đến mức nào".
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Vox, CNN)