The Load Star dẫn lời chuyên gia phân tích John Fossey từ hãng tư vấn vận tải đường biển Drewry Shipping Consultants (Anh) rằng dưới tác động của Covid-19, cuộc khủng hoảng container rỗng đã diễn ra trên toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu do lượng container đang bị phân bổ không hợp lý và thiếu nguồn nhân lực.
Báo cáo cuối năm 2021 tại Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) cho thấy thiếu hụt container rỗng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn cảng biển, đẩy giá vận tải leo thang. Nếu tình trạng này không được giải quyết, ước tính đến 2023, giá nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 10,6% và giá tiêu dùng tăng 1,5%, tác động trực tiếp tới hoạt động chi tiêu, mua sắm của người dân.
Còn tại Việt Nam, theo Đặng Việt Hùng, CTO của Smartlog, việc phân bổ chưa hợp lý container rỗng và không tối ưu nguồn lực của ngành logistics không chỉ là gánh nặng cho nền kinh tế, khiến giá tiêu dùng tăng mà còn gây ra những vấn đề về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Bài toán tối ưu container rỗng
Đầu năm 2018, sau một thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản, Đặng Việt Hùng về nước với tấm bằng Thạc sĩ Công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm làm việc tại các dự án liên quan đến những thương hiệu lớn như Toyota, Habuyasha, Tsudakoma...
"Khi đó, tôi gặp anh Kurt Bình, nhà sáng lập Smartlog, và bất ngờ khi biết chi phí cho lĩnh vực logistics Việt Nam đang chiếm hơn 20% tổng sản lượng GDP quốc gia. Đây là con số cao vì ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ 11%", Hùng nói và tin rằng công nghệ có thể giải được những bài toán của logistics Việt.
Anh cho biết, mô hình logistics truyền thống của Việt Nam trong quy trình xuất nhập khẩu chia làm hai chặng. Ở chặng đầu, container được kéo từ cảng về kho, tại đây hàng hóa được bốc dỡ, xếp vào kho. Chặng thứ hai, container rỗng được kéo về điểm tập kết.
Tương tự với quy trình xuất khẩu, chặng đầu xe đến điểm tập kết lấy container rỗng và kéo về kho để xếp hàng. Sau đó, container được kéo ra cảng để xuất khẩu.
"Như vậy, có hai chặng container rỗng, gây lãng phí khoảng 30% chi phí vận chuyển, đồng nghĩa nhà sản xuất, đối tác và người dùng phải chịu thêm khoản tương ứng", Hùng giải thích. "Bên cạnh đó, phí trung bình cho mỗi lần nâng lên hoặc hạ xuống container khi trả hoặc mượn là 25 USD. Giảm hai khâu này sẽ tiết kiệm được 50 USD cho mỗi container rỗng".
Anh và đội ngũ kỹ sư Smartlog quyết định xây dựng hệ sinh thái logistic có thể kết nối nhiều điểm chạm. Bài toán đầu tiên là giải quyết việc các container rỗng đang di chuyển trên đường và tối ưu hóa quy trình để tiết kiệm chi phí bến bãi, vận chuyển.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng hệ thống logistics, Hùng cho biết đã đặt dữ liệu là điều kiện quan trọng nhất. "AI là bắt buộc, nhưng nếu không có dữ liệu, AI cũng vô nghĩa. Ví dụ khi có 1.000 đơn hàng và có 10 xe tải, AI phải dựa vào các dữ liệu doanh nghiệp có về quãng đường, thời gian phân bổ hàng hoá, đóng thùng, xếp container làm sao tối ưu để hàng hoá được giao đi với chi phí thấp nhất", anh giải thích.
Tiếp theo là ứng dụng AI và Big Data vào việc tính chi phí kho hàng. Dự trữ tồn kho lớn sẽ tốn kém, nhưng nếu dự trữ quá ít lại không đủ hàng giao. Bài toán đặt ra là tính toán cho chủ hàng biết dự trữ bao nhiêu là hợp lý. Cuối cùng, AI sẽ tham gia vào việc sắp xếp hàng hoá, vẽ đường di chuyển trong kho sao cho phù hợp với tất cả đơn hàng.
Hệ thống được chuẩn hóa năm 2019 và đã có khách hàng, nhưng bước ngoặt thực sự đến với Hùng và Smartlog vào cuối tháng 3/2021 khi siêu tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. WSJ ước tính, khoảng 18.000 container bị kẹt lại kênh đào, dẫn đến việc thiếu hụt container trầm trọng ở các cảng biển và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất nhập khẩu.
"Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ sự cố vì lượng container luân chuyển giữa các nước bị kẹt lại nhiều ngày. Sự thiếu hụt vô tình là cơ hội cho các giải pháp như Smartlog đang làm. Nhiều công ty chủ động tìm đến nền tảng tối ưu hoá dịch vụ container để giải quyết khủng hoảng, sau đó trở thành khách quen vì nhận thấy lợi ích mà công nghệ đem lại", Đặng Việt Hùng nói.
Đến nay hệ thống tối ưu dịch vụ container rỗng do Đặng Việt Hùng và các kỹ sư ở Smartlog xây dựng đã có khoảng 1.000 khách hàng với quy mô tương đương 10% lượng container có trên thị trường Việt Nam.
"Mong muốn xa hơn của tôi là đưa Việt Nam thành điểm sáng trên thị trường quốc tế bằng công nghệ, trí tuệ của người Việt. Sau khi góp phần thay đổi bộ mặt ngành logistics Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành số một Đông Nam Á, giá trị công ty đạt 100 triệu USD trong 5 năm tới", Hùng nói.
Ông Kurt Bình, nhà sáng lập kiêm CEO của Smartlog, đánh giá dấu ấn quan trọng nhất của Đặng Việt Hùng là đã gắn kết các nền tảng về kho bãi, vận tải rời rạc vào trong một hệ sinh thái. Trong đó, việc xây dựng lại các quy chuẩn công nghệ, đưa lên điện toán đám mây giúp hệ thống dễ dàng thay đổi quy mô là đặc biệt quan trọng.
Đặng Việt Hùng cũng là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ được vinh danh tại diễn đàn CTO Summit 2021 của VnExpress ngày 25/11/2021.
Kim Cương