Phạm Nam Long sinh năm 1989 tại Hà Nội và là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi toán - tin cấp quốc gia thời trung học. Hoàn thành chương trình phổ thông, anh lên đường du học tại Anh năm 2006, nhận học bổng toàn phần tại Đại học Cambridge và bảo vệ luận án thạc sĩ ngành máy học tại Đại học Bristol.
Sau khi tốt nghiệp, anh đến Thung lũng Silicon, trở thành nhân viên của Google rồi về Việt Nam sáng lập Abivin, cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng bằng AI, máy học. Năm 2019, startup của anh vượt qua các đội từ 40 quốc gia trên thế giới để giành giải Nhất cuộc thi Startup World Cup với giải thưởng trị giá một triệu USD.
Người trẻ nuôi khát vọng toàn cầu
Long kể, từ bé anh quen với các cuộc thi. "Lâu dần việc đi thi, giành giải thành niềm vui và cũng là mục tiêu của tôi. Cả khi qua Anh, dù chân ướt chân ráo vào trường Abbey College Cambridge năm 2006, tôi đã chủ động liên lạc với các thầy giáo và hỏi xem mình có thể tham gia các cuộc thi tin học, toán học, vật lý hay không", Long nói.
Anh liên tục ghi danh vào các cuộc thi cấp trường và cấp quốc gia. Năm đầu đại học, anh đã là du học sinh hiếm hoi giành Huy chương Đồng Olympiad Tin học Quốc tế và Huy chương Vàng Olympiad Toán học Anh. Một năm sau, anh tiếp tục đạt Huy chương Đồng Olympiad Vật lý Anh và Huy chương Bạc Olympiad Toán học Anh.
Kết thúc hai năm tại Abbey College Cambridge, Long nhận học bổng toàn phần tại ngành Khoa học máy tính tại Đại học Cambridge. Đến 2012, anh tiếp tục bảo vệ luận văn thạc sĩ tại đại học Bristol, chuyên ngành Machine Learning.
Dù tốt nghiệp tại Anh, Long luôn ấp ủ giấc mơ đến Thung lũng Silicon, chinh phục Google và xem nước Mỹ có gì mà những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất luôn bắt nguồn từ đây.
"Ước mơ gia nhập Google không đơn giản như tôi nghĩ. Mọi thứ ở Mỹ khác xa với những gì tôi hình dung, từ môi trường đến văn hoá. Phải đến lần nộp hồ sơ thứ ba, tôi mới tìm ra công thức để vào được Google. Mức lương khởi điểm lúc đó là 10.000 USD, khá hấp dẫn cho một sinh viên mới ra trường. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những trải nghiệm trên nước Mỹ đã thức tỉnh tôi và dẫn đến quyết định quay về Việt Nam khởi nghiệp", Long nhớ lại.
Những ngày ở Mỹ, anh dành nhiều thời gian để chu du từ bờ Đông sang bờ Tây. Long đã đi qua những vùng sa mạc khô cằn, lang thang ở thủ phủ công nghệ thế giới, quan sát sự ra đời của những kỳ lân công nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân toàn cầu. "Có hai thứ khiến tôi suy nghĩ không ngừng trong thời gian ở Mỹ. Một là nếu Thung lũng Silicon có thể sống được bằng công nghệ thì những nơi khác như Việt Nam cũng có thể. Hai là tinh thần khởi nghiệp sôi sục khắp cộng đồng người trẻ làm công nghệ tại đây. Mọi người có thể xây dựng lên những startup, giải quyết vấn đề toàn cầu từ con số 0 chứ không cần xuất thân từ những tổ chức lớn, lâu đời. Ai cũng có thể xây giấc mơ của mình với công nghệ, kể cả với những ý tưởng nghe có vẻ điên rồ. Đó là lý do tôi quay về Việt Nam", Long cho hay.
Công nghệ Việt chinh phục thế giới
Khi về Việt Nam, điểm dừng chân đầu tiên của anh là Cốc Cốc - trình duyệt do người Việt phát triển từng đứng thứ hai tại thị trường trong nước. Sau đó anh gia nhập Adatao - nền tảng xây dựng một hệ thống trí tuệ doanh nghiệp.
Sau khi tham gia vài công ty khởi nghiệp, anh bắt đầu tìm kiếm hướng đi riêng. Long chia sẻ: "Lúc đầu chưa nghĩ ra là mình sẽ làm cái gì, chỉ nghĩ là phải làm thứ xã hội thật sự cần. Trước khi bắt đầu với Abivin, tôi đi khắp nơi, tham khảo mọi kênh để xem doanh nghiệp thật sự cần gì. Vô tình tôi xem một bộ video về quản lý chuỗi cung ứng rồi ngỡ ngàng nhận ra đây đúng là cái mình đang tìm. Từ ôtô, máy bay cho đến những thứ chúng ta dùng ngày ngày trong cuộc sống như que kem, chai nước đều nằm trong chuỗi cung ứng cần được quản lý, vận hành".
Phải mất hơn một năm, Abivin mới có khách hàng đầu tiên. Khi đó, khái niệm về quản lý chuỗi cung ứng còn khá xa lạ ở Việt Nam. Mọi người nhắc nhiều đến chuyển đổi số, logistics nhưng gần như không quan tâm đến bài toán quản lý và tối ưu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Bước ngoặt với Long đến từ một người bạn cũ khi còn học tại Cambridge. Người này về Việt Nam và làm việc cho một nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới. Bài toán công ty đặt ra là giải quyết vấn đề về đơn hàng, vận tải.
"Lúc đó, đa số đều bỏ cuộc vì đề bài đặt ra khá thách thức. May mắn những gì đối tác cần lại chính là bài toán tôi từng giải quyết khi làm luận văn thạc sĩ. Vì bài toán khó, không ai làm nên tôi có cơ hội. Nếu chỉ làm những gì người khác cũng làm được, chắc chúng tôi không có cơ hội được lựa chọn", CEO Abivin nói.
Sau khi có khách hàng đầu tiên, anh và các đồng nghiệp tiếp tục chinh phục được nhiều đối tác lớn khác như DSV - một trong bốn công ty cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba lớn nhất thế giới; BCP - nhà phân phối sản phẩm P&G lớn nhất tại Indonesia; Coteccons - công ty xây dựng lớn tại Việt Nam; Tân Cảng Sài Gòn; A.O.Smith; Habeco...
Đến nay, Abivin triển khai thành công hơn 45 dự án tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia ở 7 nước Singapore, Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Nhật và Việt Nam. Nền tảng do công ty phát triển hiện xử lý hơn 70.000 chuyến hàng container và một triệu đơn hàng giao mỗi tháng.
Từ năm 2018 đến nay, công ty do Long dẫn dắt đã giành nhiều giải thưởng như giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Techfest Vietnam, Rice Bowl Startup cho startup xuất sắc về Logistics và Chuỗi cung ứng ở ASEAN, vô địch Startup World Cup, hay là nền tảng Việt duy nhất được vinh danh trong bốn startup châu Á - Thái Bình Dương tại Highway to a 100 Unicorns của Microsoft... Phạm Nam Long cũng là người Việt thứ năm nhận danh hiệu Doanh nhân ASEAN năm 2020 tại Diễn đàn tri thức quốc tế.
Chia sẻ về việc liên tục thắng các giải thưởng lớn, Long nói: "Ngoài những khác biệt về công nghệ, câu chuyện thời điểm vô cùng quan trọng. Nếu chung tôi đi thi hồi 2015 chắc chắn sẽ thất bại vì lúc đó chưa có khách hàng hay sản phẩm gì. Nhưng đến nay, mình không chỉ có khách hàng toàn cầu, giải quyết bài toán cho các doanh nghiệp quốc tế mà còn đưa ra tầm nhìn xa hơn. Trong khi mọi người tìm cách giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng, chúng tôi đã tính đến chuyện tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Đó là sự khác biệt với các đối thủ quốc tế".
Covid-19 và câu chuyện chuỗi cung ứng ở Việt Nam
Chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch khiến công suất giảm mạnh và giá cước tăng cao, đặc biệt với vận chuyển container. Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết, trong tháng 8, chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị gián đoạn ở mức chưa từng có tiền lệ do khó khăn ở khâu vận chuyển và áp lực với các hải cảng của quốc gia. Thời gian giao hàng kéo dài ở mức kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp.
Phạm Nam Long cho biết, dù Covid-19 kéo dài, startup của anh vẫn tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân giúp công ty trụ vững và phát triển là ứng dụng AI trong quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Anh cho biết, trong đại dịch, các đối tác của mình vẫn chủ động được tuyến đường vận chuyển, chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong khi vẫn đảm bảo an toàn vì hạn chế được tối đa các tiếp xúc, đáp ứng điều kiện thay đổi liên tục của địa phương. Khách hàng chỉ cần ngồi trước máy tính hoặc mở điện thoại là có thể biết xe hàng của mình đang đi đến đâu, lộ trình đúng kế hoạch không, thời gian bao lâu...
"Trước đây mọi người nghĩ máy móc không thể lập kế hoạch mà phải do con người. Còn chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong trên thế giới xây dựng nền tảng AI phục vụ cho quản lý chuỗi cung ứng", Long nói.
Thông thường, một người lên kế hoạch vận chuyển đơn hàng mất 2-4 tiếng, sau đó cần vài tiếng lập danh sách, làm báo cáo. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của AI, chuỗi cung ứng chỉ cần 15-30 phút để lập xong kế hoạch và báo cáo.
Anh Long lấy ví dụ, trước đây để xếp đầy hàng vào một container hoặc thùng xe tải, đơn vị vận chuyển cần người có nhiều năm kinh nghiệm để thực hiện. Ngoài vấn đề năng suất, một rủi ro khác là nếu người này nghỉ việc, doanh nghiệp mất rất lâu để tìm người thay thế, đào tạo. Với AI, hệ thống máy học hoàn toàn tính toán được chính xác diện tích của từng loại xe, loại hàng hoá, chất liệu, nhiệt độ, nên nằm ở vị trí nào tối ưu nhất và tự động lên kế hoạch vận chuyển. Chưa kể, máy học còn liên tục cập nhật, nâng cấp từ kết quả so sánh ngày trước với ngày sau, kế hoạch này với kế hoạch khác.
Theo 8X Hà Nội, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dựa vào thế mạnh về nguồn nhân công và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, nhiều chuỗi cung ứng đứt đoạn, doanh nghiệp bắt đầu nhận ra trong tương lai, vấn đề cạnh tranh không phải giữa công ty này với công ty kia, thành phố này với thành phố kia, mà là chuỗi cung ứng này với chuỗi cung ứng kia. Khi đó, ai quản lý tốt chuỗi cung ứng sẽ là người chiến thắng.
Lấy ví dụ Apple, để làm được chiếc iPhone, họ có các đối tác nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì kiểm soát tốt chuỗi cung ứng này, họ rất ít bị tác động bởi đại dịch hay khủng hoảng chip. Nếu một nhà máy bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngay lập tức họ có cách tìm chỗ khác bù đắp. Khi đó, chuỗi cung ứng đã vượt qua quy mô doanh nghiệp mà trở thành vấn đề của quốc gia.
"Trước đại dịch, gần như mọi người ít nghe về chuỗi cung ứng. Nhưng trong đại dịch, mối quan tâm đã cao hơn từ cấp độ quy mô doanh nghiệp lẫn quản lý nhà nước. Tôi tin người Việt hoàn toàn có thể giải quyết được những bài toán nhức nhối của thế giới và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19 cho đất nước", Long nhận định.
Phạm Nam Long là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ được vinh danh tại diễn đàn CTO Summit 2021 của VnExpress ngày 25/11.
Khương Nha