Chiều 24/2, lực lượng Nga từ Belarus vượt biên giới, nhanh chóng bao vây và kiểm soát cơ sở hạt nhân Chernobyl cách đó 16 km. Nhà máy hạt nhân này đã ngừng hoạt động sau thảm họa năm 1986, nhưng vẫn duy trì nhân sự và hệ thống giám sát nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Ngay sau khi kiểm soát nhà máy, lực lượng Nga đưa khoảng 170 lính vệ binh quốc gia Ukraine xuống giam trong tầng hầm, rồi bắt đầu lục soát toàn bộ cơ sở, tìm vũ khí và chất nổ.
Các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật và giám sát viên Ukraine được tiếp tục làm việc tại nhà máy. Trong hai ngày sau đó, cơ quan năng lượng hạt nhân Nga Rosatom điều thêm đội kỹ thuật đến Chernobyl.
"Họ muốn biết cơ sở được quản lý như thế nào. Họ yêu cầu mọi thông tin về quy trình, tài liệu và hoạt động của nhà máy. Tôi cảm thấy hoảng sợ vì họ hỏi liên tục, nhiều lúc rất quyết liệt", Oleksandr Lobada, giám sát viên an toàn hạt nhân tại nhà máy Chernobyl, kể lại ngày 8/4, sau khi lực lượng Nga rút khỏi đây.
Từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, hàng tỷ USD đã được huy động cho hoạt động khử độc và ngăn ô nhiễm hạt nhân lan rộng ở khu vực. Nhà máy không còn phát điện, nhưng chất thải phóng xạ vẫn được cất trữ tại đây. Nếu điều kiện an toàn không được giám sát kỹ lưỡng, Chernobyl vẫn có nguy cơ rò rỉ vật chất phóng xạ nguy hiểm.
Các phòng kiểm soát an toàn được đặt trên tầng cao nhất của tòa nhà trung tâm khu phức hợp Chernobyl, với một số phòng vẫn khóa kín. Lính Nga khi không tìm thấy chìa khóa đã phá cửa để lục soát bên trong.
"Chúng tôi phải liên tục đàm phán với họ, cố gắng không làm họ nổi nóng để nhân sự phía chúng tôi được tiếp tục quản lý nhà máy", kỹ sư Valeriy Semonov kể lại.
Khi nhà máy Chernobyl bị mất điện lưới trong suốt ba ngày, Valeriy đã thử mọi cách tìm nhiên liệu để hệ thống máy phát dự phòng tiếp tục chạy, thậm chí trộm dầu từ phương tiện của lính Nga trong cơ sở.
"Nếu mất điện hoàn toàn, có lẽ thảm họa đã xảy ra", Oleksandr giải thích. "Vật chất phóng xạ sẽ phát tán. Bạn có thể hình dung quy mô thảm họa. Tôi không chỉ lo cho tính mạng của mình, mà còn sợ điều sẽ xảy đến nếu không thể tiếp tục giám sát nhà máy. Tôi nghĩ đó sẽ là thảm họa của nhân loại".
Energoatom, cơ quan năng lượng hạt nhân của Ukraine, nhận định một số lính Nga đến Chernobyl có thể đã phơi nhiễm phóng xạ "với liều lượng đáng kể".
Khu vực phía sau nhà máy Chernobyl được phía Ukraine gọi là "Rừng đỏ", một trong những khu vực nhiễm xạ nghiêm trọng nhất thế giới. Một số hình ảnh do quân đội Ukraine công bố cho thấy quân đội Nga đã đào chiến hào và công sự trong khu rừng này, dường như không ý thức rõ về mức rủi ro.
Lực lượng Nga còn thiết lập công sự xung quanh vòm thép khổng lồ phía trên lò phản ứng gặp sự cố năm 1986. Tuy nhiên, Valeriy cho rằng điều này là vô ích, bởi quân đội Ukraine có mơ cũng không dám bắn vào lò phản ứng hạt nhân.
Ông cho biết lực lượng Nga khi rút khỏi Chernobyl đã áp giải toàn bộ lính vệ binh quốc gia Ukraine bị nhốt ở tầng hầm đi cùng.
Energoatom cho biết lực lượng Nga rút khỏi Chernobyl từ ngày 31/3. Phía Moskva chưa thông báo tình hình của số tù binh này, trong khi nhân viên tại Chernobyl cho rằng họ đã bị đưa sang Nga.
Trung Nhân (Theo BBC)