"Tôi nghĩ điều phiền lòng là bạn không thể trả lời chắc chắn 100% câu hỏi liệu có tiêu cực hay không. Tôi nghĩ cuộc thi rất có khả năng không trong sạch. Bởi đã có nhiều chuyện tiêu cực xảy ra trong quá khứ", Murphy nói.
Tranh tài ở chung kết 200m ếch, Murphy giành HC bạc với thành tích 1 phút 54,15 giây. Người đánh bại anh là VĐV của đoàn Olympic Nga Evgeny Rylov, người đã lập kỷ lục Olympic với thành tích 1 phút 53,27 giây. Giống các VĐV Nga khác, Rylov phải thi đấu dưới lá cờ của đoàn Olympic Nga (ROC), bởi trên tư cách quốc gia, Nga vẫn bị cấm tranh tài do bê bối doping trong quá khứ.
"Tôi có 15 suy nghĩ trong đầu. 13 trong số đó sẽ đưa tôi đến rắc rối", Murphy nói bóng gió khi được hỏi liệu có lo ngại bóng ma doping tại Olympic 2020.
Không chỉ Murphy, VĐV giành HC đồng người Anh Luke Greenbank cũng bày tỏ mối lo về doping, sau khi thua đối thủ người Nga. Điều này khiến không khí buổi họp báo sau cuộc thi trở nên căng thẳng.
Greenbank nói: "Tất nhiên, trên tư cách một VĐV, việc biết có một quốc gia tài trợ cho VĐV dùng doping thật sự phiền lòng. Tôi cảm thấy cần có những hành động mạnh mẽ hơn để loại bỏ điều đó".
Ngồi giữa, trước những nghi ngờ bủa vây, Rylov im lặng cho đến khi có người hỏi liệu anh có trong sạch. VĐV Nga đáp: "Tôi luôn thi đấu trung thực. Từ tận đáy lòng, tôi luôn nói không nói tiêu cực. Tôi đã cống hiến cả đời mình cho môn thể thao này. Tôi thậm chí không biết phải phản ứng thế nào với chuyện này".
Bê bối doping Nga nổ ra vào năm 2015, sau khi Cơ quan chống doping Thế giới (WADA) công bố một báo cáo sơ bộ về các vi phạm doping tại Olympic Sochi dựa trên một bộ phim tài liệu do đài truyền hình ARD của Đức phát sóng một năm trước đó.
Vào năm 20176, cuộc điều tra độc lập do WADA ủy nhiệm đã tìm thấy bằng chứng phòng thí nghiệm ở Moskva "hoạt động dưới sự giám sát và kiểm soát của nhà nước, cho phép các VĐV Nga thi đấu trong khi sử dụng doping". Nga, vì thế, bị cấm tham dự các đấu trường thể thao quốc tế vô thời hạn.
Quyết định cho phép VĐV Nga tranh tài tại Olympic 2020 của IOC gây ra nhiều tranh cãi. Vì Covid-19, chương trình giám sát và chống doping của WADA bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các VĐV Nga không bị kiểm soát chặt như tại Rio 2016.
Về phần các VĐV Nga, họ phải chịu đựng sự nghi ngờ từ đồng nghiệp ở các giải đấu kể từ khi bê bối doping nổ ra. Lúc này, đoàn ROC đang đứng thứ tư với 10 HC vàng.
Vĩnh San (theo Reuters)