Năm 2020, đồng sáng lập Alibaba Jack Ma được cho là làm phật lòng giới chức Trung Quốc sau bài phát biểu chỉ trích hệ thống tài chính nước này. Kể từ đó, ông gần như im hơi lặng tiếng, bất chấp Ant Group bị hoãn IPO và Alibaba bị điều tra chống độc quyền.
Jack Ma từ chức Chủ tịch Alibaba năm 2019. Khi đó, ông nói muốn dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện. Ông hy vọng thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục, giống tỷ phú Bill Gates đã làm. Theo Forbes, ông hiện có 25 tỷ USD tài sản.
Cuộc sống mới của Jack Ma sau khi ở ẩn là chuỗi hoạt động như nghiên cứu vấn đề lương thực toàn cầu, thăm một phòng thí nghiệm nuôi cá ngừ tại Nhật Bản và tới một trường Đại học ở Hà Lan để học về sản xuất lương thực bền vững. Việc Jack Ma ở ẩn từng khiến CEO Tesla Elon Musk năm 2021 phải lên tiếng thắc mắc: "Jack Ma đang ở đâu?".
Tuy nhiên, Jack Ma không biến mất hoàn toàn. Ông đã xuất hiện vài lần tại Trung Quốc năm 2021. Tháng 5/2022, ông còn tham gia một cuộc họp nội bộ của Alibaba tại Hàng Châu, một nhân viên Alibaba cho biết trên WSJ.
Đó là lần cuối Jack Ma xuất hiện tại Trung Quốc, cho đến hôm 27/3, khi ông đến thăm một trường học tại Hàng Châu để thảo luận các vấn đề như trí tuệ nhân tạo (AI) với các giáo viên. Sự xuất hiện của ông trùng thời điểm Bắc Kinh tìm cách vực dậy nền kinh tế và niềm tin của doanh nhân sau nhiều năm siết kiểm soát doanh nghiệp công nghệ và áp dụng chính sách Zero Covid.
Khi vắng mặt tại Trung Quốc, Jack Ma dành nhiều thời gian ở Nhật Bản, theo nguồn tin của WSJ. Ông sống trong một căn nhà ở Hakone – khu nghỉ dưỡng suối nước nóng cách Tokyo 80 km. Nhân viên một nhà hàng sushi gần đó nói với WSJ rằng một trợ lý của Jack Ma thường tới đây mua các món đặc sản như nhím biển hay cá hồi. Dù vậy, gần đây, người này không ghé qua nữa.
Jack Ma cũng thường xuyên đi du lịch trong thời gian này, để phục vụ mối quan tâm về ẩm thực và các lĩnh vực liên quan. Trên WSJ, một người từng trò chuyện với Jack Ma cho biết ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ với các món ăn Nhật Bản.
Trong một bài phát biểu năm 2017, Jack Ma nói rằng các công nghệ như điện toán đám mây và dữ liệu lớn có thể giúp ích cho nông dân Trung Quốc. Ông cho rằng hiện đại hóa nông nghiệp "sẽ là điểm sáng và trụ cột phát triển quan trọng với kinh tế Trung Quốc" trong 2-3 thập kỷ tới. Năm 2019, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), ông tiết lộ nếu lập doanh nghiệp mới, ông sẽ tham gia lĩnh vực trồng trọt.
Tháng 7/2022, ông tới thăm Đại học Wageningen (Hà Lan). Ngôi trường này cho biết Jack Ma "muốn cống hiến thời gian và sức lực cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, kể cả ở sa mạc Gobi (trải dài qua Trung Quốc và Mông Cổ).
Đến tháng 10, ông ghé thăm Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thuộc Đại học Kindai (Nhật Bản). Các nhà nghiên cứu ở đây nổi tiếng vì đã tìm ra cách nuôi cá ngừ vây xanh, giúp ổn định nguồn cung loài cá này cho những người thích ăn sushi.
Jack Ma khi đó tham gia cùng một đoàn doanh nhân nước ngoài. Các nhân viên tại viện không nhận ra ông. Vài ngày sau đó, một số lãnh đạo cấp cao xem lại ảnh chụp sự kiện và nhìn thấy Jack Ma. "Sau đó chúng tôi xem lại tên những người tham gia đoàn khách, và nhìn thấy tên ông ấy", người này nhớ lại.
Đến tháng 1, Jack Ma tới Bangkok. Ông được cho là đã gặp tỷ phú Dhanin Chearavanont – Chủ tịch CP Group – tập đoàn đa ngành của Thái Lan, có mảng kinh doanh thực phẩm.
Hai tỷ phú bàn bạc về các cách giải quyết thiếu hụt lương thực. Jack Ma cũng hỏi về công nghệ trồng lúa của Thái Lan. Ông còn xuất hiện trong một trận boxing tại Thái Lan và xắn tay áo tạo dáng đấm bốc.
Một tờ báo địa phương tại Tây Ban Nha cũng đưa tin tỷ phú đã tới đảo Mallorca vào tháng 6/2022. Tháng trước, các du khách Trung Quốc ở Melbourne (Australia) còn nhìn thấy Jack Ma tại đây. Ngay sau đó, ông di chuyển tới Fiji.
"Tôi nhận ra một điều. Tất cả những gì bạn học được từ sách vở, và từ những người khác, có thể không đúng", Jack Ma cho biết trong một bài phát biểu năm 2017, khi nhớ lại chuyến đi nước ngoài đầu tiên năm 1985 tới Australia, "Thế giới này rất thú vị, rất độc đáo. Và bạn phải tự mình trải nghiệm điều đó".
Hà Thu (theo WSJ)