"Hôm nay, nhờ những nỗ lực đáng kinh ngạc của các chuyên gia năng lượng Ukraine, kỹ sư điện hạt nhân của chúng tôi đã xử lý được vấn đề tái cung cấp nguồn điện cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi quân đội Nga đang kiểm soát", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko hôm 13/3 thông báo.
"Các kỹ sư năng lượng Ukraine của chúng tôi đã mạo hiểm sức khỏe và tính mạng, ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân đe dọa toàn bộ châu Âu".
Nhà máy Chernobyl bị cắt điện ngày 9/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm đó cho biết đã nhận được thông báo từ giới chức Ukraine và không thấy "tác động nghiêm trọng nào đến an toàn".
Chernobyl đi vào hoạt động vào cuối những năm 1970, với hai lò phản ứng đầu tiên. Đến năm 1983, lò phản ứng thứ ba và thứ tư bắt đầu hoạt động. Thảm họa Chernobyl được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới, khi lò phản ứng số 4 tại nhà máy phát nổ vào tháng 4/1986, thổi một lượng lớn bụi nhiễm xạ vào không khí. Ước tính về số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa dao động từ mức thấp vài nghìn tới mức cao nhất là 93.000 người tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Nhà máy hiện nằm bên trong một khu hạn chế tiếp cận, nơi có các lò phản ứng đã ngừng hoạt động cũng như các cơ sở xử lý chất thải phóng xạ. Hơn 200 nhân viên vẫn làm việc tại đây bởi nhà máy đòi hỏi phải duy trì hoạt động liên tục nhằm ngăn một thảm họa hạt nhân khác xảy ra.
Ngoài Chernobyl, lực lượng Nga cũng tiến vào kiểm soát Zaporizhzhya, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, từ ngày 4/3. Các kỹ sư Nga đã tới nhà máy này hồi đầu tuần trước để kiểm tra nồng độ phóng xạ.
Trong thông báo khôi phục nguồn điện, Galushchenko cũng nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ đảm bảo an toàn cho cơ sở hạt nhân của Ukraine và thiết lập khu bảo vệ phi quân sự dài 30 km xung quanh các nhà máy.
Hồng Hạnh (Theo AFP)