Theo ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giác mạc là lớp trong suốt bên ngoài, phía trước mắt và cũng là phần dễ bị tổn thương nhất ở vùng mắt. Loét giác mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt gây ra vết loét hở trên giác mạc. Các biểu hiện và biến chứng thay đổi tùy trường hợp và tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân và triệu chứng của viêm loét giác mạc
Bác sĩ Tùng phân tích, viêm loét giác mạc có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng như Acanthamoeba (sống trong nước bị ô nhiễm). Loét cũng có thể bắt đầu với chấn thương giác mạc, chẳng hạn như: khô mắt nghiêm trọng, vật lạ làm trầy xước, xâm nhập, đọng lại trong mắt hoặc bị kích ứng bởi kính áp tròng, đặc biệt là đeo kính áp tròng trong lúc ngủ hoặc không khử trùng đầy đủ.
Loét giác mạc do virus (thường do Herpes virus) có thể tái phát khi căng thẳng về thể chất hoặc tái phát tự phát. Sự thiếu hụt vitamin A và protein có thể dẫn đến hình thành vết loét giác mạc.
Ngoài ra, khi mí mắt không khép lại đúng cách, giác mạc có thể bị khô và kích ứng. Loại kích ứng này có thể dẫn đến thương tích và phát triển thành vết loét giác mạc. Loét giác mạc cũng có thể do lông mi mọc vào trong, mi mắt lật vào trong (quặm, lông xiêu) hoặc viêm bờ mi. Một số yếu tố đến từ bệnh lý như mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát không tốt... cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc.
Bác sĩ Tùng cho biết, viêm loét giác mạc gồm các triệu chứng: đỏ, đau, cảm giác như có dị vật trong mắt, đau nhức, nhạy cảm với ánh sáng chói và tăng tiết nước mắt; kết mạc thường đỏ ngầu; vết loét càng sâu thì các triệu chứng và biến chứng càng nặng. Bên cạnh đó, vết loét thường xuất hiện dưới dạng một đốm trắng hoặc mờ và xám trên giác mạc. Đôi khi, vết loét phát triển trên toàn bộ giác mạc và có thể ăn sâu. Mủ có thể tích tụ phía sau giác mạc, tạo thành một lớp trắng ở đáy giác mạc (gọi là mủ tiền phòng).
Bác sĩ cũng khuyến cáo, viêm giác mạc nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây các biến chứng. Loét giác mạc thường lành lại sau khi điều trị nhưng có thể để lại sẹo đục làm giảm thị lực. Các biến chứng khác gồm: nhiễm trùng sâu, thủng giác mạc, di lệch mống mắt.
Trường hợp giác mạc bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật ghép giác mạc. "Tuy nhiên, cần phải tìm người hiến giác mạc và chi phí cho một ca ghép giác mạc khá cao. Vì vậy, không nên bỏ qua các triệu chứng khó chịu ở mắt, nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời", bác sĩ Tùng cho biết.
Cách phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để ngăn ngừa hoặc hạn chế nguy cơ viêm giác mạc, đặc biệt với những người thường xuyên đeo kính áp tròng, bác sĩ khuyên nên thay kính áp tròng đúng thời hạn; không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài. Mặt khác, không nằm ngủ khi còn đeo kính áp tròng; nên tháo kính áp tròng khi bơi; trước khi đeo hoặc tháo kính áp tròng cần rửa tay sạch sẽ. Đồng thời, sử dụng dung dịch vệ sinh kính, không thay thế bằng nước hoặc pha loãng dung dịch; điều trị ổn định bệnh lý nền mắc phải.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt khi bị viêm loét giác mạc cần xác định rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc nhỏ mắt như: thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng nấm, kháng virus và có thể kèm thêm thuốc nhỏ mắt kháng viêm.
"Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian và kết hợp đúng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh xảy ra biến chứng", bác sĩ nói.
Châu Vũ