Hwasong-14 là ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng.
Với vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7, Triều Tiên trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một trong những loại vũ khí uy lực và khó đánh chặn nhất thế giới, theo Quartz.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết thiết kế cơ bản của ICBM là hai đến ba quả tên lửa xếp chồng lên nhau, được gọi là các "tầng đẩy", cho phép đầu đạn bay xa hơn so với tên lửa chỉ có một tầng đẩy. Bất kỳ tên lửa đạn đạo nào có tầm bắn trên 5.500 km đều được xếp vào nhóm ICBM.
Đến nay, mới chỉ có 7 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Liên Xô/Nga, Trung Quốc, Pháp, Israel, Ấn Độ và Triều Tiên từng phát triển thành công ICBM. Lý do ICBM không phổ biến là việc chế tạo chúng rất khó khăn, phức tạp, trong khi chúng chỉ cần thiết trong những điều kiện chiến lược và chính trị nhất định.
Một quốc gia chỉ cần tới ICBM khi đã sở hữu công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như có lý do chiến lược để sử dụng nó. Việc trang bị đầu đạn thông thường cho ICBM sẽ không mang lại hiệu quả trong tác chiến.
ICBM là một trong những vũ khí khó chế tạo nhất trong lịch sử. Tên lửa cần có lực đẩy rất lớn để thắng trọng lực, từ đó phóng vật thể nặng như đầu đạn hạt nhân vào quỹ đạo và tới mục tiêu cách hàng nghìn km. Quá trình kiểm soát lực đẩy này cũng rất tinh vi, nếu không nó sẽ khiến tên lửa phát nổ.
Khối lượng lớn của đầu đạn hạt nhân và khoảng cách bay xa của ICBM gây ra nhiều vấn đề hơn so với các hệ thống tên lửa tầm ngắn. David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ, cho rằng điều này buộc các nước phải chế tạo tên lửa lớn và đắt đỏ hơn nhiều lần. "Một tên lửa ba tầng có khả năng mang một tấn chất nổ đi xa 10.000 km thường có khối lượng khoảng 80-90 tấn", ông Wright nói.
ICBM được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô chạy đua vũ trang. Sự phổ biến của loại vũ khí đáng sợ này đã tạo nên cách tiếp cận hoàn toàn mới về xung đột giữa các siêu cường.
Việc sở hữu ICBM mang đầu đạn hạt nhân sẽ duy trì học thuyết "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" (MAD) cho mỗi quốc gia. Theo đó, chỉ cần một nước phóng ICBM, những nước còn lại sẽ phóng toàn bộ kho tên lửa hạt nhân vào các mục tiêu của đối phương. Khi đó, ICBM sẽ trở thành vũ khí hủy diệt thế giới. Điều này khiến không một quốc gia nào dám khơi mào chiến tranh hạt nhân, góp phần tạo ra sự ổn định chiến lược trên toàn thế giới.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia vẫn duy trì học thuyết MAD bằng ICBM. Năm 2011, Mỹ và Nga ký kết hiệp ước nhằm hạn chế kho ICBM của mình. Nhưng cũng có những nước như Israel, Ấn Độ hay Triều Tiên, luôn sử dụng khả năng răn đe hạt nhân để ngăn chặn xung đột với các đối thủ trong khu vực.
Khả năng phát triển và sản xuất ICBM của Bình Nhưỡng không hề kém cỏi, dù vẫn còn sơ khai và thường gặp thất bại trong các thử nghiệm. Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin (JMCNS), cho biết mẫu tên lửa đạn đạo đầu tiên của Mỹ mang tên Redstone từng thất bại 9 trong 10 lần thử nghiệm đầu tiên.
Ông Lewis khẳng định chương trình tên lửa Triều Tiên đã chứng kiến cả thành công và thất bại, nhưng thành tựu của họ là đáng tôn trọng. Hồi năm 2000, tình báo Mỹ dự đoán Triều Tiên có thể sở hữu ICBM trước năm 2015, nhưng nước này đã hoãn tổ chức bắn thử tên lửa trong nhiều năm để giành lợi thế ngoại giao. "Mọi người thường nghĩ công nghệ Triều Tiên rất kém cỏi, nhưng thống kê cho thấy họ có tỷ lệ phóng thử thành công tới 50%", ông Lewis cho biết.
Một thách thức lớn với ICBM là đảm bảo đầu đạn không bị hư hại trong quá trình hồi quyển, vốn tạo ra ma sát rất lớn với nhiệt độ hơn 1.000 độ C, trước khi được kích nổ bên trên mục tiêu. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho rằng những lần phóng thử gần đây chưa chứng minh việc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ vận hành ICBM.
Tuy nhiên, với vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14, Triều Tiên đã bước đầu sở hữu khả năng đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Mỹ. Nó sẽ gây nhiều khó khăn cho chính sách duy trì ảnh hưởng tại châu Á của Washington, đồng thời mang lại cho Bình Nhưỡng lợi thế ngoại giao không nhỏ, đúng với mục đích ra đời ban đầu của ICBM, chuyên gia Mizokami kết luận.
Việt Hòa