Tên lửa Hwasong-14 khai hỏa.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 có thể được ghép từ hai loại tên lửa khác nhau nhưng sử dụng loại động cơ tiên tiến do Triều Tiên tự phát triển, khiến quan chức quốc phòng Mỹ coi Hwasong-14 là loại vũ khí hoàn toàn mới, theo CNN.
Tình báo Mỹ cho biết trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh do thám của họ đã phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17 đang được nạp nhiên liệu lỏng. Đây là lý do Mỹ và Hàn Quốc ban đầu tưởng rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thử là tên lửa tầm trung, không phải ICBM.
Tuy nhiên, khi tên lửa được chở bằng xe tải ra bãi phóng, nó đã được gắn thêm một tầng đẩy thứ hai, giúp nó đạt tầm bay 7.000 km, đủ tiêu chuẩn để xếp vào dạng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Triều Tiên mới chỉ trưng bày hai loại tên lửa với kích cỡ của ICBM. Đầu tiên là mẫu Hwasong-13 với ba tầng đẩy, xuất hiện trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2012. Tới năm 2015, nước này tiếp tục ra mắt phiên bản Hwasong-14 với hai tầng đẩy.
Tên lửa Triều Tiên vừa thử thành công được nước này định danh là Hwasong-14, nhưng nó không giống với mẫu Hwasong-14 xuất hiện vào năm 2015. Theo các chuyên gia quân sự, tầng đẩy thứ hai của mẫu Hwasong-14 mới nhất có nhiều đặc điểm của tầng ba trên tên lửa Hwasong-13. Đây có thể là kết quả của quá trình nghiên cứu nhiều năm, nhằm kết hợp ưu điểm của mẫu KN-17 và Hwasong-13, cho ra đời mẫu ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng,
Mục tiêu hàng đầu của tình báo Mỹ hiện nay là tìm hiểu tính năng của tầng đẩy thứ hai, cũng như cách nó tăng tầm bắn và biến Hwasong-14 thành một ICBM đúng nghĩa.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa của mẫu ICBM Hwasong-14 chính là động cơ đẩy. Trước đây, Mỹ cho rằng Triều Tiên phải sử dụng hai động cơ cho tầng đẩy đầu tiên của ICBM. Nhưng trong video do Triều Tiên công bố, tên lửa Hwasong-14 lại chỉ có một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay. Thiết kế này từng được sử dụng trong vụ thử động cơ tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 3.
Chuyên gia quân sự Uzi Rubin cho rằng điều này đánh dấu bước nhảy vọt lớn so với các loại tên lửa trước đây của Bình Nhưỡng. Việc thay đổi hệ thống đẩy trên tên lửa đạn đạo là công việc có quy mô lớn, phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro. Nó đòi hỏi điều chỉnh cấu trúc và hệ thống phần mềm điều khiển, tương đương với việc tạo ra một mẫu tên lửa mới, ông Rubin nhấn mạnh.
Tử Quỳnh