Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Israel, được giới quan sát và chính khách quốc tế mong chờ hơn một tuần qua giữa lúc căng thẳng Trung Đông leo thang nghiêm trọng vì chiến sự Dải Gaza, diễn ra trong chưa đầy 8 tiếng vào ngày 18/10.
Với khung thời gian gấp rút như vậy, Tổng thống Mỹ khó lòng đưa ra được giải pháp thực chất để ngăn chiến sự leo thang hay giải cứu con tin tại Dải Gaza. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng đã tập trung hơn vào nỗ lực kiềm chế Israel để xung đột không lan rộng thành một cuộc khủng hoảng khu vực, cũng như khơi dòng chảy viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Ariel Ezrahi, thành viên Chương trình Trung Đông của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington, đánh giá kết quả rõ ràng nhất mà ông Biden thu về từ chuyến thăm là thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ với đồng minh Israel, nhưng đồng thời cũng làm rõ cho Tel Aviv rằng sự ủng hộ đó chỉ được duy trì khi họ áp dụng chính sách nhân đạo với Dải Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó đã nêu rõ với các quan chức trong nội các Israel rằng họ phải nối lại viện trợ nhân đạo cho dân thường đang gặp khó khăn ở Dải Gaza. Hai cựu quan chức quốc phòng dày dạn kinh nghiệm là Gadi Eisenkot và Benny Grantz, vốn mang lập trường phản đối phong trào cực hữu tại Israel, cũng được Mỹ ủng hộ tham gia nội các thời chiến.
Ezrahi nhận định những động thái này cho thấy cả dư luận Israel lẫn chính phủ Mỹ vẫn lo ngại về khả năng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người theo quan điểm cực hữu cứng rắn, sẽ không hành động "theo quy chuẩn" trong cuộc chiến với Hamas, điều có thể gây thảm họa nhân đạo ở Gaza.
"Ông Biden tận dụng chuyến thăm để đạt thỏa thuận với Israel về các biện pháp nhân đạo nếu họ đưa quân vào Dải Gaza. Ông cũng nhắc nhở Israel rằng họ cũng là một nền dân chủ, lập quốc với nền tảng là là các nguyên tắc nhân đạo, do đó phải hành động có trách nhiệm", Carmiel Arbit, chuyên gia an ninh Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.
Bên lề chuyến thăm, Tổng thống Mỹ thông báo gói viện trợ nhân đạo 100 triệu USD cho người Palestine tại Dải Gaza và Bờ Tây, giúp đỡ hơn một triệu người đang thiếu nước sạch, thực phẩm, chăm sóc y tế cùng nhu yếu phẩm.
Israel cũng đồng ý không ngăn cản đoàn xe đưa hàng viện trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Dải Gaza, với điều kiện biên phòng Ai Cập kiểm tra đoàn xe và đảm bảo viện trợ được gửi cho dân thường chứ không phải tổ chức vũ trang Hamas.
Washington giữ vai trò trung gian trong thỏa thuận này, thông qua cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với đồng cấp Abdel Fattah El-Sisi ở Cairo, thuyết phục Ai Cập mở cửa khẩu Rafah cho 20 xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza.
Ngoài đảm bảo về vấn đề nhân đạo, chuyến công du của ông Biden được đánh giá là động thái củng cố cam kết an ninh kịp thời với Israel, giữa thời điểm đồng minh vừa trải qua vụ tấn công chưa từng có tiền lệ và chuẩn bị bước vào cuộc chiến kéo dài với Hamas.
Shalom Lipner, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Israel, nhấn mạnh ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Israel "giữa thời chiến". Cùng với tuyên bố ủng hộ Tel Aviv loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ Hamas, Tổng thống Mỹ "đã được người dân Israel ủng hộ còn hơn cả giới lãnh đạo đất nước".
Ông Biden trực tiếp có mặt tại Israel cũng cho thấy Nhà Trắng muốn duy trì thế chủ động trong các vấn đề an ninh khu vực, giữa giai đoạn đồng minh Trung Đông lo ngại Mỹ sao nhãng tình hình khu vực vì cuộc xung đột tại Ukraine và cạnh tranh với Trung Quốc.
Nhưng ngoài phương diện an ninh, bức tranh ngoại giao Washington - Trung Đông vẫn đối diện nhiều thách thức khi ông Biden đã lỡ mất cơ hội gửi thông điệp cân bằng đến các nước Arab trong khu vực.
Theo kế hoạch ban đầu, ông Biden không chỉ đến thăm Israel, mà còn tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Jordan với Vua Abdullah II cùng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdell Fattah el-Sisi.
Tuy nhiên, Jordan đã đơn phương hủy cuộc họp sau vụ nổ bệnh viện ở Dải Gaza khiến nhiều người chết. Hamas và các nước Arab đã cáo buộc Israel ném bom vào bệnh viện, dù hình ảnh hiện trường và thông tin tình báo của Tel Aviv cùng các nước phương Tây sau đó củng cố giả thuyết vụ nổ do rocket lỗi được phóng từ Dải Gaza.
"Chuyến công du của ông Biden tạo ấn tượng ủng hộ toàn diện cho Israel, mất đi hình ảnh cân bằng. Điều này làm xói mòn mối quan hệ của Mỹ với khu vực", Sarah Parkinson, giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ, lưu ý.
Với hội nghị thượng đỉnh "hụt" tại Jordan, bài toán kìm hãm xung đột lan rộng tại Trung Đông đã khó càng thêm khó đối với Washington. Ông Biden mất đi cơ hội quan trọng để củng cố uy tín với các nước Arab, làm giảm tính trung lập của Mỹ trong xung đột Israel - Hamas, làm giảm cơ hội hạ nhiệt tình hình.
Jonathan Panikoff, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo rằng khi xung đột ở Dải Gaza nóng lên, lãnh đạo các nước Arab sẽ ưu tiên an ninh quốc gia hơn là quan hệ đối ngoại với Mỹ. "Họ không muốn hành động ngược với dư luận trong nước vào thời điểm này, vốn ngày càng bài xích Israel", ông nói.
Thanh Danh (Theo PBS, ABC, Bloomberg)