Vài giờ sau khi các tay súng Hamas ồ ạt tấn công vào lãnh thổ Israel sáng 7/10, hàng loạt video trên mạng xã hội cho thấy nhóm này đã bắt nhiều dân thường, binh sĩ từ Israel mang về Dải Gaza để làm con tin.
Trong một video, cô gái Noa Argamani, 25 tuổi, bị những người đàn ông đi xe máy bắt cóc khi đang tham dự lễ hội âm nhạc "Tribe of Nova" trên sa mạc Negev, phía nam Israel. Đại sứ quán Israel ở Trung Quốc xác nhận Noa là người Israel gốc Hoa và đã bị các tay súng Hamas đưa về Dải Gaza.
Hàng chục video giống như vậy đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tạo nên làn sóng phản ứng trên toàn cầu với hành động bắt dân thường làm con tin. Trong khi đó, Hamas tuyên bố đây là những "mục tiêu hợp pháp", bởi họ đều bị coi là "người định cư chiếm đất của người Palestine".
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ "hủy diệt" Hamas sau khi khoảng một nghìn thành viên nhóm này tham gia vào chiến dịch tấn công, khiến hơn 900 dân thường và binh sĩ Israel thiệt mạng.
Ông cũng thừa nhận "số lượng đáng kể" con tin, trong đó có quân nhân, phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật, đang bị giam ở Gaza. Khi các gia đình tuyệt vọng tìm kiếm người thân mất tích, thách thức đặt ra với Tel Aviv là phải cân bằng giữa hai lựa chọn tấn công Hamas và đảm bảo tính mạng cho con tin.
Tối 8/10, một phát ngôn viên của Hamas xác nhận nhóm đang giữ hơn 100 người Israel làm con tin. Al Qassam, cánh vũ trang của Hamas, cũng tuyên bố đang giam "hàng chục" quân nhân Israel, bao gồm cả "các sĩ quan cấp cao".
Hamas đồng thời cảnh báo sẽ sát hại con tin nếu Israel tiếp tục tấn công trả đũa nhằm vào các tòa nhà dân cư và cơ sở dân sự tại Dải Gaza. Thông điệp đe dọa được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel ra lệnh "bao vây toàn diện" Gaza và tập trung lực lượng, nhiều khả năng chuẩn bị cho chiến dịch tấn công trên bộ vào dải đất này.
Cha mẹ và người thân của những người mất tích hôm 8/10 tổ chức một cuộc họp báo tại Tel Aviv, bày tỏ tuyệt vọng và kêu gọi chính phủ giúp đỡ.
Giống như Noa, con gái của Merav Leshem Gonen đang tham dự lễ hội âm nhạc "Tribe of Nova" cách Dải Gaza 10 km thì bị các tay súng Hamas tấn công. Phát biểu tại cuộc họp báo, Gonen kể rằng con gái đã gọi điện thoại cho mình khi tìm chỗ ẩn nấp.
"Tôi nói với con bé rằng 'cha mẹ yêu con' và 'không sao đâu'. Nhưng tôi biết mình đang nói dối vì chúng ta không có câu trả lời", Gonen cho hay. Sau đó, bà không còn liên lạc được với con nữa.
Theo báo cáo sơ bộ, ít nhất 260 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas nhằm vào nhạc hội "Tribe of Nova" và hàng chục người bị bắt cóc.
Nhiều người nước ngoài cũng nằm trong số các nạn nhân bị bắt cóc. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, 11 lao động nước này đang nằm trong tay Hamas và 12 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Ít nhất 8 công dân Pháp vẫn chưa rõ tung tích. Mỹ cũng đã nhận được báo cáo về việc công dân mất tích ở Israel và Bộ Ngoại giao Đức cho biết một số người Đức gốc Israel đang bị Hamas bắt.
Ricarda Louk, người Đức gốc Israel, nói với kênh CNN rằng cô đã nhận ra con gái mình bất tỉnh trong ôtô bên cạnh các chiến binh Hamas trong một video trên mạng xã hội.
Để hỗ trợ các gia đình trong nỗ lực tìm kiếm người thân, cảnh sát và quân đội Israel đã mở "trung tâm điều phối tìm người mất tích" ở Lod, cách Tel Aviv 15 km về phía đông nam.
Heloise Fayet, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Quan hệ Đối ngoại Pháp (IFRI), nhận định việc Hamas bắt cóc binh lính và dân thường chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm chiến dịch đáp trả của quân đội Israel (IDF).
"Chúng ta đều biết rằng Israel rất coi trọng con tin", Fayet nói, nhắc lại trường hợp của quân nhân Pháp gốc Israel Gilad Shalit, người được Hamas trả tự do vào năm 2011 để đổi lấy hơn 1.000 tù nhân Palestine.
Hôm 9/10, Hamas thông báo 4 "tù nhân" đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
"Liệu chính phủ Israel có sẵn sàng hy sinh hàng trăm công dân hoặc những người nước ngoài đang bị bắt làm con tin để hủy diệt Hamas bằng một chiến dịch không kích quy mô lớn hay không?" Fayet đặt câu hỏi.
Theo nhà sử học Vincent Lemire, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp tại Jerusalem (CRFJ), lựa chọn thứ hai đối với Israel là tiến hành một chiến dịch tấn công bằng bộ binh vào Gaza để vừa tấn công Hamas, vừa giải cứu con tin, nhưng phương án này cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn.
"Sẽ có hàng trăm binh sĩ Israel thương vong và họ sẽ phải giành giật từng con đường, góc phố ở Gaza", ông cho hay.
Quân đội Israel đã huy động 300.000 lính dự bị, động thái chưa từng có trong lịch sử nước này, dường như để chuẩn bị cho chiến dịch. Tuy nhiên, trong sự nghiệp chính trị của mình, Thủ tướng Netanyahu thường tỏ ra không mặn mà với việc ra lệnh tiến hành các chiến dịch trên bộ ở Gaza.
"Thực tế tàn khốc là Hamas bắt cóc con tin để dùng họ như tấm khiên ngăn đòn trả đũa của Israel, đặc biệt là một cuộc tấn công lớn trên bộ, và để đổi lấy tù nhân Palestine", Aaron David Miller, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.
Theo Aljazeera, 5.200 người Palestine đang bị Israel giam với nhiều tội danh khác nhau, chủ yếu bị cáo buộc đe dọa an ninh của Israel.
Lemire cho biết một cuộc đàm phán trao đổi con tin lấy tù nhân giữa Israel và Hamas là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. "Hiện tại, rất khó đoán chính phủ cực hữu của Israel sẽ đối mặt với những hệ lụy chính trị nào khi chấp nhận đàm phán với Hamas. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là lựa chọn khả thi nhất. Trong quá khứ, Israel luôn đàm phán để đảm bảo việc thả con tin", ông nói.
Hamas dường như cũng đặt niềm tin vào kịch bản này. "Những người Palestine đang bị giam trong nhà tù Israel sắp được tự do. Những gì chúng tôi đang nắm trong tay sẽ đảm bảo việc phóng thích cho họ", Saleh al-Arouri, phó chỉ huy nhánh chính trị của Hamas, tuyên bố.
Nhưng theo giới quan sát, sau những tuyên bố cứng rắn về đòn đáp trả "hủy diệt", Thủ tướng Netanyahu sẽ rất khó nhượng bộ với Hamas và ít người Israel sẵn sàng chấp nhận phương án trao đổi con tin lấy tù nhân.
"Chúng ta quan tâm đến con tin. Nhưng bây giờ là lúc chiến đấu chống lại Hamas và tất cả người Israel đều đồng lòng về điều đó", Ariel Heimann, thiếu tướng người Israel đã nghỉ hưu, hiện là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo AFP, WSJ)