Quân đội Israel và lực lượng Hamas bắt đầu thực thi lệnh ngừng bắn từ 7h (12h giờ Hà Nội) hôm nay, nhằm tạo điều kiện trao đổi 50 con tin đang bị Hamas giữ lấy 150 tù nhân Palestine đang bị giam trong ở Israel. Lệnh ngừng bắn 4 ngày cũng cho phép vận chuyển thêm hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Không khí tại Gaza trở nên yên bình trong ngày ngừng bắn đầu tiên, khi không quân Israel ngừng hoạt động bắn phá, trong khi Hamas không khai hỏa rocket nào về phía lãnh thổ đối phương. Điều này thắp lên hy vọng về một giải pháp dài hơi hơn để có thể sớm kết thúc chiến dịch tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố ngay sau khi 4 ngày ngừng bắn kết thúc, chiến dịch của quân đội Israel sẽ không dừng lại. "Tôi muốn nói rõ ràng chúng tôi đang có chiến tranh và sẽ tiếp tục cuộc chiến", ông nói.
Lập trường của Thủ tướng Israel một phần nhằm xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn, phản đối bất kỳ nhượng bộ nào với Hamas. Song nó cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi đã kiểm soát miền bắc Gaza sau hơn 6 tuần giao tranh ác liệt, Israel vẫn còn chặng đường dài trước khi đạt được mục tiêu quân sự đặt ra là "xóa sổ" nhóm vũ trang Hamas và giải cứu toàn bộ con tin.
"Hỏa lực và cơ sở hạ tầng của Hamas đã bị tàn phá nghiêm trọng hơn bất kỳ chiến dịch nào trước đây của Israel", Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore, nói. "Nhưng vì mục tiêu là xóa sổ nhóm vũ trang, chiến dịch còn lâu mới hoàn thành".
Hamas hôm 7/10 tiến hành chiến dịch đột kích quy mô chưa từng thấy vào lãnh thổ Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng, đồng thời bắt gần 240 người về Dải Gaza làm con tin. Tel Aviv đáp trả quyết liệt, mở đầu bằng chiến dịch oanh tạc Gaza trong ba tuần, trước khi triển khai chiến dịch tấn công trên bộ từ ngày 27/10.
Trong những tuần sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dần dần mở rộng kiểm soát miền bắc Dải Gaza, bao vây Gaza City, nơi được coi là trung tâm hoạt động quân sự và chính trị của Hamas. Khoảng 70 binh sĩ Israel thiệt mạng trong chiến dịch, ít hơn nhiều so với dự đoán của các nhà hoạch định quân sự.
Một quan chức quân sự cấp cao Israel nói rằng chiến dịch đã "gây thiệt hại nghiêm trọng" cho 10 trong 24 tiểu đoàn của Hamas, trong đó mỗi tiểu đoàn có khoảng 1.000 quân trước xung đột. Giới chức Israel ước tính khoảng 5.000 trong số 24.000 thành viên Hamas đã thiệt mạng.
Chiến dịch cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng đáp trả bằng rocket của Hamas vào Israel. Trong những ngày đầu xung đột, Hamas liên tục phóng rocket vào các đô thị lớn của Israel như Tel Aviv, Ashkelon và khu vực dọc biên giới Gaza. Tuy nhiên, khi quân đội Israel tràn vào các vị trí quan trọng ở miền bắc Gaza, hỏa lực rocket của Hamas trở nên lẻ tẻ và thiếu chính xác hơn.
"Nơi tập trung nhiều hỏa lực nhất của Hamas là từ khu vực trung tâm Gaza City. Hiện tại, cứ mỗi ba ngày sẽ có một đợt phóng 4-5 rocket. Trong hai tuần đầu xung đột, cứ 4-5 giờ có một đợt. Đó là khác biệt rất lớn", Zvika Haimovich, cựu chỉ huy lực lượng phòng không Israle, nói.
Bệnh viện Al-Shifa, cơ sở y tế lớn nhất Gaza, cũng là một trong những mục tiêu trọng điểm của Israel trong chiến dịch chống Hamas. Israel cáo buộc Hamas đặt căn cứ chỉ huy trong bệnh viện, mô tả đây có "trái tim đang đập" của nhóm vũ trang. Hamas luôn phủ nhận sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự.
Quân đội Israel ngày 19/11 tuyên bố phát hiện đường hầm dài 55 m với nhà bếp, phòng họp gắn điều hòa dưới bệnh viện Al-Shifa, được coi là bằng chứng để lực lượng này bắt giám đốc bệnh viện. Giới quan sát nói rằng bước tiến của Israel mang lại thông tin tình báo tốt hơn về mạng lưới đường hầm của Hamas ở Gaza.
Với khoảng 2,3 triệu dân ở Gaza, cái giá phải trả cho xung đột rất lớn. Chiến dịch của Israel đã khiến hơn 14.800 người thiệt mạng và ít nhất 36.000 bị thương, theo quan chức y tế Dải Gaza. Khoảng 1,7 triệu người phải di tản.
Phần lớn miền bắc Gaza giờ là vùng đất không thể sinh sống, với ít nhất 50.000 ngôi nhà bị hư hại. Hệ thống y tế gần như sụp đổ, trong khi Israel hạn chế nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm và nước uống cho khu vực.
Với những lợi ích quân sự ở miền bắc Gaza, giới chức Israel thừa nhận nếu muốn đánh bại hoàn toàn Hamas, họ phải bước sang giai đoạn mới của chiến dịch ở miền nam dải đất.
Lực lượng Israel đã bắt đầu kế hoạch này. Quan chức Israel cảnh báo người dân ở Khan Younis di chuyển tới "vùng an toàn" ở Muwasi, khu vực rộng khoảng 14 km2 ở tây nam Gaza.
Các nhóm cứu trợ đã phản đối ý tưởng nhồi nhét hàng trăm nghìn người vào khu vực chật hẹp như vậy. Song các quan chức Israel khẳng định họ không còn lựa chọn nào khác để đánh bại Hamas. Các lãnh đạo Hamas gồm Yahya Sinwar và Mohammed Deif được cho đang ẩn náu ở miền nam Gaza, và lực lượng Hamas cũng đã rút nhiều thành viên từ miền bắc xuống khu vực đó.
"Tôi khá chắc rằng hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn, thành viên Hamas ở miền bắc Gaza đã di chuyển xuống phía nam. Họ tất nhiên chuyển cả vũ khí và rocket xuống đó", Michael Milstein, cựu quan chức tình báo IDF, nói.
Kiểm soát miền nam là điều cần thiết nếu Israel muốn có cơ hội phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas, vốn được dùng làm nơi trú ẩn và cất giấu vũ khí của nhóm. Hệ thống đường hầm này cũng có thể là nơi đang giam nhiều con tin, khiến Israel phải cân nhắc kỹ mọi phương án tấn công.
Quân đội Israel ngày 22/11 cho biết lực lượng công binh đã phá hủy khoảng 400 đoạn đường hầm của Hamas. Tuy nhiên, họ thừa nhận đây chỉ là một phần nhỏ của mạng lưới địa đạo với tổng chiều dài hơn 500 km.
"Một khi kiểm soát toàn bộ Gaza, chúng tôi có thể mất gần một năm để dọn sạch khu vực, khám phá tất cả cơ sở hạ tầng dưới lòng đất của nhóm, tìm kiếm tất cả tên lửa và rocket được cất giấu. Dải đất này là một hầm trú ẩn lớn. Nó chứa đầy bẫy, thiết bị nổ tự chế, bom đạn mà họ chế tạo. Có rất nhiều công việc phải làm", Amir Avivi, cựu phó chỉ huy Sư đoàn Gaza của quân đội Israel, cho biết.
Song ngay cả khi Israel hoàn thành các nhiệm vụ đó, giới phân tích cho rằng việc thiếu kế hoạch rõ ràng về quản lý Gaza hậu xung đột đồng nghĩa lực lượng Israel sẽ phải ở lại dải đất này rất lâu sau khi chiến dịch kết thúc.
Câu hỏi lớn hơn là liệu họ có thể đánh bại hoàn toàn Hamas, nhóm đã bén rễ sâu ở Dải Gaza trong 16 năm qua hay không.
"Chiến dịch có thể loại bỏ Hamas, nhưng nó cũng tạo ra những ẩn số mới về khoảng trống quyền lực ở Dải Gaza và ảnh hưởng của nó đối với an ninh của người Israel", ông Samaan nói.
Chuyên gia này lo ngại về hiện tượng "nhiệm vụ leo thang" khi quân đội Israel buộc phải ở lại Gaza trong thời gian dài hơn dự kiến. "Đây là kết quả của một chiến dịch quân sự không có kế hoạch chính trị rõ ràng", Samaan nói.
Thanh Tâm (Theo FT)