"Mọi thành viên Hamas giờ đây đều như cá nằm trên thớt", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố khi ra lệnh mở chiến dịch Thanh gươm Sắt nhắm vào nhóm vũ trang đang kiểm soát Dải Gaza.
Các lãnh đạo Israel muốn "hủy diệt" Hamas và khiến Dải Gaza "không bao giờ trở lại như cũ" bằng chiến dịch tấn công trên bộ này. Đây được coi là mục tiêu tham vọng nhất mà Israel từng đặt ra sau nhiều chiến dịch tấn công Gaza trước đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quân đội Israel (IDF) khó có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Netanyahu đề ra.
"Chiến dịch tấn công của Israel có thể làm suy yếu Hamas đến mức họ không còn khả năng tác chiến, nhưng tôi không nghĩ nó có thể hủy diệt mọi thành viên của nhóm", Amir Bar Shalom, nhà phân tích quân sự tại Đài phát thanh quân đội Israel, nhận định.
Israel từng tiến hành 4 chiến dịch tấn công Hamas nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ nhóm vũ trang nhưng đều thất bại. Chiến dịch lần này có quy mô lớn hơn, được tiến hành với quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đối thủ của họ trong chiến dịch trên bộ lần này ở Gaza là Lữ đoàn Izzedine al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, lực lượng cũng đã chuẩn bị kỹ cho cuộc tấn công của Israel. Hamas sẽ tận dụng mạng lưới đường hầm chằng chịt ở Gaza để tiến hành những trận phục kích bất ngờ, gây tổn thất ngày càng lớn khi lính Israel tiến sâu hơn vào dải đất.
Trong chiến dịch năm 2014, các tiểu đoàn bộ binh của Israel đã hứng chịu thương vong lớn do mìn chống tăng, lính bắn tỉa và các nhóm phục kích của Hamas. Cuộc giao tranh ở khu vực đô thị phía bắc Gaza City đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.
Israel lần này dường như đã rút kinh nghiệm, yêu cầu 1,1 triệu dân thường sơ tán khỏi miền bắc Gaza trước cuộc tấn công. Tuy nhiên, nhiều dân thường vẫn bám trụ tại khu vực và Israel không thể "xóa sổ" Hamas mà không làm tổn hại đến những người này.
Hamas đã tung video cho thấy họ vẫn tiếp tục tận dụng hệ thống đường hầm để tiến hành các trận đánh bất ngờ nhằm vào lực lượng tăng thiết giáp hiện đại của Israel.
IDF đã huy động khoảng 360.000 lính dự bị để tham gia chiến dịch được cảnh báo là lâu dài với Hamas. Tuy nhiên, giới quan sát tự hỏi liệu họ có thể tiếp tục tấn công trong bao lâu, khi áp lực quốc tế ngày một lớn.
Liên Hợp Quốc cho biết Gaza đang nhanh chóng trở thành "địa ngục", khi số người chết đang tăng nhanh, nguồn cung điện nước và nhiên liệu bị cắt. Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết gần 9.500 người thiệt mạng và hơn 23.500 người bị thương tại khu vực sau 4 tuần chiến sự. 16 bệnh viện tại Dải Gaza không thể hoạt động do thiệt hại từ các trận tập kích và thiếu nhiên liệu.
"Trong giai đoạn đầu chiến dịch, chính phủ và quân đội Israel cảm thấy họ có sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, ít nhất là các lãnh đạo phương Tây", Yossi Melman, một trong những nhà báo hàng đầu về an ninh và tình báo của Israel, nói. "Tuy nhiên, các nước này sẽ can thiệp khi chứng kiến tình cảnh của dân thường ở Dải Gaza thêm trầm trọng".
Một vấn đề nan giải khác đối với Israel khi tiến hành chiến dịch ở Gaza là những con tin đang bị Hamas giam. Đa số con tin là người Israel nhưng cũng có nhiều công dân nước ngoài hoặc người mang hai quốc tịch. Do đó, các chính phủ như Mỹ, Anh, Pháp đang tích cực tìm cách giải cứu công dân của họ.
Tổng thống Emmanuel Macron cam kết với những gia đình Pháp gốc Israel rằng sẽ đưa người thân của họ trở về an toàn. "Pháp sẽ không từ bỏ công dân của mình", ông nói.
Hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của con tin đối với kế hoạch tác chiến của Israel. Tuy nhiên, các lãnh đạo Israel cũng đang chịu nhiều áp lực trong nước.
Giải cứu nhiều người bị giam ở các nơi khác nhau trên Dải Gaza có thể là điều vượt khả năng của đặc nhiệm Israel. Hamas cũng đã đe dọa sát hại con tin để răn đe cuộc tấn công của Israel.
Năm 2011, Israel trao đổi hơn 1.000 tù binh để đổi lấy binh sĩ Gilad Shalit, người bị Hamas giam 5 năm. Tuy nhiên, Israel sẽ cân nhắc kỹ trước khi tiến hành một vụ trao đổi lớn khác, bởi Yahya Sinwar, một trong số những người được thả năm 2011, sau này đã trở thành thủ lĩnh chính trị của Hamas ở Gaza.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới thời gian và kết quả chiến dịch tấn công trên bộ của Israel là cách các nước láng giềng có thể phản ứng. Nhiều nước Arab và Hồi giáo đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
Tel Aviv đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Ai Cập, quốc gia có chung biên giới với Gaza và đang thúc đẩy viện trợ qua cửa khẩu Rafah của nước này.
"Người dân Gaza càng phải chịu nhiều đau khổ vì chiến dịch của Israel, áp lực đối với Ai Cập càng lớn khi họ dường như không thể quay lưng với người dân Palestine", Ofir Winter, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)