Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 28/10 thông báo chiến dịch tấn công lực lượng Hamas đã chuyển sang "giai đoạn mới", khi bộ binh nước này duy trì hoạt động ở Dải Gaza, thay vì rút về sau một ngày tiến hành đợt "tấn công mở rộng".
Đợt "tấn công mở rộng" này bắt đầu bằng những cuộc không kích dữ dội chưa từng thấy nhắm vào loạt mục tiêu ở Gaza, sau đó bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp tiến vào khu vực này và giao tranh với các tay súng Hamas.
"Mặt đất tại Gaza đang rung chuyển. Chúng tôi tấn công cả mục tiêu mặt đất lẫn dưới lòng đất. Các đơn vị đã nhận lệnh rất rõ: tiếp tục tác chiến đến khi có chỉ thị mới", ông Gallant tuyên bố.
Dù quân đội Israel (IDF) chưa tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn, đây là lần đầu tiên binh sĩ Israel tác chiến trên lãnh thổ Dải Gaza trong thời gian dài như vậy kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10.
Theo giới quan sát, đợt tấn công này của Israel được tiến hành theo đúng bài bản của những chiến dịch trước đây, mở đầu bằng các đợt không kích và pháo kích dữ dội vào những địa điểm đổ quân nhằm làm mềm chiến trường, hạn chế thương vong cho lực lượng Israel.
Không quân, hải quân và pháo binh Israel đã tập kích hơn 10.000 mục tiêu của Hamas và đồng minh tại Dải Gaza trong hơn hai tuần qua. Các đợt không kích gần đây chủ yếu nhằm loại bỏ mối đe dọa với bộ binh, trong đó có những ổ bắn tỉa và trận địa tên lửa chống tăng.
Dù vậy, Hamas cũng thay đổi đáng kể trong những năm qua, tận dụng tối đa địa hình đô thị ở Dải Gaza để đối phó với sức mạnh áp đảo về lực lượng và công nghệ của Israel.
Địa hình tại Gaza giới hạn đáng kể phương án tiến công của Israel, khiến quân đội nước này chỉ có thể sử dụng một số tuyến đường nhất định để tiếp cận mục tiêu.
Những hướng tiến quân chủ đạo gồm vùng canh tác nông nghiệp gần cửa khẩu Erez ở bắc Gaza, quanh khu vực Bureji ở phía nam thành phố Gaza và trại tị nạn Khan Yunis ở phía nam, nơi xe tăng thiết giáp có thể dễ dàng cơ động và chiếm lĩnh vị trí có lợi để phát huy sức mạnh hỏa lực. Một hướng tiếp cận khác là tuyến đường Philadelphi gần cửa khẩu Rafah nối Dải Gaza với Ai Cập.
Israel từng triển khai lực lượng ở các điểm cao gần khu vực trung tâm Dải Gaza để cắt liên lạc giữa thành phố cùng tên và vùng phía nam.
Tuy nhiên, Hamas cùng các nhóm vũ trang đồng minh nhiều khả năng đều nắm rõ những tuyến đường cơ động của quân đội Israel và thường triển khai phòng tuyến đầu tiên tại đó, dẫn tới những trận giao tranh dữ dội trong các cuộc xung đột trước đây.
Sau khi vượt qua vùng ngoại ô trống trải, bộ binh Israel sẽ đối mặt với các đô thị ẩn chứa nhiều mối đe dọa. Những khu chung cư cao tầng ở Jabaliya và Beit Lahia có thể trấn giữ hướng tiến quân từ phía bắc, trong khi tuyến đường bắc - nam xuyên qua Dải Gaza đều giáp với những khu công nghiệp có thể đóng vai trò là trận địa phòng thủ của Hamas.
Địa hình ở trung tâm Dải Gaza và phía đông Khan Yunis rộng mở hơn, nhưng lực lượng Hamas vẫn có thể tận dụng những ngôi làng và nhà cao tầng dọc các tuyến đường tại khu vực này để phục kích lực lượng Israel.
Hiện chưa rõ binh sĩ Israel có tiến vào các đô thị trung tâm của Dải Gaza trong "giai đoạn mới" hay không, nhưng họ từng trải qua những trận đánh ác liệt khi đưa quân vào sâu trong vùng đất này. Hamas cùng đồng minh đang triển khai hàng loạt trận địa tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) và súng cối, kết hợp với bãi mìn để cản đà xe tăng thiết giáp đối phương.
Quân đội Israel từng mất 13 binh sĩ trong một trận đánh đêm ở khu vực Shujeiya hồi năm 2014, khi đơn vị của họ lọt vào ổ phục kích gồm mìn chống tăng và hỏa lực súng máy của Hamas.
Israel có nhiều kinh nghiệm tác chiến thiết giáp trong đô thị, nhưng Hamas cũng đang sở hữu kho tên lửa chống tăng uy lực với nòng cốt là dòng Kornet do Nga sản xuất. Loại tên lửa này từng được Hezbollah sử dụng triệt để, gây nhiều thiệt hại cho xe tăng chủ lực của Israel.
Các nhóm vũ trang Palestine cũng thể hiện khả năng triển khai máy bay không người lái (UAV) tự sát và flycam mang đầu nổ xuyên giáp, cho phép vô hiệu hóa nhiều xe tăng Merkava Mark 4M hiện đại trong ngày mở đầu xung đột.
Nhóm vũ trang Hamas sở hữu nhiều năm kinh nghiệm đối phó quân đội Israel và đã trở thành lực lượng tác chiến đô thị rất hiệu quả. Nòng cốt của họ là các chỉ huy am hiểu phương thức tác chiến của quân đội Israel, thậm chí một số người còn nói được tiếng Hebrew và từng nghiên cứu chuyên sâu về đối phương.
Vấn đề chủ chốt với Israel là đối phó trận địa phòng thủ của Hamas, trong đó có mạng lưới đường hầm sâu rộng được triển khai suốt nhiều năm qua. Hệ thống đường hầm của Hamas từng rất thô sơ, nhưng lực lượng công binh của họ giờ đây đủ khả năng xây dựng những trận địa ngầm kiên cố và được ngụy trang kỹ, đóng vai trò như sở chỉ huy và điểm tập kết binh lực.
Israel sở hữu ưu thế do thám và trinh sát ở Dải Gaza, với mạng lưới tháp canh và camera cảnh giới dày đặc triển khai dọc theo hàng rào biên giới. Tuy nhiên, sự phổ biến của UAV giá rẻ đang giúp Hamas san bằng khoảng cách, bảo đảm khả năng giám sát lực lượng Israel từ xa.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định Israel có đủ khả năng và quyết tâm để tiến công, giành quyền kiểm soát Dải Gaza. Dù vậy, Hamas vẫn nắm nhiều lợi thế có thể gây tổn thất nặng cho đối phương, trong khi dân thường Palestine và con tin bị giam tại Dải Gaza cũng đối mặt với nhiều nguy cơ do xung đột.
Vũ Anh (Theo Guardian)