Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh rạng sáng 31/7 thiệt mạng trong đòn tập kích bằng tên lửa nhắm vào khu nhà khách đặc biệt dành cho cựu binh ở phía bắc thủ đô Tehran của Iran, nơi được lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bảo vệ.
Vụ ám sát giáng đòn nặng nề vào hình ảnh của Iran, bởi nó diễn ra giữa thủ đô Tehran, nhắm vào một khách mời đang tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Quả tên lửa cũng được cho là phóng từ bên ngoài lãnh thổ Iran, xuyên thủng hệ thống phòng không đa tầng của nước này, bay vào cửa sổ căn phòng nơi ông Haniyeh đang ngủ và đoạt mạng thủ lĩnh Hamas cùng một cận vệ.
"Đó là một cú sốc lớn không chỉ với Hamas mà còn là cái tát vào thể diện của Iran", Bobby Ghosh, bình luận viên chính trị cấp cao, nói với CNN. "Đó là nỗi xấu hổ với Iran".
Dù Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ chối bình luận về sự kiện, mọi cáo buộc từ Tehran cùng các tổ chức vũ trang đồng minh đều đang nhắm vào Israel. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố Iran "sẽ làm tròn nghĩa vụ đòi nợ máu" cho ông Haniyeh.
Abas Aslani, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông ở Tehran, nhận định Iran bị dồn vào tình thế rất khó khăn, khi không thể phát hiện và ngăn chặn âm mưu ám sát thủ lĩnh cấp cao nhất của đồng minh ngay giữa thủ đô.
"Sự kiện này ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh của toàn thể bộ máy an ninh Iran. Họ buộc phải đáp trả bằng cách nào đó và kịch bản Iran trả đũa là không thể tránh khỏi. Tehran có thể vẫn cần thêm thời gian để quyết định mức độ đáp trả, nhưng trên phương diện an ninh, đây rõ ràng là đòn đau với Iran", ông nói.
Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran mở cuộc họp khẩn cấp tại dinh thự của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei vào sáng 31/7 để thảo luận phương án phản ứng sau vụ ám sát. Đại tướng Mohsen Rezaei, thành viên hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, cựu tham mưu trưởng IRGC, cảnh báo Israel sẽ trả giá cho cái chết của Haniyeh.
"Kẻ thù ngu ngốc đến mức nghĩ rằng hành động thị uy đáng kinh tởm này có thể che lấp sự yếu kém và tuyệt vọng của họ trong cuộc chiến với nhân dân Palestine dũng cảm và không bao giờ khuất phục. Israel sẽ trả giá rất đắt", ông trả lời hãng tin Tasnim.
Tuy nhiên, Mojtaba Amani, đại sứ Iran tại Lebanon, cho hay các lãnh đạo nước này đang nghiên cứu mọi thông tin liên quan đến vụ ám sát và chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.
"Mọi thông tin liên quan đến chính trị, trong đó có vụ tập kích vào thủ lĩnh số hai của Hezbollah ở Beirut một ngày trước đó, đều được thảo luận", Amani nói, đề cập đến vụ IDF hạ sát chỉ huy Fuad Shukr của nhóm vũ trang ở Lebanon.
Lần gần nhất Iran trả đũa quân sự trực diện nhắm vào Israel là ngày 14/4, sau khi cáo buộc Israel đứng sau vụ tập kích ngày 1/4 vào tòa lãnh sự ở thủ đô Damascus của Syria. Vụ tập kích phá hủy tòa nhà ngoại giao Iran, khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 quan chức cấp cao của IRGC chịu trách nhiệm điều phối hỗ trợ cho các nhóm vũ trang đồng minh.
Trong chiến dịch tập kích trả đũa, Iran phóng 170 máy bay không người lái (UAV) kiểu Shahed, 30 tên lửa hành trình, 110 tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, hầu hết các vũ khí đều bị đánh chặn, phần lớn do Iran đã để cho Israel cùng đồng minh gần hai tuần để chuẩn bị. Truyền thông Israel và Mỹ còn dẫn một số nguồn tin tiết lộ Tehran phát cảnh báo cho các bên liên quan trước khi khai hỏa.
Tuy nhiên, đối với vụ ám sát ông Haniyeh, lãnh đạo lực lượng giữ vai trò trung tâm trong "Trục Kháng chiến" được Iran gây dựng để chống lại Israel và được mời đến Tehran với cương vị thượng khách, nước này có thể buộc phải đáp trả mạnh mẽ hơn.
"Máu của ông Haniyeh sẽ không đổ xuống vô ích. Cái chết của ông tại Tehran sẽ củng cố cam kết sâu sắc và không gì có thể phá vỡ giữa Tehran, Palestine và lực lượng kháng chiến", Nasser Kanaani, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, tuyên bố.
Chuẩn tướng Jacob Nagel, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, dự báo Iran có thể đáp trả thông qua các lực lượng đồng minh, thường là Hamas hoặc Hezbollah.
"Hamas có thể muốn đáp trả trực diện. Dù không còn nhiều nguồn lực sau 9 tháng giao tranh với Israel ở Gaza, họ vẫn đủ khả năng phóng rocket thẳng vào Tel Aviv nếu muốn. Hezbollah là câu chuyện hoàn toàn khác. Họ còn rất nhiều nguồn lực và hoàn toàn có thể lựa chọn nâng cấp độ trả đũa cao hơn những cuộc đụng độ lẻ tẻ 9 tháng qua. Vấn đề là họ muốn chiến tranh toàn diện hay không", Nagel bình luận.
Nick Paton Walsh, chuyên viên phân tích Trung Đông cho CNN, thì cho rằng mọi phương án trước mắt Iran đều không có lợi cho nước này. Giới lãnh đạo Iran có thể không mấy mặn mà với phương án bật đèn xanh để Hezbollah bước vào cuộc chiến tổng lực với Irsael vì đồng minh này "là át chủ bài hùng mạnh mà Tehran chỉ có thể dùng một lần", khi tình hình thật sự cấp bách.
Chuẩn tướng Nagel cũng lưu ý rằng Israel đủ khả năng đáp trả tương xứng với mọi đòn trả đũa từ Iran và đồng minh, khẳng định IDF có nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Lebanon và "ai có khả năng tung đòn trả đũa cuối cùng mới là điều quan trọng".
Cựu đại tá không quân Mỹ Cedric Leighton nhận định vụ ám sát có thể đã đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực ngoại giao với Israel và Iran buộc phải "phô diễn sức mạnh" của mình trong đòn đáp trả sắp tới.
"Họ có thể mở cuộc tập kích tên lửa tương tự vài tháng trước nhưng mạnh mẽ hơn, tìm cách phá hủy hệ thống phòng không của Israel. Iran và đồng minh cũng có thể nhắm vào các cơ sở của Israel không chỉ trong khu vực Trung Đông mà còn trên khắp thế giới. Kịch bản trả đũa thứ ba là tấn công mạng nhắm vào Israel và bất kỳ quốc gia nào mà Iran cho rằng có liên hệ với nước này, trong danh sách đó hiển nhiên có Mỹ", ông bình luận.
Akiva Eldar, nhà phân tích chính trị tại Tel Aviv, ví vụ ám sát Haneyih như hành động "phá tổ ong mà không mang đồ bảo hộ" và lo sợ công dân Israel trong lẫn ngoài Trung Đông trở thành mục tiêu trả đũa của Iran cũng như các lực lượng đồng minh.
Đại sứ quán Israel ở Argentina từng bị đánh bom khủng bố vào năm 1992, khiến 29 người chết và 242 người bị thương. Vụ tấn công được thực hiện bởi tổ chức Jihad Hồi giáo (IJO), có liên hệ với Iran và Hezbollah, nhằm phản đối quân đội Israel chiếm đóng lãnh thổ Lebanon.
Firas Maksad, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Trung Đông tại Washington, nhận định vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas có thể thay đổi hoàn toàn "luật chơi" giữa Israel với Iran và các lực lượng đồng minh trong thời gian tới. Maksad lưu ý rằng Israel đang hạ sát thủ lĩnh các tổ chức đồng minh của Iran với số lượng và tầng suất chưa từng có, do đó Tehran cũng có thể phản ứng khác mọi dự báo.
"Một chiến dịch quy mô khu vực có thể diễn ra, tập họp các nhóm dân quân từ Iraq, Yemen, Lebanon và thậm chí là quân đội Iran để tung đòn trả đũa trực diện vào Israel. Chúng ta đang đối mặt những ngày vô cùng đen tối, có thể đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh toàn diện", Maksad nói.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, CNN)