Chương
Từ bếp lửa hồng
đến cuộc cách tân
nồi sứ
“Bạn là những gì bạn ăn vào!”
- Phật Thích ca nói.
“Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức” là xu thế không thể đảo ngược của quy luật sống lành mạnh, khi con người tiến tới hiểu biết và khiêm cung hơn. Đó là cách sống minh triết để nuôi dưỡng thân và tâm, cho ta một cuộc đời an lành, hạnh phúc.
Từ sự áp dụng lối ăn uống trở về với tự nhiên cho cá nhân mình, ông Lý Ngọc Minh đã nuôi nấng giấc mơ về một cuộc cách mạng nấu nướng cho mọi người.

Giấc mơ ấy lớn lên từ bếp hồng của mẹ.
Một bếp lửa hồng
Một bếp lửa hồng
Làng Tân Khánh, Bình Dương cách đây 60 năm khác mọi ngôi làng miền Nam bởi 16 lò gốm thủ công nằm dọc con suối Tân Khánh. Lò phải nằm cạnh suối để người ta gánh nước lên làm đất, nặn hàng. Con suối trong veo và xinh đẹp, gần những rừng cây.

Nhờ nguồn nước của suối cùng nguồn đất sét cao lanh chất lượng cao và nguồn củi đốt, nghề sản xuất gốm sứ đã ra đời ở Tân Khánh từ giữa thế kỷ 18, sau khi một thương nhân người Hoa tình cờ đến Tân Uyên và phát hiện ra loại đất quý màu trắng có thể làm gốm. Gia đình ông cũng đã đến đây định cư và nhiều gia đình làm gốm khác cũng đến, mở các lò gốm sứ dọc con suối Hố Đại.

Đến đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Tân Khánh có hơn 10 lò gốm thủ công với các sản phẩm đa dạng: bát, đĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng trang trí, đôn… Các làng gốm ở Bình Dương trong nhiều năm là nơi cung cấp sản phẩm này cho cả miền Nam. Làng Tân Khánh từ lâu đã trở thành cái nôi của gốm sứ Bình Dương. Từ đây, một nghệ nhân nghề sứ cao cấp của Việt Nam đã lớn lên.

Tuổi thơ của cậu bé Lý Ngọc Minh là những ngày đi học, loanh quanh phụ việc bên lò gốm của cha mẹ. Từ 11 tuổi, cậu làm quen với căn bếp nhỏ, nấu ăn cho cả gia đình.

Gọi là bếp nhưng chỉ là một gian bé xíu được ghé vào đầu hồi căn nhà chính. Chiều ngang chưa đầy 2 mét, chiều sâu 8 tấc, vách đất, mái ngói, căn bếp như miếng đồ chơi được gá vào chái nhà. “Mấy cục gạch bắc thành ba chân, vài bó củi vụn, bắc cái nồi lên trên thì gọi là bếp”, ông Minh tìm lại trong ký ức.

Những món đầu tiên cậu nấu là cơm nồi đất, rau luộc, trứng chiên. Sau mỗi “thành quả” đó, cậu bé Minh chui ra khỏi chái nhà, mặt mũi chân tay lem luốc bụi tro, than củi.

Ngoài nấu cơm, tới 15 tuổi, cậu còn giữ 3 đứa em, giặt đồ, gánh nước, làm hầu như mọi việc nhà.

Nhưng cậu vẫn thích các bữa ăn mẹ nấu hơn. Dáng mẹ dong dỏng cao, thoăn thoắt từ chợ về nhà, vào bếp, sắp xếp rổ rau, nồi cơm, nồi cá… Mẹ tóc dài, khi nào cũng bới gọn sau đầu, trán cao, đôi mắt rất sáng. Bà làm gì cũng nhanh và gọn. Một bữa ăn nếu người ta làm trong một giờ thì bà mất nửa giờ. Bữa ăn của bà, chỉ gồm những món thông thường như cá kho, thịt kho, canh khổ qua, canh bí, rau luộc… nhưng khi nào cũng vừa chín tới, không thiếu không thừa, không nhão không sống.

Ông Minh bảo dù hàng ngày mẹ rất bận, nhưng riêng bữa ăn và sức khỏe thì luôn chú trọng. Bà nhắc con đi học đúng giờ, học bài đầy đủ, trong bữa ăn bao giờ cũng yêu cầu bọn trẻ ăn một chén canh trước khi ăn cơm. Bà hay nhắc con rằng phải tập trung ăn, chú tâm vào vị ngon của thức ăn, ít nói chuyện thôi. Ăn cho hết, không bỏ bữa.

Bà hay nấu các món ăn có tính chất mát bổ, luôn có một nồi canh, hạn chế đồ chiên, rán, đồ nấu bị quá lửa. Ông Minh vẫn nhớ thương món mẹ thích: canh bí đao, đu đủ, khổ qua, mồng tơi, rau ngót, các món luộc như đậu bắp, đậu đũa, đậu que.

Làng Tân Khánh hồi cậu bé Minh 15 tuổi chỉ có khoảng 16 lò gốm thủ công. Người cha hiền lành mất lúc cậu 7 tuổi, mình mẹ tần tảo quán xuyến hai lò gốm cùng hơn chục thợ làm công, bốn đứa con. Mẹ mang danh tiểu chủ ở làng quê, dù có người làm công nhưng vẫn nghèo, đi chợ thiếu nợ là chuyện thường.

Gánh nặng trên vai khiến mẹ khi nào cũng bận. Người phụ nữ ấy vẫn sống động trong ký ức ông, ít học nhưng rất thông minh, linh hoạt trong quản lý gia đình và công việc kinh doanh, bà ham tìm hiểu về mọi thứ, giỏi giao tế, vừa đảm đang nội trợ vừa tháo vát công việc. Cả “tiểu đoàn” dưới tay bà được thu xếp ổn thỏa. Ông luôn cảm thấy mẹ là dòng suối nguồn vô tận tiếp sức cho mình đến tận bây giờ.

“Đôi mắt bà rất sáng. Có lẽ tôi giống mẹ nhiều”, người đàn ông có vầng trán cao và đôi mắt sáng ngời chậm rãi nói.

Yêu là hành động
Yêu là hành động
Trong văn hóa Việt, một gia đình nghèo đến mấy cũng không thể thiếu chiếc nồi. Nó không chỉ là đồ vật rất cơ bản trong mọi ngôi nhà mà còn là văn hóa ẩm thực, ghi dấu lịch sử, sự gắn kết giữa con người trong gia đình và với cộng đồng.

Chuyện xưa kể, có chàng trai nghèo nhưng rất thông minh và ham học. Năm nhà vua mở khoa thi kén nhân tài, chàng ngày đêm đèn sách. Nhiều bữa, đợi nhà bên cạnh vừa ăn xong là chàng chạy sang mượn nồi ngay, rồi cọ sạch bóng trước khi đem trả.

Ngày chàng trai xếp đầu bảng vàng, trở thành Trạng nguyên, nhà vua ban thưởng. Quan trạng tâu chỉ cần một chiếc nồi nhỏ. Chàng về thăm quê, đi thẳng đến nhà hàng xóm biếu ông chiếc nồi vàng vua ban và nói “Nhờ vét cơm dính nồi của ông ăn học, tôi mới có ngày nay”.

Câu chuyện đó được ghi lại trong sử sách. Vị Trạng Nguyên trẻ ấy chính là Tô Tịch, một vị quan nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên ông được đặt cho một con phố ở Thủ đô Hà Nội.

Những đồ vật cổ xưa của người Việt có chiếc nồi, những món ăn ngon lành nhất như cá kho, thịt kho, cơm niêu gắn với chiếc nồi đất. Những câu chuyện kể đi vào giấc ngủ trẻ thơ hàng nghìn năm qua có chiếc nồi kỳ diệu của Thạch Sanh, của Trạng nồi… Nó trở thành một phần sinh kế và tâm hồn người Việt.



Ông Minh nhớ cái nồi đất mẹ dùng kho cá những năm tuổi thơ, cá rất ngon, nhưng vỡ liên tục. Ông chẳng nhớ mình đã làm hỏng bao nhiêu chiếc nồi.

Những năm tháng cậu bé Minh nấu ăn bằng bếp củi vụn, dù vụng về, đôi khi làm vỡ nồi, hỏng món vì vừa nấu ăn vừa học bài, nhưng điều còn lại thì quý giá. Ông bảo: “Nó dạy cho mình cách để ý bếp, canh lửa và chú tâm vào món ăn đang nấu”. Lúc luộc rau thì lửa phải to, khi kho cá cần lửa nhỏ. Một nồi cơm ngon là lửa to ban đầu, than nóng vùi khúc sau, cơm chín căng hạt, kèm thêm lớp cháy mềm, vàng ruộm. Quẹt miếng cháy vào nước thịt kho, nhai chậm chậm, vị ngọt, bùi lan tỏa trong miệng thật lâu.

“Mình phải biết tính quy luật của cái bếp, chú tâm vào công việc chứ không phải đơn giản chỉ làm cho mau. Chính những ngày đó dạy cho tôi biết cách hiểu tâm trạng của những người đầu bếp. Họ mong muốn có được cái nồi như thế nào, để nấu những món ăn ra sao”, ông Minh nghiệm ra. Dù tuổi thơ sớm thiếu vắng bóng hình cha, phải lao động từ sớm, nhưng không có gì là thiệt thòi, lãng phí. Ông cảm ơn những ngày thơ ấu đó, nó nuôi lớn ước nguyện của một người yêu sứ và tìm cách lan truyền tình yêu ấy cho những người khác, để tặng nhau bữa ăn ngon lành.

Ông Minh tự nhủ không chỉ mình ông, sẽ có nhiều người đi suốt cuộc đời với ký ức trong trẻo về món ăn thời niên thiếu. “Hương vị, cách thức gia giảm gia vị, độ đậm nhạt và hình dáng món ăn nó đã vô trong người của mình rồi nên nó là một phần tâm hồn mình”, người đàn ông hơn 60 tuổi nói.

Dù mẹ làm chủ một cơ sở sản xuất gốm, có người làm công nhưng cuộc sống rất đạm bạc. Những món ăn thông thuộc ngày ấy ai cũng như nhau: rau luộc, mướp xào, bí xào, canh khổ qua, thịt kho, cá kho, canh bí đao, canh ngót…

Điều ông nhớ nhất là mẹ rất chú ý canh lửa, vì quá lửa, thực phẩm hết chất và mất vị thơm ngọt, tươi ngon vốn có. Bà cũng hạn chế dầu mỡ và chiên, bởi dễ khiến cơ thể bị nóng trong, sinh bệnh.

Những bài học dưỡng sinh và sức khỏe đầu tiên của ông Minh là như thế. “Mẹ gieo cho tôi ý thức về dưỡng sinh ngay từ nhỏ nên tôi luôn thích đọc sách về sức khỏe”, ông bảo.

Chàng trai trẻ Lý Ngọc Minh từng mê mẩn câu chuyện của một bác sĩ nổi tiếng, vị này đúc kết quan điểm sống khỏe mạnh của mình bằng bốn câu thơ, đại ý: tâm tình vui vẻ, tối đi ngủ sớm, siêng năng tập luyện, ăn uống hợp lý. Qua nhiều năm tự sửa mình, ông Minh đưa yếu tố ăn uống hợp lý lên đầu, vì chỉ khi ăn uống hợp lý, con người mới có sức khỏe để tập luyện, đi ngủ sớm, có cuộc sống vui vẻ, không bệnh tật.

Khoa học hiện đại chứng minh những điều đó là đúng. Thức ăn nếu không lành mạnh, nấu sai cách thì dinh dưỡng sẽ mất đi, thực phẩm có thể sinh ra độc tố. Kể cả thực phẩm sạch, lành mạnh, đắt tiền nếu không nấu đúng cách cũng sẽ gây hại. Ví dụ, bắp luộc vừa chín tới ăn ngon ngọt, nhưng bắp rang bơ trong nồi nổ bắp bằng nhiệt độ 160 độ có chất gây ung thư. Hạt cà phê thường rang ở 180-200 độ, chả giò chiên trên bếp gas thường trên 160 độ mới chiên chín được. Thói quen nấu nướng ở nhiệt độ cao tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Trong cơ thể mỗi người có 60.000 tỷ tế bào. Những gì ta ăn sẽ biến dinh dưỡng thành máu đi đến và nuôi dưỡng các tế bào đó, tạo nên tính cách con người. Nếu dung nạp thức ăn lành, cơ thể lẫn trí tuệ sẽ an tĩnh, khỏe mạnh, cảm thấy hạnh phúc và bình an trong tâm. Một cái tâm bình an trong cơ thể khỏe mạnh tạo ra nhiều niềm vui, năng suất lao động, của cải cho xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đó đến những người xung quanh, bớt bệnh tật và những chuyện đau buồn khác.

Khoa học đã chứng minh tuổi thọ thật của con người có thể 125 đến 200 năm. Nhưng vì sống sai cách, chưa thuận tự nhiên nên phần lớn qua đời khi chưa đầy 80 tuổi. Nếu ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể sống thêm 20-30 năm.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa tuổi thanh niên là ngưỡng 17 đến 65; 65 đến 78 tuổi là trung niên và 78 đến 100 tổi mới gọi lão niên. Những ai trên 100 tuổi được gọi là tuổi già. Ở những nước có nền y học phát triển, thay vì kê đơn thuốc, bác sĩ đưa thực đơn để người bệnh ăn theo chế độ lành mạnh mau khỏi bệnh.

Yêu thương là quan tâm đến sức khỏe của mình và người thân. Khi thật lòng với nhau, người ta mới quan tâm chuyện nhỏ của đối phương, chỉnh sửa thói quen ăn uống chưa đúng để làm cho cuộc sống của người thương tốt hơn.

Hạnh phúc và cuộc sống chất lượng chỉ có được khi ta nâng niu như một chiếc nồi dễ vỡ.
Thức ăn là thuốc
Thức ăn là thuốc
Ông Minh tâm niệm, sức khỏe là tài sản quý giá nhất nhưng hầu hết mọi người thường lơ là. Nhiều người nội trợ mắc một số sai lầm trong nấu nướng như: đun thực phẩm ở nhiệt độ cao quá lâu, dùng dầu đã qua chế biến, để thực phẩm nhiều giờ... vô tình khiến tỷ lệ ung thư, tiểu đường, tim mạch tăng cao. Bên cạnh đó, vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất, chất liệu nồi không chuẩn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Hiromi Shinya - người Mỹ gốc Nhật, tác giả cuốn sách dưỡng sinh The enzyme bán chạy hiện nay, bạn có thể sống thọ, không bệnh tật chỉ khi đường ruột sạch và chế độ ăn uống lành mạnh. “Người khỏe mạnh là người có đường ruột tốt, ngược lại, sức khỏe suy yếu thường hiện diện ở những ai có đường ruột xấu. Khi có sức khỏe, mọi người thường mơ ước nhiều điều: tiền bạc, công danh, sự nghiệp... Nhưng lúc nằm trên giường bệnh, bạn chỉ khát khao có sức khỏe”, ông Minh nói.

Cách đây vài năm, người con rể bên Mỹ kể, có anh nấu phở bằng chiếc nồi inox trong nhà hàng. Chỉ dùng để ninh nước nhưng sau một năm đã bị thủng. Trong nước phở có muối, cùng tính kiềm, axit của thực phẩm, dù nồng độ chúng nhẹ nhưng đun liên tục ngày qua ngày đã có thể làm hỏng nồi. Quan trọng nhất, kim loại bị ăn mòn ấy đi vào cơ thể người.

Nhiều lần đun thử cà phê trong bình sứ và bình kim loại, thử thức ăn nấu bằng nồi đất, nồi sứ và kim loại, ông Minh nhận ra chúng khác xa nhau về mùi vị và độ ngon, ngọt. Ông trăn trở làm thế nào để thức ăn giữ được chất dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe.

Từ lâu, nồi đất được lòng người làm bếp chuyên nghiệp vì đất nung không bị ăn mòn bởi các chất axit và kiềm có trong thức ăn khi nấu ở nhiệt độ cao và không tiết ra chất độc hại như kim loại. Những món ăn kinh điển nhất của nhiều dân tộc vẫn được nấu bằng nồi đất. Song, sản phẩm này vẫn còn một số hạn chế như: truyền dẫn nhiệt kém, tốn năng lượng, dễ vỡ, nứt do sốc nhiệt…

Hơn 1.000 năm loài người phát minh ra sứ và trên 4.000 năm phát minh ra gốm, nhưng ngày nay, chưa có chất liệu nào thay thế gốm sứ trong việc phục vụ nhu cầu ăn uống của con người. Cái bát, đĩa, chén, ly sứ vẫn là những đồ vật đẹp, sang và an lành nhất trên các bàn ăn, từ gia đình nghèo tới bậc quyền quý.



Ông Minh đặt ra bài toán cho chính mình - chế tác ra những chiếc nồi sứ chất lượng, hướng đến sức khỏe cộng đồng. Ông chọn cái tên “Nồi dưỡng sinh”, tức nó nuôi dưỡng tốt nhất cho cuộc sống.

Ta không khống chế nổi các biến động bên ngoài như thời tiết, môi trường... đến cơ thể, nhưng có thể kiểm soát những gì dung nạp vào bằng cách chế biến, chọn chất liệu nấu nướng. Suốt 14 năm, ông đi tìm chất liệu vừa không chứa chất độc hại, vừa chịu được độ sốc nhiệt tốt để xóa nỗi lo nồi nứt, vỡ, tiết kiệm thời gian và năng lượng khi nấu của người nội trợ.

Hơn mười năm trước, trên thế giới đã dấy lên phong trào nồi gốm sứ, nhiều trường đại học, nhà sản xuất nghiên cứu và tung ra thị trường như một xu hướng dưỡng sinh mới. Nhưng chúng đa phần là loại nồi gốm dễ sốc nhiệt, dễ rạn men, truyền dẫn nhiệt rất chậm. Ông Minh đi nhiều nơi tìm hiểu. Một lần tới công ty gốm sứ lớn ở Trung Quốc, họ yêu cầu trả 250.000 USD mới bán bản quyền nồi gốm chịu nhiệt, nhưng chúng mới là nồi gốm, chưa phải là nồi sứ “Họ làm được sao mình không làm được”, ông tự nhủ.

Người thợ gốm sứ Lý Ngọc Minh đi khắp các nước trên thế giới, tìm hiểu công nghệ làm gốm từ những nước phát triển, nghiên cứu sách báo và học hỏi kinh nghiệm làm sứ dưỡng sinh từ các gia tộc nhiều đời làm gốm. Mỗi vùng đặt chân đến, ông đều tự tay sờ nắn đất để tìm ra loại đất quý. "Chỉ khi tìm được tinh hoa của đất mẹ thiên nhiên, chúng ta mới có thể làm ra loại đồ sứ thượng hạng, nấu ăn ngon lành nhất. Đất tự nhiên không chứa chất độc hại, không sinh chất gây ung thư khi đun nấu ở nhiệt độ cao và đảm bảo giữ dưỡng chất, hương vị dù không bỏ nước", ông nói.

Khi tìm chất liệu phù hợp, ông bắt tay nghiên cứu loại men không tác dụng phụ, miễn độc hại và không gây rạn nồi, xì hơi, bung sứ... lúc nấu ở nhiệt độ cao. Ông dành thời gian tìm tòi cách tăng cường bức xạ nhiệt để thức ăn chín nhanh, chín sâu, giữ lại dưỡng chất tốt nhất và không sinh ra chất độc hại.

Tiếp đó, ông mất nhiều năm nghiên cứu nhiệt độ nung, giữ môi trường nung đảm bảo nghiêm ngặt, từ các thành phần hóa học tham gia khi nung, thời gian, áp suất...

Trong 14 năm, ông Minh và cộng sự đã làm hàng nghìn thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và nhà máy, để theo đuổi một loại chất liệu gồm đất nguyên liệu và men có được những đặc tính hữu dụng như mình mong muốn: nhẹ, an toàn cho sức khỏe con người, không sinh ra chất độc, truyền dẫn nhiệt tốt, tăng cường bức xạ hồng ngoại. Khi chiên, nướng, nhiệt độ nhiệt dưới 130 độ C, thức ăn vẫn chín tốt và tiết kiệm năng lượng khi nấu ăn để không sinh ra độc hại có thể gây bệnh, nhất là ung thư.

Tháng 4/ 2018, khi cầm trên tay loại nồi sứ có bức xạ hồng ngoại cao và đặc biệt không cần nước để làm chín thực phẩm, ông đã tỉ mẩn ngắm nó một hồi lâu. Chỉ mình ông biết đêm qua mình đã thao thức.



Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long được sản xuất bởi các nguyên liệu chính là cao lanh, tràng thạch, thạch anh, đất sét và một số chất phụ gia quý hiếm từ khoáng thiên nhiên khác do tự tay ông tìm tuyển, từ trong và ngoài nước.

Bộ nồi gồm nhiều sản phẩm, có chức năng và thể tích khác nhau như: chảo cạn, chảo tay cầm, ấm nước, nồi dưỡng sinh có nắp với bốn kích cỡ, với giá từ 200.000 đồng đến khoảng 2,64 triệu đồng một chiếc.

Theo nghệ nhân, sứ dưỡng sinh đã và đang được thiết kế để sử dụng trên các loại bếp, lò vi sóng, lò nướng, điện, gas, hồng ngoại, bếp từ. Tất cả sản phẩm đều chịu sốc nhiệt từ 0 độ C đến 800 độ C. Sản phẩm nấu được tất cả món với mọi loại thực phẩm từ thịt, cá, gạo lứt đến rau, củ quả… và quan trọng nhất, nó giúp thực phẩm giữ nguyên vi chất dinh dưỡng, có vị ngon lành tự nhiên chứ không phải bởi gia vị.

"Tôi mong muốn người tiêu dùng phát huy lối sống sạch, mạnh khỏe bắt đầu từ việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh tại nhà bằng những bộ nồi có tính năng dưỡng sinh và có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được kiểm định và đạt chuẩn. Đó là ý nghĩa của từ dưỡng sinh mà tôi muốn nói đến", ông chủ hãng gốm sứ lớn nhất Đông Nam Á trải lòng.

Bộ nồi sứ dưỡng sinh đầu tiên của Minh Long mang màu rêu xanh. Nó bắt đầu từ cuộc đối thoại "bước ngoặt" với cậu con trai út nhiều năm trước. Bửu, cậu bé 7 tuổi một ngày bỗng hỏi, ba có biết làm thế nào để nhận ra một vùng đất trong sạch, không ô nhiễm không. Người cha bối rối, ông chưa từng tìm hiểu về điều này.

- Nơi nào có địa y mọc thì nơi ấy không nhiễm bẩn đó ba.

- Vì sao vậy con?

- Sách nói, rêu rất sợ bẩn, nó chỉ mọc ở những nơi trong sạch, môi trường không ô nhiễm.

Bửu hay mân mê những cuốn sách khoa học, cậu thích những nơi sạch sẽ và gọi xanh rêu là màu tinh khiết.

Màu rêu xanh sau đó đi vào bộ nồi sứ của người cha như ước mơ tạo ra dòng sản phẩm sạch. Đó là cách ông thể hiện tình yêu với con mình. Cũng như mẹ ông từng chan yêu thương vào mỗi món ăn đơn sơ vài chục năm trước. Mặc dù bây giờ trong nhà vẫn ăn các món đó, nhưng những gì mẹ nấu với ông Minh vẫn là thứ ngon hơn hết. Yêu thương không phải chỉ bằng những lời hay. Yêu thương là hành động.

Với ông Minh, sản xuất gốm sứ cao cấp là một cuộc chơi. Nếu xem đó là việc làm, bạn phải suy nghĩ rất đau đầu, tính toán lời lỗ, hơn thua. Nhưng khi chơi, bạn sẽ chơi bằng cả trái tim, ước mơ đạt đến đỉnh cao và không bị mắc kẹt trong suy nghĩ có thu lời nhiều từ nó hay không. Chỉ khi không đặt nặng việc kiếm tiền, bạn đủ sức vượt qua mọi gian khổ và thành công mới đến.

“Tôi chỉ có ước mơ lớn nhất trong cuộc đời, là làm những sản phẩm ngày càng hoàn hảo, có tính chất vật lý, chất lượng vượt trội mà chưa ai làm được. Đầu tiên, đó là vì một cuộc sống tốt hơn cho con người. Thứ hai, để mọi người sử dụng sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc như tôi đã từng trải”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I định nghĩa thành công là như vậy.

Đứng trước lò gốm rộng hơn trăm nghìn m2, ông Lý Ngọc Minh nghĩ về con đường tươi sáng của nghề gốm sứ Việt. Ngoài bộ nồi, ông và cộng sự đang hướng đến làm ra nhiều sản phẩm khác hướng tới sức khỏe. Trên thương trường, ông muốn định vị công ty bằng sức khỏe và sự thịnh vượng.

- Tôi không muốn lặp lại ai và lặp lại cả chính mình. Nhưng tôi tin rằng sản phẩm tốt luôn có vị trí vững chắc trên thị trường.

***

Gia đình cậu bé Minh rời khỏi làng Tân Khánh năm 1978.

Giờ đây, lâu lâu ông đưa các con, cháu nội ngoại về thăm làng cũ. Cảnh cũ, ngôi nhà xưa vẫn còn dù u tịch. Suối Tân Khánh chỉ còn là khe nước nhỏ. Làng đã thành cộng đồng dân cư đông đúc khá giả. Các lò gốm thủ công không còn nữa. Người ta đã cấm sản xuất do ảnh hưởng môi trường.

Ông tri ân tuổi thơ vất vả ở làng quê rất nhỏ, suốt thời niên thiếu đến thanh xuân, tuy giản dị nhưng ấm nồng tình mẹ.

Đó là những khoảnh khắc ông ngoảnh lại thời thơ ấu, khi còn hơi ấm mẹ cha. Những người đầu tiên giúp ông hiểu ra bài học cuộc đời: Hãy bắt đầu từ sức khỏe và sức khỏe bắt đầu từ chuyện ăn uống. Và tất cả chúng ta, được bắt đầu từ suối nguồn yêu thương đều có thể nhận những điều tốt đẹp từ tạo hóa ban cho nếu biết cách sống đúng theo dưỡng sinh.

Sứ dưỡng sinh được làm thế nào
  • Bài viết: Nam Đức – Thi Quân
  • Ảnh: VTV, Trung Lê, Minh Thư
  • Video: Công Khang
  • Kỹ thuật: Quốc Toàn