Công nghệ sửa chữa điện “nóng”có nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống, nhưng người thợ cũng luôn phải tập trung cao độ trong từng thao tác đảm bảo an toàn.
Một buổi trưa hè tháng 7 âm lịch nóng bức, tại đường dây 22kV cụm công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), nhóm thợ sửa chữa điện “nóng” (hotline) vẫn đang miệt mài tiến hành đấu nối trạm mới, thay các hỏng hóc cách điện, xử lý các điểm tiếp xúc trên lưới điện.
Những người thợ đứng trên xe gàu trải thảm cách điện, bọc lớp nhựa màu cam
và thảm cách điện màu vàng trên lưới điện, điểm hở nào cũng được che chắn để đảm bảo
an toàn…
Đó là công việc thường nhật của 12 công nhân thuộc đội sửa chữa điện nóng Hà Nội
thuộc EVN HANOI. Đây cũng là đội sửa điện “độc nhất vô nhị” của miền Bắc áp dụng phương pháp sửa điện “nóng” - sửa chữa điện trực tiếp trên đường dây trên chính
đường dây mang điện áp 22kV.
Khác với công nghệ sửa chữa điện trước đây, dù là sự cố nhỏ nhất cũng phải cắt điện
mới có thể triển khai, công nghệ hotline giúp người thợ tiến hành sửa trên đường dây đang mang điện. Đây là công nghệ mới, hiện đại nhất được áp dụng ở Việt Nam, mang lại hiệu quả và có độ an toàn cao.
Ở Việt Nam, phương pháp này hiện chỉ áp dụng với đường dây 22kV. Theo lý giải của
anh Đỗ Hồng Thắng - Đội trưởng đội sửa chữa điện nóng – Công ty lưới điện cao thế thành phố Hà Nội: “Điện áp nếu cao quá thì các trang thiết bị cồng kềnh, đường dây thấp thì khoảng cách pha đất không đủ đảm bảo an toàn để tiến hành”.
Ưu điểm nổi bật nhất của công nghệ sửa chữa điện nóng là trong quá trình sửa chữa
sẽ không mất điện phụ tải, các hộ dân và các khu công nghiệp vẫn có thể tiến hành
sinh hoạt, sản xuất như bình thường. Trong khi đó, đội ngũ thợ sửa điện có thể sửa chữa đường dây, thay thế thiết bị trên đường dây mang điện.
Phương pháp sửa chữa điện nóng cũng giúp tiết kiệm thời gian. Trước đây, khi nhận được thông báo có sự cố, công nhân ngành điện phải kiểm tra, làm thủ tục cắt điện
mới được tiến hành, sau khi sửa cần thông báo đóng điện thì nay, hỏng đâu sửa đấy,
thao tác nhanh chóng, kịp thời. Lộ trình giải quyết sự cố chỉ mất khoảng 3-4 tiếng,
thậm chí nhanh hơn.
“Các đơn vị quản lý vận hành khi có bất thường hay sự cố sẽ gửi đăng kí thông tin
đến đường dây office nội bộ để đội xử lý. Đội sẽ nhận được thông tin và lập kế hoạch
để chủ động thực hiện”, anh Thắng nói về quy trình xử lý sự cố của đội sửa chữa hotline.
Công tác ngành điện, đặc biệt là công tác sửa chữa điện nóng là công việc đặc biệt
nguy hiểm, đòi hỏi chấp hành nghiêm chỉnh quy trình an toàn, các thao tác sửa chữa trên lưới điện phải rất thuần thục.
Anh Nguyễn Trường Chinh, đội phó đội hotline ví von, nếu so phương pháp sửa chữa điện truyền thống là xe đạp, xe máy thì sửa chữa điện nóng là máy bay. Công việc
của người thợ hotline giống như người phi công, vừa có độ khó cao hơn, vừa đòi hỏi không được có bất cứ sơ suất nào.
Do đó, các quy trình bảo vệ an toàn sẽ khác hoàn toàn quy trình truyền thống. Cụ thể, thay vì xe ô tô bình thường, đội được Tổng công ty trang bị xe tải gàu cách điện nhập khẩu nguyên chiếc. Mỗi công nhân được trang bị găng tay, vai áo cao su cách điện 22kV (chỉ cách điện ở vai áo - phần cử động nhiều nhất chứ không phải áo mặc toàn bộ người vì sẽ rất nóng), mũ, giày bảo hộ và các dụng cụ lao động… Tất cả máy móc, dụng cụ đều được nhập khẩu từ các quốc gia có công nghệ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Theo anh Trần Hồng Quân – chỉ huy trực tiếp nhóm công tác: “Đối với công tác sửa chữa điện nóng, những yêu cầu đều rất khắt khe. Người thực hiện phải luôn hiểu được những quy trình an toàn cũng như quy trình công nghệ, những điều kiện về sức khỏe…”
Ngoài ra, do đặc thù công việc mà đội sửa chữa điện nóng có thêm một thành viên làm giám sát an toàn. Thông thường, 99% công việc của ngành điện nói chung (trung thế trở xuống) chỉ cần một chỉ huy trực tiếp - người am hiểu kiến thức về điện, có đủ trình độ an toàn để giám sát toàn bộ nhóm công tác, kiêm nhiệm cả chỉ huy cả giám sát an toàn.
“Còn với chúng tôi, Tổng công ty nhận thấy đơn vị cần có sự an toàn cao hơn nên bổ nhiệm riêng một đồng chí làm giám sát an toàn. Đối với đồng chí này, gần như 100% ánh mắt phải hướng tới công việc của toàn đội, lúc nào cũng ngửa cổ lên nên nguy cơ lớn nhất là bị vôi hóa đốt sống cổ…”, anh Trường Chinh nói về những khác biệt và khó khăn mà đồng đội của mình phải đối mặt.
Một trong những khó khăn mà các thành viên của đội sửa chữa điện nóng phải đối mặt là những tác động thất thường của thời tiết. Khác với khí hậu miền Trung và miền Nam, ở miền Bắc, độ ẩm cao và khí hậu sáng nắng chiều mưa khiến công việc của đội sửa chữa điện nóng dễ bị gián đoạn. Khi đó, toàn đội bắt buộc phải tạm dừng công việc để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, lưới điện Hà Nội với kết cấu khác biệt, đường sá giao thông và mật độ dân số đông đúc, những công nhân ngành điện gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai công việc ngoài hiện trường. “Nếu tiến hành xử lý thì một là đội phải thu hẹp bớt đường, hai nữa là người đi lại rất nhiều, chúng tôi vừa phải đảm bảo an toàn cho người bên trên vừa phải đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân bên dưới”, anh Thắng nói.
Toàn đội sửa chữa điện nóng của TP Hà Nội hiện có 12 thành viên được Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) tuyển chọn từ 30 công ty trực thuộc. Họ đều là những công nhân
lành nghề, người có thâm niên làm việc ít nhất là 5 năm, người có kinh nghiệm làm
trong ngành điện nhiều nhất là 15 năm. Từ tháng 3-7/2017, đội được cử đi đào tạo tại TP HCM và chính thức thực hiện phương pháp sửa chữa điện nóng tại Hà Nội vào tháng 9/2017.
Nhắc về quãng thời gian được cử đi đào tạo tại TP HCM, anh Nguyễn Xuân Thọ - người đã
công tác trong ngành điện 8 năm nói: “Khi chuyển sang đội hotline, chúng tôi giống như
tờ giấy trắng. Nhưng được sự chỉ bảo của các thầy trong Sài Gòn và các chuyên gia lừng li
từng tí một, vừa đào tạo về tay nghề vừa đào tạo về tâm lý, cách sử dụng các trang thiết bị
thì thao tác đã dần trở nên thành thục hơn”.
Không chỉ vững vàng về chuyên môn, đặc thù công việc sửa chữa điện nóng còn đòi hỏi
người thợ có đầy đủ sức khỏe, tâm lý vững vàng và ý thức kỉ luật cao, luôn tuân thủ
nghiêm ngặt các quy trình lao động.
Theo anh Đỗ Hồng Thắng, “12 thành viên của đội sửa chữa điện nóng Hà Nội được lựa chọn
từ những thành viên ưu tú nhất, đảm bảo tất cả các chỉ tiêu từ kĩ năng, kĩ thuật, trình độ
hay tính cách, sự tỉ mỉ trong công việc…”
Công nhân làm công tác sửa chữa điện nóng cần phải tập trung, luôn giám sát lẫn nhau để công việc diễn ra thuận lợi, an toàn. Một nhiệm vụ không phải một, hai người mà phải 6 người mới thực hiện được. Trong những ngày nắng nóng, người thợ điện phải liên tục đổi người để đảm bảo an toàn công việc.
Dù công việc sửa chữa điện nóng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, anh Thắng và những những thành viên trong đội đều khẳng định, nếu chấp hành đúng quy trình thì công việc sẽ được vận hành trôi chảy. Mọi người đều cảm thấy rất vui mỗi khi giải quyết xong sự cố, vì ít nhất công sức của mình cũng mang lại niềm vui cho mọi người, đóng góp cho thành công chung của ngành điện.
Nhằm ứng dụng các công nghệ hiện đại trong công tác quản lý vận hành theo sự chỉ đạo
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2016-2020, EVN HANOI đã áp dụng công nghệ
sửa chữa điện “nóng” (sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị không cắt điện). Đây là công nghệ
tiên tiến được sử dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Theo đó, thời gian mất điện
do sửa chữa sẽ được giảm tối đa, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện, không gây
gián đoạn cung cấp điện trong quá trình sinh hoạt, sản xuất; đặc biệt tại các khu vực,
sự kiện quan trọng.
Bên cạnh đó, từ 2015, EVN Hà Nội đã áp dụng Công nghệ vệ sinh cách điện hotline
(vệ sinh cách điện thiết bị đang mang điện bằng nước áp lực cao).
Đội ngũ nhân lực gồm 112 công nhân, trong đó có 42 công nhân đủ tiêu chuẩn thực hiện
vệ sinh cách điện hotline lưới 110kV và 70 công nhân đủ tiêu chuẩn thực hiện vệ sinh
cách điện hotline lưới trung áp.
Cùng các trang thiết bị như 13 bộ vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao hotline. Hiện nay,
các đội vệ sinh Hotline liên tục thực hiện vệ sinh cách điện hotline tại các DDK 110kV
và các TBA 110kV; lưới điện trung áp tại các Công ty điện lực đạt hiệu quả cao.
Tại những khu công nghiệp, công nghệ này đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng cắt điện
vệ sinh công nghiệp định kỳ, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn Thủ đô
Hà Nội.