rên chiếc phà di chuyển từ quận 2, TP HCM sang huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, người đàn ông đá chân chống xe, cho tay vào túi quần, lấy ra một bao thuốc lá và chiếc bật lửa. Điếu thuốc được đốt lên, ông cho vào miệng và phả ra một làn khói trắng.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), làn khói này chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 60 chất gây ung thư hay độc hại. Thuật ngữ “hút thuốc thụ động” ra đời ám chỉ những người không hút thuốc nhưng hít phải khói do người khác thải ra. Các chuyên gia cho biết lượng khói này cao gấp 5 lần so với lượng người hút thuốc hít vào. Trên phà lúc này có khoảng 60 người. Trong khi đó, khói thuốc có khả năng gây ảnh hưởng ở phạm vi 7-10 m. Cạnh chỗ người đàn ông đậu xe có một biển báo ghi chú “Cấm hút thuốc”.

Tình trạng này không phải hiếm gặp tại Việt Nam, một trong 15 nước được WHO xếp vào danh sách có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, bạn có thể nhìn thấy ai đó đang phì phèo điếu thuốc, thậm chí ngay ở nơi cộng cộng hay có cảnh báo cấm hút thuốc. Nhiều người chưa hề một lần cầm điếu thuốc trên tay nhưng trở thành nạn nhân của những căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Chỉ cần một ngày các quy định mua thuốc lá còn chưa rõ ràng và không có chế tài gắt gao, thì không có nhiều lý do để ngăn cản một thế hệ mới tiếp cận với thuốc lá, thứ vẫn được xem là cách để chứng tỏ sự “trưởng thành” với không ít thiếu niên.

Nhiều người bắt đầu hút từ khi còn rất trẻ, thậm chí không nhớ mình hút từ lúc nào và vì lý do gì. Và từ đó, những câu chuyện về khói thuốc bắt đầu.

ài rút điếu thuốc thứ mười lăm trong ngày ra “làm vài hơi”. Đồng hồ chỉ 11h và anh vẫn không thể ngừng đốt thuốc. “Quen rồi, thiếu là không chịu được”, anh trả lời bẽn lẽn trước vẻ nghi ngại của người đối diện. Đến cuối mỗi ngày, Tài không nhớ chính xác số điếu thuốc qua tay là bao nhiêu. Anh chỉ đoán là “phải hơn một bao”. Tài nói như vậy là bình thường, nhiều bạn bè anh còn đốt thuốc “kinh” hơn.

Năm nay 26 tuổi nhưng Tài đã có thâm niên 10 năm hút thuốc. Hồi mới vào lớp 10, bố mẹ vừa ly dị, chuyện học hành không còn là mối quan tâm của chàng trai trẻ. Anh thường xuyên cúp học, tụ tập với bạn bè rồi hút thuốc từ lúc nào không nhớ.

Một năm sau, hai ngón tay anh thuần thục mọi động tác, bao thuốc lá và chiếc bật lửa trở thành vật bất ly thân. Tài tự nhận mình trở thành “một con nghiện thuốc lá” từ đấy.

“Hút theo” là khởi nguồn kinh điển của nhiều người hút thuốc. Sự bắt đầu có khi đến đơn giản chỉ bằng những lời chào mời, một cuộc vui hay nỗi buồn cần được san sẻ. Tài và bạn bè mình đều từng nghe đến tác hại của khói thuốc qua những bài giảng lý thuyết trên lớp, nhưng khi bắt đầu thì chẳng còn ai quan tâm đến việc đó. Điếu thuốc, sau một thời gian, trở thành bạn đồng hành, mang đến cảm giác thư giãn, giải tỏa áp lực, thậm chí hút vào thấy “ngon” như một món ăn hấp dẫn.

Tài là một trong một tỷ người trên thế giới đang hút thuốc, con số mà WHO cho rằng không có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng theo từng năm và dự báo rơi vào khoảng 1,16 tỷ người vào 2025. Nếu co lại trong phạm vi Việt Nam, chàng trai trẻ này nằm trong nhóm 17 triệu người hút thuốc thống kê được năm 2017 và ước đoán sẽ là 18 triệu trong 7 năm tới.

Theo WHO, hút thuốc lá là tác nhân gây ra cái chết cho khoảng 7 triệu người mỗi năm, trong đó gần một triệu ca tử vong là từ các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động. Hơn 30 triệu người khắp hành tinh đang bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Một dự báo của tổ chức này chỉ ra đến năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên trái đất, với 10 triệu người mỗi năm.

Thuốc lá được xem là đại dịch toàn cầu. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng gia tăng. Số liệu của WHO cho thấy 80% số người hút thuốc lá trên thế giới đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 47%, chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng đây lại là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. Có 40.000 người Việt chết mỗi năm liên quan đến thuốc lá.

Tài biết tác hại của việc hút thuốc với bản thân nhưng anh chưa từng nghĩ làn khói mình thả ra lại có ảnh hưởng độc hại gấp 5 lần với những người xung quanh vô tình hít phải. Người vợ mới cưới và gia đình không đồng tình với khả năng tiêu thụ hơn một bao thuốc mỗi ngày của anh nhưng đành phải chấp nhận “sống chung với lũ” khi thói quen của Tài đã trở thành bất di bất dịch. Từ khi nào, niềm vui của người thân chỉ đơn giản là mỗi lúc anh đốt ít hơn một bao thuốc lá.

Với mức lương xấp xỉ 10 triệu đồng một tháng, Tài chi gần 1/10 số đó để mua thuốc lá. Anh hiếm khi phải sống trong cảnh thiếu thuốc khi cần bởi thường mua sẵn một cây để “trữ”. Cũng không khó khăn gì khi Tài có thể nhờ đứa cháu trai chạy ra đầu ngõ mua thêm mỗi khi có nhu cầu. Ở bất cứ đâu, anh cũng có thể dễ dàng tự mình hay nhờ ai đó mua thuốc lá giúp, trong mức giá phù hợp với thu nhập hàng tháng.

Tài chẳng có nhiều lý do để bỏ thuốc lá bởi anh chưa gặp dấu hiệu nào nghiêm trọng về sức khỏe sau 10 năm liên tục đưa đầu thuốc lên môi. Cuộc sống anh vẫn ổn khi chi ngần ấy tiền cho thói quen đã trở thành một phần không thể tách rời.

Với mức thuế thấp, giá thuốc lá ở Việt Nam đang thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trong 20 nước được WHO khảo sát, giá một bao thuốc lá phổ biến ở nước ta đứng thứ 19, thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc... Ước tính, năm 2005, người tiêu dùng chi khoảng 9% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá thì năm 2016 chỉ phải bỏ ra 4,3% thu nhập.

“Tính ra cũng tốn kém lắm vì lương mình không cao. Nhưng giống như chi tiền cho một sở thích, mình thấy tất cả vẫn nằm trong khả năng. Còn tương lai nếu giá tăng thì có thể mình sẽ mua ít lại vì sắp tới có con thì nhiều cái phải lo”, Tài ngẫm nghĩ.

Bộ Tài chính từng đưa ra hai phương án tăng thuế. Trong đó, phương án một là bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc, phương án hai là tăng thuế tỷ lệ theo lộ trình 75-80% và đạt 85% năm 2021.

Chia sẻ tại một phiên thảo luận về thuế thuốc lá của Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam tại Hà Nội, thạc sĩ Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Thương Mại cho rằng tác động của các phương án này rất yếu, chỉ giúp Việt Nam đạt được một nửa so với mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành còn 39% vào 2020. Cụ thể, phương án một giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá, còn phương án hai chỉ 1%.

Trong 10 năm từ 2006-2016, Việt Nam có 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: 55-65-70%. Tuy nhiên, khoảng cách tăng quá xa và mức tăng quá thấp nên hiệu quả rất thấp. Quy đổi ra, mức thuế này chỉ chiếm 35% giá bán lẻ.

“Nếu tăng theo lộ trình lên 85% năm 2021 thì tính trung bình thuế đánh vào mỗi bao thuốc lá chỉ tăng 551 đồng, với các nhãn hiệu thuốc lá giá rẻ thì tăng 250 đồng. Người trẻ, người có thu nhập thấp vẫn có thể chịu được mức giá này”, Thạc sĩ Sơn từng chia sẻ.

Tài là một trong những người vẫn đang hài lòng với giá thuốc lá. Nhưng anh phân vân nếu đến lúc phải chi gấp đôi con số hiện tại thì liệu có chịu nổi một ngày hút ít hơn một bao. Lần đầu tiên, một ý nghĩ thoáng qua trong Tài: “Nếu một ngày chuyện đó xảy ra, mình có nên bỏ thuốc lá?” Câu hỏi nhanh chóng trôi tuột đi.

“Chắc khó”, Tài trả lời chính mình.

iền tự nhận là một người “anti-khói thuốc” - thuật ngữ dùng để chỉ bộ phận người ghét thuốc lá và dị ứng với những ai hút thuốc. Trải nghiệm tuổi thơ trong gia đình có người chú nghiện thuốc lá khiến cô gái 24 tuổi ám ảnh. Hiền nhớ mùi ngôi nhà nồng nặc khói thuốc, những buổi trưa phải tỉnh giấc vì chú rủ bạn về nhậu và không quên thả khói phì phèo mọi lúc mọi nơi. Thậm chí khi đến lớp học thêm, cảnh tượng thầy giáo không ngừng đốt thuốc và phả vào không gian hơn 14m2 với hơn chục đứa học trò trước mặt vẫn là cám cảnh khi Hiền nhớ lại những ngày còn nhỏ.

“Mình không hiểu hút thuốc có gì vui mà nhiều người ghiền như vậy”. Có lần Hiền mang thắc mắc này hỏi một đứa bạn cùng lớp thì nhận câu trả lời “Hỏi nhiều làm chi, coi chừng bị ăn đấm”. Người hút thuốc chắc chắn có lý lẽ của riêng họ, cô gái trẻ nghĩ thế. Nhưng Hiền thấy không thể thông cảm cho bất cứ lý do gì khi một số đối tượng phả thuốc bất kể nơi đâu, dù có thể ngay bên cạnh họ là phụ nữ và trẻ em.

Nhưng thực tế vẫn tiếp diễn. Nhiều người dần chấp nhận việc hít phải khói thuốc của người khác như một phần trong cuộc sống thường ngày. Họ lặng lẽ che mũi, quay mặt đi chỗ khác hay hững hờ đón nhận làn khói không một chút do dự, phòng bị. Số người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 33 triệu. Hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Các chuyên gia cho biết trong khói thuốc có hơn 4.000 chất hóa học, trong đó khoảng 60 chất gây ung thư. Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây tình trạng viêm mãn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần, ung thư thanh quản gấp 12 lần so với người bình thường. Ngoài ung thư phổi, nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột, tai biến mạch máu não và trực tràng, có nguyên nhân liên quan thuốc lá. Theo đó, tỷ lệ tử vong do ung thư ở người hút thuốc cao gấp hai lần người không hút thuốc và người nghiện thuốc có tỷ lệ chết vì ung thư gấp bốn lần so với người không hút.

Một số tài liệu chỉ ra thuốc lá gây khoảng 25 bệnh khác nhau cho người hút thuốc như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa, tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen, giảm sự phát triển chức năng phổi.

Một người nghiện hút thuốc như Tài và ghét khói thuốc như Hiền lại có một điểm chung. Họ lần đầu biết tác động khủng khiếp của làn khói trắng đến những người hút thuốc thụ động. Tài chỉ cho rằng khói thuốc ảnh hưởng đến người xung quanh vì gây ra mùi khó chịu. Hiền thì biết khói thuốc độc nhưng không thể ngờ người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào tương đương hút 5 điều thuốc một ngày.

Trong khi đó, trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Tài tự nhận là người đàn ông của gia đình. Khác với thời đi học, từ ngày bước chân đi làm, anh chỉ tụ tập với bạn bè vào những dịp cuối tuần. Thường ngày, hết giờ làm là Tài chạy về nhà, nơi anh sống cùng mẹ, gia đình anh chị và người vợ mới cưới năm tháng.

Tài chưa từng nghĩ việc hút thuốc có thể gây nguy cơ bệnh tật cho người thân của mình. “Bản thân hút thuốc thì dù chưa có biểu hiện nào cụ thể cũng biết chẳng tốt gì cho sức khỏe nhưng mình phải bắt đầu suy nghĩ lại từ ngày hôm nay nếu ảnh hưởng đến gia đình”.

Gương mặt Tài thẫn thờ. Phía trước là muôn vàn khó khăn.

“Cầm điếu thuốc lên thì dễ nhưng bỏ xuống lại là một chuyện khác”.

Hút thuốc không chỉ bởi cảm giác nó mang đến, mà là thói quen của Tài và hàng triệu người khác tại Việt Nam.

ần đầu hút thuốc năm 18 tuổi vì tò mò, Nam bị ho và sặc. Trong những năm tiếp theo, anh hút không nhiều nhưng tần suất tăng dần đều theo thời gian. 10 năm trước, người đàn ông sinh năm 1976 nằm ở đỉnh của các thời kỳ hút thuốc với tỷ lệ một bao mỗi ngày. Vài lần Nam cố bỏ và từng thành công khi ba năm không đụng vào một điếu thuốc nào.

“Đó là lúc bắt đầu cảm thấy có một số vấn đề về hô hấp và tim. Khi hút nhiều, mình bắt đầu rát cổ, ho và nghĩ phải giảm xuống và bỏ luôn”

Nhưng vào một ngày, khi công việc quá căng thẳng, anh đã bật hộp quẹt và cho thuốc lên đầu môi. “Khi hút lại bạn sẽ không suy nghĩ đến việc tiếc nuối 3 năm cai thuốc thành công. Vấn đề ở đây là tâm lý, ít nhất với cá nhân mình là thế. Khoảnh khắc ấy thậm chí còn gây hưng phấn khi bạn làm một việc đã lâu ngày không thực hiện”.

Nam cho rằng bất cứ ai hút thuốc cũng biết tác hại nhưng việc bỏ thuốc lá rất khó và không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm lớn nhưng đôi lúc hoàn cảnh và sức ép công việc lại khiến người trong cuộc không thể bỏ được.

Nam từng thử thuốc lá sợi cuốn, thuốc lá điện tử để tìm một phương cách giảm thiểu nguy cơ nhất cho bản thân và người xung quanh, như một giải pháp cho thói quen mà anh cho là “xấu và khó bỏ”. Tuy nhiên, rồi đâu vào đấy vì các sản phẩm này không giúp mọi chuyện khả quan hơn.

Lộc không xem mình như kẻ nghiện thuốc, nhưng là một người hút thuốc lá. 20 năm qua, anh chưa ngày nào hút quá một bao thuốc, một ngày không cho nicotine vào người vẫn ổn chứ không bứt rứt, bồn chồn khó chịu như nhiều người khác. Nhưng Lộc không thể bỏ thuốc lá.

“Không hút thuốc trong một ngày không có nghĩa là bạn có thể dừng. Bất cứ khi nào có nhu cầu mình sẽ hút lại, đặc biệt là không có quyết tâm bỏ hoặc quyết tâm chưa đủ mạnh”.

Anh từng vài lần cố gắng nhưng không thành công và chuyển sang hút xì gà. Tuy nhiên, sản phẩm này không tiện lợi vì không thể hút được cả ngày hay mọi lúc có nhu cầu, thời gian đốt một điếu thuốc cũng lâu hơn thuốc lá truyền thống.

Cũng không dễ dàng gì với Lộc khi là một người hút thuốc lá. Chẳng ai thích người thân của mình ngày nào cũng đốt thuốc và bước vào nhà với mùi ám nồng nặc trên người. Bản thân Lộc cực kỳ ghét ai đó phả thuốc vào mình, bởi lúc ấy người hút đang tận hưởng nhưng người hít khói thụ động tiếp nhận và thường cảm giác luôn luôn được anh mô tả là “kinh khủng”.

Biết những tác động đó nên Lộc luôn ý thức không hút thuốc ở những nơi bị cấm và tránh ảnh hưởng nhất đến người xung quanh cũng như môi trường. Ở nhà, anh chỉ hút thuốc ngoài ban công và dập tắt mỗi khi có mặt vợ con. Nhiều lần trong đời, Lộc nếm trải cảm giác tệ hại và xấu hổ khi đứng trước phản ứng của mọi người, dù luôn cố gắng chủ động quan sát khi hút thuốc, song anh không thể kiểm soát hết mọi diễn biến xung quanh mình.

“Có lúc mình lạc lõng trong nhóm bạn vì mọi người không hút thuốc. Bạn bè đi chơi chung về bị ám mùi khói thuốc của mình và bị vợ con cằn nhằn. Mình không muốn trở thành người kỳ dị, đi ngược lại với mọi người”.

Tuy nhiên, việc bỏ thuốc vẫn là một khái niệm xa vời với Lộc. Hút thuốc đã là thói quen 20 năm - có nghĩa một nửa số tuổi đời của anh.

“Thuốc lá có sự ảnh hưởng lớn đến thói quen hàng ngày, như một thứ không thể thay thế và những thứ thay thế như kẹo cao su nicotine, băng dán nicotine thì không thể thay thế được”

Trong khi đó, báo chí từng ghi nhận những trường hợp đã bỏ được thuốc lá sau hàng thập kỷ sống chung với thói quen này. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cai thành công bằng cách dùng kẹo có chất nicotine, sau 30 năm liên tục đốt thuốc hàng ngày.

Một người đàn ông có 21 năm nghiện thuốc lá tại Việt Nam đã chấm dứt được thói quen nhờ dẹp tất cả thuốc, gạt tàn ra khỏi tầm mắt, tránh tiếp xúc, tụ tập với bạn bè và dành nhiều thời gian tập thể dục. Những ngày đầu khó chịu, cáu gắt và buồn ngủ nhưng đến ngày thứ 7 tuy còn thèm nhưng ông đã cảm thấy có thể chịu đựng được. Kể từ đó, người đàn ông này không còn hút thuốc nữa.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến với thói quen, số người chiến thắng thường ít hơn số người chiến bại. Quá trình này đòi hỏi phải có ý chí cao trong khi áp lực của cuộc sống hiện đại khiến nhiều người sớm bỏ cuộc vì vòng quay của công việc. Họ tạm tìm đến những phương cách khác để tìm một lối ra giảm thiểu nguy cơ bệnh tật cho bản thân và gia đình.

ịp sinh nhật lần thứ 45 vào tháng 7 mới đây, Lộc được bạn bè tặng thiết bị hun nóng thuốc lá gọi là IQOS. Sản phẩm chỉ làm nóng mà không đốt cháy nên thả ra hơi nước chứ không phải là khói. Kể từ đó đến nay, Lộc không dùng thuốc lá điếu truyền thống nữa bởi quần áo không còn bị ám mùi như trước.

Trong một báo cáo, các nhà nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho rằng hấp thụ nicotine mà không có các hợp chất sản sinh từ quá trình đốt cháy sẽ có ít tác hại hơn cho người tiêu dùng so với việc hấp thụ nicotine cùng với khói sản sinh trong quá trình đốt cháy thuốc lá.

Trong báo cáo Quốc hội gần đây nhất vào tháng 8, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh đã kêu gọi nới lỏng luật về thuốc lá điện tử để cắt giảm tử vong do hút thuốc. Báo cáo cũng cho rằng nguy cơ bệnh tật của những người hút thuốc lá điếu truyền thống sẽ lớn hơn tác hại tiềm tàng vốn chưa chắc chắn của thuốc lá điện tử. Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England) cho biết thuốc lá điện tử an toàn hơn so với thuốc lá điếu truyền thống.

Về cơ bản, nictotine là chất gây nghiện và có hại. Chính vì vậy, thuốc lá cũng như những sản phẩm có chứa nicotine vẫn được khuyến cáo không nên sử dụng, đặc biệt với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao...

Tuy nhiên, với những người không thể bỏ thuốc như Lộc, câu chuyện hút thuốc làm sao giảm thiểu tác hại quan trọng hơn là từ bỏ hoàn toàn, hoặc ít nhất là câu chuyện này sẽ ở trước lộ trình đi đến con đường ngừng hẳn thuốc lá.

Hưng cũng vậy. 10 năm qua anh chưa một ngày không hút thuốc lá, kể cả khi bị bệnh. Hút thuốc là một thói quen, vui cũng hút, buồn cũng hút, khi không vui không buồn cũng hút.

“Người thân không ai ủng hộ việc hút thuốc nhưng mình ghiền quá, không chiến thắng được bản thân thì phải phụ thuộc vào nó thôi. Đôi khi, mình nghĩ cuối cùng thì hút thuốc được gì nhưng đã lỡ nghiện, không vì nicotine, mà vì cảm giác”.

Hưng rất muốn bỏ thuốc nhưng không có cách nào dừng được. Anh dùng thử thiết bị hun nóng thuốc IQOS và đối diện nhiều thử thách vì đã quen cầm điếu thuốc trên tay và phả khói. Hiện Hưng chỉ hút 10 điếu một ngày theo phương cách này, so với một bao thời điểm một năm trước. Nhà anh không còn trữ hàng cây thuốc lá mà thông thoáng hơn để bọn trẻ chơi đùa. Thiết bị bắt buộc người sử dụng phải sạc đi sạc lại nhiều lần, thao tác cố tình cản trở khiến giới hạn điếu thuốc nằm trong tầm kiểm soát.

IQOS hun nóng không đốt cháy

Nhưng tất cả chỉ đang dừng lại ở giải pháp tạm thời. Không phải ai cũng tìm cách tiết chế như Lộc hay Hưng, bởi số lượng người bắt đầu hút thuốc tại Việt Nam chưa có dấu hiệu chậm đà. Trẻ con có thể dễ dàng đến cửa hàng để mua thuốc lá giùm bố. Trẻ trong lứa tuổi vị thành niên cầm vài chục nghìn tiền tiêu vặt trong tay là có thể sở hữu một bao thuốc lá dùng chung với cả nhóm bạn. Không người bán hàng nào xua tay hay khước từ một đề nghị mua thuốc lá, dù trước mặt là người trưởng thành hay con trẻ.

Thuốc lá quá dễ tiếp cận và nằm trong khả năng chi trả của đại bộ phận người dân Việt Nam. Dù làm công việc gì, thu nhập bao nhiêu, ở lứa tuổi nào, ai cũng có thể chạm tay vào một cách dễ dàng.

Điếu thuốc là bài toán khó mà hàng thập kỷ qua cả thế giới đang đối mặt. Những vấn đề vĩ mô của nhân loại không nằm trong suy nghĩ của Tài hay thậm chí là Nam, Lộc và Hưng. Mỗi ngày, những con người này thức dậy và luôn có hình ảnh thuốc lá hay cảm giác về nicotine đi vào cơ thể. Họ đã quen với cuộc sống như thế. Sự từ bỏ nếu không thể đến từ yếu tố nội quan thì tác động ngoại quan cũng cần được xem xét nhiều hơn.

“Mình chưa tưởng tượng đến một ngày đứa cháu trai hút thử một điếu trên đường mang thuốc về cho mình”, Tài nói khi đưa điếu thuốc thứ mười chín trong ngày lên đầu môi.

*Tên sử dụng trong bài viết đã được thay đổi theo yêu cầu ẩn danh của nhân vật
**Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Nội dung: Trương Sanh

Ảnh: Thành Nguyễn

Thiết kế: Thế Bình

Kỹ thuật: Quốc Toàn