Một ngày đầu tháng 12/2002, anh Vũ Hữu Anh dắt xe ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng. Vì chặng đường từ quận Gò Vấp đến ga Sài Gòn dài gần chục cây số, anh buộc phải đi sớm để kịp có mặt lúc 5 giờ. Lý do không gì hơn ngoài một cặp vé tàu Tết ra Hà Nội. Nhưng đi sớm không đảm bảo việc mua được vé ngay. Sau 10 tiếng chen lấn trong biển người và xếp hàng nhích từng chút một, đến 15h chiều lúc cầm cặp vé quý giá trên tay, anh mới có thể thở phào yên tâm Tết này được về quê.
15 năm sau, trong một buổi trưa tháng 8/2018, chị Bùi Hồng Ngọc, đang làm nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội tranh thủ mở máy tính trong lúc ăn trưa để mua vé về quê dịp lễ 2/9. Sau vài thao tác đặt vé điện tử qua website dsvn.com, chỉ khoảng 7 phút sau một cặp vé tàu đến ga Vinh đã được lưu vào điện thoại của chị cùng mã QR code. Đến ngày khởi hành, chị chỉ cần có mặt ở ga đúng giờ, quét mã và lên tàu.
Kể từ năm 2014, hệ thống bán vé điện tử mới của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào vận hành, đặt dấu chấm hết cho những khung cảnh xếp hàng từ sáng sớm, chen chúc hỗn loạn hay tình trạng phe vé vốn là nguồn cơn cho việc loạn giá vé tàu.
Đóng góp cho sự thay đổi này chính là FPT, đơn vị đứng sau hệ thống này. Trong suốt 4 năm qua, trung bình đã có 12 triệu lượt book vé thành công mỗi năm qua hệ thống.
Hệ thống vé tàu điện tử chỉ là một trong rất nhiều dự án có sự tác động đến hàng triệu người mà FPT đã triển khai trong suốt 30 năm qua.
Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết, FPT tham gia công cuộc tin học hóa quốc gia từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Với phần lớn người Việt Nam khi đó, máy tính vẫn còn là một khái niệm xa vời. Vì lẽ đó, việc một nhóm người FPT nghĩ đến chuyện làm phần mềm là một điều hoang tưởng. Tuy nhiên, trong linh cảm của nhiều cán bộ nhân viên FPT lúc đó đều thấy rằng Việt Nam sẽ có một phần cho tin học, cho FPT.
Với niềm tin đó, FPT đã dấn thân và tiên phong đi vào con đường tin học hóa cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, bắt đầu từ hàng không, thuế, kho bạc, tài chính, hải quan đến giao thông, giáo dục, y tế… với nhiều dự án tác động đến hàng triệu người.
“Nhìn bề ngoài thì thành công nhưng thực chất đã trải qua vô vàn khó khăn và thử thách”, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc nhìn lại về những dự án triệu người của FPT suốt 3 thập niên.
Với kinh nghiệm triển khai hàng chục hệ thống CNTT quan trọng của ngành tài chính công trong suốt 18 năm, ông Trần Phong Lãm, TGĐ Khối ngành Tài chính công của FPT IS cho biết vướng mắc lớn nhất với một doanh nghiệp công nghệ như FPT trong việc triển khai các hệ thống CNTT là cần phải hiểu rõ về nghiệp vụ của từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Bởi lẽ theo ông Lãm, khi xây dựng chính sách như luật, nghị định, thông tư… các nhà quản lý thường không quan tâm nhiều đến việc ứng dụng CNTT sau này. Việc triển khai chính sách (ví dụ hiệu lực của văn bản nào đó) thường không gắn với lộ trình thực hiện dự án CNTT.
Đôi khi chính sách mới được ban hành nhưng hệ thống CNTT đã được xây dựng trước đó chưa thay đổi kịp gây khó khăn cho cả người sử dụng trong nội bộ ngành lẫn doanh nghiệp, người dân. Vì lẽ đó, để xây dựng được hệ thống CNTT cho các ngành, đặc biệt các hệ thống tác động đến hàng triệu người như thuế, kho bạc, hải quan… thì việc học nghiệp vụ để hiểu hết hoạt động của một doanh nghiệp và tổ chức đôi khi kéo dài hàng năm, thậm chí chiếm hơn một nửa thời gian xây dựng dự án.
“Kỹ năng công nghệ thông tin chỉ là thứ yếu. Những người xây dựng phần mềm phải hiểu chi tiết hoạt động vận hành của từng ngành kinh tế mới xây dựng được các giải pháp”, TGĐ Bùi Quang Ngọc chỉ ra bài học quan trọng khi triển khai các hệ thống công nghệ cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Ngoài nghiệp vụ thì việc hệ thống phải xử lý một số lượng giao dịch khổng lồ mà nếu mắc một lỗi nhỏ cũng có thể ảnh hướng đến cả triệu người cũng là áp lực không nhỏ với FPT. Đặc biệt, với những dự án tác động đến việc thay đổi thói quen của hàng triệu người dùng như Hệ thống vé tàu điện tử thì khó khăn lại nhân lên gấp bội. “Chúng tôi đã đã mất 5 ngày ăn ngủ luôn tại công ty và ga Sài Gòn để xử lý việc bị mất quyền giữ chỗ cho hàng trăm khách hàng do lần đầu họ sử dụng hệ thống mua vé online nhưng không biết cách thực hiện thanh toán”, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (thuộc FPT IS) nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ cho lần đầu tiên hệ thống vé tàu điện tử đi vào hoạt động.
Đến nay, khi hệ thống vé tàu điện tử đã đi vào hoạt động được 4 năm, ông Bùi Thanh Bình vẫn không thể giấu được niềm vui mỗi khi nhận được phản hồi từ khách đi tàu về việc được mua vé online rất thuận tiện. “Mặc dù làm việc âm thầm đằng sau hậu trường, không trực tiếp gặp khách hàng nhưng mỗi khi tìm được một chỗ còn trống cho khách hàng thì không chỉ khách hàng mừng rơi nước mắt mà anh em hỗ trợ cũng cảm thấy hạnh phúc vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ”, anh Bình nhấn mạnh.
Còn với vị TGĐ của FPT, ngày 1/1/2000 khi Việt Nam bước vào thiên niên kỷ mới cũng là ngày lịch sử FPT cũng đánh dấu một mốc son đáng nhớ khi ra mắt thành công hệ thống tính thuế VAT sau một năm rưỡi nghiên cứu và triển khai, vừa kịp thời điểm sắc thuế có hiệu lực. Lần đầu tiên FPT thấu hiểu và triển khai hệ thống ở quy mô toàn quốc, rộng khắp hơn 60 tỉnh thành.
18 năm trước, việc triển khai thành công hệ thống thuế VAT của FPT không chỉ là thành quả của tập đoàn mà còn cùng với Bộ Tài Chính hoàn thành một nhiệm vụ quốc gia khi mà sự phát triển công nghệ thông tin khi đó mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Bộ trưởng Bộ Tài Chính thậm chí đã trao bằng khen cho tập thể kỹ sư của FPT, vào thời điểm đó đây là một điều… bất thường bởi “trước đó các công ty tin học làm các dự án cho chính phủ thường bị chê rất nhiều, vậy mà FPT lại nhận được hẳn bằng khen”, TGĐ Bùi Quang Ngọc vẫn giữ nguyên niềm tự hào khi chia sẻ.
Sự tận lực trong từng dự án triệu người của FPT đã mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của đất nước. 99% các doanh nghiệp tại Việt Nam đã thực hiện khai thuế điện tử và hơn 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 537 giờ/năm, xuống còn 117 giờ/năm.
Trong lĩnh vực y tế, Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital do FPT phát triển từ năm 2000, đến nay đã được ứng dụng tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Hệ thống đã giúp các bệnh viện nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính cho bệnh nhân.
Theo tính toán sơ bộ của các cán bộ triển khai của FPT, hệ thống FPT.eHospital đã phục vụ khoảng 20 triệu lượt khám/năm, giúp tiết kiệm khoảng 1 triệu ngày công/năm. Đơn cử như tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống đã giúp tiếp đón khối lượng bệnh nhân có thời điểm lên tới 9000 người mỗi ngày. Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 15 giây đến một phút cho thủ tục đăng ký. Tại bệnh viện Đa khoa TP Vinh, thay vì chỉ đón tiếp được khoảng 300 đến 500 người mỗi ngày, đến nay bệnh viện đã có thể tiếp đón từ 1.600 đến 1.800 bệnh nhân chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
“Từ khi ứng dụng hệ thống FPT.eHospital vào khám chữa bệnh, chúng tôi thấy rằng đã giảm được rất nhiều các bước mà thủ tục hành chính trước đây gây ra làm phiền hà cho người bệnh và giảm được sự chờ đợi của người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh”, Tiến sĩ y khoa Đồng Văn Thành - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai nhận định.
Nhìn lại lịch sử ba thập niên tin học hóa tại Việt Nam, vị Tổng giám đốc FPT nhận định tài sản lớn nhất mà những người FPT có được đó chính là sự am hiểu quy trình hoạt động của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, thuế, kho bạc đến bệnh viện… Thậm chí, Giám đốc của một Sở thông tin truyền thông đã không ngần ngại khẳng định: “có nhiều cán bộ của FPT còn nắm vững nghiệp vụ ngành hơn cả chúng tôi”. Vì có được sự am hiểu đó, FPT đã triển khai thành công hầu hết các hệ thống CNTT cho các ngành nghề, lĩnh vực xương sống của quốc gia và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội, mang lại sự thuận tiện hơn cho mỗi người dân.
Với tinh thần tiên phong trong mọi hoạt động, chặng đường FPT sẽ đi khi bước qua ngưỡng tuổi 30 sẽ là dấn thân hơn nữa vào quá trình xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng để phục vụ hàng chục triệu người dân. Đặc biệt lĩnh vực giáo dục sẽ chuyển mình mạnh mẽ với chương trình đào tạo trực tuyến và hệ thống quản lý trường học thông minh.
“Đó sẽ là những dự án giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu con người”, vị tổng giám đốc FPT nhấn mạnh.
Hệ thống quản lý thuế TMS | quản lý hơn 50 triệu người nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp, tổt chức và cá nhân) |
Hệ thống vé tàu điện tử | triển khai tại 280 nhà ga trên toàn quốc và có thể phục vụ 20.000 vé/ngày vào thời kỳ cao điểm. Trung bình có 12 triệu lượt book vé thành công/năm qua hệ thống. |
Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital | triển khai tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc, đã phục vụ khoảng 300 triệu lượt khám bệnh qua các năm. |
Hệ thống chính quyền điện tử tại Quảng Ninh | đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. |
Hệ thống thi trực tuyến ViOlympic | đã có hơn 50 triệu lượt học sinh trên toàn quốc tham gia. |
Hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho Bangladesh | đã có hàng triệu lượt đăng ký được thực hiện qua mạng. |