19 giờ, phòng làm việc của ông Nguyễn Xuân Phú tại tầng 12 tòa nhà Richy Tower - "đại bản doanh" của Tập đoàn Sunhouse vẫn sáng đèn. Như một thói quen cuối ngày, ông lướt nhìn lại lịch hẹn trong ngày và danh mục công việc ngày hôm sau do trợ lý để lại. 30 phút nữa ông có cuộc hẹn với đối tác tại một nhà hàng. Chuông điện thoại reo, đầu bên kia xin lỗi vì có việc đột xuất. Thở phào nhẹ nhõm vì hôm nay cảm thấy hơi mệt. Ông muốn về nhà.
Vợ ông vẫn đợi cơm. Hai con trai, một 20 tuổi và một 18 tuổi đi vắng. Cả tuần này ông chưa nhìn thấy các con. Một cảm giác hụt hẫng dâng lên.
Sau đêm đó, ông Phú bắt đầu nhìn lại nếp sinh hoạt của gia đình, thói quen từng thành viên. "Tôi mới là người vắng nhà nhiều nhất trong mỗi bữa cơm", ông giật mình khi thấy gần như các ngày trong tuần ông đều ít khi về sớm. Đã từ lâu, vị doanh nhân không có một bữa cơm gia đình đúng nghĩa là đầy đủ các thành viên và cùng trò chuyện.
Miệt mài gây dựng cơ nghiệp suốt gần 20 năm, lãnh đạo thương hiệu gia dụng nhà bếp hàng đầu Việt Nam nhưng không ít lần, Chủ tịch Sunhouse thấy cô đơn ngay chính trong gia đình. Và ông quyết định thay đổi trước khi quá muộn.
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng xã hội xôn xao hình ảnh Shark Phú đeo tạp dề đứng bếp nấu ăn. Ông Phú chia sẻ, đó là bước đi đầu tiên trong "chiến lược" tạo lập thói quen mới cho gia đình nhỏ của mình.
Từng sống tuổi thơ cơ cực, nhưng vì có mẹ là người đảm đang, tháo vát, nên gần như ông Phú không phải đụng tay đụng chân nhiều vào công việc bếp núc. Dù vậy, ông vẫn biết chế biến một số món cơ bản với công thức gia truyền nhờ những lần đứng trò chuyện cùng mẹ khi đang nấu nướng.
Sau này, khi lập gia đình, ông cũng hay đứng bếp cùng vợ để chia sẻ những món ăn mà ba mẹ thích, giúp con dâu lấy lòng mẹ chồng. Có điều, thói quen ấy dần bị lãng quên khi công việc kinh doanh bắt đầu bận rộn cho đến khi những bữa cơm vắng mặt ông trở nên quen thuộc…
"Nhiều khi tôi cảm thấy một khoảng cách tồn tại giữa tôi và con. Con tôi thấy thành công của tôi là vô nghĩa bởi lúc nào bố cũng bận rộn công việc, không có nhiều thời gian dành cho con", vị Shark sinh năm 1971 chùng giọng.
Hơn 20 năm gây dựng sự nghiệp, ông nghiệm ra rằng, một gia đình muốn gắn kết tình cảm phải có thời gian bên nhau và bữa cơm chính là thời điểm tốt nhất. Trong ký ức, ông may mắn từng có những bữa cơm đầm ấm và tràn ngập tiếng cười. Thuở ấu thơ, bố mẹ ông phải vất vả kiếm sống. Dù cả ngày vắng vẻ nhưng bữa sáng và tối cha mẹ cùng các con đều quây quần. Cha mẹ thì trao đổi với nhau những câu chuyện trong nhà, bảo ban, khích lệ các con. Ông cùng các anh em trêu đùa nhau. Bữa cơm không thiếu tiếng cười rộn rã.
"Trẻ cậy cha, già cậy con". Còn với Shark Phú, tài sản thặng dư của cuộc đời mỗi người chính là con cái. "Cha tôi từng dạy tôi như vậy và tôi cũng muốn truyền lại cho con cái mình, thông qua bữa cơm gia đình", ông nói.
Để thay đổi, Shark Phú đặt mục tiêu về nhà ăn cơm 2-3 lần mỗi tuần dù ông thừa nhận: "Đây là quyết định không hề dễ dàng".
Con trai lớn của ông sắp du học. Bữa cơm gia đình sẽ bớt người. Ông muốn tận dụng những ngày còn lại ở Việt Nam của con để chia sẻ lý tưởng sống với con thông qua bữa cơm trọn vẹn các thành viên gia đình.
Cha mẹ Việt hay giáo huấn và bắt con phải nghe theo lời mình. Tuy nhiên, cách giáo dục này lại càng khiến các con xa cách. Ông Phú cũng từng như vậy. Giới trẻ luôn có tư tưởng phản kháng khi bị ép buộc làm điều gì đó. Qua nhiều lần quan sát, Shark Phú thấy cách chia sẻ phải đến một cách tự nhiên trong khi cả gia đình quây quần. Ông xem con trai như những người bạn. Các con có quyền đưa ra ý kiến và tự nhận thấy điều gì đúng, điều gì sai...
Với một người cha có hai con trai đang ở ngưỡng tuổi quan trọng của cuộc đời ông Phú thừa nhận không dám mạo hiểm số phận của các con như cá tính thường thấy của ông trong các thương vụ đầu tư.
Mọi việc ông làm, những điều ông chia sẻ cho con cái đều ở thế ôn hòa, chia sẻ và góp ý. Ông cũng tích cực lắng nghe bởi "nhiều lúc không biết tụi trẻ đang nghĩ gì, làm gì". Và bữa cơm ngon chính là thời điểm hợp lý nhất để người cha doanh nhân gắn kết với mọi thành viên trong gia đình.
Bữa cơm ngon trong gia đình cũng là nguồn cảm hứng, động lực để vị Chủ tịch 7x gây dựng Tập đoàn Sunhouse thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng.
Chứng kiến cảnh mẹ vất vả vào bếp từ khi còn nhỏ, Shark Phú đặt mục tiêu sẽ tạo ra những sản phẩm tốt, giúp các bà nội trợ nấu ăn dễ dàng. "Đồ gia dụng là một trong những thứ quan trọng giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là phương tiện tạo ra bữa cơm ngon, gắn kết gia đình", ông chia sẻ thêm.
Ước mơ của Shark Phú là làm sao cập nhật công nghệ mới nhất, tạo ra sản phẩm có tính năng hiện đại để nấu ăn đơn giản, nhanh gọn. Đúng như slogan "Nhà là bếp, bếp là Sunhouse", Chủ tịch tập đoàn mong muốn giúp những người nội trợ tạo nên bữa cơm ngon nhưng mất ít thời gian và công sức.
Với trọng trách là chuyên gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, Sunhouse luôn cố gắng "gạn đục khơi trong", chắt lọc những tính năng thiết yếu nhất của sản phẩm để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu ích với mức giá thành phù hợp với đại đa số người dân nhất.
"Các sản phẩm của Mỹ, châu Âu có nhiều tính năng tốt, mẫu mã đẹp nhưng giá lại đắt nên người tiêu dùng Việt khó lòng sở hữu. Mục tiêu của Sunhouse là tạo ra những sản phẩm tốt nhưng phải đảm bao khả năng thanh toán để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận", ông nói.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp cố gắng tạo ra những tính năng phù phiếm để marketing, bán với giá cao hơn dù nó không cần thiết. Với Sunhouse, ông muốn mỗi nhân viên phải hiểu sâu sắc tâm lý người dùng, đặt bản thân vào vị trí khách hàng để hiểu họ thực sự cần gì, từ đó loại bỏ những tính năng không cần thiết và phù hợp với khả năng tài chính của số đông.
Tuy nhiên, để lan tỏa thông điệp này với tất cả nhân viên không hề đơn giản. Ông trăn trở làm sao để có thể truyền kinh nghiệm suốt 20 năm mới ngộ ra cho mọi người. Mọi người chạy đua theo doanh số, lợi nhuận chỉ là ngắn hạn còn nếu giữ được trái tim người dùng, thay thế họ lựa chọn sản phẩm tốt nhất thì mới giữ được chân khách hàng. Đây là triết lý Sunhouse luôn hướng đến.
"Chúng tôi sẽ mang đến sản phẩm tốt nhất nhưng vừa đủ, không thừa, không thiếu. Có như vậy, Sunhouse mới đi được vào trái tim người tiêu dùng", Shark Phú nói.
Sunhouse đang tập trung nguồn lực nghiên cứu sản phẩm, mời chuyên gia hàng đầu từ Hàn Quốc để hỗ trợ đào tạo nâng cao cải tiến chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng liên doanh với công ty Hàn Quốc mở nhà máy sản xuất vi mạch cho điện thoại, đồ gia dụng để chủ động hơn trong công nghệ, từ đó thực sự làm chủ những gì mình sản xuất ra.
Hồi mới bắt tay vào sản xuất nồi cơm điện, bản thân Shark Phú và đội ngũ kỹ sư Sunhouse cũng không hiểu gì về kỹ thuật nấu cơm hay làm thế nào để có món cơm ngon. Chỉ khi được các chuyên gia Hàn Quốc đào tạo, ông mới biết, cơm ngon là khi hạt gạo chín phải giữ được 55% nước thì mới dẻo, ngon. Nhưng để làm được điều này trong một chiếc nồi tự động, với các loại gạo khác nhau thì không hề dễ dàng.
"Sunhouse đang học làm một bữa cơm ngon mà bắt đầu là từ chiếc nồi cơm điện... Năm tới, công ty tập trung nghiên cứu để hoàn chỉnh công nghệ sản xuất nồi cơm điện đạt đến đẳng cấp thế giới mang thương hiệu Sunhouse Mama", ông nói.
Nồi cơm điện cũng là sản phẩm trọng tâm trong ước mơ tạo ra hàng triệu bữa cơm ngon, gìn giữ sợi dây gắn kết giữa các thành viên và ủ ấm ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình. Từ chính nồi cơm điện, cũng như nhóm sản phẩm gia dụng mang thương hiệu Sunhouse Mama, ông cũng mong muốn mọi người nên dành nhiều thời gian về ăn cơm nhà hơn nữa. Để mọi thành viên trong gia đình có cơ hội gắn kết với nhau tạo ra nhiều gia đình hạnh phúc, đúng với slogan “Sunhouse Mama - Ủ ấm hạnh phúc gia đình” mà công ty hướng đến.
"Nếu thành công trong sự nghiệp mà thất bại chuyện gia đình thì cũng bù trừ cho nhau. Mọi người đều nên hài hòa giữa công việc và sự nghiệp", ông nói.
Dù bận rộn với chiến lược kinh doanh, gánh vác cả tập đoàn lớn, trong thâm tâm Chủ tịch Sunhouse, gia đình vẫn quan trọng nhất bởi ở đó có những kỷ niệm vui vẻ bên vợ con, có những bữa cơm đầm ấm bên gia đình.