Đằng sau cái chai nhựa, là một nền văn hóa tiêu dùng, thu gom và tái chế rác thải nhựa đầy khoảng tối.

ròn sáu mươi năm trước, sản xuất nhựa trở thành một biểu tượng của quyết tâm phát triển kinh tế.

Năm 1958, phong trào Kế hoạch nhỏ của thiếu nhi miền Bắc quyên được tiền xây lên nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Nhà máy nhựa đó, vượt qua tư cách một thương hiệu hàng hóa, cho đến tận hôm nay vẫn tồn tại như một huyền thoại về lòng yêu nước và quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc.

Những người con thời chiến Việt Nam, ở thế kỷ 21, vẫn hằn nguyên ký ức về đôi dép nhựa Tiền Phong đầy “ba via”, một đẳng cấp tiêu dùng của thập kỷ 60.

Sáu mươi năm sau huyền thoại Kế hoạch nhỏ, nhựa mang một thân phận mới trong ngành sản xuất. Cùng với sự cải thiện mức sống, hàng gia dụng nhựa trở thành lựa chọn “cực chẳng đã” của người tiêu dùng. Nhưng nhựa lên ngôi ở một khía cạnh khác: bao bì nhựa, chai nhựa cho nước giải khát và túi nylon, trở thành xương sống của nền tiêu dùng nhanh Việt Nam.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” giờ đã được kế thừa bởi một đội ngũ đồng nát đông đảo. Những lao động phi chính thức tìm thấy cơ hội thu nhập ở một nền thu gom rác đầy bất cập. Họ không gom chai nhựa để dựng lên một tượng đài, mà ngược lại, sự kết hợp giữa lực lượng thu rác này, với một chuỗi các cơ sở tái chế và làng nghề nhựa thiếu kiểm soát, tạo thành một lĩnh vực kinh tế nhiều manh mún.

Từ đỉnh cao muôn trượng, nhựa trở thành biểu tượng của một nền kinh tế rối rắm. Trong đó, phần lộ sáng là những ngành hàng tiêu dùng nhanh, nước giải khát và thực phẩm trị giá hàng tỷ USD. Phần nằm trong bóng tối, là đội ngũ thu gom rác trên đường phố, những vựa phế liệu và cơ sở tái chế nằm ngoài tầm với của các quy chuẩn công nghiệp và môi trường.

Nhân vật chính của bài viết này là một cái chai nhựa.

Chiếc chai nhựa PET là biểu trưng cho nền văn hóa nhựa của Việt Nam. Ở giai đoạn đầu trong cuộc tồn tại, chai nhựa PET là thành viên của một ngành kinh tế đang thăng hoa. Ở giai đoạn sau, khi đã trở thành vỏ chai rỗng, nó sẽ tham gia vào một mạng lưới nhằng nhịt của đội ngũ đồng nát và tái chế; trước khi được hóa kiếp nhiều lần để biến thành những loại hàng hóa nhựa phẩm cấp thấp khác, cho đến khi về với an lạc ở bãi rác.

Chiếc chai nhựa PET này, sẽ bắt đầu từ vị trí của một ông vua trong nền tiêu dùng, đi đến vị trí của một ông vua bãi rác, kiêm một kẻ độc tài của môi trường.

Đằng sau số phận của Chai, là thói quen tiêu dùng mới của những cư dân thế kỷ 21; một nền thu gom rác thủ công trong một xã hội chưa kịp thay đổi cách tiếp cận với rác thải suốt một thế kỷ và một nền sản xuất manh mún nhưng đồ sộ cho một thị trường đang phát triển nhưng thiếu quy hoạch. Và trên tất cả, là vấn đề môi trường.

Bảy giờ sáng, Chai bắt đầu cuộc dấn thân của mình vào xã hội Việt Nam. Cửa hàng tạp hóa mở cửa.

hai nằm trên kệ, giữa những cái chai mang sắc màu sặc sỡ khác. Cái kệ được đặt ngay lối vào, nơi mà khách hàng dễ nhìn thấy nhất.

Tú bước vào, thò tay với lấy Chai. Đêm nay, đội bóng ưa thích của cậu có trận đá lúc 1h sáng. Chỉ hai phút sau, cái túi nylon xanh xếp đầy những màu nước ưa thích của Tú. Nước nho màu tím, nước táo màu xanh và nước cam màu vàng.

Tiệm tạp hoá cạnh khu chung cư là nơi thanh niên này ghé qua ba lần mỗi tuần. Tú là nhân viên văn phòng. Tú độc thân. Cậu chưa bao giờ đi chợ kể từ khi lên Hà Nội. Túi đồ sau khi tính tiền của chàng thị dân thế kỷ 21 nhiều năm vẫn là nước đóng chai, mì tôm, xúc xích, snack…

Túi đồ của Tú sau khi ra khỏi cửa hàng tạp hóa.

Anh Tú ra đời vào một ngày cuối mùa Đông năm 1993.

Một năm sau đó, hai gã khổng lồ Pepsi và Coca-Cola chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Một kỷ nguyên mới cho ngành nước giải khát bắt đầu.

Nhiều năm sau này, Tú vẫn nhớ cái vị ngòn ngọt, tê tê nơi đầu lưỡi khi uống túi nước giải khát bán trước cổng trường. Thứ nước ngọt được người ta san ra từ cái chai nhựa một lít rưỡi, đựng trong túi nylon màu trắng trong, đầu buộc kín bằng một sợi dây chun kèm theo ống hút.

Thứ nước ngọt đóng chai màu nâu đó đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của những thanh niên thế hệ cậu. Cậu bé lớp Một ngày ấy đã biết trích 500 đồng, một nửa tiền quà vặt mỗi ngày để chi cho một túi nước.

Vào thời điểm cậu bé biết uống thứ nước ngòn ngọt ấy, Euromonitor International thống kê mỗi người Việt dùng khoảng 6 lít nước uống đóng chai có đường mỗi năm. Con số ấy đã tăng gấp bảy lần, lên 44 lít vào năm 2016.

Cao trào của cuộc tăng trưởng đến vào tháng 5/2018, với lý do bảo vệ sức khỏe người dân, chống nạn béo phì, Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế cao với nước ngọt.

Tú là người phản đối đề xuất của Bộ Tài chính. Cho đến bây giờ, Tú vẫn giữ thói quen thời bé.

Nhưng cậu không còn phải chờ đợi mỗi ngày trước cổng trường nữa. Thứ nước giải khát ấy, Tú có thể mua ở bất cứ siêu thị, hàng tạp hóa, quán nước nào dọc quãng đường hơn hai cây số từ nhà tới nơi làm việc.

Thay vào những tờ 500 đồng màu hồng, giờ mỗi tuần cậu chi khoảng 100.000 đồng mua nước đóng chai. Số tiền một năm dao động khoảng 5 triệu đồng, bằng 2,5% tổng thu nhập của Tú.

2,5% thu nhập của Tú mỗi năm dùng cho việc lấp đầy những ngăn tủ lạnh bằng nước ngọt đóng chai.

Căn chung cư rộng hơn tám mươi mét vuông đầy đủ tiện nghi, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cây lọc nước. Chai nước lọc duy nhất loại 1,5 lít dành cho khách đến chơi. Nhiều năm nay, chủ nhân của căn nhà chỉ quen uống nước giải khát.

Tú nói khi nào lấy vợ, cậu sẽ cân nhắc việc giảm uống thứ nước này.

Tú ngửa cổ tu ba hơi. Cái vỏ chai rỗng nằm lăn lóc dưới sàn nhà. Sau trận bóng đêm nay, cái chai cùng với vỏ hộp sữa chua, vỏ mì ăn liền sẽ được tống qua cửa xả rác chung cư trước giờ chủ nhà đi làm.

Cậu xếp ngay ngắn những cái chai màu mè còn lại vào một ngăn riêng trong tủ lạnh. Ngoài cái ngăn này luôn đầy ắp, thì ngăn trên cùng chứa sữa hộp có đường loại một lít, hai vỉ sữa chua hộp, một lốc sữa chua uống. Túi xúc xích, chục trứng gà nằm trong ngăn nhỏ hơn. Một bó rau đã héo rũ nằm ở ngăn dưới cùng. Những thực phẩm nằm trong chiếc tủ lạnh 375 lít, phản chiếu đời sống tiêu dùng của nam thanh niên độc thân đô thị.

Trong thị trường tỷ đô của ngành bao bì, thì nhựa đã trở thành phân khúc lớn nhất chiếm 64% và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với quy mô gần 4,7 tỷ USD vào năm 2016.

Chai nhựa PET là bậc quân vương của bao bì nhựa. Một chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh phân tích: so với chai nhựa PET và lon, thì đồ uống đóng chai thủy tinh có nhiều nhược điểm như chi phí vận chuyển, thu hồi chai cao. Trong khi giá bán thấp nên biên lợi nhuận không cao. Với các ông lớn ngành giải khát, nước đóng chai thủy tinh thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu.

Tú 25 tuổi. Cuộc đổ bộ của các đại gia FDI ngành nước giải khát, và sự bùng nổ nói chung của ngành này tại Việt Nam cũng kéo dài từng ấy năm.

Đó cũng là quãng thời gian đủ dài để cho một thế hệ trẻ “ưa hình thức” - như lời thú nhận của Tú - hình thành một sự kỳ thị công khai với nhựa. Bát đĩa nhựa tượng trưng cho sự tạm bợ. Dép nhựa trở thành biểu tượng của sự cẩu thả trong ăn mặc. Cốc nhựa là biểu hiện của sự thiếu thốn. Nhưng khi bàn đến lĩnh vực tiêu dùng nhanh, thì những thứ được đóng trong chai hoặc bao bì nhựa lại trở thành niềm yêu thích hay luôn là sự lựa chọn số Một.

Đồ Tú dùng phải thuộc nhãn hiệu được đánh giá là có chất lượng tốt: bát đĩa sứ, cốc thủy tinh sáng bóng. “Đựng vào đồ nhựa cứ thấy kém sang kiểu gì”.

Nhưng chai nhựa là lựa chọn duy nhất của cậu. Bởi vì nước giải khát bán trong cửa hàng tiện lợi hầu hết đóng vào loại chai này. “Chai nhựa cũng nhẹ, dễ mang đi, uống xong dễ vứt, không mất công mang chai đi đổi”.

“Nhẹ” – đặc tính ưu việt của nhựa đã đưa nó thành nguyên liệu không đối thủ trong ngành bao bì, đặc biệt là nước đóng chai. Sản xuất bao bì nhựa tiêu thụ ít năng lượng hơn bao bì giấy, khối lượng nhẹ hơn cũng giúp giảm nhiên liệu trong khâu vận chuyển hàng hoá.

“Cũng thấy hơi có lỗi với môi trường nhưng vẫn phải dùng thôi. Em không biết làm thế nào, chưa thấy có giải pháp thay thế”.

Trong lúc chờ Tú có giải pháp thay thế, Việt Nam yên vị trong top các quốc gia ném chất thải nhựa xuống đại dương nhiều nhất thế giới.

hai có cuộc hội ngộ với chủ nhân mới khoảng 19h hôm ấy, trong ánh đèn vàng nhờ nhờ lúc chập choạng của Thủ đô tám triệu dân.

Người đàn ông cao 1m54 nặng 45 kg trong bộ đồng phục xanh lá cây có vệt vàng phát quang, cong người chuyển chiếc xe đẩy nặng hơn một tạ chở đầy rác ra khỏi chung cư. Ở địa điểm tập kết cách đó hai con phố, ông bắt đầu phần đáng hồi hộp nhất của công việc: mở quai từng chiếc túi nylon. Ngày mai, bốn vợ chồng con cái ông ăn gì, tháng này ông dành ra được bao nhiêu tiền gửi về quê trả nợ, tất cả đều phụ thuộc vào những thứ ông tìm thấy trong đó.

Túi nylon rác của Tú không có gì khác so với hàng trăm nghìn túi rác người đàn ông này đã mở ra suốt một năm qua: vẫn là những mẩu bánh mì, cơm cặn, vẫn là những vỏ hộp sữa chua, xúc xích, mì tôm, vỏ dưa hấu. Và vẫn là những chiếc chai PET.

Ông rút Chai ra khỏi đám hổ lốn ấy, đập ba lần vào thành xe rác. Những mẩu đồ ăn ươn ướt còn bám trên thân Chai rơi lả tả xuống mặt đường. Một tích tắc sau, nó đã nằm cùng những lon bia, những bìa carton, những mảnh sắt vụn trong bao tải dứa.

Như nhiều người cùng nghề, ông Năm đến từ một vùng quê Bắc Bộ, nơi vẫn còn ruộng vườn. Tiền kiếm được từ hai sào ruộng, nghề khâu nón của vợ và việc bốc vác, phụ xây của ông ngày xưa tạm đủ cho cuộc sống của một nhà bốn người. Cho đến khi con trai lớn của ông thành sinh viên đại học, con trai thứ lên lớp 10.

“Ba lần 25 triệu rồi, chỉ một cái 25 triệu nữa thôi là xong”. Đấy là cái cách ông Năm đếm năm học của cậu con trai đang học ở Học viện Nông nghiệp. Mỗi năm học hai mươi lăm triệu đồng.

Tháng 7 năm 2017, vợ chồng ông lên Hà Nội với hành trang duy nhất là hai chiếc xe đạp và một trăm nghìn đồng, cùng ước mơ nuôi con cho trọn bốn lần 25 triệu.

“Lúc mới làm cũng thấy tủi nhục lắm. Nhưng sau thấy nhiều người già yếu hơn mình vẫn còn đi lượm chai lọ bán lấy tiền, mình lại nhìn đấy làm gương mà cố gắng”.

Ngày chưa quen nghề, tay ông đeo găng cao su vẫn bị dị ứng, viêm loét. “Có ngày vừa tắm vừa bóc da tay, đi ngủ cũng nằm bóc da tay, rảnh ra lúc nào là bóc lúc ấy”. Giờ thì ông đã quen rồi, nhưng theo quán tính, khi nghỉ ngơi hút điếu thuốc lào, ông vẫn thi thoảng tay nọ cấu vào tay kia.

Hôm nào nhặt được nhiều đồ bán được, hôm đấy ông sẽ có thể ngủ “duỗi thẳng chân thẳng tay”.

Rác trong cách phân loại của ông Năm gồm 2 loại: loại bán được và loại không bán được.

Ông Năm không có khái niệm về rác vô cơ, hay rác hữu cơ, tái chế được hay không tái chế được. Ông phân chúng ra làm hai loại: loại bán được và loại không bán được.

Hơn một nghìn hộ dân trên tuyến phố ông hành nghề cũng không quan tâm đến phân loại rác. Trong số hơn một nghìn ngôi nhà ông đẩy xe qua, chỉ có 3 gia đình chia chất thải của họ ra làm 2 túi: “Túi này cho bác đem bán đồng nát, túi kia bác vứt hộ tôi”.

Tối muộn hôm ấy, xe tải Vệ sinh môi trường đến những điểm tập kết. Ông Năm sẽ đẩy những chiếc xe đẩy chỉ còn toàn rác “không bán được” lên xe tải, quét dọn số rác bị vương ra ngoài, trả lại xe đẩy vào các khu dân cư và đạp xe về nhà, cùng bao tải “rác bán được” chằng sau gác ba ga.

Trong đó có Chai.

Ông Năm không đề một tiêu chuẩn nhất định nào đó cho những thứ đồ mình cần nhặt, chỉ miễn là nó bán được ra tiền. Nó có thể là những thứ to tát như ti vi, loa đài, nồi cơm điện, lò vi sóng, đến những thứ nhỏ nhặt hơn như sách báo, thùng giấy, cạp lồng, dây thép, xô chậu, dây điện, đinh han, vỏ lon, chai nhựa... Đặc biệt là chai nhựa.

Có những ngày bội thu như cái dạo trước Tết, nhà nhà dọn dẹp và mua sắm đồ đạc mới. Đỉnh điểm, có ngày kiếm được hai trăm năm mươi nghìn, ông trích ra hẳn mười hai nghìn để ăn sáng bằng một gói phở ăn liền và hai quả trứng vịt.

Và cũng có những ngày bình thường như hôm nay, khi cái bao tải gai ông mang theo chỉ đầy hơn nửa. Cùng với 153 “người bạn chai” khác của mình và hai nửa cái lồng bàn vỡ, Chai đã góp phần vào số 5kg nhựa ông Năm thu nhặt được trong ngày.

Việt Nam cần khoảng 4 triệu người như ông Năm để thu gom hết 18 nghìn tấn chất thải nhựa mỗi ngày.

Việt Nam thải ra khoảng 18 nghìn tấn chất thải nhựa mỗi ngày. Như vậy tính trung bình, để thu gom hết số chất thải nhựa này, ngành môi trường nước ta sẽ phải cần đến một lực lượng thu gom khoảng 4 triệu người như ông Năm, 4 triệu chiếc bao tải và 8 triệu bàn tay viêm da.

Việt Nam không có 4 triệu người gom rác. Trên thực tế, chỉ có khoảng 14% số rác thải nhựa ở nước ta được thu gom và phân loại. 86% số còn lại, tức là khoảng 15 nghìn tấn mỗi ngày, sẽ nằm ở đâu đó, ngoài bài toán kinh tế của ông Năm và khá xa nỗi lo của những người dân sống ở nơi ông gom rác.

Trên thế giới, Việt Nam là một quốc gia cá biệt về xử lý chất thải rắn. Năm 2018, nước ta đứng thứ 4 trên thế giới về chất thải nhựa đổ trực tiếp ra biển, với 1,8 triệu tấn.

Cả giới chuyên gia môi trường và đại biểu quốc hội được VnExpress tham khảo, đều đồng ý rằng nguyên nhân quan trọng nhất của nền xử lý rác kém hiệu quả, đến từ việc không thể phân loại rác tại nguồn.

“Có phân loại cũng không để làm gì, cuối cùng rồi cũng vào đấy hết” – ông Năm chỉ xe rác.

sáng, ông Năm thức dậy trong một không gian ghép lại từ nhiều tấm fibro xi măng và dây thép, rộng chừng 12 mét vuông, ông thuê sáu trăm nghìn mỗi tháng. Đồ đạc trong nhà, từ cốc chén đến cát-xét, phần lớn đều được tận dụng từ những xe rác.

Bà Tươi, vợ ông về quê cấy hai hôm nay. Ông không ăn sáng, mà vần ngay cái bao tải tối qua ra trước cửa nhà. “Rác bán được” bên trong bao được ông đổ xối ra, tạo ra một thứ âm thanh rộn ràng.

Ông Năm để lại một cái chai đựng sơn chống thấm, một cái đựng dầu nhớt người ta dùng còn thừa, để “phòng khi cần đến”. Đồ nhựa, lon bia, giấy bìa, sắt vụn, bốn loại để riêng bốn túi khác nhau. Ông Năm chằng lại lên xe, đem bán cho đại lý thu mua ngay đầu ngõ.

Chai và các anh em cùng họ nhựa được định giá chung bốn nghìn đồng mỗi cân, bìa các tông ba nghìn, sắt sáu nghìn, lon bia ba trăm đồng mỗi chiếc. Tám mươi chín nghìn là thu hoạch ngày hôm ấy của ông Năm.

Ông Năm đút tám mươi chín nghìn vào túi áo ngực, quay xe về nhà, đợi đúng 3h chiều lại lặp lại guồng quay cùng xe rác. Chai ở lại với ông Đông.

Ông Đông trong xưởng thu mua phế liệu của gia đình.

Ông Đông không biết ông Năm, cũng không biết rõ những người đến đây mua bán. Mỗi ngày ông gặp cả trăm người như họ. Họ đặt từng túi đồ của mình lên cân, ông Đông biên khối lượng từng thứ vào một tờ giấy nhớ, bấm máy tính tiền, trả tiền và đưa tờ giấy nhớ ấy lại cho họ. Tất cả khoảng 3 phút đồng hồ.

Nhưng ông Đông biết về nhựa nhiều tới mức phân biệt được chúng bằng âm thanh.

“Rơi tiếng nghe sắc choang choang, dễ vỡ, đấy là nhựa rẻ tiền”, ông Đông tay cầm điếu cày, tay cầm ví dụ một mảnh nhựa thả rơi xuống sàn. Giờ ông chỉ cần nhìn sắc nhựa hay nghe tiếng nó va chạm cũng biết được đâu là nhựa chết, nhựa ánh, nhựa giống, nhựa dẻo, nhựa ghi... vì làm nghề này phải tinh, nhầm lẫn là “vỡ nợ như chơi”.

Trong đại lý phế liệu gần trăm mét vuông nơi cô cháu gái ông Đông làm chủ, họ mua tất cả những gì có thể bán, và bán tất cả những gì ai đó muốn mua, kể cả chăn màn, đệm rách cho đến bao tải, cửa ô tô, điều hòa, xe máy hỏng.

Trước ngày về làm đại lý thu mua phế liệu, ông đã có sáu năm chung vốn làm xưởng tái chế nhựa, làm bao tải cùng một người bạn. Xưởng của ông, như hầu hết các xưởng tái chế thủ công quanh đó, thực chất chỉ là một mảnh vườn nhỏ, tận dụng vừa làm chỗ rửa nhựa, chặt nhỏ, đun chảy rồi quay thành dây thừng, dây dứa, bao tải.

Có nhà chỉ làm ra hạt nhựa nguyên liệu, cũng có nhà chế nhựa thành áo mưa, giày ủng, chậu trồng hoa, ổ cắm điện, chai lọ... Những sản phẩm này ra đời sau khi nhựa tái chế được trộn thêm các loại bột đá để tăng khối lượng. Chất lượng của những thứ này chỉ đủ để bán cho thị trường bình dân.

Ông Đông bảo, mánh khóe gì trong nghề này ông biết hết. “Chai lọ gì mà soi dưới đáy trống trơn, không in nổi số má kí hiệu gì thì đều là đồ bọn tớ làm ra hết đấy”.

Nghề tái chế cho lãi cao nhưng “ngửi cái mùi nhựa cháy nhức đến tận óc”. Con cái thuyết phục nhiều lần, ông bỏ, về phụ cháu làm đại lý đồng nát.

“Cái gì có thể ít đi chứ rác thì chỉ càng ngày càng nhiều lên, chỉ sợ không có sức mà nhặt” - tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn cho nghề được ông Đông tóm tắt.

Ông Đông tay không vơ dồn đống chai nhựa vừa mua được của ông Năm vào một bao tải lớn hơn. Khi nó đầy, cái bao sẽ nặng khoảng 25kg và cao quá đầu ông. Trung bình mỗi ngày ông Đông dồn được 5 bao tải như thế. Tức là khoảng sáu nghìn chai nhựa.

Chai giờ nằm chen chúc trong bao tải ấy, lẫn giữa trên dưới một nghìn “đồng loại” đủ màu sắc kích cỡ, những đứa một thời làm vua siêu thị, vua tủ lạnh, vua bãi rác, giờ chuẩn bị chờ đi hóa kiếp.

ây mới là nơi bắt đầu công cuộc tái sinh của một chiếc chai nhựa này”, anh Trung gào lên trong tiếng máy nghiền đang kêu ầm ầm.

Con dao sắc lẹm, được cắt vát chỉ chừa lại đầu nhọn vài phân. Người đàn ông cầm đầu nhọn ấy gẩy nhẹ một đường, lột cái nhãn vứt sang một bên và ném chai nhựa trắng vào chiếc lồng bàn. Trên nền xi măng, Chai lẫn lộn với hàng nghìn chiếc khác thành đống, tương đồng về kích cỡ nhưng phân thành dăm bảy loại nhãn mác khác nhau.

Trong tiếng rè rè của chiếc máy nghiền, bà chủ tên Hoa vần từng bao tải đựng chai đã bóc nhãn mác tới chỗ chiếc máy. Hai người đứng máy nhanh nhẹn đỡ lấy rồi dốc ngược tải ra.

Chiếc chai PET của chúng ta - ông vua không ngai của nền tiêu dùng nhanh bị băm nhỏ trong tích tắc.

Mảnh nhựa bị băm nhỏ kèm nước rửa tuôn ra một đầu. Bà chủ Hoa nhanh tay đóng vào một tải khác.

Chiếc máy băm hết một bao tải nặng 25 kg trong một phút rưỡi. Nước rửa chảy xuống hố, lại được bơm lên. Quay vòng cho dăm bảy lần rửa, lại hòa lẫn với xà phòng nên nó cứ đặc quánh. Mồ hôi lẫn nước ướt đẫm quần áo họ mặc.

Xưởng sơ chế thủ công nằm cạnh ngã ba đường, cuối thôn Triều Khúc. Hàng chục bao tải đựng chai nhựa tập kết về đây, chất cao ngất ngưởng. Khuất sau chồng bao tải và cây trứng cá, là nơi làm việc của một bà chủ và bốn nhân công.

Anh Trung ghét nhất những chiếc chai có bọc mảnh nylon ở cổ, nhãn hai lớp giấy và nylon hoặc có ống hút nằm bên trong. Gặp nó, anh phải tốn công làm sạch thêm mấy bước nữa. Nếu để vậy mà nghiền, tạp chất lẫn vào dễ làm hỏng mẻ nhựa. Mỗi chiếc như vậy làm chậm tiến độ công việc của anh.

Những chiếc chai PET được ưu ái gọi tên “hàng Hà Nội”, sạch sẽ, có màu trắng xanh, trắng trong, trắng đục được phân loại riêng. Chiếc nào quá cũ, nhựa đổi màu được ném riêng vào một góc. Đó là “hàng tàu”.

“Không tái chế thì bãi rác ngập mặt loại chai này, có đốt cũng không hết được”, chị Hoa không lý giải được vì sao mà nước giải khát được đóng nhiều vào chai PET thế. Chị chỉ thấy mua ngày càng nhiều và người ta bán ngày một nhiều thêm.

Hỏi cách phân biệt hàng Hà Nội và hàng tàu, anh Trung chỉ phẩy tay: “Bằng mắt. Làm nghề bao năm thì phải nhận ra”.

Mười năm trước, anh rời Hòa Bình xuống Hà Nội nhặt rác, hay mang vỏ chai đến nhập cho làng Triều Khúc. Sau lang bạt khắp nơi, cuối cùng người đàn ông hơn 40 tuổi lại dạt về xưởng này xin lột vỏ chai. Công việc cho anh thu nhập 100 nghìn mỗi ngày.

“Gọi là đủ cơm ăn mà không phải ngửa tay xin ai đồng nào. Nhưng mà tay của đồng nát, có sạch sẽ bao giờ”, anh Trung chìa đôi bàn tay trét đầy đất đen trong móng ra. Đầu ngón trỏ tay trái chai thành một mảng vì cầm dao nhiều. Anh không thích đeo găng tay vì khó làm việc.

Chai PET chờ bóc nhãn trong xưởng của chị Hoa.

Những người phụ nữ còn lại đội nón, bịt khăn kín mít, cắm cúi lột vỏ chai. Họ ít trò chuyện với người lạ. Những người làm công trong xưởng này đến từ nhiều miền quê, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định. Trước họ thường đi nhặt rác, nhập phế liệu, sau đến Triều Khúc tìm việc vì biết làng này có nhiều xưởng tái chế như nhà chị Hoa.

Trong vòng một tiếng, chiếc máy đã nghiền xong hơn một tấn chai. Để ráo nước, ba người vần từng bao mảnh nhựa lên xe cải tiến chở về làng. Công đoạn rửa sạch và nghiền nhỏ lần hai được làm ở nhà.

Cái xưởng rộng hơn trăm mét, thuê từ đất ruộng của người làng với giá 2 triệu mỗi tháng.

“Năm nào biết năm ấy, ngày nào biết ngày ấy. Làm được đến đâu thì làm”, bà chủ xưởng tạm hài lòng.

Việc phân loại nhựa tại xưởng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong nghề của từng nhân công.

Chị Hoa có hai món đồ bảo hộ mang trên người: hai cục bông bịt tai cùng với đôi ủng cao su đến gối.

Hệ thống xử lý của chị Hoa bao gồm: Một máy rửa dung tích 2 mét khối trị giá 40 triệu đồng; một máy nghiền nhựa trị giá 12 triệu đồng; 4 lồng quay máy giặt tổng trị giá 5 triệu đồng.

Mười bốn giờ cùng ngày, công đoạn sơ chế lần 2 bắt đầu. Máy rửa nhựa có hình dạng một con thuyền, cao ngang đầu, được bơm đầy nước qua đường ống nhựa. Chị Hoa khiêng từng bao tải đặt lên đầu máy, những mảnh nhựa và nắp chai lẫn lộn được đổ vào bồn nước, nơi những chiếc nắp, nhẹ hơn, sẽ nổi lên trên mặt.

Hai nhân công của chị Hoa kê những thùng đựng bia dưới chân, đứng bên thành cỗ máy, người cởi bao gạt nhựa xuống nước,người cầm rổ hớt hết những nắp này đổ ra một bao tải riêng. Phần vảy nhựa PET đi ra ở đầu còn lại của chiếc máy được chị Hoa hứng lại vào bao.

Quá trình tách nắp và nhựa PET cho hơn một tấn mảnh nhựa tạp mất một tiếng rưỡi. Sau đó là lúc chiếc máy cắt nhựa và 4 lồng vắt của máy giặt phát huy tác dụng.

Lần cắt nhựa thứ hai cho ra những mảnh nhựa nhỏ hơn. Nửa can nhựa 5 lít đựng nước rửa bát lại được đổ vào thùng máy cùng với nước, những mảnh nhựa sau khi được cắt lại tuôn ra cùng với bọt nước tẩy rửa.

Sau đó, mỗi bao nhựa mảnh nhỏ được thả vào lồng quay máy giặt để làm khô, bỗi bao đúng 20 phút đồng hồ. Dòng nước rửa chảy ra từ máy móc, theo mô tả, “đi đến đâu thì đến”.

Khoảng 19h, mọi công đoạn của việc sơ chế kết thúc. Một tấn vảy nhựa PET hôm nay được chất vào bếp cùng với hơn 4 tạ còn tồn mà chưa có người đến lấy. Mùa hè được coi là thời điểm ế ẩm của hàng nhựa nhà chị Hoa.

Trung bình mỗi cân nhựa được các nhà máy và doanh nghiệp thu mua với giá 15 nghìn đồng, phần nắp nhựa có giá 13 nghìn đồng/kg. Trừ các hao hụt nguyên liệu không đạt. Phần lãi chị thu về sau mỗi tấn hàng, tức là khoảng ba ngày chế biến, chưa trừ chi phí nhân công, máy móc, mặt bằng, vào khoảng 4 triệu đồng. “Không phải ít cũng không phải nhiều”.

Mảnh nhựa PET và nắp chai sau khi được sơ chế.

Hoạt động phân loại nhựa của xưởng chị mới chỉ dừng ở mức “nhựa trong, nhựa không trong” phân biệt qua mắt thường của những người bóc mác bằng lưỡi dao, như chị Ngọc hay anh Trung. Nhựa của chị Hoa, do vậy cũng chỉ đạt tiêu chuẩn “đổ đống” và bán với giá không thực cao.

Khó khăn của chị Hoa cũng chính là khó khăn chung của các dự án tái chế nhựa quy mô lớn ở Việt Nam, dựa trên khảo sát của Quỹ tái chế TP. Hồ Chí Minh. Theo tổ chức này, vấn đề không phải ở đầu tư công nghệ mà là ở nguồn nguyên liệu, do hiện nay, hệ thống thu mua phế liệu nhựa không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu, cả về lượng và về chất.

Một số giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam dựa trên ba phương diện: mặt bằng, nguyên liệu và vốn. Chị Hoa không nhận được cam kết hỗ trợ gì trong 3 hỗ trợ này khi có ý định mở rộng sản xuất và chuyển xưởng vào khu tái chế.

Do đó, chị hài lòng với 3 chiếc máy và bốn nhân công.

ái chai PET có thể đã được sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn nếu nó không mang quốc tịch Việt Nam.

Vảy nhựa PET do chị Hoa tái chế có rất nhiều ứng dụng. Nó sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất xơ sợi PET – dùng cho dệt thảm, bông gối, dây thừng,… màng nhựa PET (tấm bóng kính), hay thậm chí là chế tạo được vật liệu composite dùng cho xây dựng.

Nhưng những người như ông Năm và ông Đông chỉ giúp xã hội thu hồi và phân loại được 14% khối lượng rác thải nhựa.

Cơ sở sơ chế nhựa PET của chị Hoa lại bỏ một lượng 10% chai nhựa không đạt tiêu chuẩn tái chế.

Và với chất lượng vảy nhựa tái chế của chị Hoa, chúng sẽ rất khó dùng cho các lĩnh vực kinh tế có giá trị cao, đơn cử như quay trở lại nhà máy sản xuất nước đóng chai.

Số phận của những chai PET khi được "sinh ra" ở Việt Nam.

Một số quốc gia trên thế giới thậm chí đã tái chế được 70% lượng rác thải nhựa hàng năm, cá biệt Đức đã xoay vòng được 80% lượng nhựa họ sử dụng. Một nghiên cứu của Đại học Cần Thơ năm 2012 khẳng định rằng số rác thải nhựa được tái chế trung bình trên thế giới khoảng 30%. Ở Việt Nam, căn cứ vào các ước tính, thì con số này có thể không tới 10%. Ngành nhựa mỗi năm vẫn nhập mới hơn 3 triệu tấn nhựa nguyên liệu.

“Ngành công nghiệp tái chế nhựa, có thể đáp ứng 20-30% nguồn nguyên liệu sản xuất, lâu nay vẫn hoạt động một cách manh mún và đến nay vẫn chưa có một thống kê chính xác về số lượng doanh nghiệp nhựa tái chế” - báo cáo của VCBS về ngành nhựa năm 2016 viết.

Tất nhiên, những vảy nhựa được tái chế từ Triều Khúc có thể vẫn được xuất khẩu. Trung Quốc vẫn tích cực nhập vảy nhựa PET để biến nó thành hàng hóa. Nhưng có đủ lý do để tin rằng phần lớn chúng, sau một quy trình tái chế rất kém hiệu quả trong nước, sẽ chính thức trở thành rác thải. Chúng sẽ được chôn lấp tại các bãi rác phần lớn đang quá tải của Việt Nam hoặc được thải xuống biển. Hàng triệu tấn mỗi năm.

Nếu chiếc chai PET được sinh ra tại Đức hay Nhật, nó có thể đã cống hiến cho xã hội nhiều kiếp hơn. Các nước này có một khung pháp lý đồ sộ, gồm nhiều bộ luật cho việc tái chế chất thải nhựa.

Nhưng ông Năm và ông Đông, các nhân tố chủ chốt của ngành tái chế, không có lý do phải quan tâm đến chính ngành tái chế. Họ chỉ kiếm bạc lẻ. Ông Năm sẽ không mất công nhặt túi nylon, áo mưa, tấm phim, hộp cơm cũ… vì ông Đông sẽ không thu mua những thứ đó. Chị Hoa cũng không có quy trình tái chế dây thừng hay hộp cơm. Chai PET chỉ làm vua bãi rác trong một kiếp, vì sự tiện lợi trong thu mua, còn phần lớn các loại hàng tái sinh từ nó, sẽ chỉ là rác không hơn.

Ngành tiêu dùng nhựa của Việt Nam được điều khiển bởi những đôi tay như của Tú: ngoài 20 tuổi, gõ máy tính trong văn phòng, đôi tay linh hoạt và đầy sức mạnh kinh tế. Hàng tỷ USD giá trị được tạo ra từ những đôi tay tiêu dùng ấy.

Nhưng ngành tái chế nhựa của Việt Nam được điều khiển bằng những đôi tay như của ông Năm: bong tróc, lở loét vì vục tay vào rác; những đôi tay đếm tiền lẻ của ông Đông; và đôi tay két đầy chất bẩn của anh Trung.

Đến năm 2050, rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cá. Với bức tranh hiện tại, Việt Nam chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc “nhựa hóa” đại dương ấy. Trừ khi, nước ta bỗng nhiên có thêm hàng triệu người làm nghề đồng nát.

Bài: Hoàng Phương – Thanh Lam – Đức Hoàng

Ảnh: Cường Đỗ Mạnh – Giang Huy - Ngọc Thành

Đồ họa: Tiến Thành