Kỹ năng sử dụng xe số tự động cho tài xế Việt
Khởi động Di chuyển Dừng đèn đỏ Lên xuống đèo núi Đỗ xe
Khởi động Di chuyển Dừng đèn đỏ Lên xuống đèo núi Đỗ xe
© Copyright 1997- VnExpress.net, All rights reserved
® VnExpress giữ bản quyền nội dung trên website này.
Có
Hầu hết xe số tự động hiện nay yêu cầu tài xế phải đạp phanh thì mới có thể khởi động xe. Có một số ít xe dùng chìa khóa để nổ máy thì có thể không yêu cầu phải đạp phanh, tuy nhiên để an toàn nhất và hình thành thói quen, tài xế nên đạp phanh rồi mới nổ máy.
Phần lớn xe số tự động hiện đại buộc về P mới tắt máy được, vì thế lúc nổ máy lại cần số luôn ở P. Cũng có một số xe để ở N có thể nổ máy. Tuy nhiên, N gần D nên để an toàn, mọi tài xế nên chuyển cần số về P trước khi nổ máy.
Đây là cách thiết kế cần số tùy từng hãng xe. Cần số thẳng là mọi vị trí số P, R, D, N đều nằm trên một đường thẳng, chỉ cần đẩy lên xuống khi chuyển số.
Cần số zigzag là loại các số P, R, D, N không nằm trên một đường thẳng, muốn chuyển số phải kéo ngang, gạt xuống hoặc lên để thay đổi.
Chỉ dùng chân phải.
Xe số tự động chỉ có bàn đạp phanh và ga, vì vậy chỉ sử dụng chân phải, chân trái nghỉ.
Nếu dùng chân trái đạp ga, chân phải đạp phanh, khi gặp trường hợp khẩn cấp, bạn có thể đạp cả hai chân khiến quãng đường phanh tăng lên đáng kể, giảm hiệu quả phanh và thậm chí gây ra trường hợp xe điên.
Ngoài ra, thiết kế vị trí chân phanh ở giữa, không phù hợp với vị trí chân trái tài xế. Vì vậy, nếu cố gắng sử dụng lâu dài có thể dẫn đến chấn thương xương sống, cổ chân.
Khi mất phanh trên xe số tự động, hãy bình tĩnh làm theo các bước sau:
Phanh bằng số → kéo phanh tay từ từ → tìm vật cản đâm vào hoặc về N táp xe vào lề.
*) Phanh bằng số tức sử dụng số tay M (+/-) hoặc S (+/-) hay D3, 2, 1 hoặc L tùy từng xe. Chuyển về số thấp để xe tự ghìm dần tốc độ.
*) Kéo phanh tay từ từ chứ không kéo mạnh dứt khoát, sẽ khiến bánh xe bị khóa, xe quay ngang đường.
*) Dừng xe:
Nếu trên đường thẳng, không có chướng ngại vật thì có thể từ từ táp xe vào lề, chuyển về số N để xe dần dừng hẳn.
Nếu trên đèo dốc, rất khó để đưa xe dừng từ từ. Khi đó hãy tìm đường lánh nạn để đưa xe vào. Nếu không thể, tìm lùm cây bụi hay ghì sát xe vào ta-luy dương, cọ vách núi, tránh xa ta-luy âm vì xe có thể lao xuống vực.
Lưu ý: Không được tắt máy vì làm giảm áp suất dầu phanh, vô-lăng bị khóa không thể đánh lái.
Thực tế nếu bình tĩnh xử lý, kẹt chân ga là tình huống đơn giản hơn nhiều so với mất phanh. Trong trường hợp này, đầu tiên tài xế nhanh chóng đẩy cần số về N để ngắt truyền động, ga bị kẹt cũng không thể truyền động xuống bánh xe.
Sau khi trả về N, bình tĩnh sử dụng phanh để hãm tốc độ xuống mức an toàn, đưa xe vào lề đường và gọi cứu hộ.
Lưu ý: Không được tắt máy vì làm giảm áp suất dầu phanh, vô-lăng bị khóa không thể đánh lái.
Số tay hay còn gọi là số thể thao hay số bán tự động là chức năng giúp tài xế tự sang số cho phù hợp. Một số xe dùng ký hiệu M (+/-), hoặc S (+/-) cho phép lên, xuống số tùy ý.
Nhiều xe đời cũ không có chức năng này, chỉ có D3, 2, 1 tương đương các cấp số 1, 2, 3 để dùng khi phải đổ đèo hoặc về số vượt xe khác. Ngoài ra số L cũng tương đương số 1.
Xe thể thao hoặc nhiều trang bị còn có cả lẫy chuyển số trên vô-lăng. Lẫy này hoạt động tương tự (+/-) dưới cần số. Một bên để tăng, một bên để giảm.
Ở hộp số tự động có cấp thì cấp ở đây tương tự cấp trên số sàn, tức mỗi cấp là cách kết hợp các bánh răng khác nhau. Nếu hộp số tự động 6 cấp thì khởi động sẽ ở cấp 1, rồi khi chạy trên đường thẳng từ từ lên số 2, 3, 4… đều do xe tự tính toán.
Ở hộp số tự động vô cấp (CVT) thì cấp ở đây là cấp số ảo. Hộp số này không có các bánh răng ăn vào nhau mà chỉ có hai puli nối nhau qua dây đai. Để tăng cảm hứng cho người lái, một số xe thiết kế thêm cấp số ảo. Ví dụ khi chạy ở cấp số 2 trên hộp số CVT, lúc này xe cố định vị trí giữa các má puli để cho tỷ số truyền tương tự số 2 trên xe AT thông thường sử dụng bánh răng.
Không. Từ D về N là thao tác ngắt hoạt động của bộ biến mô, ngắt truyền động từ động cơ tới hộp số, vì vậy không ảnh hưởng gì đến chức năng cơ khí. Tuy nhiên hoạt động này cũng không giúp xe tiết kiệm hay chạy nhanh hơn, thậm chí còn gây nguy hiểm khi xuống dốc.
Chuyên gia lái xe của các hãng cho biết, tùy thói quen mỗi người mà để D hoặc N, miễn là có thể kiểm soát xe đứng im. Nếu dừng nhanh, sẵn sàng đi thì để D và đạp phanh. Dừng lâu thì về N, kéo phanh tay và đạp thêm phanh chân.
Không nên để P vì P chỉ dùng khi đỗ. Để P ở đèn đỏ nếu có tác động xe đâm từ phía sau có thể gây hại cho hộp số. Bên cạnh đó, nhiều xe khi về P tự động unlock cửa, là cơ hội cho kẻ gian đột nhập.
N với chức năng ngắt truyền động thực tế chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp xe gặp sự cố phải kéo, đẩy. Còn lại hầu hết các trường hợp không cần sử dụng N. Tuy nhiên do thói quen một số tài xế vẫn dùng N khi dừng đèn đỏ hoặc dừng chờ người khác, quan trọng là kiểm soát chân phanh đảm bảo an toàn.
Số D. Khi leo dốc, nhận thấy tốc độ chậm xe sẽ chủ động duy trì cấp số thấp phù hợp để leo dốc, tài xế không cần chuyển sang số tay.
Khi xuống dốc, theo quán tính xe trôi nhanh hơn đường bằng, hộp số do đó sẽ tự động tăng lên cấp số cao, khiến xe càng khó kiểm soát tốc độ, phanh phải làm việc liên tục có thể mất tác dụng. Do đó, để giảm áp lực cho phanh, tài xế nên sử dụng số tay, chuyển về số thấp để đạt hiệu quả nhất.
Khi ở số thấp, xe chủ động phanh bằng hộp số nên tài xế có thể duy trì tốc độ mong muốn mà không cần đạp phanh chân quá nhiều.
Ngay cả xe sử dụng hộp số CVT hiện nay đều có các cấp số ảo, tài xế có thể chuyển về số thấp như hộp số AT thông thường.
Không. Khi đổ đèo, nếu về N hoặc tắt máy là bạn đang tìm đến tử thần. Xe hiện đại hầu hết sử dụng nhiều công nghệ bằng điện, nếu tắt máy thì vô-lăng bị khóa không thể điều khiển.
Nếu để N và thả dốc, xe trôi tự do theo quán tính, cực kỳ nguy hiểm vì không thể ghìm tốc độ bằng động cơ, phanh làm việc vất vả hơn, có thể mất tác dụng. Xe trôi quá nhanh cũng giảm độ bám đường, khó kiểm soát vô-lăng.
Với những dốc thấp, nước ga đầu khi nhả phanh có thể thắng lực kéo xe tụt, do vậy xe vẫn tiếp tục tiến lên. Với xe có hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (Hill Start Assist) cũng không sợ xe trôi dốc vì khi bỏ chân phanh, xe tự động giữ phanh khoảng 3 giây.
Với dốc cao, xe không có công nghệ hỗ trợ sẽ tụt dốc khi bỏ chân phanh. Để không tụt dốc có vài cách cơ bản:
Cách 1: Với người chạy xe số tự động quen, có kinh nghiệm, chỉ cần thật nhanh chuyển mũi chân từ phanh sang ga và ga nhẹ để cung cấp thêm lực kéo giúp xe không bị trôi dốc. Cách này chỉ khiến xe hơi lùi về sau một chút không đáng kể, không đụng vào xe sau.
Cách 2: Sử dụng phanh tay. Đây là cách thông dụng nhất. Kéo chặt phanh tay, chuyển chân sang ga, ga nhẹ lên để lấy đà rồi hạ phanh tay tiếp tục di chuyển.
Cách 3: Dùng hai chân. Đây là cách một số người dùng nhưng thường không được khuyến khích với mọi tài xế trên đường công cộng. Khi đó chân trái giữ phanh, chân phải hơi ga, thấy xe có đà thì bỏ hẳn chân trái, tiếp tục di chuyển.
Nên kéo phanh tay trước. Quy trình an toàn nhất là đạp phanh chân, về N, kéo phanh tay, sang P, thả phanh chân.
Nếu về P trước, bạn có thể quên hoặc vội vàng không về hết P và chỉ lên tới R, khiến xe bị lùi khi bỏ phanh chân. Bên cạnh đó, về P trước có thể khiến xe nhúc nhích khi kéo phanh tay, bỏ phanh chân, gây áp lực lớn lên bánh răng cóc cố định ở hộp số.
Có. Bạn chỉ nên chuyển cần số khi xe đã hoàn toàn đứng yên. Khi cần tiến lùi liên tục để quay đầu hay vào chỗ đỗ, nhiều tài xế chuyển số từ D-R và ngược lại khi xe vẫn lăn bánh. Do vội vã, có thể bạn chuyển không tới và nhầm thành số khác, khi đó đạp tiếp ga sẽ gây nguy hiểm. Ngoài ra, làm việc này quá nhiều lần cũng không tốt cho hộp số, đặc biệt những xe đời cũ không có chức năng chặn chuyển nhầm số.
Khi xe không nổ máy, cần số bị khóa không thể di chuyển. Nút Shift Lock trên khu cần số có chức năng mở khóa giúp sang số. Nếu gặp trường hợp xe hết ắc-quy, chết máy giữa đường, tài xế ấn giữ vào nút Shift Lock để di chuyển cần số.
Nhưng trên một số xe nút này lại bị ẩn, chỉ có một nắp rồi sử dụng vật mỏng, cứng gỡ nắp đậy ra, sau đó gạt lẫy nhỏ phía trong để di chuyển cần số.