Giám đốc sáng tạo Tomas Maier.

Thời trang là lãnh địa của những điều đẹp đẽ nhưng trôi qua chóng vánh. Tuy nhiên, không có nghĩa là vắng bóng những kẻ tìm kiếm sản phẩm chống lại sự phôi pha của thời gian. Tomas Maier, Giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta, là một người như vậy.

"Tôi nghĩ rằng chỉ với niềm đam mê cho những thứ mà chúng ta tạo ra là không đủ, mà còn cần sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn để sản phẩm hòa nhập với đời sống và để khách hàng thấm nhuần giá trị của mỗi sản phẩm tạo ra".

Tomas Maier sinh ra tại Pforzheim (Đức) và lớn lên trong một gia đình kiến trúc sư. Ông tốt nghiệp trường đào tạo thiết kế nổi tiếng Chambre Syndicale de la Haute Couture.

Maier từng làm thiết kế cho một số nhà thời trang và hàng xa xỉ có uy tín tại Pháp, Italy và Đức gồm Guy Laroche, Sonia Rykiel. Ông có 9 năm thiết kế cho ngành hàng quần áo và phụ kiện đồ da dành cho nữ của Hermès.

Vào năm 2001, Tomas Maier được Tom Ford, lúc ấy là Giám đốc Sáng tạo của Gucci và Yves Saint Laurent, bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta. Từ thời điểm đó, cái tên Bottega Veneta bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.

Tomas Maier đặc biệt quan tâm tới chất liệu được sử dụng và những phương pháp thủ công truyền thống cần được lưu giữ để thể hiện một cách tinh tế, chi tiết trên sản phẩm. Ông khẳng định việc tiếp nối truyền thống và những bí quyết đặc biệt là điểm nhấn của Bottega Veneta. Điều này chỉ có thể tìm thấy tại vùng Veneto, Italy, nơi thương hiệu được sinh ra.

Bottega Veneta được sáng lập vào năm 1966 bởi Michele Taddei và Renzo Zengiaro tại Vicenza, xứ Veneto, Italy. Sau khi đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo thương hiệu, Tomas Maier lập tức đưa hãng chú trọng vào sản phẩm cao cấp, tinh xảo và tập trung hợp tác với nghệ nhân để phát triển kỹ thuật đan Intrecciato - dấu ấn nhận dạng thương hiệu qua mọi thời đại.

Toàn bộ hoạt động của hãng đều được vận hành xung quanh 4 trụ cột giá trị: chất lượng nguyên liệu hàng đầu, kỹ thuật chế tác công phu, đề cao giá trị sử dụng và thiết kế vượt thời gian. Đây chính là công thức tạo nên sự vĩnh cửu trong mỗi sản phẩm của Bottega Veneta.

Trong khi nhiều nhà mốt tô điểm và đánh dấu tên tuổi của mình trên sản phẩm bởi một chiếc logo thì Bottega Veneta lại bỏ qua điều đó.

Mỗi sản phẩm của Bottega Veneta ra đời với mục đích tôn vinh phong cách người dùng. Hãng khuyến khích khách hàng chọn cách sử dụng riêng của họ, qua đó, bộc lộ cá tính và sở thích một cách chừng mực mà không lo bị sự nổi tiếng của thương hiệu lấn át.

Xưởng chế tác thủ công của Bottega Veneta tại Montebello Villa, Veneto, Italy.

"Khách hàng của chúng tôi là những người am hiểu về phong cách của chính mình. Và họ không muốn mang tên người khác trên đồ dùng của họ"

Khi Maier trở thành Giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta vào tháng 6/2001, giới thời trang nổi lên hiện tượng mang tên "It Bag". Đây là thuật ngữ về những chiếc túi đặc trưng cho một thương hiệu, nổi lên qua sự lăng xê mạnh mẽ của truyền thông và nhanh chóng biến mất qua một hai mùa mốt. Trong triều đại It Bag, những chiếc túi được biến hóa thành sản phẩm được tôn sùng với sự đính kết các chi tiết trang trí như denim và kim cương, họa tiết graffiti, hạt pha lê, và bao giờ cũng kèm theo một logo choáng ngợp.

Đối với nhiều công ty, It Bag là một trong những nguồn thu nhập chính, là chiếc túi mà mọi thế hệ đều có thể mua được. Tuy nhiên, Tomas Maier lại không đánh giá cao hiện tượng này.

Ngay khi tiếp quản Bottega Veneta, Maier cho thiết kế chiếc túi da đan Cabat với 2 quai xách không có logo, không có thành phần cứng, không có chi tiết trang trí và cả khoá. Tiếp đó, ông thông báo trước với giới thời trang rằng nó sẽ xuất hiện trong mọi bộ sưu tập của thương hiệu. Sau một tuần ra mắt, Cabat khiến Martha Stewart - nữ doanh nhân quyền lực của Mỹ bất ngờ bởi "nó đơn giản nhưng cũng quá phức tạp". Cabat cũng chứng minh tầm nhìn của Maier khi hàng năm đều nằm trong danh sách đợi (waitlist) mà không cần một chiến dịch truyền thông hay quảng cáo nào.

“It Bag. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó không phải là cách mà bạn tạo ra một thiết kế biểu tượng và trường tồn với thời gian".

Thiết kế ra đời vào năm 2001 thể hiện sự tinh tế, hợp thời, và tiện dụng. Sản phẩm thể hiện trình độ thủ công xuất sắc khi được kết bằng tay từ khoảng 100 dải da hai mặt mịn, mỗi dải dài 1,6m, tương đương 12 tấm da.

Theo đó, người nghệ nhân sẽ đan những dải da hai mặt, dính chúng lại với nhau và sử dụng để đan thành chiếc túi có hai mặt như nhau. Trên một hộp gỗ hình chữ nhật, người nghệ nhân thoăn thoắt đan những sợi da nhỏ, từ trên xuống dưới, một cách liên tục.

Với tốc độ đan một inch mỗi phút, những người nghệ nhân lành nghề cần 2 ngày để đan hai mặt và đáy túi. Mỗi chiếc Cabat chỉ được thực hiện bởi duy nhất một người nghệ nhân để đảm bảo sự đồng nhất cho mối đan.

Knot là thiết kế có nhiều biến tấu hiện đại, từ tinh tế đến vui mắt như chiếc Origami Knot với những đường nếp gấp da bóng; Jardin Knot với kỹ thuật trổ hoa trên da hay chiếc Vintage Jewel Knot với những viên pha lê cổ. Bên cạnh đó, thương hiệu còn gây ấn tượng với giới mộ điệu bởi những chiếc Memory Knot làm từ da Nappa; chiếc Enameled Knot thể hiện sự tương phản giữa đường may mềm mại bằng da Nappa với vỏ kim loại cứng cáp; chiếc Metal Lace Knot kết hợp đầy phá cách giữa kim loại và ren... Ngoài ra, Bottega còn giới thiệu nhiều phiên bản Knot được làm trên bạc, satin và da cá sấu.

Hiện tại, Knot đã trải qua hành trình 39 năm, là một trong những thiết kế tiêu biểu và được yêu thích nhất của Bottega Veneta. Khi bắt đầu với vai trò Giám đốc sáng tạo, Tomas Maier đã chú ý tới chiếc clutch bo tròn xinh xắn, thiết kế kiểu khóa đóng mới dưới hình một nút thắt da nhỏ và đặt tên Knot (nút thắt).

Các phiên bản của Knot luôn được đưa vào mọi bộ sưu tập của Bottega Veneta.

Lấy cảm hứng từ chiếc Knot huyền thoại, Tomas Maier cho ra mắt mẫu túi xách City Knot với kiểu khóa đóng đặc trưng trong bộ sưu tập xuân hè 2017. Những chi tiết kim loại trên chiếc túi tinh tế không kém món đồ trang sức nhờ kỹ thuật chế tác kim hoàn truyền thống của Italy, và khắc motif Intrecciato trên bề mặt với tỷ lệ chính xác.

Âm vang từ những thước phim vang bóng một thời bỗng trở lại mạnh mẽ trên sàn diễn mùa xuân hè 2017-2018 qua mẫu clutch di sản của Bottega Veneta - The Lauren 1980. Không chỉ khéo léo tôn vinh nghệ thuật chế tác đỉnh cao của nhà mốt, The Lauren 1980 còn gợi nhắc mối lương duyên giữa lụa là vải vóc và nghệ thuật màn ảnh.

The Lauren 1980 được diễn viên Lauren Hutton
mang trong show diễn xuân hè 2017.

Lần đầu tiên được ra mắt trong bộ sưu tập của Bottega Veneta vào cuối thập niên 1970, chiếc clutch làm bằng da Nappa với kỹ thuật Intrecciato trứ danh của thương hiệu được nữ diễn viên, người mẫu Lauren Hutton sử dụng trong "American Gigolò" năm 1980.

Với cấu trúc chắc chắn nhưng được làm từ da bê mềm mại, túi Roma mang phong cách cổ điển, không lỗi mốt. Túi có hai quai xách, ba ngăn rộng và một chìa khóa nhỏ đi kèm.

Kết hợp giữa kiểu dáng thanh lịch và tính tiện dụng, Roma phù hợp với các quý cô công sở bận rộn. Những mùa gần đây, thiết kế được khoác lên mình nhiều màu sắc đa dạng dành cho mọi lứa tuổi.

Sự quyến rũ trong những thiết kế của Tomas Maier đến từ hiệu ứng hội nhóm và tính khan hiếm nhân tạo. "Điều thú vị nhất của thời trang trong 10 năm qua là nó ngày càng giống cái bắt tay bí mật của "hội Tam Điểm" (một trong những hội kín bí ẩn nhất trên thế giới). Chỉ những người trong giới mới nhận biết bạn đang sử dụng sản phẩm gì, và nó hoàn toàn không phù hợp cho số đông còn lại", Valerie Steele, Giám đốc Bảo tàng tại Học viện Công nghệ Thời trang tại New York City nhận xét về thế giới thời trang của Bottega Veneta như vậy.

Cận cảnh quy trình tạo ra một chiếc túi Bottega Veneta thủ công