Chiếc điện thoại bàn đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói cất lên. Nửa tiếng sau, từ cách hàng nghìn cây số, Tam báo tin cho mẹ là mình vẫn khỏe, vẫn ổn, đang sống tốt ở Sài Gòn.
Đó là một ngày mùa thu của năm 2000, khi điện thoại là vật phẩm xa xỉ mà cả xóm chỉ có mấy chiếc. Tam phải đợi nửa tiếng để người ta chạy đi gọi mẹ đến nghe nhờ, vì nhà không có điện thoại.
Mười phút sau, Tam dập máy, lấy tay xoa nhẹ chỗ ngứa trên đầu gối. Đã một tuần anh sống trong cái kho chật chội, xen lẫn nhiều thứ mùi của ẩm mốc và thiếu không khí. Gia tài của chàng trai xứ Quảng Ninh là một triệu đồng tiền áp tải hàng điện tử. Không có gì ngoài liều lĩnh và không ràng buộc của tuổi trẻ, anh quyết định ở lại Sài Gòn, với ý nghĩ dăm ba năm kiếm vài chục triệu rồi về quê buôn đồ.
Đó là một ngày mùa thu của năm 2000, khi điện thoại là vật phẩm xa xỉ mà cả xóm chỉ có mấy chiếc. Tam phải đợi nửa tiếng để người ta chạy đi gọi mẹ đến nghe nhờ, vì nhà không có điện thoại.
Mười phút sau, Tam dập máy, lấy tay xoa nhẹ chỗ ngứa trên đầu gối. Đã một tuần anh sống trong cái kho chật chội, xen lẫn nhiều thứ mùi của ẩm mốc và thiếu không khí. Gia tài của chàng trai xứ Quảng Ninh là một triệu đồng tiền áp tải hàng điện tử. Không có gì ngoài liều lĩnh và không ràng buộc của tuổi trẻ, anh quyết định ở lại Sài Gòn, với ý nghĩ dăm ba năm kiếm vài chục triệu rồi về quê buôn đồ.
Chuyến tải hàng
định mệnh
Quạt, tivi, cát sét… trong xóm bị hư là mọi người ới Tam. Khi cần cài đặt hay hiệu chỉnh, Tam cũng được gọi tên đầu tiên. Sự tò mò tinh nghịch thơ ngây ngấm trong Tam một đam mê chưa thể định hình hay gọi tên. Anh chỉ biết mình luôn thích thú mỗi khi được sửa đồ, lôi thiết bị ra tháo lắp. Nếu thú vui của bạn bè là bắn bi, đá bóng, Tam lại thích ngồi hàng giờ bên đống đồ điện tử.
18 tuổi, Tam quyết định đi học chụp ảnh, không vào đại học. “Sạch sẽ, bảnh bao, nay đây mai đó” là lý do anh chọn lựa con đường này. Nhưng hai năm trôi qua, hứng thú không còn nữa. Anh nghỉ việc, bị gia đình phản đối vì biết làm gì ra tiền khi không có học hành, bằng cấp. Tam bất chấp, gói chút tiền dành dụm để đi học ngoại ngữ, vừa bưng phở để kiếm sống qua ngày. Bố mẹ xiêu lòng, thấy thương nên ngỏ ý cho tiền. Anh quyết không lấy, vì sĩ diện đã hình thành trong dáng dấp của một người đàn ông trưởng thành.
Trong thời gian này, Tam bắt đầu làm quen với bán buôn ở khu vực giáp biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Vài cái tivi, tủ lạnh cậu trai mang về được khen khéo chọn, tốt máy. Nhưng lượng hàng không ổn định. Nói chung, Tam không có công việc và thu nhập bấp bênh.
Một lần, có người gợi ý anh theo xe áp tải hàng điện tử từ Móng Cái vào Sài Gòn, mỗi chuyến được trả công một triệu đồng. Nghe có vẻ hấp dẫn, nếu mỗi tháng làm vài chuyến cũng kiếm được mấy triệu. Nghĩ nhanh, quyết gọn, anh ngồi xe mấy ngày trời để lần đầu đặt chân đến mảnh đất phồn hoa, đô hội ở miền Nam.
Ông chủ cần người trông coi kho và giao hàng cho tiểu thương ở chợ Nhật Tảo. Nghĩ mình không có gì ràng buộc ở quê nhà, Tam làm liều ở lại.
Mỗi ngày của chàng trai tuổi đôi mươi lập trình không có gì khác biệt: giao hàng - trông hàng, rồi lại giao hàng - trông hàng. Làm việc không có lương nhưng ăn ở được chủ lo, cũng không có gì phải chi tiêu. Nhiều tiểu thương thấy chàng trai trẻ trung, khỏe khoắn và hoạt bát muốn giới thiệu bạn gái cho Tam, anh chỉ cười xòa lắc đầu.
“Không mấy người biết tôi sợ yêu vì mặc cảm nghèo. Chưa kể trai Bắc không được lòng người miền Nam”, Tam nói mà vẫn còn chút ngượng ngùng, dù giờ đã ở ngưỡng U40.
Cứ thế hai năm thanh xuân trôi qua, Tam bất ngờ mất việc khi người chủ không làm nữa. Hội tiểu thương ở chợ Nhật Tảo thấy tội, cộng với sự tin tưởng qua mấy năm tiếp xúc, góp mỗi người chục triệu cho anh mượn để đi lấy hàng cho họ. Tam chính thức trở thành “ông trùm” chợ trời. Chỉ trong hai năm, bằng kinh nghiệm và am hiểu về đồ điện tử, anh tích cóp được 400 triệu đồng.
Chính thú vui thuở nhỏ là bàn đạp giúp Tam nhanh chóng thích nghi với nhịp độ làm ăn ở Sài Gòn. Anh không bỡ ngỡ với đồ điện tử, mà ngược lại rất am hiểu và biết chọn mua đồ chất lượng, giá tốt. Không phải tự dưng Tam tích cóp được mấy trăm triệu, nếu không hiểu món hàng mình đang buôn.
Tưởng sự nghiệp đang lên, không ngờ người giữ hộ tiền bị vào tù vì dùng số tiền đó đi mua vàng lậu. Tam không tin là mình đã mất trắng chỉ trong một ngày.
Lúc đó tôi tự vấn rằng tại sao khó khăn cứ nhắm vào tôi?
Những ngày về lại Quảng Ninh khi bị mất tiền oan uổng, Tam không thiết sống nữa. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã nghề nghiệp và thu nhập ổn định, anh chỉ có bàn tay trắng lấm lem bụi đường của mấy năm đi làm ăn xa. Chiếc tivi đen trắng trong nhà giờ đã thay bằng tivi màu. Chẳng lẽ Tam thì không thể?
Lúc này vài tiểu thương thân thiết ở chợ Nhật Tảo một lần nữa chìa bàn tay ra với Tam. Họ nói tiền đó đã mất không bao giờ lấy lại được. Nhưng mọi người sẵn sàng lần thứ hai cho Tam mượn tiền, để làm trung gian giúp họ nhập hàng từ nước ngoài vào. Tam không phải bỏ vốn. Anh chỉ đứng giữa nhận, kiểm tra chất lượng hàng và giao cho tiểu thương.
Một lần nữa, Tam ngồi xe vào Sài Gòn. Bố mẹ cho 500.000, anh không nhận hết mà chỉ lấy vỏn vẹn 360.000 đủ tiền vé xe, ngoài ra không còn cắc bạc nào.
Giấc mơ tivi
trong gia đình Việt
Năm 2009, làn sóng tivi nước ngoài tràn vào mạnh mẽ đánh gục gần như hoàn toàn dòng sản phẩm trong nước. Tam mất hết đối tác. Không còn cách nào khác là tự tạo thương hiệu của riêng mình để chủ động trong kinh doanh, tránh tình trạng lệ thuộc. Anh làm dòng thương hiệu điện tử gia dụng nhưng không bán được vì vô danh, người tiêu dùng không tin tưởng. Thậm chí sản phẩm còn bị tẩy chay vì đến lúc hư lại không có đội ngũ bảo hành, khách hàng liên tục phản ánh.
Tín hiệu xấu từ thị trường khiến Tam phải nhanh chóng thu hồi và bán thanh lý sản phẩm với giá rẻ mạt để gỡ gạc chút ít. Lần đó anh lỗ tới vài trăm triệu. Đến 2011, anh làm tiếp thương hiệu khác nhưng cũng thất bại. Liên tiếp những bài học khiến Tam thức tỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc về cách làm thương hiệu. Đó là không thể manh mún, chụp giật. Anh quyết định làm tivi mang tên Asanzo với mong muốn ban đầu là có mặt hàng tiêu thụ ra thị trường, mỗi tháng bán vài trăm chiếc là ổn.
Kinh nghiệm một thời ngang dọc làm “ông trùm chợ trời” cho Tam một hiểu biết sâu sắc về chiếc tivi mà người Việt cần. Nó không cần phải quá cao cấp, cao siêu hay dư thừa trải nghiệm. Với mức thu nhập trung bình, họ cần một thiết bị đáp ứng nhu cầu nghe nhìn tốt, với mức giá phải chăng, không cần phải chạy theo thị trường. Vậy là đủ.
Thời đó, hàng loạt tivi LCD nước ngoài tràn vào Việt Nam. Tam nhận thấy nhiều tính năng đi quá xa so với tốc độ phát triển trong nước, đặc biệt là người dân nông thôn. Anh quyết định đặt linh kiện ở nước ngoài, tự tay thiết kế lắp ráp chiếc tivi đầu tiên và lược bỏ hoàn toàn những chức năng không cần thiết. “Tôi muốn đưa tivi về giá trị thật của nó”, anh kiên định với định hướng xuyên suốt cho thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, lô hàng 4.000 chiếc nhanh chóng bị thu hồi vì kỹ thuật tháo lắp chưa tốt dẫn đến hư màn hình. Lỗ hơn chục tỷ nhưng những bài học trước đó tôi luyện giúp Tam bền gan, vững chí, quyết làm lại cho bằng được.
Anh lại tiếp tục ngồi hàng giờ tự mình thiết kế mẫu mới vì “sản phẩm bị lỗi ra thị trường lần nữa với cùng một hình thức thì chắc chắn sẽ không được đón nhận”. Hình ảnh cậu bé thích đồ điện tử ngày nào tái hiện sống động. Nhưng Tam của hôm nay biết rất rõ mình muốn làm gì với những thứ đồ chơi trong tay.
Tivi Asanzo 25 inch đời thứ hai với giá thành chưa tới 2 triệu đồng nhanh chóng gây sốt. Ban đầu anh chỉ triển khai làm vài trăm cái nhưng trước sự đón nhận của thị trường, Tam làm hẳn nghìn chiếc và cũng được tiêu thụ rốt ráo.
Dòng sản phẩm của anh hoàn toàn khác nhau ở các vùng miền. Nếu ở miền Tây người dân đi lại chủ yếu bằng đường sông và xài bình ắc quy, Tam bán tivi chạy bằng ắc quy, rất được ưa chuộng. Năm 2014, mỗi tháng đơn vị cung cấp từ 4.000-5.000 chiếc cho thị trường này.
Trong khi đó, sản phẩm ở miền Trung xứ biển có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ bo mạch không bị ăn mòn bởi độ mặn của vùng đất này. Nắm bắt nhu cầu chuộng thương hiệu ngoại của người miền Bắc, tivi Asanzo có hình thức hơi na ná nước ngoài chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong khu vực.
Để có được tiếng nói ăn khớp với thị trường chi tiết đến như thế, dấu chân Tam đã in đầy khắp dải đất hình chữ S. Có tháng anh ở tỉnh đến 20 ngày, vừa tìm hiểu nhu cầu khách hàng, vừa tiếp xúc trực tiếp với đại lý. Không khoa trương, đòi hỏi, Tam linh hoạt trong từng chính sách. Rất đơn giản là nếu ở tỉnh xa thì yêu cầu phải khác với thành thị. Con số không thể như nhau khi hai vùng đất hoàn toàn khác về điều kiện kinh tế, xã hội. Nhờ đó Tam được lòng đại lý và cũng chủ động trong phân phối nguồn hàng.
Từ chiếc tivi 25 inch, Tam làm tiếp lên thông số 32, 40, 43, 50 và 55 inch với các chủng đa dạng như LED, màn hình cong. Kết thúc năm 2014, Tam bán được hơn 100.000 chiếc tivi, con số vượt trội so với ước mơ giản dị ban đầu của anh. Đến 2015, doanh số tăng lên 300.000 và kết quả năm 2016 lại cho con số vượt trội: 500.000 chiếc. Hiện Asanzo của Tam có hệ thống đại lý ở tất cả tỉnh thành của Việt Nam.
Lúc này, Tam nói mới dám mơ về chiếc tivi của người Việt. Giấc mơ đó hiện hữu trước mắt chứ không phải một sản phẩm kinh doanh đắp đổi qua ngày. Bấy giờ, anh mới nhận ra con đường của mình đã sớm mọc rễ từ thuở nhỏ, bọc lót bằng những bài học cay đắng của trường đời, để đi đến doanh thu nghìn tỷ của ngày hôm nay.
Tôi chỉ cần là một phần của khách hàng, đáp ứng giá trị
họ mong muốn là được.
họ mong muốn là được.
Không cạnh tranh với ai, không chọn đối thủ, Tam đã thành công trong việc bước đi một con đường của riêng mình. Có thể người ta chưa từng nghe đến cái tên Phạm Văn Tam, nhưng có lẽ họ ít nhất từng một lần nhìn thấy tivi Asanzo trong một khách sạn nào đó, ở gian bếp một ngôi nhà nào đó hay căn nhà bé nhỏ ở vùng nông thôn nào đó.
Tam chỉ cần có thế...
Giấc mơ không đứng yên một chỗ. Nhưng con người Tam thì vẫn chân phương như ngày đầu tiểu thương ở chợ Nhật Tảo biết anh mười mấy năm trước. Khi nhìn Tam bưng bê đồ phụ một đại lý ở tỉnh, không ai biết anh là chủ tịch của công ty có doanh thu nghìn tỷ. Đứng trước họ, chỉ có một người đàn ông giản dị cần mẫn. Họ không biết Tam đang mơ giấc mơ gì.
- Nội dung: Trương Sanh.
- Sáng tạo nội dung: Hồ Cường.
- Thiết kế: Trung Lê.
- Video: Hồng Phúc & Công Khang.
- Họa sĩ: Boshu.
Nội dung: Trương Sanh. Sáng tạo nội dung: Hồ Cường. Thiết kế: Trung Lê. Video: Hồng Phúc & Công Khang. Họa sĩ: Boshu.