Giấc mơ dát vàng cho sản phẩm truyền thống

Những nghệ nhân Việt Nam bước vào thế giới quà tặng xa xỉ bằng bộ sản phẩm dát vàng "độc nhất vô nhị".

Độc nhất vô nhị

Những ai gặp anh Nguyễn Văn Lực, 37 tuổi lần đầu đều dễ có thiện cảm bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Ít ai biết doanh nhân này có một chặng đường sự nghiệp tương đối khác lạ.
“Tôi từng học ngành công nghệ thông tin, sau đó lại đi làm công việc Thiết kế ở nhiều công ty lớn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng lại gắn bó với nghiệp thủ công truyền thống”, anh Lực kể.

Phòng làm việc của anh ở làng Bát Tràng, Hà Nội đặt gần chục bức tượng dát vàng lấp lánh của bốn con giáp Mùi, Thân, Dậu, Tuất. Góc tay phải của bàn là tượng chú gà vàng cao gần 50 cm với dáng vẻ oai phong. Chếch sau lưng là một phiên bản khác giống hệt nhưng kích cỡ gấp đôi. “Chỉ có 5 phiên bản này trên toàn thị trường”, anh vừa chỉ chú gà vàng cao lớn vừa nói.

Tượng bốn con giáp nói trên chính là tâm huyết của anh cùng các cộng sự trong một dự án bảo tồn, gìn giữ nghề thủ công truyền thống mang tên 1102. “1102 nghĩa là độc nhất vô nhị. Sản phẩm thủ công của Việt Nam rất đẹp, độc đáo nhưng chưa có được vị thế xứng đáng. Sứ mệnh của chúng tôi là bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp đó qua các sản phẩm không có phiên bản thứ hai”.

Một trong những phương cách để tôn vinh nghề truyền thống của dự án là sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, chất lượng cao, số lượng giới hạn để giới thiệu với công chúng.

Khoác áo vàng ròngcho 12 con giáp

Bốn năm trước, nhiều người bắt đầu biết đến dự án 1102 khi tung ra sản phẩm đầu tay là Kỳ Linh Ất Mùi để tôn vinh hai làng nghề: gốm Bát Tràng và dát vàng Kiêu Kỵ. Để thăm dò thị trường quà tặng cao cấp, dự án chỉ tung ra 88 cặp nhưng ngay lập tức được đón nhận và tiêu thụ hết trong vòng một tháng.

Dù giá không hề rẻ vì việc sản xuất rất giới hạn, trải qua nhiều công đoạn thủ công cầu kỳ và phủ vàng toàn bộ, Kỳ Linh năm đó được đánh giá cao vì tính thẩm mỹ và giá trị tinh thần, tâm linh, tài vận ẩn đằng sau mỗi sản phẩm.

Hơn hết, Kỳ Linh được chắt lọc từ tinh hoa của cả hai làng nghề truyền thống. Sự cầu kỳ thể hiện từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chắt lọc mẫu men, tay nghề dát vàng. Anh Lực cho hay, loại đất sét nguyên liệu chỉ được lấy từ một nguồn duy nhất ở gần Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh. Ngoài yếu tố linh thiêng, đất ở khu vực này có chất lượng tốt để cho ra đời các sản phẩm gốm bền, chắc. Vàng dùng để dát lên sản phẩm là loại vàng 24K do những người thợ lâu năm nhất đảm nhiệm.

Với tiêu chí sản xuất giới hạn và đặt yếu tố thẩm mỹ, chất lượng lên hàng đầu, sản phẩm Kỳ Linh cho hai dịp Tết tiếp theo cũng được mua hết. “Năm nay, chúng tôi chưa công bố sản phẩm Kỳ Linh cho tết Mậu Tuất nhưng đã nhiều đơn đặt hàng chờ sẵn. Nhiều công ty mua số lượng lớn để làm quà tặng khách hàng VIP”, người đàn ông 37 tuổi nói.

Yếu tố độc nhất vô nhị không chỉ nằm ở chỗ lượng sản phẩm bị giới hạn. Mỗi sản phẩm được đánh số riêng biệt, do đó là duy nhất và không có hai phiên bản nào giống nhau hoàn toàn. Nhiều khách khi đặt hàng chọn luôn con số mà họ thích.

Tinh xảo bàn tay người thợ

Trước khi cho ra đời một tác phẩm cho năm mới, Các thành viên 1102 cùng các nghệ nhân thành lập Hội đồng sáng tạo mẫu, lên ý tưởng về mặt hình ảnh. Có nhiều tiêu chí được đặt ra như thần thái, tư thế của Kỳ Linh. Nhưng quan trọng hơn cả, thiết kế phải chuyển tải được câu chuyện mà các tác giả đã ấp ủ và gửi gắm vào trong tác phẩm.

Làm nhiệm vụ biến thiết kế thành khuôn hình là anh Trần Văn Sáu, người điêu khắc mẫu cho Kỳ Linh năm nay. Sau khi tác phẩm rời khuôn, nghệ nhân sẽ dùng dụng cụ tỉa các chi tiết, biến những đường nét thô mộc của đất sét thành từng sợi lông, khóe mắt, rãnh mũi sống động như thật. Tất cả đều được tỉa thủ công toàn bộ. Do đó từ cùng một khuôn, nhưng không có hai tác phẩm nào hoàn toàn giống nhau.

Vương Cường, nghệ nhân gốm 50 tuổi năm đầu tiên tham gia chế tác Kỳ Linh Mậu Tuất cho biết nguyên liệu làm nên phần gốm của Kỳ Linh được pha chế theo tỷ lệ riêng, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với những phương pháp mới. Sau khi sản phẩm rời khuôn, tráng men sẽ được đưa vào lò, với thời gian nung lâu hơn 5 tiếng so với thông thường để đảm bảo lớp men đạt được chất lượng cao nhất. Sau mỗi lần sản xuất, khuôn sẽ được đập bỏ, để đảm bảo không có phiên bản nào ngoài những sản phẩm của 1102 xuất hiện trên thị trường.

Là người nhiều tâm huyết với nghề gốm, nhưng lâu nay anh chỉ nhận đặt hàng nhỏ lẻ. Chỉ đến khi tham gia dự án, nghệ nhân Cường mới thực sự hứng thú vì cũng có chung những ý tưởng về việc khôi phục làng nghề, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công.

Cách đó không xa cũng bên dòng Bắc Hưng Hải, ngôi làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm từ lâu nổi tiếng với nghề làm quỳ vàng, quỳ bạc truyền thống. Tuy vậy, nghề của cha ông đang dần bị mai một khi sức lao động thủ công không đọ được với những sản phẩm công nghiệp, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn lan.

Năm nay 62 tuổi và 27 năm kinh nghiệm, nghệ nhân Lê Văn Vòng là một trong số ít người còn bám trụ với nghề ở làng. Trải qua nhiều nỗi trăn trở về việc nghề truyền thống, ông như “cá gặp nước” khi được mời tham gia dự án khôi phục, gìn giữ các sản phẩm thủ công.

Đây là lần thứ tư ông tham gia sản xuất Kỳ Linh cho mỗi dịp Tết đến xuân về. Chung sức làm nên một sản phẩm mang lại tài vận cho gia chủ, trước mỗi mẻ ông đều thắp hương báo cáo với thần linh, thổ công chứng giám. “Từ khi tham gia dự án, tôi thấy mình gặp nhiều may mắn, liên tục nhận được những lời mời đi dát vàng ở các địa phương, sang cả Ấn Độ để dát vàng cho tượng Phật”, ông Lê Văn Vòng cho biết.

Bên cạnh niềm vui được tổ nghề ưu đãi, nghệ nhân còn vui mừng vì những sản phẩm Kỳ Linh qua bốn năm qua được khách hàng đón nhận. Qua đó, ông lại bùng lên niềm hy vọng làng nghề Kiêu Kỵ cùng sản phẩm truyền thống sẽ dần lấy lại ánh hào quang xưa.

Bảo vật trấn an giaKỳ Linh Mậu Tuất 2018

Kỳ Linh Mậu Tuất mang hình hài đầu chó mình nghê. Theo dân gian, chó là loài vật trung thành mang lại nhiều may mắn cho gia chủ, trong khi đó, hình tượng con nghê là linh vật biểu trưng về văn hoá tâm linh, ý nghĩa trấn yếm trừ tà.

Để chế tạo Kỳ Linh cần trải qua 22 công đoạn. Trong đó, việc lên ý tưởng và tạo khuôn mất đến 30 ngày công. Tiếp đó, công đoạn chế tác tiếp theo cần 15 ngày hoàn thiện. Thời gian này, các bước tạo hình và dát vàng linh vật được làm toàn bộ bằng tay.

Sau khi thành hình, sản phẩm sẽ được đem nung nhiệt độ trên 1.205 độ C liên tục trong 18 tiếng. Đối với các nghệ nhân lành nghề, giai đoạn này hết sức quan trọng bởi nhiệt độ chỉ cần lệch một chút là có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng gốm. Năm ngày kế tiếp, kỳ linh sẽ được dát vàng tại làng Kiêu Kỵ.

Bộ tác phẩm hoàn thiện gồm sáu phiên bản, gồm năm màu men phù hợp với các mệnh Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ và một phiên bản dát kín vàng. Mỗi sản phẩm có hai giấy chứng nhận là Hồ sơ ghi lại quá trình chế tác và Chứng nhận chế tác độc quyền do Dự án 1102 cung cấp.

Sẽ chỉ có 99 cặp Kỳ Linh Mậu Tuất được sản xuất cho dịp Tết năm nay, với năm màu men thuận theo năm yếu tố ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -Thổ, kết với với vàng ròng đảm bảo đem lại sự độc đáo, ý nghĩa và tạo nên sự đẳng cấp của người sở hữu.

Giấc mơ dát vàng cho sản phẩm truyền thống
 
 

“Việt Nam có tới 5.000 làng nghề và 9 nhóm ngành thủ công chính cần được tôn vinh từ gỗ, đồng, mây tre, lụa, đá… Những thành công của sản phẩm Kỳ Linh trong bốn năm qua sẽ chỉ là bước đệm ban đầu để chúng tôi xúc tiến những chiến dịch lớn gìn giữ và phát huy các làng nghề trong thời gian tới”, Nguyễn Văn Lực nói với chất giọng nhẹ nhàng nhưng đầy kỳ vọng.

Năm màu men Rạn, Xanh lá, Xanh đen, Đỏ, Vàng tượng trưng cho năm mệnh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cùng một phiên bản phủ vàng toàn bộ

  • Nội dung: Thanh Bình
  • Clip: Lê Nguyễn
  • Thiết kế: Văn Đức
  • Kỹ thuật: Quang Tú, Mạnh Cường