Xe cho người Việt khó tính
Một nửa số người mua Ford Explorer tại Việt Nam làm chủ công ty hoặc quản lý tài chính.
Tháng 10/2016, Ford là hãng trình diễn đầu tiên trong Triển lãm Vietnam Motor Show ở Cung hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Chính giữa sân khấu là tâm điểm, chiếc Explorer. SUV cỡ lớn, 7 chỗ, tràn ngập công nghệ nhưng giá bán 2,18 tỷ chỉ bằng một chiếc SUV hạng sang cỡ nhỏ. Khách hàng tò mò và chờ đợi. Explorer là mẫu xe đi tiên phong tạo phân khúc mới. Ford kỳ vọng cái tên này sẽ định hình một thói quen mới cho người Việt.

Một năm sau, mẫu SUV cỡ lớn dần chinh phục khách hàng, là lựa chọn của những người trẻ, thành công và tự chủ. Chủ xe Explorer có tới 69% trong độ tuổi 31-40, làm trong ngành phân phối và xây dựng chiếm nhiều nhất. Đặc biệt, Explorer mang về cho Ford lớp khách hàng mới. 70% khách mua Explorer là những người lần đầu sử dụng xe của Ford.
Vị trí công việc của khách hàng mua Explorer có một đặc thù, số người làm chủ công ty và giám đốc tài chính chiếm tới hơn 50%. Những người thường bị coi là khó tính, chặt chẽ nhất đều chọn Explorer. Người làm tài chính chắc chắn và chi tiết tới mức, có thể chia rõ một sản phẩm định mua tốn bao nhiêu tiền cho phần giá trị nào. Muốn biết Explorer vì sao được phần đa người làm tài chính để mắt, thì phải tự mình trải nghiệm.

Một ngày tháng 10/2017, tôi tới trụ sở Ford trên phố Phan Chu Trinh, nhận chiếc Explorer để trải nghiệm. Đúng ngày lễ của phụ nữ, đường phố đông như mắc cửi. Thu Hà Nội nắng xiên tràn phố, 24 độ C. Thời tiết miễn chê. Nhưng, tôi đánh chiếc SUV cồng kềnh xuống con phố chật hẹp thì không còn tâm trí nào để nghĩ về tiết thu chốn kinh kỳ.
Với những người đang quen đi xe sedan cỡ trung, ngồi lên Explorer là một thách thức khác hẳn. Góc quan sát cao ráo, thoáng, gương chiếu hậu bên ngoài to gấp đôi sedan, nhưng xe chiếm đường nhiều hơn. Đang rón rén, bỗng xe kêu tít, rồi tít tít, tít dài không ngớt. Màn hình báo một vùng đỏ bên hông. Cảm biến xung quanh xe nhắc, có người sắp chạm.

Thú thật, lúc đầu tôi thấy hơi phiền. Cảnh báo của Ford kêu to, dồn dập hơn hẳn những xe khác. Nhưng loanh quanh một hồi, lại thấy khoái. Tôi tự tin chân ga và xoay vô-lăng hơn, không còn rón rén. Cứ chạy tới phía trước, xe còn chưa đổ "tít" liên hồi, tức bạn chưa va chạm với ai. Quen tiếng cảnh báo, bạn thậm chí thấy thư giãn hơn, vì không còn phải căng mắt, rướn người để xem có quệt vào một rừng xe máy đang quây xung quanh chờ đèn đỏ.

Đón Thanh Sơn, tôi có thêm bạn đồng hành. Thanh Sơn là chủ một công ty nhỏ chuyên kinh doanh xe nâng hàng và phụ tùng phục vụ trong các nhà máy. Anh 41 tuổi, đang đi chiếc sedan cỡ D của Nhật. Sơn từng thấy Explorer "hay hay" và ngớ người vì logo Ford cùng mức giá 2,18 tỷ. Sơn vẫn nghĩ, thiết kế vuông vức như Range Rover và to lớn thế kia, Explorer phải 3-4 tỷ.

Xe gì mà lạ vậy?

Tại Việt Nam, Explorer vẫn là cái tên lạ. Nhưng tại Mỹ thì khác. Ra mắt năm 1991, Explorer là mẫu SUV bán chạy nhất 25 năm qua. Ford ước tính cứ hai phút lại có một chiếc Explorer bán ra, là ưu tiên của các gia đình. Khi ra đời, Explorer là chiếc SUV duy nhất ở Mỹ có túi khí đôi, phanh đĩa bốn bánh và hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Mẫu xe cảnh sát Mỹ đang sử dụng cũng là phiên bản đặc biệt của Explorer.



Trước khi tôi và Sơn lên đường, phải đổ xăng. Lùi xe gọn gàng vào trạm, chuẩn bị xuống xe mới phát hiện, không thể tìm thấy lẫy mở cửa bình xăng. Loay hoay một hồi vẫn không thấy, buộc phải gọi trợ giúp. Thì ra, Explorer có cửa bình xăng ấn đẩy tự bật ra, và cũng không có nắp bình vặn như xe khác. Vòi bơm cắm vào, nắp tự tách, vòi bơm rút ra, nắp đậy kín. Kiểu thiết kế này thường thấy trên một số xe châu Âu. Thân thiện và hữu ích. Tài xế có quên đậy nắp cũng không vấn đề.

Xong xuôi. Lên đường.

Kết nối điện thoại với hệ thống giải trí Sync 3, màn hình giao diện Apple CarPlay hiện lên giống hệt chiếc iPhone. Chọn một bản nhạc và lên đường. Lòng vòng trong phố, chốc lát nhạc từ hệ thống loa Sony lại tự động nhỏ, thay vào đó là tiếng bíp bíp báo cảm biến khoảng cách. Đến một ngày ai đó hỏi bạn vì sao chiếc Explorer của bạn không một vết xước, vui lòng đừng tự nhận mình lái lụa. Bạn làm gì có cơ hội để quệt vào người khác?

Sơn thường rất hào hứng mỗi lần tôi rủ anh đi thử xe mới. Xe nào cũng muốn cầm lái. Nhưng khổ nỗi, không xe nào anh nắm được thông tin trước khi lên tiếp xúc. Lý do thì muôn thuở. Bận công việc, chăm ba đứa con, hàng ngày không còn thời gian tìm hiểu.

Được thôi, mời người không hiểu gì lên cầm lái.
(Kéo chuột để xem ảnh 360 độ nội thất)

(Nguồn: Izmocars. Xe thực tế có thể khác so với ảnh.)
Sơn luôn tự tin vào khả năng lái xe của mình.

Anh ngồi sang ghế lái. Nổ máy. Ghế tự động đẩy về mức nhớ sẵn của tôi làm anh giật mình. Hai người tầm vóc như nhau nên không cần điều chỉnh gì nhiều. Sẵn sàng hướng thẳng ra xa lộ.Tôi ngồi ghế phụ, làm gì bây giờ ngoài việc hưởng thụ. Ngả ghế sâu, chọn chế độ massage toàn cơ thể, mắt bắt đầu lim dim. Cái nắng mùa thu hanh hao nhưng mơn trớn, tạo một mảng mỏng trùm lên khoảng không trước mắt. Qua các tia nắng xiên, nền đường hiện rõ từng gợn sóng. Bình thường với những gã chạy "chân to" như Sơn, người tôi chắc phải nảy lên bần bật. Lần này khác, chiếc SUV gầm cao giúp tôi vẫn êm ái tận hưởng.

Ngoài kia gió thổi nhẹ. Trong này Tùng Dương ngân nga trên loa "Và em có nghe khi mùa thu tới, mang ái ân mang tình yêu tới...". Tôi thì như trúng thuốc, mắt lim dim đi vào cơn mộng. Bên cạnh, Thanh Sơn vẫn háo hức đạp ga phăm phăm.

"Động cơ có 2.3 thật không em, sao mạnh vậy?"

"Tăng áp EcoBoost thưa ông anh thiếu thời gian tìm hiểu", tôi gằn giọng trêu chọc. Sơn "À" một tiếng, anh không lạ gì EcoBoost, thế hệ động cơ nhỏ, mạnh và xanh vốn giành rất nhiều giải thưởng toàn cầu mà Ford luôn tự hào.

Đoạn, anh dúi ga vượt loạt xe, chấm nhỏ màu vàng sáng nhấp nháy trên gương chiếu hậu bên ngoài.

"Ồ, có cả kiểm soát điểm mù này".

Tôi "vâng" lấy lệ vì mắt đã bắt đầu díu lại. Những câu cảm thán vừa ngạc nhiên vừa thích thú của tài xế sau đó tôi còn không buồn đáp.

"Cửa sổ trời toàn cảnh luôn... Vô-lăng rung cảnh báo chệch làn đường này... Không nghe tiếng gió gì, thích thật...Lại còn cả kiểm soát hành trình nữa...". Sơn cứ độc thoại, trong khi tôi thì lơ mơ ngủ.
***
“Dậy! Dậy em.”

Sơn lay tôi thật mạnh. Choàng tỉnh, tôi chưa hiểu chuyện gì thì anh chỉ ra trước mặt. Một đồi đất rộng lớn, mấp mô, ngay dưới bánh xe là nước và bùn lầy. Từng nhiều lần liều lĩnh lao những chiếc sedan một cầu vào địa hình khó và mắc kẹt, Sơn cảnh giác cao độ.

"Qua nổi không?"

"Em không biết, anh thử đi", tôi cười thầm.

Nhưng Sơn không dám thử vì sợ sa lầy không lên nổi. Anh quay đầu chạy ra đường lớn. Mãi tới khi tôi nói xe hai cầu, không sao đâu, anh mới dám quay lại chinh phục đồi đất.

Chuyển xe về chế độ chạy địa hình mấp mô, giữ chặt tay lái và chắc ga. Bảng điều khiển báo hiệu chế độ kiểm soát cân bằng điện tử đã tắt. Khi chức năng này tắt, cả bốn bánh sẽ nhận mô-men xoắn như nhau nhằm cung cấp đủ lực vượt đường xấu. Vũng lầy gần 20 mét trước mắt bị nuốt gọn, tiếng bộ lốp lớn loẹt nhoẹt xuống nền đường thấp thỏm nhưng kích thích. Ford Explorer còn cung cấp cả chế độ chạy đường tuyết và đường đồi cát.

Sơn như được bơm doping khi vượt qua đoạn đường mà trước đó anh còn sợ hãi bỏ cuộc. Chẳng nói chẳng rằng, anh hú hét như một đứa trẻ, đóng ga thẳng lên ngọn đồi đất phía trước. Bây giờ có vẻ không cần hướng dẫn, anh tinh tường hơn hẳn, nhấn ngay nút hỗ trợ đổ đèo và thả ga, thả phanh. Từ đỉnh đồi, xe lừ lừ trôi xuống dốc, chậm rãi và an toàn. Người tôi thì như song song với mặt đất, không có dây an toàn thì đập mặt vào kính lái.

Sau chục vòng đường đất quanh đồi bụi tung mù mịt như đua Dakar Rally, Sơn rủ "Ba Vì đi".

Được thôi.
Ford Explorer - xe cho người Việt khó tính
 
 
Chân đèo lên đỉnh Ba Vì hiện ra sau cổng soát vé. Tôi đã quá quen với kiểu "thả hổ về rừng" mỗi khi đưa Sơn lên đây. Đẩy cần số về S, hai tay anh nảy tanh tách dồn/tăng số, vô-lăng đảo liên tục như vắt sổ. Explorer vẫn cứ lầm lì qua cua và lên đỉnh, không hụt, nhất là khi tới những cua tay áo 180 độ.

Dừng chân ở rừng thông để nhấp ly cafe trong cái lạnh se, nắng chiều vàng vọt mà trong một phút giây có thể nhận vơ mình đang ở châu Âu. Sơn tìm được một chỗ trống để đỗ xe, anh định cài số lùi thì tôi ngăn lại, chỉ vào nút kích hoạt chế độ hỗ trợ đỗ xe tự động. Sơn ấn, chỉ việc làm theo hướng dẫn phanh hay chuyển số tiến-lùi, vô-lăng cứ xoay tít như "ma làm". Sau vài phút xe nằm gọn trong bãi đỗ, không chút căng thẳng.

Cốc cafe cạn là khi trời cũng về chiều, lạnh sâu hơn. Tôi bấm nổ máy từ xa qua chìa khoá thông minh, rồi đưa chìa khoá cho Sơn, tiến lại gần xe và bấm dãy số cảm ứng để mở cửa. Sơn tròn mắt, thứ công nghệ mà anh chưa từng thử.

Lần này tôi chọn ngồi ghế sau, nơi dây an toàn có tích hợp túi khí, khoảng duỗi chân thoải mái. Hai hàng ghế sau có thể gập điện phẳng lỳ thành giường, chứa được cả ván lướt sóng chứ đừng nói bộ đồ câu hay chơi golf. Cốp xe mở tự động bằng đá chân, cảm giác làm chủ khi xe hiểu điều mà bạn không cần nói ra.

Sơn thì vẫn muốn chạy để tiếp tục gảy số đổ đèo, thú vui những gã thích lái. Ra tới cao tốc, anh đặt kiểm soát hành trình 100 km/h, khỏi lo vượt tốc độ.

Trả Sơn về nhà, trước khi chia tay ông chủ công ty tư nhân hỏi "Hay đổi xe nhỉ? Hơn 2 tỷ, anh đủ". Sơn thường cân nhắc rất lâu trước những quyết định mua sắm. Nhưng lần này biết đâu lại khác. Tôi không chắc.

Đèn đường đã buông, không gian trước mắt đặc quánh xe cộ. Ngược chiều, chiếc ôtô cao lớn đá đèn pha, hóa ra một đồng đội Explorer khác. Tôi nháy đèn chào lại. Lan man nghĩ, bác tài ấy mất bao nhiêu thời gian để quyết định tậu Explorer về nhà?

Ngoài kia, dòng người ngày lễ đan vào nhau ngang dọc. Trong này, cảm biến khoảng cách, cảnh báo điểm mù làm việc hết công suất, tiếng bíp dồn như nhịp điệu khoan thai.
  • Nội dung: Đức Huy
  • Thiết kế: Văn Đức
  • Hình ảnh & Video: Lê Nguyễn
  • Kỹ thuật: Quốc Toàn