Đang tải dữ liệu
 
Chương
Bát đĩa cho tiệc chiêu đãi APEC:
Giấc mơ 10 năm
thành hiện thực
Người thợ gốm lạ lùng
Người thợ gốm lạ lùng
Ăn gạo lứt và theo lối thực dưỡng, thức dậy từ 5h sáng tập thể dục, một ngày làm việc 15 tiếng, tác phong nhanh nhạy, di chuyển liên tục, luôn khiến các nhân viên hụt hơi là phong thái thường gặp của ông Lý Ngọc Minh.

Sinh năm 1950, tổng chỉ huy của hãng gốm sứ lớn nhất Đông Nam Á là linh hồn của 3.000 con người trong khuôn viên nhà máy hàng nghìn m2 tại Bình Dương. Nhân viên ai cũng bảo, vừa khâm phục, vừa quý, vừa “sợ chú Minh”.

Ông là người yêu đất đến lạ lùng, ít ai hiểu nổi, từ 14 tuổi đã cầm cục đất vọc trên tay tối ngày. Với ông, đất cũng như con người, không cục nào giống cục nào. Cầm cục đất lên, ngay lập tức ông biết nó thuộc dạng nào, cấu trúc ra sao, từ mỏ nào. Với loại đất ấy, nung ở nhiệt độ nào, chế biến ra sao mới phù hợp.

Nhà nghèo, cha mất sớm, không được học lên cao, ông cùng mẹ nung gốm trong lò thủ công của gia đình, rồi kéo xe ra chợ bán. Đến một ngày, ông tự hỏi, sao không thể làm ra những sản phẩm gốm sứ đẹp nhất, tốt nhất thế giới và được dùng trong nhà mỗi gia đình Việt? Ông đi khắp mọi miền đất nước, đến các làng cổ để tìm hiểu, lục lọi trong thư viện sách, ảnh về nghề gốm sứ Việt Nam. Ông phát hiện có những sản phẩm Việt Nam vô cùng xuất sắc lại nằm trong bảo tàng bên Nhật, hay có sản phẩm gốm đỉnh cao trong nghề chỉ đến từ những xưởng rất nhỏ, những sản phẩm ít ai biết tới… Ông đến hơn 50 nước, từ Trung Quốc, Nhật, qua châu Âu (Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Tiệp Khắc)… tìm tới các hãng gốm sứ lâu đời, học hỏi cái hay nhất, tốt nhất, đẹp nhất, đúc kết đem về và thực hành, để cho ra gốm sứ đạt đến trình độ cao của khoa học, cái đẹp của nghệ thuật, không thua các sản phẩm hàng đầu thế giới.

Trong các hãng, hàng vừa đẹp, tinh xảo, chất lượng tốt nhất thế giới là gốm sứ Đức. Ông quyết định học công nghệ Đức.

Năm 1996, ông chi hơn một triệu USD xây phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất bấy giờ. Đây chỉ là những nghiên cứu cơ bản đất đá. Một sản phẩm mới từ phòng thí nghiệm phải trải qua hàng trăm lần thử nghiệm với các tình huống sản xuất, sử dụng thực tế. Trong nghề này, yếu tố thiên phú trời cho chưa đủ, mà nỗ lực học hỏi, làm đi làm lại mới quyết định thành bại. Ông bước vào đó mỗi ngày, để bước ra, với những sản phẩm gốm sứ dân dụng và nghệ thuật được đánh giá đẹp và chất lượng không thua kém hàng ngoại.

Rất nhiều cái đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới trong nghề gốm sứ có mặt ở đây. Minh Long thành công trong việc nung đốt một lần, trong khi các nước ở châu Âu cũng đang mày mò thử nghiệm.



Ông Dietmar Preibinger, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Sama Maschinenbau, Đức từng chia sẻ sự thán phục với ông chủ Minh Long, khi chỉ trong hơn 10 năm, ông Lý Ngọc Minh đã tự nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C.

Hạnh phúc của ông Minh là khi làm thành công sản phẩm, chế tạo được loại men, tạo ra những cái chưa ai nghĩ tới, chưa ai làm, tạo được đồ sứ chất lượng bán cho bà con với giá Việt Nam. Sản phẩm phải tới tay người dùng ở phân khúc thấp nhất, đẹp, tốt mà còn phải rẻ.

Slogan của Minh Long là Tinh hoa vĩnh cửu. Ông chủ lò gốm lý giải, nếu không chăm chút, không học để tái thể hiện tri thức trong sản phẩm thì không có tác phẩm để đời. Đó là lý do ông đưa ra tiêu chí “Bốn không, bốn có”, tức không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác và có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách, có hồn.
Từ bữa tiệc APEC 2006
Bữa tiệc APEC 2006
Có cơ hội dự tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2006 ở Hà Nội, ông Minh ao ước một ngày nào đó sẽ được làm bộ bát đĩa tiệc cho sự kiện quan trọng tương tự.

Ý nghĩ ấy không lúc nào nguôi ngoai. Ông tìm đọc tài liệu, gặp chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực để tìm hiểu các nghi thức thiết đãi cấp quốc tế. Năm 2014, tình cờ ông đọc bài báo trên VnExpress kể về bộ đồ ăn bằng sứ chiêu đãi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Trung Quốc. Với con mắt nhà nghề, ông biết rằng Minh Long có thể làm được.

“Đồ sứ là sứ giả quảng bá truyền thống, văn hóa của đất nước rất tuyệt vời với những hành trình dài. Nếu có APEC tại Việt Nam nữa, mình phải làm cho bằng được”, ông thầm nghĩ.

Đó là sự khởi động của một câu chuyện khác diễn ra hai năm qua tại Minh Long.

“Tôi không biết Nhà nước có cho mình làm bộ bát đĩa tiệc nếu có APEC không, nhưng ở thời điểm đó, tôi đã hình dung bộ đồ ăn trong đầu. Tôi cứ chỉ đạo anh này vẽ thiết kế, anh kia vẽ họa tiết, người khác làm khuôn…”, ông Minh nhớ lại. Có 30-40 người cùng tham gia dưới sự chỉ huy của một tổng công trình sư.



Trong đầu ông luôn có những hình dung về bộ sản phẩm. Cả bộ bày trên bàn tiệc trông thế nào, khay ăn hình chữ nhật ra sao, đĩa ăn gồm mấy chiếc, chén soup phải thế nào, âu đựng salad, đựng đồ nước được đậy nắp cách điệu từ nón lá Việt Nam ra sao, cái núm phải là búp sen mạ vàng… Nhiều thiết kế chưa từng sử dụng, tất cả phải mới lạ, không giống bất cứ sản phẩm nào doanh nghiệp đã làm.

“Hơn 30 con người vắt hết trí tuệ, làm rồi sửa, sau hơn 6 tháng mới xong ý tưởng thiết kế”, ông kể và chia sẻ, chỉ riêng câu chuyện về bông sen trên bộ sứ đã đủ thử thách những con người nhẫn nại nhất.

Người tinh ý sẽ thấy, bông sen trên các bộ đồ sứ Minh Long khác với sen mọi sản phẩm khác. Sen này của riêng đồ gốm Minh Long, do ông Minh và họa sĩ tạo nên.

Mấy chục năm qua, ông đã mang về tất cả mẫu sen đã gặp ở châu Âu, châu Á. Ông mua không biết bao nhiêu tài liệu vẽ sen, bao nhiêu món đồ có sen nhưng không thấy loại ưng ý. Đến khi đi ngắm hoa sen thuần giống Việt Nam ngoài đầm, ông nhận ra các dáng hoa với nét phúc hậu đầy đặn, hiền lành và chợt nhận ra “đây chính là sen mình tìm”.

Ông lục lại tài liệu của vua chúa trước đây về nghệ thuật cổ xưa, học bố cục vẽ sen của người xưa trong cung đình Huế (của tác giả Trần Đình Sơn) và các tác phẩm lỗi lạc. Ông cùng họa sĩ nghiên cứu bố cục của sen, sắp xếp nét vẽ, độ dày của màu, độ sâu của nét khắc. Mỏng quá thì không ra hình, dày thêm nữa thì bị thô, từ sen vàng tới sen trung thu, sen trà, cả chục mẫu sen đã được thử nghiệm trong nhiều năm trong cả nghìn mẫu tham khảo.

Nhưng sen của ông Minh còn có sự kết hợp Đông Tây với một họa sĩ người Thụy Sỹ chuyên vẽ đồ sứ được ông Minh mời tới Việt Nam, đích thân vẽ hoa sen. “Tôi tìm họa sĩ nước ngoài vẽ sen bởi muốn có vẻ đẹp lạ, thân thuộc với người châu Á và cả với châu Âu”, ông nhớ lại.

Họa sĩ vẽ ra hàng nghìn kiểu sen trong lịch sử nhân loại. Nhưng ông thích họa sĩ Thụy Sỹ vì cô vẽ sen dày, đều và có vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa phúc hậu, tạo cảm giác đẹp mà gần gũi và ấm áp.

Từ nét vẽ của cô, ông cùng nghệ nhân cách điệu ra bông sen trên sứ Minh Long. Sen xanh lam, sen tráng nổi, sen đỏ, sen cung đình… Bông sen ấy tái hiện trên đồ gốm theo nhiều lối, khác nhau rất tinh tế: khắc, chạm, in, tô màu, tô tay theo bút pháp thủy mạc trên giấy dó. Bông sen ấy trên các bộ đồ ăn, ấm chén, đồ trang trí không giống sen bất kỳ nơi nào nhưng người châu Á và phương Tây đều thấy nó đẹp.

  



Không chỉ sen, mẫu khắc chim lạc, đình, chùa, thiếu nữ… cũng mất tới 2 năm thử nghiệm. Khắc tới khắc lui, điều chỉnh chiều sâu nét khắc, độ gờ, ánh sáng, đến khi cảm nhận được, dù đứng xa hay gần đều thấy đẹp, ông mới chịu.

Công đoạn tìm nguyên liệu, thử nghiệm chế tác, sản xuất bộ bát đĩa tiệc cũng mất thêm nhiều tháng nữa. Việc chế tác số lượng ít nhưng lại cần rất nhiều khâu thủ công đã khiến cả trăm con người lao động miệt mài gần hai năm để ra bộ bát đĩa tiệc.

Bộ đồ ăn không chỉ để ăn. Bởi từ thuở nguyên sơ, con người thậm chí không cần dùng đến chén đĩa hay đũa thìa. Việc ăn uống chỉ được nâng lên thành văn hóa, ẩm thực, tạo cốt cách con người nếu như chúng ta chăm chút. Nguyễn Tuân từng nói một bữa ăn ngon phải có thức ăn ngon, không gian để ăn ngon và người cùng ăn dễ thương. Bộ đồ ăn dùng cho tiệc chiêu đãi APEC được ông Minh cùng các nghệ nhân thiết kế có những tiêu chuẩn rất cao với nghề gốm sứ.
Tinh hoa từ đất
Tinh hoa từ đất
Với người thợ gốm Lý Ngọc Minh: “Đất cũng như người, mọi sinh linh, trong sự hiện hữu trên đời này đã là tinh hoa, thêm sự tinh xảo từ trí tuệ và công lao người yêu đất để thành hạt ngọc cho đời”.

Bộ bát đĩa tiệc làm từ loại đất đặc biệt. Ông Minh bật mí: “40% đất từ các mỏ cao lanh tại Việt Nam, trên cả ba vùng miền. Còn lại tôi tinh tuyển trong nguyên liệu được đưa về từ các mỏ đất quý ở New Zealand, Ấn Độ, Canada, Mỹ, Nga, Hàn quốc, Đức, Pháp, Trung Đông, Trung Quốc”.

NgaHàn QuốcViệt NamNew ZealandTrung ĐôngĐứcPhápCanadaMỹẤn ĐộTrung Quốc
Hành trình tìm đất của ông chủ Minh Long

Làm bạn với đất hơn 40 năm, ông Minh hiểu đất có linh hồn của chúng. Đất có nhiều loại nhưng đất để làm ra gốm sứ có lịch sử hình thành tạo tác đặc biệt, đó là loại đất tinh túy của mẹ thiên nhiên.

Trời đất cũng mang nặng đẻ đau để tạo ra tinh hoa của trời của đất. Lòng đất có vô số sản phẩm như con cháu của tạo hóa. Xứ này có cao lanh, xứ kia có vàng, xứ nọ có kim cương. Vì thế, hành trình tìm đất như đãi cát tìm vàng.

Đất hiếm, cao lanh, tràng thạch, thạch anh và đất sét là thành phần chính của đồ sứ. Nhưng đồ sứ cao cấp cần đất đá rất tinh khiết, có thành phần hóa học, cấu trúc phù hợp chứ không phải đất đá nào cũng chịu được nhiệt độ 1.380 độ C - nhiệt độ nung sản phẩm sứ cao cấp của Minh Long.

Cũng như con người, đất đá cũng có tố chất riêng của nó. Người ta phải tìm ra loại cao lanh nào đủ tinh khiết. Rồi về nhà máy phải tinh tuyển tiếp để loại các tạp chất. Bởi trong đất có nhiều chất thành phần rất nhỏ nhưng khi nung sẽ gây bốc hơi sớm, bọt, phản ứng xì, gây lem, mụn cóc… Đồ sứ khi nung mà bị lỗi, chỉ bỏ đi.

Ông Minh từng đến tất cả mỏ đất đá ở Việt Nam và thế giới. Mỏ đất nào nổi tiếng, ông đều tới tìm hiểu. Ông từng thuê xe chạy hơn 2.700 km rừng qua đường 9 Nam Lào tìm đất mà bị kẹt bởi mưa to tưởng không ra khỏi rừng. Có lần ở Vĩnh Phúc, ông phải lội bộ cả buổi tới mỏ đất còn sơ khai trong rừng. Hay xuống sâu vài trăm mét dưới lòng đất để tìm hiểu một mỏ đất gần Thượng Hải. Rồi đến nghiên cứu các loại đất thượng hạng như mỏ cao lanh ở New Zealand được mệnh danh mỏ đất độc nhất vô nhị trên thế giới. Mỏ đất hiếm đã quý, trong một mỏ còn có nhiều mạch đất, phải tới tận nơi, soi xét tận tay cục đất mới biết mình cần loại đất ở mạch nào vì nếu không, mang về cũng bỏ. Có những mỏ, công nhân phải đi nhặt từng cục từng hòn, đem về còn phải cắt gọt tỉ mẩn để lấy ra chỗ đất mình muốn. Trên hành trình ấy, ông không chỉ học về đất mà còn học hỏi về văn hóa đời sống của con người trong một cục đất nhỏ bé.

Cái tinh túy khác đời thường. Một nút may của túi hàng cao cấp phải khác đường may khác. Đất đá cũng thế, sau khi về đến Minh Long bằng đường thủy, đường bộ, còn phải qua đủ thứ khâu tuyển lựa, sơ chế, tinh chế.

Với tất cả sản phẩm của Minh Long, phải tuyển nghiêm ngặt các loại đất tinh chất. Với bộ bát đĩa tiệc, việc tuyển lựa được đòi hỏi nghiêm ngặt hơn nhiều lần. Ông đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho bộ sản phẩm, nên đất phải chế biến rất kỹ, không thể có tạp chất nào. “Nó phải sạch ngay từ khi chưa nung. Một vết nhơ nhỏ xíu, hay có những hóa chất ta không thấy nhưng phải kiểm tra để loại ra ngay từ đầu. Đến người công nhân cũng phải đặc cách chọn từ những công nhân tốt nhất, rồi họ nhào luyện đất rất công phu. Bạn cứ hình dung đất được lọc, nhào kỹ hơn bột ăn nhiều lần”, ông miêu tả.

Một cục đất đem về, không biết qua bao nhiêu thời gian nhào nặn, qua bao nhiêu máy móc. Nên có khi đất nguyên liệu mua về không đắt, nhưng lúc nó thành sản phẩm thì tiền công, tiền điện… đã đội lên gấp cả chục cả trăm lần. Luyện đất là để đất thành vàng.

Ở nhà máy Minh Long, nếu làm rơi một cục đất, dù nhỏ, ông yêu cầu nhặt lên ngay vì cần trân trọng sự lao động của người khác. Đó là máu và nước mắt của bao nhiêu người.

“Người ta trữ vàng, bạc, tôi trữ mấy chục nghìn tấn đất. Có loại sử dụng trong vòng một năm, có loại cần cho 2-3 năm tới vì đất có lúc lấy được, có lúc không chứ không phải khi nào cũng có”, ông nói.

Tinh hoa từ đất là tinh hoa của mẹ thiên nhiên. Dùng đất quý của thiên nhiên để tinh xảo hóa bởi con người mới tạo nên những sản phẩm đồ sứ thượng hạng.

Thiên, địa, nhân là ba yếu tố tạo thành thế giới này. Trong mỗi đồ sứ có tinh hoa từ thiên nhiên, trời đất, có biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của con người làm nên hình hài của nó. Đó chính là tinh xảo từ con người.
Tinh xảo từ người
Tinh xảo từ người
Câu thành ngữ “Nhất liệu nhì nung tam hình tứ trí” là nguyên tắc của nghề gốm sứ. Liệu là nguyên liệu, tức từ đất. Rồi tới nung, hình là hình dạng, trí là trang trí. Nung, hình, trí là những công việc đòi hỏi sự tinh xảo đến từ bàn tay và khối óc người thợ.

Nung một sản phẩm thường phải qua 3-5 lần, tùy lò, tùy giờ. Dài thì một ngày một đêm, ngắn cũng mười mấy tiếng. Nhưng quan trọng hơn nhiệt độ phải chuẩn xác và môi trường nung đảm bảo nghiêm ngặt. Các thành phần hóa học tham gia khi nung, thời gian, áp suất, môi trường đều phải chính xác rất cao.

Một sản phẩm ra đời ít nhất phải qua hơn 30 công đoạn. Thiết kế trên máy, trên giấy, vẽ rồi làm sao cho sản xuất được, tính toán phần nào dập bằng khuôn, làm bằng tay, in nổi, dán hoa, vẽ tay…



Có rất nhiều bí quyết nghề nghiệp trong một bông hoa. Một cụm hoa sen mà có chỗ vẽ, chỗ in. Vẽ như in mà in nhìn như vẽ. Chỗ gồ ghề, nơi láng mịn, sắc độ đậm nhạt nhỉnh hơn nhau có chút. Người thợ chỉ vẽ một lá sen mà có khi tô đi tô lại không biết bao nhiêu lần.

Ông quan niệm tinh xảo từ người là tính văn hóa, nghệ thuật hội tụ cao cấp trong sản phẩm. Với bộ đồ ăn dùng cho quốc yến, mỗi màu khác nhau phải nung ở nhiệt độ khác nhau. Cùng là màu vàng nhạt, nền sản phẩm nung riêng, nền bức tranh trang trí nung riêng. Màu xanh nhìn như một màu mà thực sự là mấy màu và nung mấy cách. Hai bức tranh sen thấy là vậy nhưng để nó khác các sản phẩm đã có mất không biết bao nhiêu công lao, sửa đi sửa lại. Ba tháng rồi mà 50 con người còn chưa xong.

Tuy bộ sản phẩm mạ vàng 24k nhập từ Đức (hãng Heraeus với hơn 260 năm kinh nghiệm sản xuất vàng) nhưng cái quý nhất trong nghề gốm không phải vàng dù vàng rất đắt. Ông Minh bảo, có chỗ tốn rất nhiều vàng, nhưng có chỗ công còn nhiều hơn vàng. Người ta bỏ tiền ra đúc nguyên cái chén vàng được nhưng làm một đồ sứ mạ vàng với trình độ cao thì ông chắc không có nơi thứ hai làm được vì có rất nhiều bí quyết ông bỏ cả đời đi tìm.

Và rồi, khoảnh khắc cửa lò mở ra đã đến như một thủ tục thiêng liêng với người làm gốm. Chiều hôm trước lên kịch bản chương trình, đêm hồi hộp, sáng hôm sau mới biết kết quả. Chỉ khi cầm sản phẩm trên tay, nhìn chắc chắn dám tin mẻ nung thành công. Mặc dù rất quen với đất, với men, lò nung vô cùng hiện đại, nhưng có muôn vàn lý do khiến mẻ nung gặp chuyện. Đôi khi chỉ cần đêm mưa to, độ ẩm thay đổi, sơ ý có một mẩu giấy nhỏ bay vào lò là hỏng sản phẩm, vì giấy cháy sinh ra thành phần hóa học trong lò nung mà dính vào sản phẩm thì sản phẩm đó có vết và hỏng. Đôi khi mạ vàng xong mà không nung ngay thì mạ vàng cũng hỏng…

Ông kể: “Hôm sản phẩm đầu tiên xong, tôi đem cho mọi người trong công ty nhìn ngắm, ai cũng trầm trồ và vui hết. Lòng tôi phơi phới, cảm xúc như bà mẹ sinh đứa con, mang nặng đẻ đau, thấy con mình khôi ngô tuấn tú đã mừng rồi, không uổng công nuôi dạy con học, ngày con đỗ đạt là vui nhất”.

Với người thợ gốm lão luyện này, mở lò xem một sản phẩm hoàn hảo là phút giây hạnh phúc nhất của nghề. Nhắm mắt lại, ông Minh vẫn cảm nhận tay mình mở cửa, bốc sản phẩm lên và thấy nó không một vết lỗi.

Vẻ đẹp của ánh sáng
Vẻ đẹp của ánh sáng
Trước bộ bát đĩa tiệc APEC, ông Minh hồ hởi: “Đây là cái khay ăn, hình chữ nhật. Còn đĩa, bát hình tròn đặt lên trên. Nhìn từ trên xuống, ta thấy hiện lên bố cục hình vuông - tròn. Vì sao tôi thiết kế vuông - tròn? Vì đó là trời tròn - đất vuông. Sự vuông tròn trong quan niệm của người xưa còn là điều ước mọi sự tốt đẹp toàn vẹn”.

Những chiếc đĩa ăn được phủ men cao cấp, láng bóng trong mọi nguồn ánh sáng, nhìn xa thấy đẹp và ở gần cũng đẹp. Các nghệ nhân đã dùng loại men tinh tuyển để bộ đồ được bọc lớp vỏ trong suốt như ngọc, càng nhìn càng đẹp và càng sâu lắng, sờ lên không một gợn nhỏ và không bị ảnh hưởng bởi chất chua, mặn của thức ăn.

Ông Minh thiết kế chiếc liễn đựng súp hai lớp sứ, ở giữa là khoảng trống cách nhiệt, để món ăn giữ nóng trong nửa tiếng. Người ăn múc thìa cuối cùng lên miệng vẫn thấy ấm. Minh Long là đơn vị đầu tiên làm chiếc liễn đựng súp này. Chiếc liễn đi cùng thìa có đuôi công duyên dáng.

Điều đặc biệt tiếp theo của bộ bát đĩa tiệc là ly ăn kem bằng sứ mà mỏng, nhẹ hơn ly bằng pha lê, với họa tiết sắc sảo. Các bộ gia vị, bộ sốt, nước chấm đi kèm được thiết kế theo hai lối, Âu và Á, để người chiêu đãi lựa chọn áp dụng theo thực đơn.

Bộ trà, cà phê cũng tinh xảo và đúng điệu với chén nhỏ dành cho espresso, douple espresso, capuchino, tách trà có chức năng giữ nóng đi với nhau hài hòa. Bình đựng rượu quý được kèm bộ ly đặc biệt, rất nhẹ, mỏng, tinh tế.

Gầu đựng nước sốt với tay nắm đầu rồng mỏ phượng ngậm ngọc cũng là điểm nhấn. Khi người phục vụ cầm đồ vật di chuyển để rưới nước sốt, quan khách khó mà rời mắt khỏi món đồ vật tinh xảo đó vì nó chưa từng có. Ngoài ra, bộ thố, tô đựng salad ăn thêm, đĩa bầu dục nhiều cỡ đựng gà, cá, đều đi với nhau bài bản và hòa hợp.

Bộ bát đĩa tiệc được trang trí sen cung đình, cũng là quốc hoa. Sen trên đó được khắc nổi (phù điêu), nung nhiều lần, vẽ rất công phu chứ không phải sen thông thường trên các sản phẩm đã có. Ông Minh giải thích: “Hoa sen với nét vẽ được cách điệu để phương Tây thấy vẻ đẹp hiện đại và gần gũi với các sản phẩm gốm nổi tiếng của nhân loại, để người nước nào cũng thấy vẻ đẹp và tạo cảm giác gần gũi. Hoa văn nền của bộ đồ ăn là cách điệu từ cây dương xỉ và tảo biển. Vì hai loài thực vật đó có từ thời cổ đại và là loại cây lâu đời nhất, nó bất biến với thời gian. Đằng sau họa tiết, màu sắc trên bộ gốm sứ là cả nền văn hóa lịch sử nghìn năm của dân tộc”.

Cái khác biệt ấy không tự nhiên mà có. Ngay chuyện vàng để mạ sản phẩm, chẳng những là vàng 24k mà còn là loại vàng tinh chế của hãng vàng chất lượng cao nhất toàn cầu từ Đức. Sản phẩm sứ phương Tây đem qua châu Á đều bị xỉn vì họ thường pha chút bạch kim hay chút bạc cho đẹp, nhưng vì khí hậu châu Á ẩm cao, không khí chua nên phải là vàng ròng mới giữ được màu. Vàng ròng chế phẩm ông nhập từ hãng Heraeus có lịch sử hơn 260 năm, đắt hơn các nơi khác nhiều lần vì là thương hiệu vàng cao cấp nhất thế giới.

Bộ bát đĩa tiệc APEC có hai màu chủ đạo vàng chanh và xanh cobalt. Hai màu thôi nhưng là cuộc gạn lọc qua hàng trăm lần thử nghiệm mới cho ra được tông màu mới mà vẫn sang trọng quý phái.

Màu vàng vì đó là màu sắc cung đình. Vàng chanh là màu vương giả, là màu kinh điển trong tất cả triều đình châu Á và châu Âu. Trong thế giới sứ, màu cobalt là màu đẹp và khó làm nhất, đẳng cấp nhất trong hàng nghìn màu sắc. Và màu xanh đó, chỉ đi với vàng chanh mới đẹp nhất. Nó làm bộ đồ không bị lòe loẹt, đủ đơn giản, trang nhã và không diêm dúa. Ông bảo: “Đẳng cấp nhiều khi khác hàng chợ chỉ một vết khâu, một nét vẽ vài li. Và khi ở cạnh một ông khổng lồ về đồ sứ, mình làm hơn người ta họ mới cho rằng mình làm bằng họ”.

Ông trải lòng mình: “Làm bộ bát đĩa tiệc APEC, mấy chục sản phẩm là mấy chục lần hồi hộp, xốn xang, vui buồn đau khổ hòa lẫn nhau triền miên. Năm phút vui rồi năm phút buồn. Mặc dù nghề gốm đã hiện đại hơn nhiều, vậy mà nó vẫn làm mình phiền não. Đau bao tử là chắc chắn”.



Ngoài bộ bát đĩa tiệc, Minh Long còn làm chiếc cup Chén ngọc hoàng liên (sen vàng) để lãnh đạo Việt Nam làm kỷ vật tặng cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017. Sản phẩm là thiết kế đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này với 3 con vật ông Minh gọi là rồng Việt, tượng trưng cho ba miền cùng nâng một chiếc chén ngọc bảo vật. Con rồng này chưa từng có tại Việt Nam vì thiết kế đã cách điệu với chiếc mỏ con chim phượng. Con rồng dùng đôi cánh phượng nâng chiếc cup “vì chỉ có đôi cánh mới giúp người ta bay lên”.

Trong các sự kiện đối ngoại của Việt Nam, APEC 2017 là một sự kiện quan trọng, nơi hội tụ các lãnh đạo của 21 nền kinh tế. Ông Minh và cộng sự đã mất hai năm để “muốn Nhà nước mình đem tặng khách cả văn hóa, lịch sử, bàn tay và khối óc người Việt Nam. Đó là những sản phẩm vừa đẹp, vừa có chiều sâu quốc hồn, quốc túy Việt Nam”.

Với người nghệ nhân này, ý nghĩa Con rồng cháu tiên phải được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật và thể hiện vẻ đẹp không biên giới. Đẹp mà còn phải ý nghĩa, sâu sắc và tạo cảm xúc đẹp cho người nhìn. Ông muốn làm ra món đồ ra mà thế giới thừa nhận người Việt Nam có thể làm ra sản phẩm xuất sắc như các nước tiên tiến trên thế giới.

“Mình phải tự hào rằng tinh hoa của đất nước Việt Nam đủ điều kiện để được đơm hoa kết trái. Khi mình có cái tâm thì làm sẽ thành. Ban đầu mình đâu biết Nhà nước sẽ chọn sản phẩm của mình dùng trong APEC, đến khi được Nhà nước chọn, mình mới biết”, ông Minh nói.

Người thợ gốm kỳ cựu, người ông của 7 đứa cháu bộc bạch: “Tôi không có cố tình làm nên câu chuyện ly kỳ để thiên hạ chú ý. Sự thật, chuyện làm gốm đời thường chỉ đơn giản vậy thôi”.
  • Bài viết: Hồng Phúc
  • Sáng tạo: Hồ Cường
  • Thiết kế: Văn Đức
  • Hình ảnh: Thành Nguyễn
  • Video: Công Khang
  • Kỹ thuật: Quốc Toàn