Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 25/6 cho biết họ ban hành lệnh bắt với hai quan chức quân đội Nga dựa trên cáo buộc "gây tội ác chiến tranh" nhằm vào các mục tiêu dân sự và gây tổn hại ngẫu nhiên quá mức cho dân thường, cũng như "tội ác chống lại loài người" ở Ukraine.
Các thẩm phán ICC tuyên bố có cơ sở pháp lý để tin rằng Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov và cựu bộ trưởng quốc phòng Shoigu "phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tên lửa do lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện Ukraine ít nhất từ ngày 10/10/2022 đến ngày 9/3/2023".
Theo ICC, những cuộc tấn công này "nhắm vào các mục tiêu dân sự" và ngay cả khi các mục tiêu có thể được coi là quân sự, thiệt hại dân sự "rõ ràng lấn át lợi ích quân sự".
Hội đồng An ninh Nga tuyên bố việc ICC phát lệnh bắt là "vô nghĩa".
Tòa án ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng 3 năm ngoái phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc di dời trái phép trẻ em. Để đáp trả, Nga đã phát lệnh bắt với Chủ tịch ICC. Nga không phải là thành viên ICC.
124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt nếu người bị truy nã đặt chân đến nước họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Tướng Shoigu, 69 tuổi, đã giữ chức bộ trưởng quốc phòng từ năm 2012, là quan chức giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử Nga. Tổng thống Nga Putin hồi tháng 5 ký sắc lệnh điều chuyển ông sang làm Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Đây là cơ quan tham mưu, giúp việc Tổng thống trong điều hành nhà nước, hoạch định các chính sách đối nội, đối ngoại, quân sự trong lĩnh vực an ninh, duy trì ổn định trật tự chính trị xã hội, bảo vệ quyền lợi và tự do của nhân dân.
Tướng Gerasimov, 67 tuổi, tháng một năm ngoái được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy của chiến dịch tại Ukraine, thay thế người tiền nhiệm Sergei Suroviki. Gerasimov là người đã đề ra "học thuyết Gerasimov", đề cao tác chiến phi tuyến tính, kết hợp các chiến thuật quân sự, công nghệ, thông tin, ngoại giao, kinh tế, văn hóa cùng những hình thức tác chiến phi đối xứng khác để đạt được mục tiêu trong "chiến tranh lai".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)