"Chủ tịch Ủy ban châu Âu, dù cố ý hay vô tình, đã tấn công sự đoàn kết của châu Âu. Ngay từ những giây phút đầu tiên, chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ có một lằn ranh đỏ. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ này", Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trên đài phát thanh quốc gia hôm 6/5.
Ủy ban châu Âu hôm 4/5 đề xuất với 27 nước thành viên của khối về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga như động thái cứng rắn nhất phản đối chiến sự tại Ukraine. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 5/5 cho biết khối này gần đạt thỏa thuận cấm dầu Nga.
Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 4/5 nêu kế hoạch EU loại bỏ nguồn cung dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và loại bỏ các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga vào cuối năm nay. Hungary và Slovakia, hai quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn dầu Nga, dự kiến được cho phép thực hiện quá trình cắt giảm dầu Nga tới cuối năm 2023.
Thủ tướng Hungary gọi lệnh cấm vận dầu Nga "giống quả bom hạt nhân ném xuống nền kinh tế Hungary", thêm rằng thời gian cho phép Hungary tiến tới giảm phụ thuộc dầu Nga vào cuối năm 2023 là "không đủ dài". Theo ông Orban, quá trình chuyển đổi hệ thống truyền dẫn và cung cấp năng lượng của Hungary có thể phải mất 5 năm.
"Tôi tránh từ 'phủ quyết', tôi không muốn đối đầu với EU. Chúng tôi quan tâm đến một cuộc đối thoại mang tính xây dựng", Thủ tướng Hungary khẳng định.
Ông Orban cũng phản đối việc đưa Thượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, vào danh sách trừng phạt. "Chúng tôi sẽ không cho phép việc đưa các lãnh đạo nhà thờ vào danh sách trừng phạt", ông nói.
Theo phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs, 65% lượng dầu và 85% nguồn cung khí đốt của nước này đến từ Nga.
EU nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ dầu mỏ Nga được cho là dễ hơn giảm phụ thuộc vào khí đốt. Moskva đã yêu cầu các khách hàng châu Âu trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, điều mà EU kiên quyết từ chối. Moksva tuần trước đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Ngọc Ánh (Theo AFP)