"Tôi hy vọng họ đạt thỏa thuận. Họ đã gần đạt được rồi. Và chúng ta cần thỏa thuận này vì vẫn phải gây thêm áp lực kinh tế và tài chính đối với Nga", quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói tại một sự kiện ở Italy hôm 5/5.
Bình luận của ông Borrell được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố những đề xuất về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga, bằng đường biển và đường ống, bao gồm cả dầu thô và dầu tinh chế.
Trong bài đăng Twitter hôm 3/5, ông Borrell cho biết gói trừng phạt thứ sáu nhằm "loại bỏ nhiều ngân hàng Nga hơn, liệt kê các tác nhân gây thông tin sai lệch và giải quyết vấn đề nhập khẩu dầu mỏ". Các đề xuất sẽ được trình lên 27 quốc gia thành viên để phê duyệt.
Cấm nhập khẩu dầu Nga được coi là vấn đề quan trọng nhất trong gói trừng phạt lần này của EU. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực. Slovakia đã cho biết sẽ yêu cầu miễn trừ và Hungary cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng là "lằn ranh đỏ" đối với họ. Hai nước này gần như phụ thuộc 100% nguồn dầu thô của Nga.
Các quan chức giấu tên trước đó nói rằng Bulgaria và Cộng hòa Czech cũng có thể tìm cách không tham gia gói biện pháp trừng phạt này. Một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo việc cấp miễn trừ cho một hoặc hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu Nga có thể gây hiệu ứng domino, khiến các nước khác cũng muốn được miễn trừ và do đó làm suy yếu lệnh cấm vận.
EU nhập khẩu 3 - 3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Huyền Lê (Theo Guardian, Reuters)