Giữa tháng 11, anh Hà, 20 tuổi, ngụ quận Tân Bình, thấy nhiều quảng cáo cho vay trên Facebook với nội dung "cho vay nhanh, lãi suất thấp, không cần thế chấp" kèm logo một số ngân hàng nổi tiếng. Đang thiếu 20 triệu đồng để lo công việc, anh đăng ký vay số tiền này, điền tất cả thông tin cá nhân, số điện thoại, sau đó bấm vào mục "Liên hệ CSKH".
Một tài khoản xưng là Nam - nhân viên tư vấn của ngân hàng, nhắn qua messenger cho anh Hà, hỏi các vấn đề cá nhân, yêu cầu "cầm CCCD để dưới cằm, quay một đoạn video" để làm căn cứ xét duyệt khoản vay. Ít phút sau, Nam thông báo ngân hàng đã đồng ý khoản vay của Hà, tiền đã chuyển vào ví.
Sau đó, Nam gửi một đường link, nói đăng nhập vào ví để chuyển số tiền kia về tài khoản của mình. Khi anh Hà vào trang web được gửi, thấy hình ảnh giao diện ngân hàng quen thuộc, nhưng vào ví tiền thì hệ thống liên tục báo lỗi.
Phản ánh việc này cho Nam, anh Hà được cho biết có thể đã điền sai một số thông tin nên hệ thống thông báo không thể rút tiền, sẽ liên hệ với ngân hàng để thay đổi giúp những gì chưa chính xác.
Nam sau đó gửi hình ảnh công văn phía ngân hàng, đưa ra hai "phương án" thay đổi thông tin sai để Hà có thể rút tiền. Một là anh phải trực tiếp mang giấy tờ bản chính ra trụ sở nhà băng này ở Hà Nội trong 24 giờ, hai là phải làm "ủy quyền xử lý online".
Anh Hà nói đang ở Sài Gòn, không thể chọn phương án một. Nam cho biết nếu khách hàng chọn phương án hai thì chỉ có 120 phút để xử lý và phải chuyển 5 triệu đồng cho phí "đảm bảo ủy quyền". Sau khi hoàn tất thủ tục, anh Hà sẽ nhận lại tổng cộng 25 triệu đồng bao gồm tiền vay và phí ủy quyền. "Hợp đồng cho anh vay đã có hiệu lực, ngân hàng không thể thu hồi khoản vay. Nếu quá thời gian 2 tiếng, ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ số tiền anh vay vào Kho bạc Nhà Nước", Nam nói, đồng thời hối thúc anh Hà phải chuyển gấp 5 triệu đồng vào số tài khoản chỉ định.
Tuy nhiên, sau khi anh Hà chuyển khoản thì không thể liên lạc được với Nam. "Đang cần tiền, lại bị anh ta liên tục hối thúc, dọa không giải quyết thì số tiền vay sẽ bị đóng băng mà bản thân tôi vẫn mang nợ, nên tôi đã chuyển khoản mà không suy nghĩ được gì hơn", anh Nam nói.
Theo Công an TP HCM, ngoài anh Hà, thời gian qua có nhiều trường hợp đã sập bẫy những nhóm tội phạm giả cho vay qua các ứng dụng (app). Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo. Trong đó, số người phản ánh về các app liên quan tới cho vay, hoạt động tín dụng đen chiếm 30% (gần 900 người) số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến.
Thủ đoạn của nhóm này là giả mạo tên, thương hiệu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử... để quảng cáo các gói vay hấp dẫn. Những app, website đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh; có nơi còn quảng cáo cho vay ưu đãi 0% hoặc không cần tài sản thế chấp, giải ngân siêu tốc...
Khi hoàn tất hồ sơ vay, băng nhóm tội phạm thông báo nạn nhân đã nhận được tiền (hình ảnh hiển thị trên giao diện) nhưng không rút được do "sai thông tin" để yêu cầu bị hại chuyển tiền xác minh tài khoản rồi chiếm đoạt. Nhiều người đến khi mất sạch tài sản thì mới nhận ra bị lừa.
Ngoài ra, những băng nhóm tội phạm này lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại. Sau đó chúng dẫn dụ cài đặt ứng dụng độc hại, các ứng dụng này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội... "Đã có nhiều trường hợp băng nhóm tội phạm gán nợ, đòi nợ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, bôi nhọ đến những người trong danh bạ để gây áp lực đòi tiền", cán bộ điều tra cho biết.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải tỉnh táo, bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gỡ bỏ ứng dụng độc hại trên máy, chủ động cảnh báo thân nhân, bạn bè về việc bị lừa đảo để phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân. "Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của những nhóm này. Cắt mọi liên lạc để không bị chúng thao túng, dẫn dắt chiếm đoạt tiền", Công an TP HCM cảnh báo.
Quốc Thắng