Bằng thủ đoạn trên, trong 15 ngày, tiền luân chuyển qua các tài khoản của Tạ Anh Trường, Nguyễn Xuân Hải, Lê Quang Khải (cùng 19 tuổi) và Nguyễn Tuấn Cảnh (28 tuổi) là khoảng 158 tỷ đồng.
Với hành vi trên, 4 thanh niên vừa bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Riêng Nguyễn Chí Công (24 tuổi, người rủ các thanh niên đi làm thuê) đang bị truy bắt.
Theo điều tra, khoảng đầu tháng 7, Công đã rủ họ làm thuê ở Campuchia, mức lương hứa hẹn là 25 triệu đồng một tháng. Người này yêu cầu trước khi đi nhóm thanh niên phải mở nhiều tài khoản ngân hàng để phục vụ công việc là chuyển tiền.
Sau khi mở được khoảng 50 tài khoản, nhóm này được Công đưa vào TP HCM rồi vượt biên sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Đến nơi, cả 4 người được đưa đến tòa nhà ở khu "Tam Thái Tử" và gặp một người nước ngoài để nhận việc. Theo yêu cầu, nhóm này phải cung cấp số điện thoại nhận mã OTP, mật khẩu và số tài khoản ngân hàng để kết nối vào hệ thống quản lý.
Theo lời khai của Trường, tại nơi làm việc có khoảng 30 người Việt Nam. Họ được cung cấp máy vi tính, điện thoại, tai nghe, thiết bị màu đen có ăng ten, để giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện lừa đảo. Sau khi những người này lừa đảo thành công, tiền sẽ chuyển vào tài khoản của nhóm Trường.
Nhiệm vụ của Trường và ba đồng phạm là khi có tiền chuyển vào sẽ quét khuôn mặt xác thực sinh trắc học để chuyển tiền vào tài khoản của "ông chủ". Từ đó chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Trong thời gian làm việc, nhóm Trường đã thực hiện hàng nghìn lượt xác thực sinh trắc học từ 50 tài khoản ngân hàng khác nhau, giúp sức cho ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Campuchia. Trong khoảng 15 ngày, tổng số tiền luân chuyển qua các tài khoản của 4 bị can vào khoảng 158 tỷ đồng.
Công an quận Nam Từ Liêm xác định có ít nhất 3 vụ việc giả danh công an gọi điện lừa đảo, sau đó chuyển tiền vào số tài khoản do Trường, Hải, Quang, Cảnh nắm giữ.
Đó là ngày 15/8, một kẻ giả danh Công an thành phố Đà Nẵng thông báo với người phụ nữ ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, liên quan việc gửi hàng cấm ra nước ngoài. Chúng sau đó chiếm đoạn của chị này 340 triệu đồng và tiền được chuyển đến số tài khoản của Cảnh.
Hai ngày sau, tội phạm giả danh cán bộ Công an tỉnh Hải Dương hướng dẫn người phụ nữ trên địa bàn định danh ôtô qua dịch vụ công. Nạn nhân sau đó đã chuyển 470 triệu đồng đến tài khoản của Hải và bị chiếm đoạt.
Cùng ngày, một người khác giả là cán bộ Công an xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đề nghị người phụ nữ ở xã Xuân Quan đưa hai con gái đến công an huyện làm căn cước công dân. Chúng sau đó chiếm đoạt 99 triệu đồng của chị này, và tiền được chuyển đến tài khoản của Khải.
Sau khi làm việc khoảng một tháng, các tài khoản ngân hàng bị công an phong tỏa hết nên 4 thanh niên trên được trả lương để về nước. Họ lần lượt bị bắt giữ sau đó.