Thứ ba, 7/2/2023, 14:58 (GMT+7)

Hơn 20.000 người xem lễ hội chọi trâu

Vĩnh PhúcHàng chục nghìn người đứng kín sân vận động Hải Lựu xem những con trâu chọi nhau trong lễ hội lâu đời nhất cả nước, ngày 7/2.

Ngày 7/2, hàng chục nghìn người từ khắp nơi đã đến xem vòng chung kết lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Chọi trâu Hải Lựu là lễ hội có lịch sử lâu đời nhất cả nước, có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên.

Lễ hội năm nay được tổ chức trở lại sau 3 năm dừng vì Covid-19. Sân vận động Hải Lựu với sức chứa khoảng 20.000 người trở nên quá tải. Công an Vĩnh Phúc đã huy động hơn 300 chiến sĩ đảm bảo an ninh, trật tự trong suốt hai ngày diễn ra lễ hội, 16-17 tháng Giêng.

Chủ dắt trâu vào trong sới chọi khi xung quanh đã được đảm bảo an toàn. Lúc này, cửa Tây sân vận động đóng lại còn cửa Đông mở để trâu thoát hiểm. Cửa Bắc của sân vận động có đắp đất thành khán đài. Cửa Tây của sân xây một vọng đài tâm linh thờ Thành hoàng làng và để tế lễ trước khi vào hội. Người xem đứng vòng quanh sân.

Nuôi trâu chọi cũng là "bí kíp" của mỗi chủ. Hàng năm, tháng 7-8 các làng sẽ cử người lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu..., thậm chí sang các nước lân cận để tìm mua những trâu khỏe, đẹp về nuôi dưỡng chờ đến ngày chọi.

Năm nay có 20 con trâu đại diện cho các tổ dân cư tại địa phương, chia thành 10 cặp đấu. Con nào thắng thì được vào tiếp vòng trong cho đến trận chung kết. Trâu tham gia lễ hội lần nay có độ tuổi 11-12, mỗi con nặng khoảng 500 kg.

Mỗi con trâu đều được đánh số theo tên đội tham dự. Một đòn móc ngược từ dưới lên của trâu số 5 làm đối thủ bị nâng lên khỏi mặt đất.

Chọi trâu là một nét văn hóa truyền thống ở Bắc Bộ, ngoài Vĩnh Phúc còn có chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Các trâu chọi ở lễ hội thường do các cá nhân hoặc chính quyền mua về chăm sóc, nhưng ở Hải Lựu trâu được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là xóm, làng, phường, hội hoặc họ tộc).

Theo quy định, trâu tham gia chọi không kể tuổi nhưng phải là trâu cày, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng kép, chân to, có vòng ngực hơn 2 m trở lên, ngoại hình đẹp...

Mỗi trận đấu sẽ có 7 trọng tài, gồm một trọng tài chính, một trọng tài biên và các trọng tài đảm bảo an toàn. Khi trọng tài biên giương cờ và Ban tổ chức ra hiệu lệnh đảm bảo an toàn, trọng tài chính sẽ phất cờ ra hiệu mở cửa chuồng để trận đấu được bắt đầu.

Chiến thắng thuộc về con nào có những pha đánh hiểm và sức chịu đòn tốt hơn.

Sới chọi trâu được rào theo hình bầu dục khoảng 300 m2, đảm bảo an toàn cho người xem.

Cú "hổ lao" với tốc độ nhanh đã làm cho đối thủ bay lên trên không. Trận chung kết diễn ra căng thẳng, chiến thắng đã thuộc về trâu số 8.

Khán giả reo hò khi con trâu của thôn mình chiến thắng.

Người dân gọi trâu chọi với tên tôn kính là "ông Cầu". "Cầu là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an", một người dân nói.

Để ngăn con thắng không đuổi theo con thua cuộc, chủ trâu phải dùng cờ lễ hội bịt mắt để trâu dừng lại rồi mới đưa ra khỏi sân đấu.

Niềm vui của chủ con trâu số 8 giành chức vô địch.

Kết thúc lễ hội, các "ông Cầu" đều được giết thịt để bán cho du khách và dân làng liên hoan, ăn để lấy may mắn, cầu mong năm mới có sức khỏe.

Giang Huy