Thứ hai, 30/1/2023, 15:45 (GMT+7)

Nông dân trổ tài đua ngựa

Phú Yên32 kỵ sĩ là những nông dân đến từ các xã ở huyện Tuy An tranh tài trong lễ hội đua ngựa ở địa đạo Gò Thì Thùng, sáng mùng 9 Tết.

đua ngựa
 
 

Nhiều nài bị ngựa hất văng xuống đất trong cuộc thi. Video: Bùi Toàn

Từ sáng sớm, 32 con ngựa được nông dân đem đến điểm tập kết, chờ chuẩn bị ra sân thi đấu ở địa đạo Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An. Đây là hội đua ngựa truyền thống diễn ra hàng năm ở địa phương.

Tuy vậy, ba năm qua lễ hội phải dừng do Covid-19. Ông Võ Văn Chính, xã An Xuân, huyện Tuy An, năm nay mang ngựa ra thi đấu, nài ngựa là người cháu. "Mọi năm tôi luyện tập rất bài bản, nhưng năm nay tôi chỉ tẩm bổ một ít thức ăn cho ngựa rồi thi đấu. Vui là chính chứ không quan trọng thắng thua", ông Chính nói.

Mỗi con ngựa được đánh số thứ tự bên hông. Tất cả "chiến mã" đều là ngựa thồ, đến từ 4 xã của huyện Tuy An, người điều khiển thường là chủ ngựa.

Cuộc thi mở màn lúc 9h. Nhiều chú ngựa khi ra sân thi đấu lại trở chứng, khó điều khiển, khiến người cưỡi lúng túng. Nài ngựa đội mũ có lớp đệm bao bọc quanh đầu đề phòng chấn thương.

Một số con ngựa không chịu chạy, hất người cưỡi xuống đường đua.

Một số nài ngựa bị tai nạn trong cuộc đua, phải bỏ cuộc.

Mỗi lượt đua gồm 4 ngựa, chạy hai vòng trên Gò Thì Thùng với chu vi khoảng 500 m. Những chú ngựa chạy về nhất sẽ được chọn để thi đấu vòng trong.

Theo nhiều nài ngựa, để ngựa chạy "sung", trước trận đấu họ dùng lúa trộn với cám, chuối, một ít nước suối và muối, sau đó bóp nhuyễn cho ngựa ăn. Phần lớn ngựa tham gia thi đấu tuổi đời 12-15 năm, giống cái.

Chú ngựa số 21 chạy về đích nhưng không có người cưỡi trên lưng, không được ban tổ chức công nhận. Trong giải đua sáng nay, ngựa của xã An Hiệp (huyện Tuy An) giành giải nhất (nhận 5 triệu đồng) và giải nhì (3 triệu đồng).

Hàng nghìn người dân và du khách đổ về địa đạo Gò Thì Thùng theo dõi chặng đua. Một số người dân leo lên cây để live stream sự kiện và xem toàn cảnh trận đấu.

Gò Thì Thùng cao khoảng 400 m so với mực nước biển, cách thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, chừng 15 km về phía tây. Với vị trí cao, bao bọc bởi nhiều cây xanh nên khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Ở trên đỉnh gò có vùng đất rộng bằng phẳng được quân dân địa phương xây địa đạo trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ.

Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia. Đây là một trong ba địa đạo lớn ở nước ta cùng với địa đạo Củ Chi (TP HCM), Vịnh Mốc (Quảng Trị).

Bùi Toàn