Ngoài những thách thức trên chiến trường, Ukraine đang gặp khó khăn trong nỗ lực thuyết phục thế giới ủng hộ tầm nhìn của mình về xung đột với Nga.
Hai tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bay tới Philippines, Arab Saudi, Singapore, Qatar và Italy trong chiến dịch gây áp lực buộc Nga phải hạn chế giao tranh theo điều kiện của mình. Ngày 15/6, ông Zelensky và các lãnh đạo thế giới cùng tụ họp tại khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Thụy Sĩ để tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà Kiev đã dành một năm để dàn xếp.
Nhưng nỗ lực ngoại giao đó, thay vì hàn gắn những rạn nứt trong nền tảng ủng hộ Ukraine, thì lại đang phơi bày chúng. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy tuần qua, lãnh đạo các nền dân chủ lớn đã công bố những gói hỗ trợ tài chính hào phóng và bày tỏ lòng ủng hộ kiên định cho Ukraine, song chúng chưa thực sự đáp ứng được những yêu cầu về đảm bảo an ninh mà ông Zelensky tìm kiếm.
Khi hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ bắt đầu, Tổng thống Zelensky phải đối mặt với đám đông thưa thớt hơn ông mong đợi, với nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã từ chối tham dự sự kiện.
Đảng chính trị lớn nhất của nước chủ nhà cũng phản đối hội nghị. Thậm chí, một số nước tham dự còn thúc ép Ukraine nới lỏng các điều kiện và tìm cách đàm phán trực tiếp với Điện Kremlin.
Do đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu không tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng sang trọng Burgenstock tại thị trấn Burgenstock thuộc vùng núi Alpine, Thụy Sĩ, có thể khiến Nga từ bỏ các mục tiêu chiến sự họ theo đuổi. Một số người lo ngại hội nghị còn có nguy cơ làm suy yếu vị thế của Ukraine, cũng như quân đội nước này, khi họ đang nỗ lực đảo ngược tình thế cam go trên chiến trường.
Trước thềm hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một bước đi mới nhằm tách Ukraine khỏi các quốc gia trung lập. Ông cho biết Moskva sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nếu Kiev đồng ý giữ vị thế trung lập và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Ông đồng thời yêu cầu Ukraine rút lực lượng khỏi 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập, trong đó có một số thành phố lớn hiện do Kiev kiểm soát. Thêm vào đó, phương Tây sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế lên Nga vốn đã đẩy giá lương thực và hàng hóa toàn cầu tăng cao.
"Sau đó, chúng tôi sẽ ngay lập tức, theo đúng nghĩa đen, ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán", ông chủ Điện Kremlin nói trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6. Ông cho hay nếu Kiev và các đồng minh phương Tây từ chối lời đề nghị, "họ sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị và đạo đức khi tình trạng đổ máu tiếp diễn".
Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra một tuần sau khi ông nói rằng Nga đang nỗ lực giành thắng lợi trên chiến trường. Lực lượng Nga đang dần tiến về phía đông Ukraine và tiếp tục củng cố các tuyến phòng thủ.
Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao cho Tổng thống Zelensky, mô tả lời đề nghị từ Tổng thống Putin là "hoàn toàn giả tạo". Ukraine khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào nếu nước này phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị đề cập đến "cuộc chiến" của Nga chống lại Ukraine và kêu gọi các bên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, các điều khoản trong dự thảo nhiều khả năng sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trước khi công bố trong ngày 16/6, khi hội nghị kết thúc.
Theo giới quan sát, danh sách tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ thực sự là một nỗi thất vọng đối với Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự, cũng không cử quan chức đại diện tới sự kiện. Arab Saudi, Brazil và Nam Phi nói họ muốn giúp làm trung gian chấm dứt xung đột, nhưng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman từ chối tham dự.
Tổng thống Biden đã bay qua Thụy Sĩ trên đường từ Italy trở về Mỹ để tham dự sự kiện gây quỹ bầu cử. Phó tổng thống Kamala Harris thay thế ông tới hội nghị.
"Có nguy cơ hội nghị thượng đỉnh này sẽ phản tác dụng đối với Ukraine", Richard Gowan, chuyên gia tại tổ chức phân tích xung đột Crisis Group, nhận xét. "Tôi nghĩ cũng có khả năng một số quốc gia không thuộc phương Tây sẽ làm phức tạp thêm vấn đề khi lập luận rằng Ukraine nên sẵn sàng đàm phán với Nga mà không đi kèm các điều kiện đặt ra trước".
Khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba, làm đảo lộn an ninh châu Âu và gây ra những cú sốc về giá cả hàng hóa cho kinh tế toàn cầu, những nỗ lực khởi động đối thoại giữa Nga và Ukraine đến nay đều vô ích, bất chấp việc một số quốc gia đã cố gắng làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm, song Điện Kremlin bác bỏ. Trong số này có yêu cầu Nga phải rút quân trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với những vùng lãnh thổ hiện do Moskva kiểm soát và truy tố các tội ác chiến tranh.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng trong trường hợp khả quan nhất, hội nghị thượng đỉnh có thể khiến những nước tham dự đồng ý với các điều kiện làm nền tảng hình thành nên các điều khoản hòa bình cuối cùng với Nga. Họ cũng hy vọng gây áp lực quốc tế lên Nga để trao trả những trẻ em Ukraine bị đưa đến nước này và bảo vệ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nơi quân đội Nga hiện kiểm soát.
"Chúng tôi sẽ thảo luận những vấn đề đó và hy vọng có được đồng thuận từ họ", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người đến Thụy Sĩ cùng Phó tổng thống Harris, nói.
Điện Kremlin trong khi đó liên tục lên tiếng phản đối hội nghị.
"Thảo luận các vấn đề liên quan đến Ukraine mà không có Nga tại hội nghị thượng đỉnh này là vô nghĩa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hồi tháng trước.
Tại diễn đàn an ninh Shangri-La gần đây ở Singapore, Tổng thống Zelensky, người từ lâu đã ưu tiên việc thuyết phục Trung Quốc tham gia vào tiến trình hòa bình cho Ukraine, đã cáo buộc Bắc Kinh vận động các nước không đến Thụy Sĩ.
Ông cũng lặp lại cáo buộc từ phương Tây rằng Trung Quốc đang cung cấp cho quân đội Nga những mặt hàng lưỡng dụng mà nước này có thể sử dụng trong giao tranh.
"Thật không may khi một quốc gia lớn, độc lập, hùng mạnh như Trung Quốc lại là công cụ trong tay Tổng thống Putin", ông nói.
Khi Ukraine khởi động tiến trình tổ chức hội nghị hòa bình vào đầu năm ngoái, họ đã thu hút được một số động lực ủng hộ. Ukraine lúc đó đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn sau khi cầm chân Nga hiệu quả trên chiến trường. Hầu hết các quốc gia mà Ukraine muốn hướng đến, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Arab Saudi, đều đã tham dự các cuộc họp trước đó.
Nhưng hy vọng đó đã tắt dần kể từ ngày 7/10 năm ngoái, khi cuộc tấn công của Hamas vào Israel và phản ứng từ Tel Aviv đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến khủng hoảng ở Trung Đông và bớt quan tâm đến chiến sự Ukraine.
Zelensky nói rằng ông sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào cuối năm nay mà Nga có thể tham dự. Nhưng một số nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ cho rằng ngay cả khi Moskva sẵn sàng chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình, kiểu sự kiện công khai, đa phương như hội nghị tại Thụy Sĩ không phải là công thức đúng đắn để tìm kiếm giải pháp cho chiến sự.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)