Những biện pháp nhanh chóng được thực hiện ở miền bắc Italy nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn, vượt ngoài số ca nhiễm và tử vong. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết ngày càng có nhiều người tỏ ra hoảng loạn, lo âu quá đà về dịch bệnh.
Giữa lúc 50.000 người đang bị phong tỏa tại những điểm nóng lây nhiễm và khoảng 10 triệu người khác bị ảnh hưởng từ lệnh đóng cửa trường học, cơ quan chính quyền, các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần cảnh báo đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lưu tâm liên quan tới hành vi xã hội.
Bác sĩ tâm thần Rossella Candela ở Rome lấy việc người dân đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa, càn quét các kệ hàng siêu thị là một ví dụ cho thấy tâm lý hoảng loạn. "Một số người thích ứng được nhưng số khác phản ứng như thể họ đang bị dội bom Thế chiến II", bà nói.
Khẩu trang hiện cháy hàng ở hầu hết các hiệu thuốc tại khu vực phía bắc Italy. Cơn sốt khẩu trang cũng là một phần trong cơn hoảng loạn Covid-19.
Theo Candela, sau làn sóng hoảng loạn đầu tiên, con người sẽ xuất hiện cảm giác lo lắng thường trực ở mức độ thấp, bắt nguồn từ việc họ bị gián đoạn các thói quen thường nhật.
"Tại những ngôi làng nhỏ bé ở Lombardy của chúng tôi, hủy Thánh lễ là điều điên rồ, chưa từng có tiền lệ", Alessandra Braga, nhà tâm thần học tại Brescia, thành phố thuộc vùng Lombardy, nơi dịch bệnh đang hoành hành, cho hay.
Việc đóng cửa trường học và văn phòng chính phủ có nghĩa "rất nhiều người sẽ chỉ dành cả ngày ở nhà xem các chương trình truyền hình, nơi ai cũng nói về virus corona. Điều này sẽ làm tăng tâm lý hoang mang, lo lắng", Braga nhận định và thêm rằng bà luôn khuyến khích bệnh nhân "ra ngoài, hít thở không khí trong lành".
Tuy nhiên, Braga lưu ý nỗi sợ Covid-19 giống như "một dịch bệnh cảm xúc và cảnh xúc thì rất khó kiểm soát".
Dù nhà chức trách đã nỗ lực trấn an người dân, việc chiến đấu với nỗi sợ hãi khi bạn đối diện "một thứ gì đó vô định, vô hình như virus" là vô cùng khó khăn, nhà tâm lý học Gabriele Zanardi ở Pavia, phía nam Milan, bình luận.
Theo ông, những người lo lắng nhiều hơn cả lại chính là người dân sống ở bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi họ không có trải nghiệm thực tế. Hệ quả là tâm lý dè chừng, thái độ kỳ thị nảy sinh, đặc biệt đối với những người có liên quan tới Trung Quốc.
Khu phố Tàu của Milan trở nên hoang vắng trong ba ngày qua. Rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã chọn cách đóng cửa hàng, quán ăn để tránh bị tẩy chay.
Tại Turin, sau khi ca tử vong đầu tiên vì nCoV được công bố, một phụ nữ 40 tuổi Trung Quốc đã bị những người lạ tấn công trên đường phố. Họ dành cho bà những lời lẽ như: "Bà mang virus, hãy biến đi không chúng tôi sẽ giết bà".
"Italy đã trở thành một đất nước đáng sợ", Mariella Enoc, giám đốc bệnh viện Bambino Gesu ở Rome, nói với báo La Stampa.
Với các chuyên gia tâm lý, lo lắng lớn nhất hiện nay là tình trạng thông tin sai lệch bị truyền bá rộng rãi. Hôm 25/2, giới chức Italy phải lên tiếng bác bỏ một thông báo giả mạo rằng tất cả trường học của nước này sẽ đóng cửa tới ngày 5/3.
Bên cạnh đó, hàng loạt thuyết âm mưu vô căn cứ cũng liên tục được đưa ra, rằng nCoV có thể tồn tại 6 ngày trên những kiện hàng đến từ Trung Quốc hay dịch bệnh được làm cho bùng phát nhằm hủy hoại nền kinh tế thịnh vượng của Lombardy.
Dù vậy, giữa cơn khủng hoảng, vẫn còn chút hài hước. Braga nhớ tới chuyện một bệnh nhân của bà nói đùa rằng "sau một tuần mắc kẹt trong nhà, nếu lũ trẻ không chết vì nCoV, tôi sẽ tự tay giết chúng".
"Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến cơn khủng hoảng không thể kiểm soát đạt đỉnh trong vài ngày qua", Zanardi nói. "Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Mọi người đang dần thích nghi và điều đặc biệt sẽ trở nên bình thường".
Vũ Hoàng (Theo AFP)