Bộ Quốc phòng Anh ngày 8/11 cho biết quân đội Nga đang sản xuất lượng lớn vật cản xe tăng bằng bê tông, còn gọi là "răng rồng", tại hai nhà máy ở Mariupol để thiết lập tuyến phòng thủ xung quanh thành phố cũng như các khu vực trọng yếu khác họ đang kiểm soát ở Ukraine.
Răng rồng là những khối giống kim tự tháp bằng bê tông, được bố trí liên tiếp nhau trên mặt đất, cản trở đà tiến của xe tăng, thiết giáp. Khi đối mặt phòng tuyến này, xe tăng thường phải tìm đường vòng tránh và có thể sa vào trận địa mai phục của đối phương.
Chướng ngại vật răng rồng được sử dụng lần đầu trong Thế chiến II nhằm làm chậm đà tiến của xe tăng và bộ binh cơ giới. Quân đội Đức lần đầu tiên sử dụng răng rồng để xây dựng phòng tuyến Siegfried, dài hơn 630 km ở miền tây nước này.
Hoạt động xây dựng phòng tuyến với các khối bê tông răng rồng, kết hợp dây thép gai, hào và mìn được các chuyên gia phương Tây nhận định là dấu hiệu mới nhất cho thấy lực lượng Nga tại Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ, đặc biệt ở mặt trận Kherson.
Truyền thông Nga hồi giữa tháng 10 đưa tin các nhà thầu quân sự của tập đoàn an ninh tư nhân Wagner đang thi công phòng tuyến răng rồng ở tỉnh Lugansk. Lực lượng Nga cũng được cho là đang xây dựng phòng tuyến răng rồng tại tỉnh Zaporizhzhia và Kherson. Công trình này được Nga kỳ vọng "có khả năng ngăn chặn bất cứ đợt tiến công chớp nhoáng nào của Ukraine".
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây tỏ ra ngạc nhiên trước nỗ lực xây dựng phòng tuyến răng rồng của lực lượng Nga, cho rằng điều này tốn kém thời gian và nguồn lực, thậm chí phản tác dụng đối với chiến dịch quân sự của họ.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, cho rằng phòng tuyến răng rồng chỉ phát huy hiệu quả khi được kết hợp khéo léo với hệ thống rào cản, dựa vào địa hình phù hợp, đồng thời kết hợp với trận địa pháo để bảo vệ chúng.
Công dụng lớn nhất của phòng tuyến răng rồng là buộc đối phương chuyển hướng và di chuyển vào bãi mìn hoặc trận địa mai phục. Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đang chuẩn bị các trận địa bộ binh lớn dọc theo phòng tuyến này, nơi địa hình khá trống trải và rất khó bố trí đội hình mai phục.
Còn những đoạn chướng ngại vật thấp được rải trên khu vực hạn chế của mặt trận kéo dài hàng trăm km "khó lòng ngăn những đợt tiến công như của các lữ đoàn Ukraine trong 7 tuần qua", các chuyên gia ISW nhận định. Họ cho rằng lực lượng Ukraine có thể dễ dàng đi vòng qua chúng để tấn công mục tiêu.
Nếu vì lý do nào đó lực lượng tiến công cần trực tiếp vượt qua phòng tuyến răng rồng, họ có nhiều lựa chọn để làm điều này. Các chuyên gia phương Tây cho rằng quân đội Ukraine có mức độ cơ giới hóa cao và sở hữu lực lượng công binh chuyên trách xử lý chướng ngại vật, có thể nhanh chóng dọn sạch phòng tuyến kiểu này.
Mick Ryan, tướng Australia về hưu, nay là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định ngoài mục đích quân sự, phòng tuyến răng rồng mà Nga xây dựng có thể phục vụ tính toán về chính trị.
"Xây dựng các phòng tuyến răng rồng thể hiện tầm quan trọng về chính trị của khu vực chúng bao quanh", ông Ryan cho biết. "Chúng cũng có thể có tác dụng trấn an tâm lý cho lực lượng tân binh vừa được triển khai đến Ukraine".
"Câu hỏi lớn hiện nay là liệu những phòng tuyến này được thiết kế và xây dựng chủ yếu cho mục đích quân sự hay phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nga", ông nói.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian, Forbes)