Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM, nói về tiến độ giải ngân đầu tư công tại phiên họp kinh tế, xã hội tháng 5, chiều 31/5.
Theo ông Hải, cuối quý 1, khi có sự thúc đẩy tinh thần làm việc thì tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh. Ví dụ hai hôm 30-31/3 rơi vào cuối tuần nhưng mỗi ngày giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, khi thành phố phát động 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, có ngày giải ngân vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tháng 4 và 5 vừa qua, bình quân mỗi tuần chỉ giải ngân 150-180 tỷ đồng.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước thành phố phân tích khối lượng công trình, công việc vẫn diễn ra, công nhân làm việc cần trả lương, vật tư đổ vào công trình phải hình thành giá trị thanh toán, chuyển cho kho bạc. "Tôi không hiểu sao những tuần qua không có tuần nào giải ngân trên 200 tỷ đồng", ông Hải đặt vấn đề.
Do đó, ông cho rằng các khó khăn về vật liệu, mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân giảm như hai tháng qua. "Thành phố cần có đợt phát động thi đua và kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu để có được mức độ giải ngân cao", ông Hải đề xuất.
Năm nay, đầu tàu kinh tế đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng - cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch, TP HCM đặt mục tiêu quý 1 đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý 2 đạt từ 30% trở lên, quý 3 hơn 70% thì mới đảm bảo quý 4 đạt hơn 95%.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tốc độ giải ngân không được như kỳ vọng. Tính đến 24/5, TP HCM giải ngân khoảng 6.705 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024. Ước đến hết tháng 5 năm 2024, giải ngân ở thành phố là 10.895 tỷ đồng, đạt gần 14%.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, kết quả giải ngân đang rất thấp và đây là điều đáng lo. Tháng 4 và 5, thành phố xác định mỗi tuần giải ngân 3.500-4.000 tỷ đồng, song hiện mỗi tuần chỉ giải ngân khoảng 200 tỷ đồng là "rất thấp so với nhiệm vụ". Trong 7 tháng còn lại thành phố phải giải ngân 70.000 tỷ đồng, tức mỗi tháng phải từ 10.000-20.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các sở ngành nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc của các dự án đang thi công, mới khởi công, công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử chỉ riêng dự án rạch Xuyên Tâm quy mô 5.400 tỷ đồng, bờ bắc Kênh Đôi hơn 2.000 tỷ đồng, Vành đai 2 hơn 8.000 tỷ đồng chiếm vốn lớn nhưng lại ì ạch.
Với các dự án nói trên, ông Mãi yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và UBND các địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường cùng ngồi lại để sớm có phương án đền bù giải phóng mặt bằng bởi đây là phần chiếm vốn lớn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị trong tháng 6, sở ngành và các đơn vị liên quan phải kiểm tra, xử lý các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, thành phố phải xem xét đề nghị của các nhà thầu, nếu phù hợp cần phải đáp ứng để đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ tuyến Metro số 1 cần ngồi lại với nhà thầu Nhật Bản thống nhất triển khai, "đừng tiếc vài trăm tỷ đồng rồi kéo dài".
Chủ tịch TP HCM cũng yêu cầu rà soát lại tất cả hồ sơ khối lượng hoàn thành cần thanh toán, kiểm tra hồ sơ còn tồn đọng ở Sở Tài chính. Bản thân ông sẽ tiếp nhận hai dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc Kênh Đôi để cùng tháo gỡ. "Chúng ta làm để tiền đi vào nền kinh tế, thúc đẩy phát triển. Cán bộ phải biết tự ái để làm, không chờ kiểm tra, đôn đốc phê bình mới làm", ông Mãi nói.
Lê Tuyết