VnExpress Thời sự Thứ bảy, 12/4/2025, 06:00 (GMT+7)

Trong chuyến công tác nghiên cứu thị trường tại Philippines năm 2007, ông Nguyễn Bá Diệp cùng ba người bạn chứng kiến người dân nơi đây thanh toán mọi giao dịch chỉ bằng điện thoại di động. Nhờ đó, lao động thu nhập thấp cũng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính.

"Chúng ta có thể xây dựng một giải pháp tương tự ở Việt Nam", ông Diệp kể lại cuộc thảo luận với ba người bạn lúc đó, đều là kỹ sư phần mềm.

Họ nung nấu ý tưởng về một ứng dụng cho phép gửi tiền qua điện thoại, gọi là "tiền di động". Trở về TP HCM, ông cùng đồng nghiệp dành 6 tháng thực địa tại các khu công nghiệp, dãy trọ công nhân để tìm hiểu nhu cầu thực tế. Giai đoạn đó, công nhân muốn gửi tiền về quê thường phải nhờ xe khách, gửi qua bưu điện hoặc tự mang tiền về - vừa mất thời gian, vừa tiềm ẩn rủi ro. Họ nhận ra, nhóm lao động thu nhập thấp có nhu cầu giao dịch nhỏ, tần suất cao, nhưng lại chưa có giải pháp tài chính nào đáp ứng.

"Năm 2014, ví điện tử MoMo ra đời với mục tiêu: làm thế nào để mọi người chuyển tiền nhanh hơn, rẻ hơn và tiện hơn, chỉ với một chiếc điện thoại di động", ông Diệp nói.

MoMo là đại diện cho thế hệ doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp thành công tại TP HCM sau 20 năm Đổi mới, và trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế. Họ từng bước thay thế vai trò của doanh nghiệp quốc doanh - vốn là trụ cột kinh tế trước năm 1986.

Thị trường sôi động và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhộn nhịp đã giúp TP HCM trở thành "cái nôi" vun đắp cho hàng chục nghìn ý tưởng kinh doanh mỗi năm. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân tại TP HCM chiếm 30% cả nước, rất nhiều trong số đó đang là "đầu tàu" dẫn dắt nền kinh tế quốc gia. TP HCM hiện cũng là nơi khởi nghiệp của 3 trong 4 "kỳ lân" công nghệ Việt Nam gồm VNG, MoMo và Sky Mavis.

Ươm mầm

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nhân trẻ khởi sự kinh doanh, năm 2010, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Business Startup Support Centre – BSSC) trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM ra đời khi cụm từ startup chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam. Đây là trung tâm đầu tiên trên cả nước có quỹ hỗ trợ với mục tiêu giúp người trẻ bắt tay vào kinh doanh. Đến nay, BSSC đã hỗ trợ hơn 17.000 dự án, công ty nhỏ và vừa.

"Nếu xem khởi nghiệp như nấu một món ăn thì TP HCM có đầy đủ nguyên liệu để nấu một món ăn ngon. Bởi khởi nghiệp không chỉ dựa trên ý tưởng mà cần một hệ sinh thái năng động. TP HCM đáp ứng tất cả yêu cầu này", CEO BSSC Nguyễn Thị Diệu Hằng nói.

"Nguyên liệu" ở TP HCM là thị trường lớn và cởi mở với sản phẩm mới, sẵn sàng chấp nhận thử thách hơn so với các tỉnh, thành khác. Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, TP HCM thu hút nhiều nguồn lực tài chính như nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tài chính. Chính sách của thành phố cũng tiên phong hơn nhiều địa phương, đặc biệt trong hỗ trợ doanh nghiệp.

TP HCM là nơi khởi nghiệp của 3 trong 4 "kỳ lân" công nghệ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Thuộc thế hệ đầu của startup Việt, đồng sáng lập MoMo Nguyễn Bá Diệp cũng tin rằng TP HCM là nơi tốt nhất để ươm mầm giấc mơ lớn của họ. Thời điểm ví điện tử MoMo ra đời, tỷ lệ người dùng di động và Internet ở TP HCM thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Nơi đây cũng có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất nước khi chiếm gần 50% số lượng startup và 40% cơ sở ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Quan trọng nhất là các công ty khởi nghiệp như MoMo dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính và mạng lưới nhà đầu tư quốc tế, tăng cơ hội gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư lớn. Bên cạnh đó, TP HCM cũng là địa phương đi đầu trong triển khai phát triển kinh tế số và thanh toán không tiền mặt.

Từ một startup nhỏ chỉ có 4 nhân viên, đến nay, MoMo đã phát triển và trở thành tập đoàn công nghệ với hệ sinh thái số đa dịch vụ - từ thanh toán, tài chính, mua sắm, đầu tư, tiết kiệm đến bảo hiểm và hỗ trợ cộng đồng, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng tại Việt Nam.

Chuyển tiền bằng mã QR. Ảnh: MoMo

"MoMo được như ngày hôm nay một phần nhờ sự cởi mở của môi trường kinh tế TP HCM và những thay đổi tích cực trong chính sách khởi nghiệp", ông Diệp nói.

Tương tự MoMo, nhiều startup, doanh nghiệp cũng được ươm mầm tại TP HCM, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ với các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, ứng dụng kinh tế chia sẻ...

Cụ thể, năm 2010 Tiki ra đời với khởi điểm là trang thương mại điện tử chuyên bán sách. Năm 2012, Foody xuất hiện với dịch vụ đánh giá quán ăn, giao hàng và được Sea Group, công ty mẹ Shopee, chi đến 64 triệu USD để thâu tóm vào năm 2017.

VNG thành lập năm 2004 với mảng game, sau đó mở rộng sang các dịch vụ nội dung số, giải trí trực tuyến. Năm 2012, doanh nghiệp này tung ra ứng dụng liên lạc Zalo và chạm mốc 10 triệu người chỉ trong 2 năm, đánh bật nhiều đối thủ ngoại và trở thành "kỳ lân" công nghệ đầu tiên của Việt Nam vào 2014.

"Những startup khi ấy thuận lợi nhờ cơ sở hạ tầng số phát triển, sự sôi động của một trung tâm kinh tế đa dịch vụ hàng đầu cả nước, và lực lượng dân số trẻ, am hiểu, cởi mở với công nghệ mới", đồng sáng lập MoMo Nguyễn Bá Diệp nói.

Sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2010-2020 đã tạo ra cuộc chuyển mình giúp TP HCM thay đổi động lực tăng trưởng sau 20 năm Đổi mới - từ công nghiệp sang dịch vụ.

"Trong các công ty khởi nghiệp tại TP HCM, lĩnh vực dịch vụ chiếm đa số bởi đây là đặc trưng của đô thị này", CEO BSSC Nguyễn Thị Diệu Hằng nói.

Chuyển mình

"Sau khi được cởi trói khỏi thời kỳ bao cấp tù túng, kinh tế TP HCM như 'con gấu mới ngủ đông dậy', tăng trưởng luôn ở mức hai con số đến năm 2011 do nhu cầu người dân bung ra sau thời gian dài bị kìm nén", GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học UEH, bình luận.

Tuy nhiên sau đó, tổng cầu tự nhiên tới hạn. Tăng trưởng đến từ sự bùng nổ nhu cầu thúc đẩy công nghiệp giai đoạn trước không còn, thành phố buộc phải chuyển động lực tăng trưởng sang lĩnh vực thế mạnh là thương mại - dịch vụ.

Đây cũng là sự chuyển dịch thuận tự nhiên để khai thác lợi thế của TP HCM. Từ chỗ công nghiệp đóng góp 70% vào GRDP trước Đổi mới, khu vực dịch vụ bắt đầu "soán ngôi" từ 1995. Nguyên nhân chủ yếu do ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời một phần hoạt động sản xuất công nghiệp đã dịch chuyển ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... do quỹ đất ở TP HCM hạn hẹp, chi phí cao.

Năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần đầu yêu cầu chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đặt mục tiêu đến năm 2020, dịch vụ chiếm 60% GRDP. Trong đó, định hướng tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ như thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng; dịch vụ cảng, kho bãi, hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, du lịch.

GS Bảo phân tích, so với các tỉnh lân cận, nông nghiệp hay công nghiệp TP HCM không có ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, nền móng cho ngành thương mại - dịch vụ lại được hình thành từ lâu nhờ tập quán giao thương và vận hành kinh tế theo thị trường.

"Tư duy làm kinh tế dịch vụ đã chạy trong huyết quản của người dân TP HCM", ông Bảo nói. Theo ông, nhiều startup lựa chọn TP HCM bởi đây là một vườn ươm khổng lồ cho những ai đang có ý tưởng kinh doanh.

Bên cạnh đó, thành phố có vị trí địa lý kết nối đầy đủ hệ thống đường bộ, cảng biển, đến sân bay - điều kiện thuận lợi để TP HCM phát triển dịch vụ như thương mại, logistic. Đây cũng là hai trong ba ngành dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào GRDP của TP HCM giai đoạn 2011-2016.

Là nhà đầu tư Nhật Bản gắn bó lâu năm với TP HCM, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) Văn phòng TP HCM, chứng kiến rõ nét quá trình này. Ông cho biết ban đầu các khoản đầu tư từ Nhật Bản vào thành phố chủ yếu tập trung vào sản xuất và phát triển hạ tầng nhờ chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, từ năm 2010, vốn Nhật đổ vào các ngành dịch vụ và tiêu dùng ngày càng nhiều.

Người dân TP HCM mua sắm tại trung tâm thương mại quận 1. Ảnh: Nhật Thực

"Người dân TP HCM không còn phải du lịch sang các thành phố Đông Nam Á khác để trải nghiệm các thương hiệu Nhật như siêu thị Aeon, mua quần áo Uniqlo, gia dụng Muji hay đồ nội thất Nitori", ông dẫn chứng. Cuộc khảo sát gần nhất của JETRO cho thấy 100% nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam đều có ý định mở rộng kinh doanh.

Sau thương nghiệp, kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ đóng góp cao thứ hai vào tỷ trọng GRDP của TP HCM giai đoạn 2011-2020. Dù không thuộc nhóm ngành chiến lược của chính quyền thành phố, mức tăng trưởng của kinh doanh bất động sản cho thấy sức hút tự nhiên của thành phố. Ước tính giai đoạn 2015-2018, bất động sản hút đến 1/3 lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào TP HCM, nhiều nhất từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đến Việt Nam làm việc từ năm 2001, Giám đốc Savills Việt Nam Neil MacGregor cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của TP HCM.

"Lần đầu tôi đến đây, các công ty đa quốc gia phải đặt văn phòng trong các biệt thự hay toà nhà nhỏ. Nhưng giờ, có rất nhiều toà cao ốc thành hình", ông nói.

Theo ông, giai đoạn 2010-2020 được xem là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thị trường bất động sản TP HCM. Sự sôi động bao trùm mọi phân khúc, từ bất động sản dân cư, văn phòng thương mại, bán lẻ cho đến công nghiệp. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng.

Dữ liệu từ Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (Council on Tall Buildings and Urban Habitat) cho thấy năm 2010, TP HCM chỉ có Tháp tài chính Bitexco cao trên 150 m. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên thành 21. Trong 100 toà nhà cao nhất Việt Nam, có đến 59 cái tên từ TP HCM.

Sự bùng nổ của khu vực dịch vụ sau năm 2010 giúp TP HCM chuyển dần sang nền kinh tế hậu công nghiệp.

Ba thập niên từ 1995 đến 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP HCM tăng 35,37 lần. Đến 2024, tỷ trọng hoạt động này chiếm gần 19% cả nước. Dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính của TP HCM nhiều năm gần đây, chiếm 65,5% GRDP và đóng góp 68,8% vào mức tăng GRDP năm ngoái.

"Những thành phố dẫn đầu không nên chờ đợi trở thành một thành phố công nghiệp mà nên hướng đến dịch vụ. Không nên tiếc nuối những ngành công nghiệp gia công", bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói và cho rằng TP HCM nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và từng bước từ bỏ các ngành thâm dụng lao động.

Thích ứng

Sự dịch chuyển sang dịch vụ quá nhanh của TP HCM thời gian qua cũng bộc lộ những điểm yếu. Theo GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, lượng lớn lao động trong ngành dịch vụ mang tính thời vụ, thiếu gắn bó lâu dài khiến cho sự dịch chuyển chưa bền vững.

"Lĩnh vực dịch vụ rất dễ để tham gia nên cũng dễ rút lui. Các lao động có thể rời bỏ ngành sau khi được đào tạo, khiến doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tìm nhân sự và đào tạo lại từ đầu", ông Bảo lý giải.

Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh đến từ các thành phố dịch vụ trong khu vực như Singapore hay Bangkok cũng tạo nên áp lực cho TP HCM. Đây sẽ là bài toán cần giải khi thành phố cần một nguồn ngân sách lớn để đáp ứng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian cho tiềm năng của địa phương.

"Áp lực của TP HCM hiện nay là lấy tiền đâu để duy trì vận tốc của đầu tàu", GS Bảo nói về chỉ số tăng trưởng kinh tế ngày càng đi xuống của thành phố. Là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất nước, sự chậm lại của TP HCM sẽ để lại hậu quả rất lớn cho cả nước.

TP HCM chuyển mình từ đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ. Ảnh: Thành Nguyễn

Dù bối cảnh cạnh tranh nhiều thách thức, GS Bảo cho rằng tinh thần doanh nhân đã ăn sâu vào nếp văn hoá của người Sài Gòn từ hàng trăm năm nay sẽ giúp doanh nghiệp TP HCM thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng chứng là 50 năm qua, kinh tế thành phố đã vượt qua ít nhất ba "cú sốc" gồm: cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và đại dịch Covid-19.

Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, thị trường chứng khoán chạm đáy, giảm từ gần 1.200 xuống còn 315 điểm. Dòng vốn đầu tư vào TP HCM đứng lại. Nhiều dự án bất động sản, toà nhà cao ốc đang xây dựng dở dang "vỡ nợ". Việt Nam chịu "cú đấm kép" từ bên ngoài do nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, và bên trong do bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ. TP HCM là đầu tàu kinh tế nên gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tuy nhiên, ngay sau đó, TP HCM đã vực dậy, phục hồi rất nhanh bằng dịch vụ, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, thương mại, logistics.

"Thế giới ngày càng trở nên bất ổn với hàng loạt biến động về kinh tế, địa chính trị... Tính năng động và khả năng chống chịu, hay có thể nói là sức đề kháng của nền kinh tế và khả năng thích ứng của doanh nhân TP HCM sẽ là điểm mạnh của thành phố trong bối cảnh hiện nay", ông nói.

Viễn Thông - Đăng Nguyên