Nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Hệ thống Y tế VA Saint Louis thực hiện, công bố trên tạp chí Nature Communications, ngày 9/3. Đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy, nôn mửa, đầy bụng là những triệu chứng phổ biến được báo cáo. Những người từng nhiễm nCov, dù ở mức độ nhẹ nhất, cũng có khả năng gặp các vấn đề về dạ dày cao hơn hẳn so với những người không bị nhiễm.
Các nhà khoa học đã so sánh hồ sơ y tế của 154.000 người từng nhiễm nCoV trong hệ thống Quản lý Y tế Cựu chiến binh với khoảng 5,4 triệu người ở độ tuổi tương tự không mắc bệnh. Họ phát hiện bệnh nhân Covid có khả năng gặp các vấn đề đường tiêu hóa lâu dài (mà họ không mắc phải trước khi nhiễm bệnh) cao hơn 36%. Hơn 9.600 tình nguyện viên gặp các vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ruột, tụy hoặc gan.
Chẩn đoán phổ biến nhất, được xác định ở 2.600 bệnh nhân là tăng axit, trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Ziyad Al-Aly, giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống Y tế VA Saint Louis, cho biết các rối loạn về điều tiết dẫn đến sự mất cân bằng trong sản sinh axit của cơ thể.
Tương tự, các chuyên gia khác chỉ ra lý do nhiễm nCoV có thể gây ra các vấn đề đường tiêu hóa lâu dài. Tiến sĩ Saurabh Mehandru, giáo sư khoa tiêu hóa tại Đại học Y khoa Icahn, New York, cho biết các nhà khoa học đã phát hiện một loại protein trên bề mặt tế bào, được gọi là thụ thể ACE2, có nhiều trong niêm mạc ruột non. Các thụ thể đó tạo ra con đường để virus xâm nhập trực tiếp vào hệ thống tiêu hóa.
Ngoài ra, tình trạng viêm mạn tính liên quan đến Covid-19 có thể gây các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa trong thời gian dài. Một số mảnh virus lưu lại trong hệ miễn dịch của bệnh nhân sau khi kết thúc giai đoạn nhiễm bệnh cấp tính, khiến hệ miễn dịch tiếp tục hoạt động và kích hoạt triệu chứng viêm.
Khả năng khác là não bị căng thẳng dẫn đến những vấn đề về đường ruột.