Ghazi Hamad, người phát ngôn của Hamas, ngày 8/10 trả lời phỏng vấn với BBC rằng Iran đã "hỗ trợ trực tiếp" cho tổ chức vũ trang Palestine này mở đợt tấn công lớn chưa từng thấy từ Dải Gaza vào Israel một ngày trước.
Vài tiếng sau khi Hamas phát động chiến dịch, Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei, đã gửi lời chúc mừng Hamas. Ông nhấn mạnh Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ các chiến binh Palestine "cho đến khi Palestine và Jerusalem được giải phóng".
Tuy nhiên, chính phủ Iran chưa xác nhận hỗ trợ trực tiếp cho Hamas tiến hành đợt tấn công. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay Hamas "chắc chắn được Iran và các nước khác hỗ trợ tài chính, trang bị và vũ khí", nhưng hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định Tehran "liên quan trực tiếp" tới đợt tấn công vào Israel.
Sau khi Isreal tuyên bố tình trạng chiến tranh và mở chiến dịch trả đũa, Hamas kêu gọi toàn bộ người dân Palestine cầm súng chiến đấu, đồng thời đề nghị các tổ chức Hồi giáo và quốc gia Arab trong khu vực ủng hộ.
Tổ chức vũ trang Hezbollah ở Lebanon đã đáp lại lời hiệu triệu khi bắn đạn cối vào ba cứ điểm trong vùng Shebaa đang do quân đội Israel kiểm soát vào ngày 8/10. Hezbollah, tổ chức do Iran hậu thuẫn tại Lebanon, tuyên bố vụ tập kích nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.
Hezbollah tuyên bố đã liên lạc trực tiếp với lãnh đạo các nhóm kháng chiến Palestine, đánh giá trận đánh hôm 7/10 là "phản ứng quyết đoán" chống lại Israel và gửi thông điệp cảnh cáo tới những quốc gia Arab đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.
Quân đội Israel đã pháo kích vào miền nam Lebanon để đáp trả vụ tấn công bằng đạn cối. Israel cũng sử dụng máy bay không người lái để vô hiệu hóa một cứ điểm của Hezbollah trong vùng Shebaa.
Israel kiểm soát vùng Shebaa, rộng khoảng 39 km2, từ năm 1967 sau xung đột với các nước Arab. Cả hai nước Syria và Lebanon đều tuyên bố khu vực Shebaa thuộc về Lebanon.
Động thái của Hezbollah và Iran làm gia tăng lo ngại xung đột Israel - Hamas lan rộng thành khủng hoảng khu vực. Thủ lĩnh Hamas tuyên bố 7/10 chỉ là "ngày đầu tiên trong trận đánh lớn" của phong trào vũ trang chống Israel.
Họ nói cuộc chiến này nhằm chấm dứt "chế độ chiếm đóng" của Israel trên đất Palestine và chính sách đàn áp vũ lực mà Israel thực thi đối với người Palestine, cũng như tại các địa điểm thiêng liêng với người Hồi giáo tại Jerusalem.
Trong khi Nga và các nước Arab kêu gọi ngừng bắn, nhiều nước lên án hành động "tấn công khủng bố" của Hamas và khẳng định Israel có quyền phản ứng tự vệ.
Giới chức Israel ghi nhận hơn 300 dân thường và nhân viên an ninh thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và hàng trăm người bị bắt cóc sang Dải Gaza, trong đó phần lớn là dân thường và cả sĩ quan cấp cao của quân đội.
Hamas ngày 8/10 tuyên bố các đơn vị xung kích của nhóm vẫn còn bám trụ trong nhiều khu dân cư của Israel và giao chiến với đối phương, trong đó có các thị trấn Ofakim, Sderot, Yad Mordechai, Kfar Azza, Be'eri, Yatid và Kissufim tiếp giáp Dải Gaza.
Chính phủ Israel đã áp đặt tình trạng an ninh đặc biệt trên toàn quốc và đang lên kế hoạch sơ tán dân thường sống gần ranh giới với Dải Gaza. Quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt hàng trăm tay súng xâm nhập và bắt vài chục tù binh, khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch đến khi đạt mục tiêu "hủy diệt" Hamas.
Thanh Danh (Theo Reuters, BBC)