Trong hơn ba thập kỷ lăn lộn trên chính trường Israel, ông Benjamin Netanyahu đã trải qua nhiều thăng trầm và được gọi bằng nhiều biệt danh, giống như số lần chiến thắng bầu cử của ông.
Ông được gọi là "The Magician" (Pháp sư) vì khả năng giành được chiến thắng ngay cả khi đã nắm chắc phần thua, hay "King Bibi" (Vua Bibi) vì ở trên đỉnh chính trường Israel lâu hơn bất kỳ ai. Một biệt danh khác mà ông Netanyahu rất thích là "Mr Security" (Ngài An ninh), bởi ông đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình với những cam kết về đảm bảo an ninh quốc gia cho Israel.
Tuy nhiên, chiến dịch đột kích bất ngờ của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza vào Israel ngày 7/10 có thể phá tan hình ảnh mà Thủ tướng Netanyahu đã nỗ lực gây dựng ba thập kỷ qua.
Hiện chưa rõ hơn 1.000 chiến binh Hamas làm thế nào để tiến hành cuộc tấn công ồ ạt, bất ngờ và khiến người Do Thái thiệt mạng trong một ngày nhiều nhất kể từ sau thảm họa diệt chủng Holocaust hồi Thế chiến II.
Dù Israel không xa lạ với những cuộc tấn công của Hamas, cuộc đột kích ngày 7/10 là điều chưa từng thấy. Quân đội Israel hoàn toàn mất cảnh giác và không thể bảo vệ biên giới cũng như người dân của mình, dù quốc gia này nhiều thập kỷ được xem là cường quốc công nghệ đáng tự hào, với lực lượng vũ trang ấn tượng cùng cơ quan tình báo hàng đầu thế giới.
Hiện tại, các đối thủ của ông Netanyahu chưa kêu gọi Thủ tướng Israel từ chức, bởi cả đất nước đang dồn lực cho chiến dịch đáp trả Hamas. "Bây giờ không phải lúc bàn luận ai là người có lỗi hay lý do chúng tôi bị bất ngờ", cựu thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng đối lập Yair Lapid nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ tới lúc người Israel phải nói về vấn đề đó. Amit Segal, nhà bình luận chính trị trên Kênh 12 của Israel, thậm chí cho rằng sẽ là bất ngờ nếu ông Netanyahu bảo vệ được nhiệm kỳ Thủ tướng qua cuộc xung đột này.
"Lịch sử Israel đã dạy chúng tôi rằng mỗi bất ngờ và khủng hoảng đều dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ. Đó là câu chuyện của thủ tướng Golda Meir năm 1973 sau Chiến tranh Yom Kippur, thủ tướng Menachem Begin trong chiến tranh Lebanon năm 1982 và thủ tướng Ehud Olmert trong chiến tranh Lebanon thứ hai năm 2006. Đồng hồ đang điểm", Segal nói.
Lần gần nhất tình báo Israel thất bại ở mức độ này và ghi nhận nhiều thương vong là gần 50 năm trước, khi Ai Cập và Syria tấn công Israel trong chiến tranh Yom Kippur.
Tuy nhiên, Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, nói rằng đó là cuộc chiến phần nào "tuân theo quy tắc thông thường". "Chúng tôi đã đàm phán hòa bình với tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vài năm sau đó, với sự ủng hộ của quốc hội Israel. Nhưng lần này là một trận chiến hoàn toàn khác và chúng tôi sẽ không đàm phán hòa bình với Hamas", Plesner nói.
Nhưng Israel vẫn phải tiến hành một số cuộc đàm phán với Hamas, có thể thông qua sự trung gian của Ai Cập, để giải quyết khủng hoảng con tin. Hơn 100 người, gồm cả dân thường và binh sĩ, đang bị Hamas bắt làm con tin ở Gaza.
Sau 10 tháng đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối nỗ lực cải cách tư pháp gây tranh cãi, ông Netanyahu giờ phải đối mặt với một rủi ro chính trị mới, ngay cả khi ông đã thành lập nội các thời chiến trong nỗ lực "xóa sổ" Hamas.
Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Đối thoại Israel công bố ngày 12/10 cho thấy 86% người được hỏi tin rằng cuộc tấn công của Hamas là một thất bại của lãnh đạo quốc gia. 79% trong số đó là những người ủng hộ chính phủ liên minh của ông Netanyahu.
94% cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu sẵn sàng trong ứng phó Hamas và 56% nói rằng Thủ tướng Netanyahu nên từ chức sau khi xung đột chấm dứt.
Giới quan sát cho rằng điều an ủi ít ỏi mà Hamas mang lại cho ông là sự đoàn kết của Israel với thời điểm khó khăn này. "Sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu sẽ là điều cuối cùng người Israel quan tâm bây giờ", Pleser, người cũng phục vụ trong lực lượng dự bị của Israel, nói.
Nhiều chuyên gia lưu ý rằng Thủ tướng Netanyahu từng đối mặt với rất nhiều thách thức trước đây, song ông vẫn trở lại vô cùng mạnh mẽ để đánh bại các đối thủ. Tuy nhiên, họ cho rằng tình thế hiện tại tương đối khác, khi ông bị kéo vào cuộc chiến không mong muốn.
Cuộc đột kích của Hamas được cho đã lên kế hoạch trong khoảng thời gian 12-18 tháng, với các cuộc diễn tập, huấn luyện được tổ chức ở thao trường sát biên giới Israel, song tình báo nước này đã không phát hiện ra. Quan điểm của Israel rằng Hamas đang theo con đường phát triển kinh tế, giảm bớt đối đầu với Tel Aviv được chứng minh là sai lầm, theo Segal.
Liệu ông Netanyahu và quân đội Israel có thể "hủy diệt" được Hamas hay không sẽ có câu trả lời trong thời gian tới.
"Tôi tin ông Netanyahu đã quyết định sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công toàn diện vào Dải Gaza và trong hoàn cảnh này, bất kỳ lãnh đạo Israel nào cũng đều làm như vậy", William A. Galston, nhà phân tích của WSJ, nhận định.
Thiếu tướng về hưu Noam Tibon, chuyên gia chống khủng bố ở Israel, ngày 9/10 nói rằng nước này phải tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào Dải Gaza, bởi Hamas phải trả giá và Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài giành "chiến thắng quyết định".
Nhưng đây có thể là chiến dịch cuối cùng của Thủ tướng Netanyahu. "Sẽ có những chính trị gia phải trả giá cho những sai lầm đó. Cả đất nước sẽ cùng soi xét lại sự kiện này và 'Ngài An ninh' sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn", H.A. Hellyer, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định.
Trong suốt sự nghiệp, ông Netanyahu đã thể hiện mình là lãnh đạo có khả năng đảm bảo an ninh tốt nhất cho Israel. Song những gì mới xảy ra đã làm suy yếu hình ảnh này.
"Sự nghiệp chính trị của ông ấy nhiều khả năng sẽ kết thúc ngay sau cuộc chiến, tạo tiền đề cho những thay đổi sâu sắc trong chính trị Israel", Hellyer nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, WSJ)