Chiến dịch đột kích quy mô lớn của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel hồi cuối tuần trước đã khiến không ít người đặt ra câu hỏi vì sao một lực lượng được cho là không chính quy và hoạt động trong khu vực bị Israel và Ai Cập phong tỏa lại có thể tấn công một quốc gia nổi tiếng với vũ khí cũng như năng lực tình báo vượt trội.
Theo giới quan sát, đằng sau những cuộc tấn công dai dẳng của Hamas vào Israel, vốn xảy ra từ năm 2007, là một năng lực tài chính dồi dào đến từ nhiều nguồn như tiền tài trợ, viện trợ nhân đạo hay tiền thuế đối với hàng hóa vào Gaza.
Iran cung cấp tới 100 triệu USD hàng năm để hỗ trợ các nhóm chiến binh Palestine, chủ yếu là Hamas, theo báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2020.
Năm 2019, một mạng lưới truyền hình Israel đưa tin Iran đã đồng ý tăng mạnh các khoản thanh toán hàng tháng cho Hamas để đổi lấy thông tin tình báo về khả năng tên lửa của Tel Aviv.
Theo đó, trong một cuộc gặp ở Tehran giữa các quan chức Hamas và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, Iran được cho là đã bày tỏ sẵn sàng tăng khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng cho Hamas lên mức chưa từng có là 30 triệu USD mỗi tháng.
Năm ngoái, quan chức cấp cao Hamas Ismail Haniyeh thừa nhận họ và Iran đang hợp tác toàn diện nhằm "đối đầu kẻ thù chung là Israel". Ismail cho biết Tehran đã chi khoảng 70 triệu USD chỉ dành riêng cho việc chống lại Tel Aviv, trong đó có việc phát triển kho tên lửa và cơ sở hạ tầng phòng thủ tại Gaza.
Nhiều lãnh đạo Cộng hòa Mỹ cũng bày tỏ hoài nghi rằng thỏa thuận trao đổi tù nhân Mỹ - Iran, theo đó Mỹ đồng ý giải ngân 6 tỷ USD cho Iran hồi tháng 9, đã góp phần tài trợ cho cuộc tấn công mới nhất của Hamas vào Israel. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Iran "vẫn chưa thể chi một đồng nào" trong số 6 tỷ USD trên vì quỹ chưa được gỡ bỏ trạng thái đóng băng.
Iran được coi là nhà tài trợ lớn nhất của Hamas nhưng các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar cũng từng đón những thủ lĩnh hàng đầu Hamas tới thăm. Tuy nhiên, cả hai đều phủ nhận việc tài trợ cho các hoạt động quân sự của Hamas.
Theo một điều tra của hãng truyền thông Đức DW vào năm 2021, Qatar đã chuyển 1,8 tỷ USD cho Hamas. Trên lý thuyết, những khoản hỗ trợ được nhiều quốc gia chi nhằm mục đích trả lương cho các quan chức ở Dải Gaza, phục vụ công tác phát triển và viện trợ nhân đạo. Nhưng vì Hamas không minh bạch về các khoản chi, rất khó theo dõi số tiền đi về đâu.
Bên cạnh tiền tài trợ từ một số chính phủ, một lượng tiền đáng kể khác đổ về Hamas từ những tổ chức từ thiện Hồi giáo, chủ yếu ở các nước Vùng Vịnh. Mục đích sử dụng cuối cùng của số tiền này cũng không rõ ràng.
Cơ quan an ninh nội bộ Shin Bet của Israel từng bắt một nhân viên người Palestine làm việc cho chương trình nhân đạo do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ điều hành vì nghi ngờ chuyển tiền cho Hamas vào năm 2017. Năm 2020, Mỹ phát hiện một ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Istanbul tham gia vào mạng lưới chuyển tiền tài trợ Hamas.
Vì Cairo áp lệnh phong tỏa Gaza, Hamas đã kiếm tiền bằng cách đánh thuế hàng hóa từ Ai Cập đi qua một mạng lưới đường hầm phức tạp vào khu vực do họ cai quản. Theo báo cáo từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), trụ sở tại Mỹ, mạng lưới này đã đưa các mặt hàng chủ lực như thực phẩm, thuốc men và khí đốt giá rẻ phục vụ sản xuất điện vào Gaza, cũng như vật liệu xây dựng, tiền mặt và vũ khí.
Báo cáo còn cho biết sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi lên nắm quyền vào năm 2013, Cairo trở nên thù địch với Hamas, lực lượng được coi là có mối liên hệ chặt chẽ với đối thủ chính trong nước của họ, tổ chức Anh em Hồi giáo.
Quân đội Ai Cập đã đóng cửa hầu hết các đường hầm xâm phạm lãnh thổ của họ khi tiến hành chiến dịch đàn áp một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên bán đảo Sinai. Ai Cập chỉ bắt đầu cho phép một số hàng hóa thương mại vào Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah vào năm 2018.
Theo CFR, tính đến năm 2021, Hamas được cho là đã thu tới 12 triệu USD mỗi tháng từ thuế đối với hàng hóa của Ai Cập nhập khẩu vào Gaza.
Báo cáo năm 2021 của trang tin Al-Monitor trích dẫn một nguồn thạo tin cho hay các mặt hàng mang lại lợi ích về thuế cao nhất cho Hamas là nhiên liệu, thuốc lá, mật, gas nấu ăn và vật liệu xây dựng.
Khoảng 4 triệu bao thuốc lá được đưa từ Ai Cập vào Gaza hàng tháng và Hamas áp đặt mức thuế khoảng 1,54 USD mỗi bao, đồng nghĩa 6,2 triệu USD sẽ được chuyển vào kho bạc của Hamas mỗi tháng chỉ riêng đối với mặt hàng này.
Bên cạnh đó, khoảng 9 triệu lít nhiên liệu mỗi tháng cũng được chuyển vào Dải Gaza và Hamas áp thuế 0,46 USD cho mỗi lít. Như vậy, kho bạc của Hamas hàng tháng nhận 4,16 triệu USD từ nguồn này.
Gaza có dân số khoảng 2,3 triệu người. Kể từ khi bị Ai Cập và Israel phong tỏa, nền kinh tế của khu vực phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nước ngoài. Có quan điểm cho rằng trong nhiều năm, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giảm bớt kiểm soát đối với lưu lượng tiền bạc và người qua biên giới nhằm ngăn Hamas bắt tay với Fatah, lực lượng Palestine khác ở khu vực Bờ Tây.
Hamas đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel trong cuộc tấn công hôm 7/10 và vẫn tiếp tục tấn công trong những ngày qua. Họ đã tích trữ được một kho rocket lớn với tầm bắn ngày càng tăng trong những năm qua.
Tình báo Israel đã ước tính rằng Hamas, phong trào Jihad Hồi giáo cùng các nhóm chiến binh Palestine khác sở hữu khoảng 30.000 rocket và đạn súng cối tại Gaza. Những rocket này thiếu hệ thống dẫn đường, nhưng các tay súng Hamas có khả năng cải thiện độ chính xác của chúng.
Hamas được cho là còn có thể tự chế tạo rocket nhờ nhập lậu các bộ phận, tận dụng những đường ống nước thu thập từ các khu định cư bỏ hoang của Israel hay lọc linh kiện từ những quả bom chưa phát nổ mà Tel Aviv thả xuống khu vực.
Vì Hamas điều hành ở Gaza nên họ có thể che giấu các hoạt động như sản xuất vũ khí trong các tòa nhà dân sự, nơi Israel không muốn ném bom. Đây là rào cản đối với khả năng giám sát của Israel.
Việc Hamas tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội và mạng lưới phúc lợi ở Gaza cũng được coi là một phần trong kế hoạch nhằm che giấu và tài trợ các hoạt động quân sự của mình.
Hamas cũng chi một số tiền đáng kể cho gia đình các tay súng đã chết hay bị Israel cầm tù. Theo ước tính, nhóm có 20.000-25.000 thành viên, trong đó hàng nghìn tay súng được huấn luyện bài bản trong Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của Hamas.
Vũ Hoàng (Theo Economic Times)