Khi xe tăng Israel tiến vào miền nam Gaza hôm 3/12, giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công trên bộ nhằm vào vùng đất do Hamas kiểm soát được mở ra, kéo theo một loạt thách thức mới đối với quân đội nước này. Hamas dường như cũng bắt đầu thực hiện những chiến lược quân sự mới nhằm đối phó Tel Aviv.
Theo một báo cáo công bố ngày 3/12 từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, Mỹ, sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, Hamas có thể đã nâng cấp vũ khí và điều chỉnh chiến thuật "dựa trên những bài học rút ra trong tháng giao tranh vừa qua ở Dải Gaza".
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc Hamas tăng cường sử dụng đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) có khả năng xuyên giáp, ngay cả khi bắn từ khoảng cách rất xa. Theo ISW, loại vũ khí này chỉ được sử dụng hai lần vào tháng 10 và tháng 11, nhưng đã được triển khai ít nhất 5 lần kể từ hôm 1/12.
Alexandre Vautravers, chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Đại học Geneva, Thụy Sĩ, cho biết, trong ba loại EFP được sử dụng hiện nay, loại phổ biến nhất là đạn nổ phát tán các mảnh thép theo mọi hướng trong bán kính 10-40 m.
Báo cáo của ISW không nêu rõ loại EFP đang được Hamas sử dụng, nhưng cho thấy nhiều khả năng chúng là loại thường được sử dụng làm mìn chống tăng có thể "xuyên thủng giáp hoặc công sự rất dày".
Theo Omri Brinner, chuyên gia về địa chính trị Trung Đông thuộc Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona, Italy, các loại vũ khí cũ hơn không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ Trophy của Israel được phát triển vào cuối những năm 2000 nhằm đánh chặn đạn trước khi chúng bắn trúng xe bọc thép. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng lớp lá chắn này "không được lắp đặt trên mọi mẫu xe tăng".
Nhưng những EFP hiện đại, như những loại mà Hamas được cho là đã sử dụng, có thể "phóng ở tốc độ siêu thanh, khiến chúng có khả năng xuyên giáp mà không bị Trophy hoặc các hệ thống tương tự chặn lại", Vautravers giải thích.
Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Hamas sở hữu được loại vũ khí tiên tiến như vậy. Theo ISW, EFP mà Hamas sử dụng được chế tạo ngay tại Dải Gaza.
Cùng với đạn chống tăng, báo cáo của ISW còn đề cập tới một video do Hamas công bố vào ngày 2/12 cho thấy các tay súng phóng máy bay không người lái (UAV) tự sát tấn công lực lượng Israel ở phía bắc Dải Gaza.
Điều này đánh dấu một bước tiến khác trong khả năng kỹ thuật quân sự của nhóm. "Hamas đã phát triển UAV trong nhiều thập kỷ và từng sử dụng chúng, nhưng chưa bao giờ hiệu quả và chủ yếu cho mục đích huấn luyện", Veronika Poniscjakova, chuyên gia về xung đột Israel - Palestine tại Đại học Portsmouth, Anh, nói.
Trong tương lai gần, Hamas có thể sử dụng chiến lược tương tự như cách Israel đã áp dụng trong các cuộc không kích ở miền bắc và miền nam Gaza, triển khai UAV tự sát tấn công lực lượng Israel trước khi đối đầu trực tiếp, ông dự đoán.
Cùng với việc cải tiến vũ khí, Hamas cũng có vẻ sẽ triển khai một kế hoạch hành động mới chống lại Israel ở miền nam Gaza.
"Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Gaza đã chuyển từ tiến hành chiến dịch cầm chân sang phòng thủ chủ động", ISW viết trong báo cáo.
Theo đó, những hoạt động ở miền bắc chủ yếu nhằm làm chậm tốc độ tấn công của Israel "để các thủ lĩnh Hamas có thời gian di chuyển cũng như đưa trang thiết bị quân sự đến miền nam".
Giờ đây, khi chiến trường đã chuyển sang phía nam, "thay đổi trong chiến thuật cho thấy rằng Hamas muốn dồn sức phòng thủ trước chiến dịch trên bộ của Israel", ISW cho hay.
Một cách tiếp cận mang tính đối đầu trực diện hơn dường như là điều cần thiết đối với Hamas. Khi giao tranh diễn ra ở phía bắc, Hamas có thể chuyển hoạt động về phía nam, nhưng hiện tại họ "không còn nơi nào để đi nữa", Poniscjakova nói.
Brinner cũng nhận định Hamas sẽ hành động táo bạo hơn ở miền nam so với miền bắc Gaza. Theo ông, đây là nơi Hamas đặt kho vũ khí và đạn dược chính, đồng thời nhóm cũng nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, đặc biệt tại thành phố Khan Younis, quê hương của hai thủ lĩnh Yahya Sinwar và Mohammed Deif.
"Ở miền bắc Dải Gaza, chúng ta thấy Hamas hoạt động giống một lực lượng du kích hơn. Họ tránh các trận đánh lớn, lẩn trốn, nổi lên tấn công rồi lại lẩn trốn", Ahron Bregman, chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Đông từ Đại học Hoàng gia London, nhận xét. "Tuy nhiên, chiến thuật này có thể thay đổi khi Israel tiến tới miền nam. Ở đó, Hamas được hỗ trợ mạnh mẽ nên họ có thể phản kháng quyết liệt hơn. Nhóm có thể quay trở lại với cơ cấu tổ chức truyền thống được chia thành các tiểu đoàn, lữ đoàn".
Mặt khác, Israel cũng ít quen thuộc với miền nam Dải Gaza hơn miền bắc và họ đang chịu áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế số dân thường thiệt mạng ở Gaza, Bregman nói thêm. "Vì miền nam hiện đông đúc hơn nên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể sẽ phải hạn chế hỏa lực nhằm tránh gây thương vong quá lớn cho dân thường".
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý còn quá sớm để nói những thay đổi được quan sát trong vài ngày qua là khởi đầu cho một chiến lược quân sự tiên tiến hơn của Hamas.
"Có những dấu hiệu, nhưng chúng ta chưa thể khẳng định liệu Hamas sẽ có những chiến thuật phức tạp hơn hay không", Brenner nói.
Theo Poniscjakova, có rất ít bằng chứng để đo lường mức độ thành công của các cuộc tấn công bằng UAV tự sát gần đây do Hamas tiến hành.
Nhưng gần hai tháng sau khi giao tranh bùng phát ở Gaza, các cuộc đụng độ được cho là sẽ gia tăng. "Giao tranh khốc liệt đang ở phía trước. Các cuộc đối đầu sẽ căng thẳng hơn và Israel sẽ khó tiến công hơn", Brinner nhận định.
Poniscjakova tin rằng chiến lược tốt nhất mà Hamas có thể vận dụng là kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt. "Thời gian là bạn của Hamas. Xung đột càng kéo dài thì thương vong dân sự càng nhiều, điều này có lợi với họ bởi nó sẽ làm xấu đi hình ảnh của Israel", bà cho hay.
Mục tiêu của Hamas cũng khác biệt rõ rệt so với Israel. "Hamas không cần phải giành được những chiến thắng lớn trước Israel", Bregman nói. "Tất cả những gì họ phải làm là vẫn giữ được chỗ đứng khi cuộc chiến kết thúc. Chiến thắng với Hamas chỉ đơn giản là có thể tuyên bố 'Chúng tôi vẫn ở đây'".
Vũ Hoàng (Theo AFP)