Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 ra lệnh phát động chiến dịch quân sự nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Nga khởi đầu chiến dịch bằng màn tập kích tên lửa dữ dội vào nhiều thành phố Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev, sau đó lực lượng Nga bắt đầu vượt biên giới, tiến vào Chernihiv, Kharkov and Lugansk ở miền đông, đồng thời đổ lực lượng từ hướng biển lên Mariupol ở đông nam.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lập tức thiết quân luật, ban hành lệnh tổng động viên, kêu gọi người dân "sẵn sàng bảo vệ đất nước". Mỹ và phương Tây chỉ trích Nga phát động chiến dịch "vô cớ và phi lý".
Mỹ cấm thêm 5 ngân hàng Nga tham gia hệ thống tài chính, đồng thời đóng băng tài sản của 4 trong 5 ngân hàng này, trừ Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Hội đồng châu Âu tổ chức phiên họp khẩn cấp để "lên án chiến dịch quân sự của Nga".
Các lực lượng Nga từ Belarus ngày 25/2 hướng về thủ đô Kiev, trong khi 50.000 người Ukraine di tản ra nước ngoài để tránh chiến sự. Liên minh châu Âu (EU) đóng băng tài sản của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Nga phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu nước này rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine.
Ngày 26/2, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko ban hành lệnh giới nghiêm khi lực lượng Nga tiến gần thành phố. Tổng thống Zelensky từ chối đề nghị di tản của Mỹ, đồng thời bác thông tin cho rằng ông đã trốn khỏi Kiev với đoạn video quay cùng các nghị sĩ trên đường phố của thủ đô Ukraine.
EU thông báo sẽ thực hiện các biện pháp ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng khoản dự trữ khoảng 630 tỷ USD để phục vụ chiến dịch quân sự và giảm tác động của các lệnh cấm vận.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 27/2 thông báo EU sẽ cấm máy bay Nga vào không phận, đồng thời cấm các hãng truyền thông Nga như Russia Today (RT) và Sputnik phát sóng trên truyền hình hoặc mạng Internet. EU cũng thông báo sẽ cấm một số ngân hàng Nga tham gia mạng lưới giao dịch liên ngân hàng SWIFT.
Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục áp sát thủ đô Kiev cùng hai thành phố Kharkov và Kherson của Ukraine. Giới chức Mỹ cho rằng lực lượng Nga vấp phải kháng cự quyết liệt từ quân đội Ukraine, khiến họ tiến quân chậm lại.
Tổng thống Ukraine ngày 28/2 ký đơn xin gia nhập EU. Cùng ngày, phái đoàn Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Belarus, song không đạt được thỏa thuận nào sau 5 giờ hội đàm và đồng ý tiếp tục đàm phán.
Ukraine cáo buộc Nga pháo kích các khu dân cư, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Đại diện Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ phủ nhận quân đội nước này nhắm vào dân thường, khẳng định họ chỉ tấn công mục tiêu quân sự.
Đại hội đồng LHQ bắt đầu cuộc họp khẩn cấp đầu tiên sau nhiều thập kỷ để thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên để ngỏ khả năng ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Một đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga ngày 1/3 tập kết ở ngoại ô Kiev. Áp lực gia tăng đối với thành phố Kharkov ở phía đông bắc Ukraine, Maruipol ở phía đông nam và Kherson ở phía nam.
Một tên lửa của Nga bắn trúng tòa thị chính Kharkov, phá hủy mái và một phần tòa nhà. Tháp truyền hình tại thủ đô Kiev trúng tên lửa, khiến 5 người thiệt mạng và các kênh truyền hình Ukraine bị gián đoạn phát sóng.
Trong thông điệp liên bang đầu tiên của mình, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ đóng không phận với máy bay Nga và cảnh báo ông Putin có thể phải trả giá vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Zelensky kêu gọi các nước phương Tây xem xét áp đặt vùng cấm bay với máy bay Nga. Mỹ bác đề nghị này và cho biết động thái trên có thể khiến họ rơi vào xung đột trực tiếp với Nga.
Ngày 2/3, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nghị quyết được 141/193 thành viên LHQ ủng hộ.
Trong ngày này, Nga kiểm soát thành phố lớn đầu tiên của Ukraine là Kherson sau gần một tuần mở chiến dịch quân sự. Kherson nằm ở vị trí chiến lược tại cửa sông Dneiper, giành quyền kiểm soát thành phố này được cho là thắng lợi lớn của lực lượng Nga.
Sau vòng đàm phán thứ hai, diễn ra ngày 3/3, Ukraine và Nga đồng ý mở hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. LHQ cho biết hơn một triệu người đã rời khỏi Ukraine để tránh chiến sự. Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế thông báo mở cuộc điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine từ năm 2013.
Các lực lượng Nga tiếp tục bao vây thành phố Mariupol ở đông nam Ukraine, trong khi tập kích một số thành phố khác. Bộ Quốc phòng Anh nhận định đoàn xe quân sự Nga cách trung tâm Kiev khoảng 30 km và bị ùn lại do quân đội Ukraine kháng cự và gặp các vấn đề về hậu cần.
Ngày 4/3, quốc hội Nga thông qua dự luật hình sự hóa hành vi cố ý truyền bá tin giả liên quan đến hoạt động của quân đội nước này, với án tù lên tới 15 năm. Nhiều hãng truyền thông phương Tây, trong đó có CNN và CBC, quyết định dừng hoạt động ở Nga sau động thái này.
Lực lượng Nga cùng ngày kiểm soát Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine ở thành phố Enerhodar. Một đám cháy bùng phát trong quá trình giao tranh ở nhà máy, gây ra lo ngại về thảm họa hạt nhân, song ngọn lửa được dập tắt sau đó.
Ngày 5/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngừng bắn ở hai thành phố Mariupol ở phía đông nam và Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, để mở hành lang sơ tán dân thường theo kết quả của cuộc đàm phán hôm 3/3.
Tuy nhiên, kế hoạch không thành công khi Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau trong quá trình bảo đảm hành lang an toàn, khiến người dân không thể sơ tán. Nga sau đó tuyên bố tiếp tục chiến dịch tiến công quy mô lớn, siết chặt vòng vây quanh Mariupol.
Tổng thống Zelensky kêu gọi quốc hội Mỹ cho phép các nước Đông Âu chuyển tiêm kích cho Ukraine, trong khi ông Putin cảnh báo các nước phương Tây không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.
Mỹ kêu gọi công dân rời khỏi Nga ngay lập tức, đồng thời khuyến cáo họ không đến nước này. Aeroflot, hãng hàng không lớn nhất của Nga, thông báo sẽ ngừng toàn bộ chuyến bay quốc tế, trừ Belarus, do lo ngại máy bay thuê từ nước ngoài có thể bị bắt theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga ngày 6/3 tăng cường pháo kích thành phố Kharkov, Mykolaiv và Mariupol cùng ngoại ô thủ đô Kiev. Nỗ lực sơ tán khoảng 200.000 dân thường khỏi Mariupol phải dừng lại vì giao tranh.
Ông Putin nói rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ không chấm dứt cho đến khi chính quyền Kiev ngừng hoạt động quân sự và thực hiện những yêu cầu do Moskva đưa ra.
Tổng thống Zelensky cho biết sân bay dân dụng ở Vinnytsia, miền trung Ukraine, bị tên lửa Nga phá hủy, tiếp tục kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay tại Ukraine để ngăn Nga tập kích đường không, nhưng không được đáp ứng.
Ukraine cáo buộc các đợt pháo kích của Nga ngày 7/3 ngăn dân thường sơ tán khỏi Kiev, Mariupol, Sumy, Kharkov, Volnovakha và Mykolaiv. Trong khi đó, Nga đề nghị ngừng bắn tạm thời để mở hành lang cho phép dân thường Ukraine di tản tới nước này hoặc Belarus.
Phái đoàn Ukraine thông báo vòng đàm phán thứ ba với Nga đạt được một số tiến bộ về hành lang nhân đạo, song không đạt được giải pháp về các vấn đề rộng lớn hơn. Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về lệnh ngừng bắn.
Ngày 8/3, dân thường di tản khỏi Sumy sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện ở thành phố phía đông bắc Ukraine. Tuy nhiên, hành lang nhân đạo tại Mariupol vẫn chưa được mở khi dân cư tại đây đã chờ nhiều ngày để di tản khỏi thành phố. LHQ thông báo khoảng hai triệu người đã di tản từ Ukraine tới các nước khác.
Tổng thống Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Ủy ban châu Âu cho biết sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga từ cuối năm nay.
Ba Lan đề xuất chuyển toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-29 của mình tới căn cứ của NATO ở Đức để Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bác bỏ đề xuất này, cho rằng nó không cần thiết và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga.
Nỗ lực mở hành lang sơ tán cho dân thường tại các thành phố Ukraine bị bao vây đạt được rất ít tiến triển ngày 9/3, do giao tranh vẫn nổ ra, bất chấp lệnh ngừng bắn được hai bên đồng ý.
Một bệnh viện phụ sản tại Mariupol trúng bom khiến ít nhất 17 người bị thương, trong đó có một số sản phụ. Ukraine chỉ trích vụ không kích của Nga, đồng thời lặp lại lời kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay. Vài giờ trước khi bệnh viện tại Mariupol bị tập kích, Nga cáo buộc Ukraine thiết lập vị trí chiến đấu tại cơ sở này.
Sau hai tuần Nga tiến hành chiến dịch, Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 2,2 triệu người đã rời khỏi Ukraine, trong đó hơn một nửa hiện ở Ba Lan. Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ghi nhận 1.335 thương vong dân sự ở Ukraine, gồm 474 người thiệt mạng và 861 người bị thương, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.
Ukraine nói rằng 11.000 quân Nga đã thiệt mạng. Nga trước đó xác nhận khoảng 500 binh sĩ nước này tử trận. Không bên nào đưa ra con số thương vong của lực lượng Ukraine.
Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine hôm 7/3 cho biết Ukraine chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. "Phần lớn cấu trúc bị hư hỏng có thể được sửa chữa trong một năm, những cấu trúc khó nhất có thể mất hai năm".
Giao tranh giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 15 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi một số đơn vị xe tăng Nga đã áp sát thủ đô Kiev, làm dấy lên lo ngại về một chiến dịch bao vây thành phố. Ngoại trưởng Nga và Ukraine hôm nay gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là một cơ hội hiếm hoi để hai bên có thể tìm thấy điểm chung và đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Nguyễn Tiến (Theo Al Jazeera)