Wall Street Journal hôm 22/6 dẫn lời quan chức cấp cao hải quân Mỹ giấu tên cho biết lực lượng này bắt đầu theo dõi tàu lặn Titan gần như ngay sau khi con tàu mất liên lạc hôm 18/6.
Theo quan chức này, một hệ thống phát hiện âm thanh dưới nước bí mật của hải quân Mỹ, vốn được dùng để phát hiện tàu ngầm của kẻ thù, "đã nghe thấy tiếng động cho thấy một vụ ép nát hoặc vỡ nổ xảy ra gần khu vực tàu lặn Titan mất tích".
Họ đã thông báo phát hiện này cho lực lượng tuần duyên, bên dẫn đầu cuộc tìm kiếm tàu Titan. Hải quân Mỹ khi đó chưa thể khẳng định âm thanh họ nghe được là tàu Titan bị ép nát. Họ không công khai thông tin này trên truyền thông để đảm bảo chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, tức là đặt mục tiêu tìm được người sống sót, vẫn diễn ra. Tuy nhiên, phát hiện của hải quân đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm con tàu trước khi tìm thấy mảnh vỡ hôm 22/6.
"Có vẻ như tàu Titan đã bị ép nát vào ngày 18/6, trên đường xuống bãi xác tàu Titanic, ngay sau khi mất liên lạc ở độ sâu khoảng 2.700 m", một nguồn tin hải quân Mỹ cho biết.
Hải quân Mỹ không nêu cụ thể tên hệ thống giúp phát hiện sớm dấu hiệu tàu Titan bị ép nát vì lý do an ninh quốc gia. Mỹ đã phát triển hệ thống âm thanh của riêng mình sau Thế chiến II để phát hiện tàu ngầm của đối phương hoạt động ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ thường làm nhiệm vụ đối phó với các mối đe dọa nước ngoài bằng khả năng quân sự. Tuần duyên Mỹ thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và xử lý các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến an ninh của đất nước.
Tuần duyên Mỹ hôm 22/6 thông báo họ phát hiện mảnh vỡ cho thấy tàu lặn Titan đã bị "ép nát thảm khốc", khiến 5 người trên khoang thiệt mạng. Nhóm tìm kiếm tàu Titan sẽ sớm rời hiện trường sau chiến dịch đa quốc gia kéo dài 4 ngày, song các thiết bị tự hành tiếp tục thu thập bằng chứng dưới đáy biển. Hiện không rõ liệu có thể trục vớt các thi thể nạn nhân hay không.
Ngọc Ánh (Theo WSJ)