Yêu cầu của Israel về quyền kiểm soát lâu dài đối với hai hành lang chiến lược ở Dải Gaza đang đe dọa phá vỡ nỗ lực đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua giữa họ với Hamas.
Cuộc đàm phán này được coi là "cơ hội cuối cùng" để các bên ngăn chiến sự lan rộng ở Trung Đông. Tuy nhiên, các nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa Israel và Hamas của các nhà hòa giải tới nay vẫn chưa đủ để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và giao tranh vẫn diễn ra ở Dải Gaza. Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở yêu cầu của Israel về duy trì hiện diện quân sự ở Gaza sau khi ngừng bắn.
Các quan chức tham gia đàm phán cho biết Israel muốn tiếp tục kiểm soát hai khu vực quan trọng ở Gaza, gồm "hành lang Philadelphi", dải đất hẹp nằm dọc biên giới Gaza - Ai Cập, cũng như "hành lang Netzarim" chạy cắt ngang miền trung Gaza.
Nếu Israel triển khai quân dọc hai hành lang này sau khi ngừng bắn, họ về thực tế sẽ cắt Dải Gaza làm đôi, ngăn người dân dải đất di chuyển tự do từ miền nam lên miền bắc và ngược lại, cũng như khóa chặt mọi mối liên hệ với bên ngoài qua ngả Ai Cập.
Không rõ liệu yêu cầu Israel kiểm soát hai hành lang này có nằm trong đề xuất do Mỹ hậu thuẫn mà Ngoại trưởng Antony Blinken đã kêu gọi Hamas chấp thuận để khơi thông đàm phán ngừng bắn hay không. Ngoại trưởng Blinken cho biết Israel đã nhất trí với đề xuất mà không nêu cụ thể nội dung của nó.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay việc kiểm soát hành lang Philadelphi dọc biên giới với Ai Cập là cần thiết để ngăn chặn Hamas bổ sung vũ khí thông qua hệ thống đường hầm bí mật.
Ông cũng nói rằng Israel cần một "cơ chế" để ngăn chặn các tay súng quay trở lại miền bắc Dải Gaza, nơi phần lớn đã bị cô lập từ tháng 10 năm ngoái. Điều này đòi hỏi quân đội Israel duy trì hiện diện dọc hành lang Netzarim.
Hamas không đồng tình với yêu cầu trên, vốn chỉ được công khai trong những tuần gần đây. Những dự thảo thỏa thuận ngừng bắn trước đây đều không có điều khoản nào về việc Israel duy trì quyền kiểm soát hai hành lang chiến lược trên, AP.
Hamas bảo lưu quan điểm bất kỳ sự hiện diện lâu dài nào của Israel tại Gaza đều tương đương với hành vi chiếm đóng quân sự. Ai Cập, quốc gia đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng qua, cũng kiên quyết phản đối việc quân đội Israel hiện diện ở phía kia biên giới, trên lãnh thổ Dải Gaza.
Hành lang Philadelphi là dải đất hẹp chạy dọc theo chiều dài 14 km bên phía Dải Gaza giáp biên giới với Ai Cập. Nó chứa cửa khẩu Rafah, nơi từng là cửa ngõ duy nhất của Gaza ra thế giới bên ngoài không phải do Israel kiểm soát. Israel hồi tháng 5 không kích và kiểm soát hoàn toàn cửa khẩu này.
Israel cáo buộc Hamas sử dụng một mạng lưới đường hầm rộng lớn bên dưới hành lang Philadelphi để vận chuyển lậu vũ khí, giúp họ xây dựng lại sức mạnh quân sự. Quân đội Israel cho biết đã phát hiện và phá hủy hàng chục đường hầm kể từ khi kiểm soát hành lang Philadelphi cách đây ba tháng.
Ai Cập bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định họ đã phá hủy hàng trăm đường hầm ở phía biên giới của mình cách đây nhiều năm và thiết lập vùng đệm quân sự riêng nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu.
Trong khi đó, hành lang Netzarim dài khoảng 6 km chạy từ biên giới Israel đến bờ biển Địa Trung Hải ngay phía nam Gaza City, chia cắt khu vực đô thị lớn nhất lãnh thổ này và phần còn lại của miền bắc với miền nam.
Trong thỏa thuận ngừng bắn, Hamas yêu cầu hàng trăm nghìn người Palestine đã sơ tán khỏi miền bắc để tránh chiến sự được phép trở về nhà. Israel đồng ý nhưng muốn đảm bảo rằng họ không mang theo vũ khí.
Nếu duy trì hiện diện tại hai hành lang trên, Israel sẽ thiết lập các trạm kiểm soát để kiểm tra dòng người đi qua. Đây từng là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của chế độ quân sự mà Israel áp dụng đối với Bờ Tây và Dải Gaza trước khi họ rút quân hồi năm 2005.
Israel nhấn mạnh các trạm kiểm soát như vậy là cần thiết cho việc đảm bảo an ninh, nhưng người Palestine coi chúng là hành động xâm phạm không thể chấp nhận tới cuộc sống hàng ngày của họ.
Nhiều người Palestine cũng coi chúng là khởi đầu cho một nỗ lực chiếm đóng quân sự lâu dài. Họ lo ngại những khu định cư Do Thái sẽ xuất hiện trở lại trên mảnh đất này. Đây là điều mà các đối tác liên minh cực hữu của Thủ tướng Netanyahu đã công khai kêu gọi thực hiện.
Hamas yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn và cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đặt ra các điều kiện mới về duy trì kiểm soát quân sự nhằm phá hoại các cuộc đàm phán.
Ai Cập cho biết hoạt động của Israel dọc biên giới đe dọa hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt năm 1979 giữa hai nước. Ai Cập từ chối mở cửa khẩu Rafah cho đến khi Israel trả lại quyền kiểm soát Gaza cho người Palestine.
Israel khẳng định họ sẽ không làm vậy, giải thích rằng họ chỉ tuân theo một đề xuất trước đó được Tổng thống Joe Biden chấp thuận trong bài phát biểu ngày 31/5 và được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua trong một nghị quyết ngừng bắn hiếm hoi. Israel cũng cáo buộc Hamas đưa ra những yêu cầu mới mà họ không thể chấp nhận trong dự thảo thỏa thuận hòa bình.
Nhưng cả bài phát biểu của ông Biden lẫn nghị quyết của Hội đồng Bảo an đều không đề cập đến bất kỳ yêu cầu nào từ phía Israel liên quan đến các hành lang và cả hai đều nhắc tới việc Israel cần rút quân hoàn toàn khỏi khu vực. Mỹ cũng tuyên bố họ phản đối mọi hành vi tái chiếm hay thu hẹp lãnh thổ Gaza.
Các dự thảo thỏa thuận ngừng bắn trước đây đều quy định Israel sẽ rút quân khỏi những khu vực đông dân và trung tâm Dải Gaza trong giai đoạn đầu thỏa thuận, để các con tin dễ bị tổn thương nhất được trả tự do và người Palestine phải sơ tán có thể quay trở về miền bắc Gaza.
Trong giai đoạn thứ hai, lực lượng Israel sẽ rút lui hoàn toàn và Hamas sẽ thả tất cả các con tin còn sống, kể cả những nam quân nhân.
Các dự thảo gần đây nhất, trong đó có một bản mà Hamas đã chấp thuận về nguyên tắc hôm 2/7, có nội dung nêu rõ rằng những cư dân Gaza trở về nhà trong giai đoạn đầu tiên không được phép mang theo vũ khí, nhưng không quy định cơ chế để khám xét họ.
Mỹ, Qatar và Ai Cập, những quốc gia đã dành nhiều tháng để cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, vẫn chưa công khai cân nhắc về yêu cầu của Israel liên quan đến yêu cầu kiểm soát hai hành lang chiến lược.
Phái đoàn Israel đã đàm phán với các quan chức Ai Cập tại Cairo hôm 18/8, tập trung vào hành lang Philadelphi nhưng không đạt được đột phá, theo một quan chức Ai Cập giấu tên am hiểu vấn đề.
Nếu đàm phán ngừng bắn thất bại, cuộc xung đột tại Gaza sẽ tiếp tục kéo dài và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo các quan chức y tế khu vực, chiến dịch tấn công của Israel đến nay đã giết chết hơn 40.000 người Palestine, khiến phần lớn trong 2,3 triệu cư dân Gaza phải di dời và phá hủy gần như toàn bộ vùng lãnh thổ nghèo đói này.
Hamas hiện vẫn giữ khoảng 110 con tin bị bắt trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023, vụ tấn công khởi đầu cho cuộc xung đột. Tel Aviv đến nay mới giải cứu được 7 con tin thông qua các hoạt động quân sự. Theo chính quyền Israel, khoảng 1/3 trong 110 con tin đã chết và những người còn lại đang gặp nguy hiểm khi giao tranh tiếp diễn.
Thỏa thuận ngừng bắn cũng mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn, hoặc ít nhất là trì hoãn, cuộc tấn công tiềm tàng của Iran hoặc Hezbollah vào Israel sau vụ hạ sát lãnh đạo chính trị Hamas ở Tehran và một chỉ huy Hezbollah ở Beirut hồi tháng trước.
Israel tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào và Mỹ đã nhanh chóng điều động các phương tiện quân sự đến khu vực, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột thậm chí còn rộng lớn và tàn khốc hơn.
Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters, AFP)