"Chúng ta đã hơn một lần chứng minh rằng nước Nga có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất và sẽ không bao giờ rút lui, bởi vì không có thế lực nào có thể chia rẽ chúng ta", Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh trong thông điệp năm mới gửi người dân nước này.
Ông Putin cũng tuyên bố Nga sẽ "kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, tự do và an ninh cũng như các giá trị của mình". Giới quan sát đánh giá phát biểu của ông Putin cho thấy sự tự tin của Nga trong việc vượt qua sóng trừng phạt chưa từng có từ phương Tây trong bối cảnh chiến sự Ukraine kéo dài.
Sau khi chiến sự bùng nổ hồi tháng 2/2022, các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây đã đẩy Nga vào suy thoái trong nhiều tháng. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu bật dậy sau khó khăn, ít nhất là xét về chỉ số.
Sau khoảng 10 tháng sụt giảm, kinh tế Nga lấy lại đà tăng trưởng vào tháng 8, theo báo cáo từ Trung tâm Phân tích Kinh tế vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn (TsMAKP). GDP Nga tăng 5,5% trong quý III và tăng 3,2% tổng 10 tháng trong năm 2023. Mức tăng trưởng thậm chí mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước chiến sự, với chỉ số GDP năm 2023 cao hơn so với năm 2021 khoảng 1,1 điểm phần trăm.
"Bất kỳ ai đủ sáng suốt cũng hiểu rằng đây là những chỉ dấu tích cực về nền kinh tế Nga", Tổng thống Putin từng tuyên bố tại họp báo cuối năm ngoái.
Nga đang làm tốt hơn cả dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế và Ngân hàng Trung ương tại Moskva, với đánh giá đầu năm dự báo GDP tăng trưởng 2023 sẽ không vượt quá 2%. Giờ đây, tổ chức nghiên cứu và tư vấn Bloomberg Economics đánh giá tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 sẽ vượt 3%, trong khi Tổng thống Putin tự tin con số này sẽ vượt mốc 3,5%.
Alexandra Prokopenko, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á - Âu, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Nga, lưu ý Anh và Đức cũng khó đạt mức tăng trưởng cao như Nga trong năm 2023. Mức tăng trưởng dự báo cho năm 2024 tại Nga đang dao động 1-3%.
"Động lực thúc đẩy tăng trưởng này là nền kinh tế phục vụ chiến sự, trong đó những ngành công nghiệp liên quan quốc phòng đang tăng trưởng với mức hai con số. Mức tăng trưởng này chủ yếu là chi tiêu của chính phủ phục vụ cuộc chiến ở Ukraine", bà đánh giá.
Thâm hụt ngân sách Nga trong năm 2023 được ước tính sẽ khoảng 1% GDP, bằng nửa dự báo ban đầu, dù chi tiêu cho sản xuất quốc phòng tăng vọt trong gần hai năm qua. Tổng thống Putin hồi tháng 11 phê duyệt kế hoạch tài khóa ba năm tới, tăng ngân sách quốc phòng khoảng 30%, cao gấp đôi mức 15% trước chiến sự.
Chi tiêu thường niên cho quốc phòng và an ninh quốc gia tại Nga có khả năng vượt mức 6,2% GDP, thậm chí đạt mức 8% GDP trong năm tới và chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu ngân sách. Theo Prokopenko, đây là tổng chi tiêu cho cả Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh liên bang (FSB), hệ thống nhà giam và cải huấn. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Nga còn được thúc đẩy bởi các dự án tái thiết và phát triển ở bốn vùng mới sáp nhập vào Nga trong chiến sự với Ukraine.
"Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại, chi tiêu quốc phòng đã vượt chi tiêu xã hội. Chi tiêu phục vụ đời sống người dân trong năm tới chỉ chiếm chưa đến 5% GDP", bà phân tích.
Bất chấp dự toán chi tiêu khổng lồ, chính phủ Nga vẫn tự tin giữ mức thâm hụt ngân sách trong tầm kiểm soát nhờ vào sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh và doanh thu ổn định từ ngành dầu khí.
Theo Sergey Aleksashenko, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, dầu mỏ và khí đốt đã trở thành "lá chắn" hiệu quả cho nền kinh tế Nga trước lưới trừng phạt quốc tế. Mô hình kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên từng bị phương Tây đánh giá là "kém phát triển", nhưng giờ đây đang giữ vai trò chìa khóa để Nga duy trì guồng quay kinh tế lẫn cuộc chiến tại Ukraine.
"Quy mô ngân sách của Nga vẫn tăng và khá cân bằng, đó là nhờ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đảm bảo Nga có tiền để đầu tư trong nước", Semeninkhin Roman, CEO tổ chức tài chính Ingosstrakh Investments, đánh giá.
Roman cho rằng các biện pháp trừng phạt gần hai năm qua đã không phát huy hiệu quả như phương Tây mong đợi. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư tại Nga đang ngày một lạc quan về tương lai tài chính đất nước.
Điều trớ trêu là những biện pháp cô lập tài chính từ phương Tây dường như đang mang lại lợi ích cho Nga. Tình trạng tách biệt khỏi hệ thống quốc tế giúp Nga chịu ít tác động hơn từ những cú sốc tài chính bên ngoài lãnh thổ.
Sản xuất tại Nga cũng tăng trưởng khi doanh nhân trong nước lấp khoảng trống mà doanh nghiệp nước ngoài để lại sau làn sóng rút đầu tư khỏi Nga vào năm 2022 để phản đối chiến sự Ukraine.
Các doanh nghiệp thời trang trong nước đã tiếp nhận lại khoảng 85% diện tích mặt bằng mà công ty nước ngoài để lại khi "tháo chạy" khỏi thị trường Nga.
Tuy nhiên, chuyên Alexandra Prokopenko cho rằng giới hoạch định chính sách Nga đang đánh cược đáng kể vào "lá chắn" dầu mỏ và khí đốt. Moskva có thể duy trì được ngân sách lớn cho mua sắm quốc phòng tạo động lực cho sản xuất và cả nền kinh tế chừng nào giá dầu thế giới vẫn được duy trì ở mức cao.
Nga dự báo giá dầu Brent ở mức 85 USD mỗi thùng và giá dầu Urals sẽ rơi vào mức 70 USD mỗi thùng.
Mặt khác, lạm phát đang trở thành rủi ro tiềm tàng đối với bức tranh ổn định tại Nga. Prokopenko cho rằng Nga khó giữ được mức lạm phát ở 4,5% khi tăng chi tiêu ngân sách mạnh mẽ như hiện nay. Nga đang ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp "thấp kỷ lục", nhưng động lực phía sau chỉ số này là thực trạng thiếu hụt lao động.
"Tiền lương tăng vọt ở nhiều lĩnh vực, trong đó có tổ hợp công nghiệp quốc phòng và liên quan chiến sự, đang thúc đẩy lạm phát ở khu vực tiêu dùng", Yaroslav Kabakov, giám đốc chiến lược của hãng đầu tư Finam tại Nga, nhận định. "Nền kinh tế tăng trưởng quá nóng cũng có tác động tiêu cực".
Trong cuộc họp báo thường niên trước Giáng sinh, Tổng thống Putin đã phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi với người dân trên sóng truyền hình sau khi một người hưu trí phàn nàn với ông về giá trứng và thịt gà tăng vọt.
"Những chỉ số hiện nay của Nga vô cùng tươi sáng, nhưng những động lực phía sau lại tiềm ẩn bất ổn. Tổng thống Putin đang cùng lúc đối mặt ba thách thức cho năm 2024: đổ tiền cho cuộc chiến tại Ukraine, duy trì hình ảnh kinh doanh suôn sẻ tại Nga và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô", chuyên gia Prokopenko nhận định.
Thanh Danh (Theo Meduza, Channel NewsAsia, NPR)