UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề án bảo tồn gene cấp thành phố giai đoạn 2021-2025. Dự án này tổ chức khai thác và phát triển bền vững các nguồn gene có giá trị ứng dụng để phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, phục hồi và bảo tồn các nguồn gene trong tình trạng nguy cấp.
Các nguồn gene tập trung bảo tồn bao gồm: Cây trồng (rau ăn, cây ăn quả đặc sản Hà Nội), vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật ứng dụng nông nghiệp, sinh vật quý hiếm trên địa bàn thành phố...
Dự án sẽ thực hiện nghiên cứu điều tra và thu thập bổ sung những nguồn gene mới và nghiên cứu phương pháp lưu trữ gene an toàn. Đồng thời tiến hành đánh giá, tư liệu hóa nguồn gene, áp dụng các quy trình công nghệ và biện pháp kỹ thuật để khai thác nhằm sử dụng bền vững nguồn gene có giá trị khoa học và ứng dụng cao, đóng góp thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gene.
Nhiệm vụ tiến hành đánh giá thực trạng những vùng trên địa bàn Hà Nội tồn tại các nguồn gene quý hiếm, xác định loài nào đã mất, loài nào còn có những cá thể trội để lưu giữ nguồn gene. Các nguồn gene đang bị đe dọa tuyệt chủng, đặc hữu mỗi vùng sẽ được xác định và ưu tiên thu thập. Những kết quả nghiên cứu về nguồn gene này làm cơ sở để triển khai các mô hình sản xuất thử nghiệm về quỹ gene, nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới.
Quy trình bảo tồn và lưu trữ được thực hiện từ việc đánh giá sơ bộ nguồn gene theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng, tư liệu hóa (bằng tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ấn phẩm) đến nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng, bồi dục các nguồn gene cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Một số nguồn gene được đề xuất bảo tồn giai đoạn sắp tới gồm: Trái cây (Phật thủ Đắc Sở, Ổi Đông Dư), cây rau (Rau muống Linh Chiểu, Khoai tây Thường Tín), nguồn gene thủy sản ( Cá Chép tiến vua), nguồn gene di sản (Rùa Hoàn Kiếm), nguồn gene cây dược liệu ( Ba kích, bạc hà, bách hộ)...
Trước đó, TP Hà Nội đã triển khai một số nghiên cứu bảo tồn nguồn gene quý, như bảo tồn, duy trì và phát triển cây húng Láng năm 2013-2014, cây sen Tây Hồ Hà Nội năm 2015, giống quýt Đường Canh năm 2016, chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và phát triển hoa phong lan bản địa. Tuy nhiên các hoạt động này chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, chưa có chương trình bảo tồn tổng thể, khả năng duy trì bền vững nguồn gene còn hạn chế.
Nguyễn Xuân